Thái Lan có thể chi gần 400 triệu USD sắm thêm tàu ngầm Trung Quốc
Hải quân Thái Lan đang chờ quốc hội phê duyệt ngân sách để mua tiếp một tàu ngầm S26T từ Trung Quốc theo hợp đồng ký đầu năm 2017.
Tàu ngầm Type-039A Trung Quốc, nền tảng phát triển dòng S26T. Ảnh: Sina.
Nguồn tin giấu tên trong hải quân Thái Lan hôm qua cho biết lực lượng này sẽ theo đuổi kế hoạch chi 12 tỷ baht (390 triệu USD) để mua tàu ngầm thứ hai do Trung Quốc chế tạo. Bộ Quốc phòng Thái Lan đang chờ quốc hội phê chuẩn ngân sách năm 2020, trong đó sẽ có khoản chi cho tàu ngầm này.
Chính phủ Thái Lan hồi năm 2016 chấp thuận kế hoạch chi 36 tỷ baht (1,1 tỷ USD) trong vòng 11 năm để mua ba tàu ngầm S26T. Hợp đồng được Bangkok và Bắc Kinh ký vào đầu tháng 5/2017, sau khi chính phủ Thái Lan phê duyệt ngân sách 440 triệu USD cho chiếc đầu tiên. Tàu ngầm được khởi đóng vào tháng 9/2018 và dự kiến bàn giao cho hải quân Thái Lan giữa năm 2023.
Tham vọng mua tàu ngầm được Thái Lan theo đuổi từ lâu do nước này không sở hữu tàu ngầm nào từ sau năm 1951. Hải quân Thái Lan từng mất nhiều năm thuyết phục chính phủ mua 6 tàu ngầm cũ từ Đức, kế hoạch này sau đó được thay thế bằng hợp đồng mua 3 chiếc S26T.
Video đang HOT
S26T sử dụng hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP), được phát triển từ mẫu tàu ngầm Type-039A (lớp Yuan) cho hải quân Trung Quốc. Tàu dài 75 m, giãn nước 3.600 tấn, sử dụng hệ thống AIP bên cạnh động cơ diesel-điện. S26T đóng vai trò bệ phóng tên lửa hành trình, chuyên tiến hành nhiệm vụ ở các vùng biển nông.
Nhiều chính trị gia và nhà hoạt động xã hội từng tỏ ra lo ngại về ảnh hưởng của hợp đồng tới nền kinh tế và quốc phòng Thái Lan, cho rằng nó sẽ tiêu tốn ngân sách quân sự dùng cho trường hợp khẩn cấp. Hiệu quả thực sự của lớp S26T cũng bị đặt dấu hỏi, khi các chuyên gia cảnh báo nó có thể khiến Thái Lan nếm thêm “trái đắng” như thương vụ mua xe tăng chủ lực Type-69-II và 4 tàu hộ vệ lớp Type-053H2 từ Trung Quốc.
Theo Vũ Anh (VNE)
Mỹ loay hoay tháo gỡ căng thẳng giữa 2 đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc
Là đồng minh lớn của cả hai nước, Mỹ đang kỳ vọng Nhật Bản và Hàn Quốc có thể sớm tìm ra giải pháp hóa giải căng thẳng.
Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc bị đánh giá đang ở mức thấp nhất kể từ khi hai quốc gia này bình thường hóa quan hệ vào năm 1965, với nhiều bất đồng và căng thẳng đang leo thang. Là đồng minh lớn của cả hai nước, Mỹ đang kỳ vọng Nhật - Hàn có thể sớm tìm ra giải pháp hóa giải căng thẳng. Hiện dư luận cũng đang rất quan tâm tới các cuộc gặp riêng rẽ và chung giữa Ngoại trưởng 3 quốc gia đồng minh này tại Bangkok, Thái Lan.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Moneycontrol.
Phát biểu ngay trên chuyến bay tới Thái Lan, để dự hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm qua (30/7) tuyên bố sẽ khuyến khích hai đồng minh châu Á lớn nhất của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc "tìm một con đường hướng tới tương lai" nhằm giải quyết tranh cãi, bất đồng đang có giữa hai bên.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, Nhật Bản và Hàn Quốc "đều là những đối tác tuyệt vời của Mỹ". Hai nước đều đang phối hợp chặt chẽ với Washington trong việc nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Do đó, việc giúp hai bên tháo gỡ bất đồng có vai trò quan trọng với Mỹ.
Theo Ngoại trưởng Mike Pompeo, ông có kế hoạch tổ chức các cuộc gặp riêng rẽ với những người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono và Hàn Quốc Kang Kyung-wha bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Bangkok. Sau đó sẽ có cuộc hội đàm chung của 3 bên.
Các cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh truyền thông quốc tế hôm qua (30/7) dẫn lời giới chức Mỹ đưa tin, Washington đang hối thúc Tokyo và Seoul xem xét và ký kết một thỏa thuận "tạm ngưng các hành động làm leo thang căng thẳng", để 2 bên có thời gian đàm phán giải quyết bất đồng. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản dự kiến đưa ra quyết định loại bỏ Hàn Quốc ra khỏi "danh sách trắng" 27 nước đối tác đáng tin cậy của Nhật Bản được nhận ưu đãi trong thủ tục xuất khẩu, vào ngày 2/8 tới.
Phản ứng về các cuộc gặp sắp tới giữa các bên tại Thái Lan, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm nay (31/7) khẳng định, Tokyo sẽ giữ vững lập trường và quan điểm của mình đối với các vấn đề khác nhau liên quan tới Hàn Quốc.
"Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang vô cùng khó khăn do những hành động tiêu cực đến từ phía Hàn Quốc. Sẽ không có thay đổi nào về lập trường của chúng tôi, theo đó chúng tôi sẽ tiếp tục hành động để buộc Hàn Quốc hành động mang tính xây dựng hơn dựa trên lập trường nhất quán của chúng tôi đối với nhiều vấn đề. Chúng tôi đã thông báo quan điểm của mình với phía Mỹ và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Mỹ để có được sự hiểu biết chung về vấn đề", ông Yoshihide Suga nói.
Dù muốn 2 đồng minh Nhật - Hàn giải quyết bất đồng, song Mỹ đến nay vẫn chưa thể hiện nhiều vai trò trung gian hòa giải. Theo cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, Washington sẽ giữ vai trò trung lập trong vấn đề và muốn 2 nước tự giải quyết bất đồng.
Hiện Mỹ cũng đang theo dõi chặt chẽ tranh chấp Nhật-Hàn, đặc biệt trước thềm hạn chót ngày 24/8 tới, khi hai nước quyết định có tiếp tục tham gia thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo thường niên hay không. Mỗi năm, thỏa thuận song phương về chia sẻ thông tin quân sự an ninh chung đều được tự động gia hạn với mục đích chống lại vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc lâu nay vẫn trong trạng thái căng thẳng do những tranh cãi về lịch sử liên quan thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945. Quan hệ giữa hai nước láng giềng rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm sau khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết buộc các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động thời chiến.
Mâu thuẫn tiếp tục gia tăng liên quan đến việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình - các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc. Nhật Bản khẳng định chính sách quản lý xuất khẩu là để bảo đảm an ninh quốc gia, trong khi Hàn Quốc cho rằng hành động của Tokyo là hành động trả đũa quyết định của Tòa án nước này, đặt ra "mối đe dọa lớn" đối với nền kinh tế thế giới và làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện, ở Hàn Quốc đang diễn ra làn sóng tẩy chay hàng hóa và hủy các tour du lịch sang Nhật Bản./.
Theo Đình Nam/VOV1
Tổng hợp
Việt Nam, Indonesia kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển Đông Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các Hội nghị liên quan, chiều 30/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có cuộc gặp song phương Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Masurdi tại Bangkok, Thái Lan. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Indonesia Retno...