Thái Lan coi EAS là cơ chế chính tạo cơ hội đối thoại thẳng thắn và mang tính xây dựng
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha khẳng định Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) là cơ chế chính mở ra cơ hội đối thoại thẳng thắn và mang tính xây dựng, cũng như để thăm dò hợp tác mà tất cả các bên cùng thắng, trong khi duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Ảnh: AFP/TTXVN
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết phát biểu tại EAS lần thứ 16 diễn ra dưới hình thức trực tuyến ngày 27/10, Thủ tướng Prayut nhấn mạnh Thái Lan luôn coi trọng việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông và sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy hợp tác dựa trên các nguyên tắc 3M, đó là tin cậy lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.
Theo ông Prayut, Thái Lan cũng ủng hộ hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên và hy vọng sẽ thấy được tiến bộ trong đối thoại và hợp tác hướng tới một Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa.
Thái Lan cũng khẳng định lại lập trường của nước này dựa trên các nghĩa vụ theo những công cụ khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về khu vực hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN) và Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), đồng thời khuyến khích tất cả các bên tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ theo các thỏa thuận quốc tế liên quan đến hạt nhân, bao gồm cả Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Video đang HOT
Thái Lan không mong muốn thấy xung đột và đối đầu giữa các nước bạn bè của Thái Lan và ASEAN, đồng thời chân thành tin tưởng rằng mọi quốc gia trên thế giới đều có chung mục tiêu cơ bản là làm cho đất nước của mình và thế giới hòa bình và bình yên, cũng như giúp đỡ người dân hạnh phúc và sống hòa thuận nhất có thể.
Theo người đứng đầu Chính phủ Thái Lan, các quốc gia hiện phải đối mặt với nhiều thách thức chung, trong đó có biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, thiên tai, chuyển đổi số và công nghệ và an ninh mạng. Chính vì vậy, đồng cảm, hiểu biết lẫn nhau, quan hệ đối tác và đoàn kết là những chìa khóa quan trọng để mở ra cánh cửa dẫn đến tồn tại một cách bền vững.
Thái Lan kỳ vọng một cơ hội quan trọng cho EAS, với tư cách là một diễn đàn chiến lược do các nhà lãnh đạo dẫn dắt để đối thoại giữa các quốc gia, nhằm tổng hợp nhiều tiềm năng, thế mạnh và sự xuất sắc để quản lý thành công những thách thức chung đó. Tuy nhiên, EAS cần chuyển đổi mô hình từ tập trung vào cạnh tranh có thể mang lại chiến thắng tạm thời, sang hướng tới hợp tác để tạo ra chiến thắng lâu dài cho tất cả. Hợp tác cùng có lợi và lấy con người làm trung tâm có thể được xây dựng trên cơ sở tăng cường an ninh con người, đặt nền tảng và định hướng phục hồi kinh tế – xã hội toàn diện và bền vững.
Theo Thủ tướng Prayut, COVID-19 nhắc nhở tất cả rằng an ninh y tế công cộng là mục tiêu cơ bản hàng đầu trong sinh kế của người dân. Do đó, tiếp cận công bằng và phân phối nhanh vaccine, nghiên cứu và phát triển về vaccine và thuốc kháng virus, cũng như nâng cao năng lực y tế và sức khỏe cộng đồng để ứng phó với các thách thức về y tế công cộng hiện tại và trong tương lai thông qua trao đổi kiến thức liên quan, kỹ năng, công nghệ và đổi mới, là những lĩnh vực hợp tác cần được chú trọng hàng đầu. Trong khi đó, sức khỏe tâm thần của người dân thuộc tất cả các nhóm cũng cần được chăm sóc đúng cách. Thái Lan sẵn sàng mở rộng hợp tác toàn diện để thực hiện Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo EAS về Hợp tác sức khỏe tâm thần hướng tới các kết quả rõ ràng.
Một ưu tiên hàng đầu khác là phục hồi kinh tế – xã hội bền vững và xây dựng khả năng phục hồi lâu dài. Thái Lan sẵn sàng làm việc với các nước tham gia EAS trong việc thực hiện Khuôn khổ Phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF) và các hiệp định kinh tế khác hướng tới các kết quả cụ thể. Ngoài ra, Thái Lan cam kết tận dụng sự đổi mới và công nghệ nhằm thúc đẩy doanh nghiệp và tăng cường kết nối chuỗi cung ứng. Thái Lan cũng sẵn sàng làm việc hướng tới khôi phục đi lại và du lịch của người dân bằng cách thực hiện Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo EAS về tăng trưởng kinh tế thông qua phục hồi du lịch mà Thái Lan là nước đồng bảo trợ.
Thủ tướng Thái Lan khẳng định nước này sẵn sàng làm việc với mọi quốc gia nhằm thực hiện Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo EAS về Phục hồi Bền vững, đồng thời cam kết đẩy mạnh vai trò chủ động trong việc thúc đẩy tính bền vững ở mọi khía cạnh, bao gồm cả việc sử dụng Mô hình Kinh tế sinh học – tuần hoàn – xanh (BCG). Ngoài ra, Thái Lan sẵn sàng đóng góp mang tính xây dựng hướng tới tăng cường hợp tác quốc tế về những thách thức toàn cầu như bảo vệ môi trường, giải quyết biến đổi khí hậu và quản lý thiên tai.
Tham dự EAS lần thứ 16 có các nhà lãnh đạo và đại diện của các quốc gia thành viên ASEAN, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ, cũng như các Tổng Giám đốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Thái Lan có 47 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 27/5, cơ quan y tế Thái Lan ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 theo ngày ở mức cao nhất từ đầu dịch với 47 người không qua khỏi trong 24 giờ qua. Trước đó một ngày, Thái Lan cũng ghi nhận mức cao mới ở thời điểm đó là 41 ca tử vong.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 12/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Bên cạnh đó, Thái Lan có thêm 3.323 ca nhiễm mới, trong đó 1.219 ca ở các nhà tù. Kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện đầu năm 2020 đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 141.217 ca nhiễm, trong đó có 920 ca tử vong. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết chính phủ đã đẩy nhanh việc tiêm chủng cho các nhân viên y tế và người dân ở những khu vực có nguy cơ, những người từ 60 tuổi trở lên và những người có bệnh nền. Thái Lan đã có hơn 3 triệu người được chủng ngừa COVID-19, trong đó có khoảng 2 triệu người tiêm mũi đầu tiên và khoảng 1 triệu người tiêm mũi thứ hai.
* Trong một diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Chính phủ Hàn Quốc ngày 26/5 công bố một loạt các biện pháp trong đó có việc không bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang sau khi đã tiêm vaccine ngừa COVID-19. Đây được xem là một phần trong nỗ lực của nước này nhằm khuyến khích người dân tích cực tham gia vào chương trình tiêm chủng mở rộng đang được thực hiện trên quy mô toàn quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế sở tại đặt câu hỏi về tính hiệu quả của các biện pháp trên, cho rằng khi nới lỏng hoàn toàn các quy định về giãn cách xã hội có thể khiến dịch tái diễn.
Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc (MOHW) cho biết các biện pháp giãn cách xã hội hiện tại, bao gồm bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng và lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên, sẽ dần được nới lỏng đối với những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19. Cụ thể, bắt đầu từ tháng 6, những người đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ được miễn trừ việc thực hiện lệnh cấm tụ tập trực tiếp với các thành viên trong gia đình vốn hiện chỉ được phép cho tối đa 8 người. Từ tháng 7, những người này sẽ có thể ra ngoài mà không cần đeo khẩu trang, và lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên sẽ được dỡ bỏ đối với những người đã được tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine.
Ngoài ra, các cơ sở tôn giáo sẽ được phép tổ chức các hoạt động có sự tham gia không hạn chế số lượng của những người đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Đến tháng 10 tới, khi hơn 70% dân số dự kiến sẽ được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine thì các biện pháp giãn cách xã hội hiện nay sẽ được sửa đổi hoàn toàn, nới lỏng đáng kể các quy định trong đó có việc đeo khẩu trang trong không gian kín. MOHW cũng lưu ý thêm rằng những người đã tham gia tiêm chủng sẽ được giảm giá vé vào một số cơ sở văn hóa do nhà nước quản lý bao gồm bảo tàng, công viên và nhà hát.
Nhận định về quy định mới trên, một số chuyên gia y tế Hàn Quốc bày tỏ lo ngại rằng việc dỡ bỏ các hạn chế cách ly đối với những người chưa được tiêm chủng đầy đầy đủ 2 mũi vaccine có thể dẫn đến việc lây lan rộng hơn trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể mới ngày càng tăng. Chon Eun-mi, một chuyên gia về bệnh hô hấp tại Trung tâm Y tế Đại học Nữ Ewha (Hàn Quốc) cho biết: "Theo dữ liệu từ các cơ quan y tế của Vương quốc Anh, 1 liều vaccine của hãng Pfizer hoặc AstraZeneca chỉ có 34% hiệu quả với biến thể mới có nguồn gốc từ Ấn Độ". Bà Chon Eun-mi nhấn mạnh hiện vẫn còn quá sớm để Hàn Quốc có thể nới lỏng các quy tắc giãn cách xã hội khi tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn quá thấp.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), tính đến ngày 27/5, hơn 4 triệu người (tương đương 7,8% dân số) đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó 2,01 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi. Cụ thể 2,07 triệu người được tiêm vaccine AstraZeneca và 1,96 triệu người được tiêm vaccine Pfizer. Theo chuyên gia Chon Eun-mi, việc nới lỏng cách biện pháp giãn cách xã hội chỉ nên được xem xét khi ít nhất 60% dân số đã được tiêm vaccine mũi đầu và tới 50% đã được tiêm phòng đầy đủ 2 mũi.
Về phần mình, ông Jung Jae-hun, Giáo sư y tế dự phòng tại Đại học Y Gachon (Hàn Quốc) cho biết hiện còn một mối quan tâm khác là làm thế nào các cơ quan chức năng có thể kiểm tra xem những người không đeo khẩu trang trên đường đã được tiêm phòng đầy đủ hay chưa khi quy định không bắt buộc đeo khẩu trang đối với một số người được dỡ bỏ từ tháng 7 tới.
Từ ngày 15/4, Chính phủ Hàn Quốc đã cho ra mắt ứng dụng cấp Giấy xác nhận tiêm phòng COVID-19 trên điện thoại di động cho những người đã được tiêm chủng. Hệ thống sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) nhằm ngăn ngừa khả năng giả mạo này giúp xác nhận việc tiêm phòng nhưng không lưu trữ thông tin cá nhân sau khi hoàn tất xác nhận.
Thái Lan điều chỉnh kế hoạch tiêm chủng Giới chức Thái Lan ngày 26/5 cho biết, nước này sẽ sửa đổi chiến lược tiêm chủng quốc gia, đặt trọng tâm vào các vùng và lĩnh vực bị ảnh hưởng nhất và nơi các ổ dịch có nhiều khả năng xuất hiện nhất, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm phòng thấp trong khi đất nước đang đối mặt với đợt bùng phát...