Thái Lan tìm cách mở cửa nền kinh tế
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 1/9 cho biết lệnh giới nghiêm ban đêm tại các tỉnh thuộc “vùng đỏ sẫm” trong diện kiểm soát nghiêm ngặt và tối đa để phòng, chống COVID-19 ở nước này có thể sẽ được rút ngắn hoặc dỡ bỏ tùy theo tình hình dịch bệnh.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Thủ tướng Prayut, Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) đã nới lỏng một số biện pháp kiểm soát dịch bệnh từ ngày 1/9 và bày tỏ hy vọng người dân sẽ tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Những hạn chế đó có thể sẽ được nới lỏng thêm nếu tình hình được cải thiện.
Trong khi đó, Bộ Y tế Thái Lan đang cân nhắc khả năng cấp thẻ chứng nhận tiêm chủng và đã hồi phục sau COVID-19 khi người dân tái tham gia các hoạt động xã hội.
Bí thư thường trực Bộ Y tế Kiattiphum Wongrajit cho biết đang có nghiên cứu về việc cấp thẻ màu xanh lá cây cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ và thẻ màu vàng cho những người đã khỏi bệnh trong vòng từ 1-3 tháng. Những thẻ này sẽ đặc biệt hữu ích đối với các nhà khai thác và nhân viên trong các doanh nghiệp, nơi họ phải tiếp xúc nhiều với công chúng. Biện pháp này sẽ bổ sung cho việc nới lỏng dần phong tỏa và các hạn chế khác từ ngày 1/9 tại 29 tỉnh có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất, trong đó có thủ đô Bangkok.
Theo Cục phó Cục Kiểm soát Dịch bệnh Sophon Iamsirithavorn, các thẻ phân loại theo màu sắc nói trên đang trong giai đoạn lên ý tưởng và dự kiến sẽ triển khai trong tháng 10 sau chương trình thí điểm bắt đầu vào tháng này.
Nhằm thúc đẩy thương mại xuyên biên giới vốn đã có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong 7 tháng đầu năm nay, Chính phủ Thái Lan mong muốn đẩy nhanh các cuộc đàm phán với các nước láng giềng để mở lại càng nhiều cửa khẩu càng tốt.
Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit cho biết Vụ Ngoại thương đang làm việc với khu vực tư nhân và lãnh đạo các tỉnh biên giới bao gồm Chiang Rai, Loei, Nong Khai, Nakhon Phanom và Mukdahan để tiếp tục đàm phán với các nước láng giềng. Theo ông Jurin, các cơ quan có trách nhiệm và khu vực tư nhân đang thúc đẩy việc mở lại các cửa khẩu Buketa và Tak Bai ở tỉnh Narathiwat giáp với Malaysia. Cửa khẩu Pak Sang ở tỉnh Ubon Ratchathani dự kiến sẽ sớm được mở cửa trở lại sau cuộc họp chung với phía Lào vào ngày 30/7.
Video đang HOT
Đến nay, Thái Lan đã mở 97 cửa khẩu, trong khi 53 cửa khẩu vẫn phải đóng cửa do đại dịch COVID-19.
Số liệu do Bộ Thương mại Thái Lan công bố cho thấy trong 7 tháng đầu năm nay, tổng thương mại xuyên biên giới của nước này, kể cả thương mại quá cảnh, đạt 971 tỷ baht (khoảng 30 tỷ USD), tăng 31% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu từ Thái Lan chiếm 591 tỷ baht, tăng 37,9% và nhập khẩu chiếm 380 tỷ baht, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Thương mại biên giới trong giai đoạn này cũng tăng 18,3%, đạt 513 tỷ baht, trong khi thương mại quá cảnh tăng 48,9%, đạt 458 tỷ baht.
Đối với thương mại biên giới, Lào trở thành đối tác lớn nhất tính theo giá trị. Thương mại hai chiều giữa Thái Lan và Lào đạt 409 tỷ baht (tăng 46%), tiếp theo là Malaysia đạt 345 tỷ baht (tăng 32,8%), Myanmar đạt 115 tỷ baht (tăng 11,2%) và Campuchia là 101 tỷ baht (tăng 3,99%). Thương mại quá cảnh của Thái Lan đã tăng lên đối với tất cả các thị trường, đạt 216 tỷ baht với miền Nam Trung Quốc (tăng 64,9%), 68,5 tỷ baht với Singapore (tăng 37,1%), 41 tỷ baht với Việt Nam (tăng 17,3%) và 132 tỷ baht với các nước khác (tăng 44,5%).
Ngày 1/9 Thái Lan ghi nhận thêm 14.802 ca mắc mới COVID-19 và 252 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới theo ngày tại nước này ở dưới ngưỡng 15.000 ca sau khi đạt đỉnh 23.418 ca hôm 13/8. Kể từ đầu dịch tới nay, Thái Lan đã có tổng cộng 1.219.531 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.040.768 bệnh nhân đã bình phục và 11.841 người không qua khỏi.
Thế giới ghi nhận 211,7 triệu ca mắc, 4,4 triệu ca tử vong do COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 21/8 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 211.778.526 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.432.207 ca tử vong.
Hơn 189.519.921 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn 17.826.398 người đang điều trị.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia ngày 16/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Với sự lây lan của biến thể Delta, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á. Tại Campuchia , kể từ ca nhiễm biến thể Delta đầu tiên được phát hiện tại Campuchia ngày 31/3 vừa qua, đến ngày 19/8, tổng số ca nhiễm biến thể nguy hiểm này tại Campuchia đã tăng mạnh lên 836 ca, trong đó có tới 121 ca ghi nhận chỉ trong hai ngày 18 và 19/8. Bộ Y tế Campuchia cho biết biến thể Delta tiếp tục lây lan trong cộng đồng trên hầu khắp đất nước. Hiện chỉ còn hai tỉnh chưa bị biến thể này tấn công là Kep và Kratie.
Mặc dù số ca mắc COVID-19 tại các tỉnh tiếp tục tăng, cùng với mối đe dọa từ biến thể Delta khi lao động di cư Campuchia ồ ạt trở về nước, nhưng tổng số ca mắc COVID-19 trên cả nước lại ở mức thấp hơn dự kiến. Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận thêm 16 ca tử vong và 493 ca mắc COVID-19, trong đó có 189 ca nhập cảnh. Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 88.735 ca mắc COVID-19, trong đó 84.506 người đã khỏi bệnh và 1.788 người tử vong.
Trong khi đó, Lào tiếp tục ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng ở nước này ở mức 2 chữ số, trong khi số người nhập cảnh mắc COVID-19 tiếp tục tăng cao.
Cụ thể, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 411 ca mắc mới, trong đó có 385 ca nhập cảnh và 26 ca cộng đồng. Trước tình hình trên, người được điều trị khỏi COVID-19 ở nước này cần tiếp tục cách ly tập trung tại trung tâm do nhà nước chỉ định thêm 7 ngày, trước khi được phép trở về nhà theo dõi y tế.
Chính phủ Lào yêu cầu tiếp tục mở rộng trung tâm cách ly cũng như trung tâm điều trị ở một số địa phương có số lượng lớn lao động về nước; đồng thời yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt biện pháp kiểm soát lây nhiễm dịch COVID-19 tại khu cách ly như: cung cấp khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tay và giữ giãn cách. Chính quyền địa phương các cấp chủ động phối hợp cơ quan y tế và tổ chức xã hội tiếp tục tăng cường truy vết người mắc COVID-19 trong cộng đồng để đưa đi điều trị kịp thời. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 12.164 ca, trong đó có 11 người tử vong.
Cùng ngày, Philippines thông báo ghi nhận thêm 16.694 ca mắc mới COVID-19. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1/2020. Hiện quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 1.824.051 ca mắc COVID-19, trong đó có 31.596 ca tử vong. Theo Bộ Y tế Philippines, các biến thể của virus SARS-CoV-2, trong đó có biến thể Delta, là một trong những nguyên nhân dẫn tới làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 hiện nay. Ngoài ra, việc người dân không tuân thủ quy định phòng dịch, truy vết và phát hiện chậm cũng góp phần làm dịch bệnh lây lan.
Trong khi đó, Malaysia có thêm 22.262 ca mắc mới và 223 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lên lần lượt là 1.535.286 và 13.936.
Còn tại Thái Lan, giới chức nước này cho biết đã xuất hiện các tín hiệu cho thấy số ca mắc mới COVID-19 ở nước này đang chững lại, mặc dù vẫn còn cảnh báo rằng cả nước có thể ghi nhận thêm tới 400.000 ca mắc mới. Theo Trợ lý phát ngôn viên Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) Apisamai Srirangson, các chỉ số về tình hình bùng phát dịch bệnh có dấu hiệu tích cực, với đường cong dịch tễ của số lượng các ca nhiễm mới không còn theo chiều thẳng đứng nữa. Tuy nhiên, bà cảnh báo công chúng nên cảnh giác vì những người đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể bị nhiễm bệnh.
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 19/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Thái Lan từ đầu dịch tới nay đã vượt ngưỡng 1 triệu ca hôm 20/8. Số ca mắc mới theo ngày cao nhất được ghi nhận hôm 13/8 với 23.418 ca, trong khi số trường hợp tử vong cao nhất theo ngày được ghi nhận hôm 18/8 với 312 ca. Trong 24 giờ qua, Thái Lan có thêm 20.571 ca nhiễm mới cùng 261 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca nhiễm từ trước tới nay lên 1.030.281 ca, trong đó có 9.087 người không qua khỏi.
Cũng do sự lây lan của biến thể Delta, ngày 21/8, chính quyền thành phố Thượng Hải (Shanghai), Trung Quốc, đã cách ly hàng trăm người để ngăn chặn một đợt bùng phát COVID-19 mới sau khi phát hiện các ca mắc là các nhân viên bốc dỡ hàng ở sân bay. Theo đó, khoảng 120 người có tiếp xúc gần (F1) với 5 nhân viên mắc COVID-19 làm việc tại sân bay quốc tế Phố Đông (Pudong) đã được đưa đi cách ly, cùng với hàng trăm người khác có tiếp xúc với nhóm F1.
Hàn Quốc cũng có thêm 1.880 ca mắc COVID-19, đánh dấu số ca mắc trong ngày giảm xuống dưới mức 2.000 sau 2 ngày liên tiếp vọt lên trên mức này. Giới chức Hàn Quốc sẽ gia hạn các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để ứng phó với làn sóng lây nhiễm mới đang mạnh lên nhanh chóng chủ yếu do sự xuất hiện của biển thể Delta.
Hiện làn sóng dịch bệnh thứ 4 tại Hàn Quốc chưa có dấu hiệu dịu lại dù giới chức đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, trong đó vùng đô thị Seoul áp dụng hạn chế mức cao nhất là cấp độ 4, trong khi hầu hết những vùng còn lại giãn cách ở cấp độ 3 trong nhiều tuần qua. Các biện pháp giãn cách xã hội sẽ được gia hạn đến ngày 5/9 thay vì hết hiệu lực vào ngày 22/8 như dự kiến trước đó.
Cũng trong ngày 21/8, thủ đô Tokyo của Nhật Bản thông báo ghi nhận thêm 5.074 ca mắc mới. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp, số ca mắc mới của Nhật Bản vượt mốc 5.000 ca. Tính trên phạm vi cả nước, số ca mắc mới tại Nhật Bản vượt mốc 25.000 ca ngày thứ 3 liên tiếp.
Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở Sydney, Australia khi lệnh phong tỏa được áp dụng nhằm ngăn sự lây lan của dịch COVID-19 ngày 20/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, Australia thông báo số ca mắc mới ghi nhận trong một ngày cao nhất từ trước đến nay là 894 ca. Đây là lần thứ 2 chỉ trong 3 ngày qua Australia ghi nhận mốc mới về số ca nhiễm theo ngày. Phần lớn các ca mắc mới thông báo ngày 21/8 (825 ca) được ghi nhận tại bang New South Wales (NSW), bang đông dân nhất cả nước. Trong khi đó, bang đông dân thứ 2 là Victoria ghi nhận 61 ca mắc mới. Khoảng 50% dân số Australia hiện vẫn đang thực hiện biện pháp phong tỏa.
New Zealand cũng thông báo ghi nhận 21 ca mắc mới trong cộng đồng, trong đó có 18 ca ở Auckland và 3 ca ở Wellington. Như vậy, cho đến nay tổng số ca mắc liên quan đến ổ dịch ở Auckland là 51 ca.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Tiến sĩ Scott Gottlieb thuộc hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ), kêu gọi những người dân nước này đã được tiêm chủng vẫn phải tiếp tục nâng cao cảnh giác với biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 vì bản chất của biến thể này là rất dễ lây lan.
Theo ông, mục tiêu gốc rễ của vaccine là giảm nguy cơ bệnh nặng và nhập viện vẫn được đảm bảo trước biến thể Delta. Các dữ liệu đến nay vẫn chỉ ra hầu hết những người mắc mới tại Mỹ là những người chưa được tiêm nhưng nguy cơ với người đã tiêm vẫn tồn tại. Trong bối cảnh dịch bệnh đang nóng trở lại tại Mỹ, chuyên gia này kêu gọi những người đã tiêm phòng, đặc biệt là những người đang sinh sống tại những nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao, cần thận trọng vì họ vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh và trở thành trung gian truyền nhiễm trong cộng đồng nếu mất cảnh giác.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới ngày 12/8 Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 12/8 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 205,74 triệu ca mắc COVID-19 và 4,34 triệu ca tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đến nay biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh đã có mặt tại 142 quốc gia, vùng lãnh thổ và khu vực....