Thái Lan: Kết quả bầu cử chính thức dọn đường cho nữ thủ tướng đầu tiên
Chiều qua, Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử hôm 3/7, theo đó, đảng Puea Thai thừa số ghế đứng ra thành lập chính phủ, mở đường cho thủ lĩnh đối lập Yingluck Shinawatra trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan.
Kết quả chính thức: Puea Thai được 265 trong tổng số 500 ghế tại Hạ viện
Kết quả chính thức không khác nhiều so với kết quả sơ bộ được công bố trước đó: đảng Puea Thai được 265 trong tổng số 500 ghế tại Hạ viện, đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva chỉ được 159 ghế. 4 đảng dự kiến sẽ tham gia chính phủ liên minh với Puea Thai được tổng số 34 ghế.
Như vậy, chính phủ liên minh mà bà Yingluck Shinawatra, em gái cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra, lập ra chiếm 299 ghế trong Hạ viện.
Trong 7 ngày kể từ khi loan báo kết quả chính thức, Ủy ban bầu cử Thái Lan vẫn nhận và xem xét các ý kiến phản hồi trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Video đang HOT
Trong 30 ngày kể từ hôm qua, các tân nghị sĩ Thái Lan sẽ phải tiến hành họp bầu Chủ tịch Hạ viện và 30 ngày nữa để bầu thủ tướng mới.
Ngay chiều hôm qua, ban lãnh đạo Puea Thai đã bàn thảo về cơ cấu của chính phủ mới, vạch kế hoạch hành động tiếp theo. Theo tin trước đó, Puea Thai muốn giữ các vị trí bộ trưởng quốc phòng, nội vụ và tư pháp.
Dư luận cho rằng, trong cuộc bầu cử quốc hội lần này, ông Thaksin đã giành chiến thắng từ xa khi em gái của ông nhờ vào uy tín ông mà chiếm được cảm tình của cử tri nông thôn. Báo giới nước ngoài cũng gọi Yingluck Shinawatra là hiện tượng “đáng chú ý”.
Gia đình Shinawatra là một gia đình tư sản Thái Lan gốc Hoa, trú ngụ tại thành phố Chiang Mai thuộc miền nam Thái Lan. Bà Yingluck là con út. Trong chín anh chị em, bà là người có tính kín đáo và hòa nhã nhất. Đặc biệt, tên tuổi bà cũng ít được biết đến nhất nếu tính đến trước thời gian bà tuyên bố ra tranh cử.
Theo truyền thống gia tộc bắt nguồn từ Trung Quốc, mỗi thành viên trong gia đình đều đảm nhận một vị trí nào đó ở công ty của gia đình. Bà Yingluck, sau khi trở về từ Mỹ với tấm bằng Thạc sỹ quản trị công, đã đến làm việc ở Shin Corp. Dần dần, bà đã làm đến vị trí chủ tịch của công ty điện thoại di động lớn nhất nước, công ty AIS. Trong khi đó, anh trai bà là ông Thaksin bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng Thái Lan.
Báo Pháp Le Figaro chú ý đến sức hút riêng của em gái Thaksin, dù nét tính cách của hai anh em có vẻ trái ngược nhau: Trong khi ông Thaksin tỏ vẻ mạnh bạo với những lời lẽ cứng rắn khi nói về phe đối lập, thì bà lại tỏ ra tinh tế, nhẹ nhàng hơn. Bà sẽ giữ vai trò một người “dung hòa” và sẽ có thể tiết chế bớt sự mạnh bạo của anh bà, thậm chí còn có thể cho ông Thaksin những lời khuyên quý giá.
Ủng hộ viên của bà Yingluck tràn xuống đường vui mừng và chúc tụng chiến thắng của bà Yingluck. Họ tin rằng bà không những giải quyết được những vấn đề của riêng người Thái mà cả vấn đề của đất nước.
Nhưng cũng có những ngờ vực về khả năng chiến thắng của bà Yingluck mang lại sự ổn định cho Thái Lan, trong đó có những tranh cãi về sự trở về của anh trai bà, ông Thaksin.
Theo Dân Trí
Thái Lan: Nữ Thủ tướng tương lai tuyên bố lập chính phủ liên minh
Đảng Puea Thai với nữ thủ lĩnh Yingluck Shinawatra hôm nay thông báo đã thành công trong việc lập một chính phủ liên minh với 4 đảng nhỏ hơn để lãnh đạo đất nước sau chiến thắng trong cuộc bầu cử 3/7.
Bà Yingluck Shinawatra và lãnh đạo tham gia chính phủ liên minh.
"Tất cả 5 đảng đã đồng ý hợp tác để điều hành đất nước và giải quyết những vấn đề của người dân", bà Yingluck Shinawatra, em gái cựu Thủ tướng Thaksin, người sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của đất nước Chùa Vàng này, nói với báo giới.
"Vấn đề khẩn cấp đầu tiên là làm cách nào đạt được sự hòa giải (dân tộc)", bà Yingluck nói.
Chính phủ liên minh sẽ gồm 5 đảng: Pheu Thai, Chartthaipattana, Chart Pattana Puea Pandin, Palangchon và Mahachon. Liên minh này chiếm 299 trong số 500 ghế tại Hạ viện. "299 là con số may mắn", bà Yingluck nhấn mạnh.
Cùng ngày hôm nay, anh trai nữ Thủ tướng tương lai, ông Thaksin (đang sống lưu vong ở Dubai) khẳng định không muốn trở lại nắm quyền, sau khi em gái mình giành chiến thắng vang dội.
"Tôi đã sát cánh với đảng này quá lâu và tôi muốn nghỉ hưu. Thực sự, tôi đã thông báo khi còn tại vị là tôi có kế hoạch nghỉ hưu khi 60 tuổi", Thaksin nói với báo giới ở Dubai. "Hiện tôi đã 62, đã quá tuổi rồi. Tôi không muốn trở thành thủ tướng nữa".
Vị thủ tướng bị lật đổ trong vụ đảo chính năm 2006 khẳng định hòa giải chiếm ưu tiên trước bất kỳ sự trở về Thái Lan nào. "Trở về nước không phải là mối quan tâm lớn. Đó không phải là ưu tiên. Ưu tiên hàng đầu là mang lại hòa giải".
Ông Thaksin cũng giảm nhẹ khả năng xảy ra thêm các cuộc xung đột ở Thái Lan, nơi đã có hơn 90 người thiệt mạng trong loạt đụng độ trên đường phố giữa những người biểu tình "áo đỏ" trung thành với ông này và những binh sĩ chính phủ hồi năm ngoái.
Theo Dân Trí
Chính trường Thái Lan ra sao thời hậu bầu cử Em gái cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin lãnh đạo phe đối lập giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử ngày 3/7, hứa hẹn đem lại cho Thái Lan sự ổn định và hoà giải, nhưng chính trường nước này vẫn tiềm ẩn nhiều bất trắc. Sau khi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên tại Thái...