Thái Bình: Hàng trăm hộ dân tự nguyện góp đất làm đường giao thông
Sau khi được cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, chỉ trong 4 ngày, hàng trăm hộ dân thuộc 3 xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoàng và Quỳnh Lâm (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) đã tự nguyện góp đất, làm đường giao thông.
Việc các hộ dân góp đất đã giúp dự án được triển khai nhanh chóng, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Đây đang là điểm sáng trong phong trào góp đất làm đường giao thông của tỉnh Thái Bình, trong đó sự đồng thuận của người dân đóng vai trò quan trọng, giúp các dự án được triển khai nhanh chóng, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng.
Đường làm đến đâu, nhân dân tự nguyện góp đất đến đó
Dự án đường nối từ đường huyện ĐH.78 đi đê Hữu Luộc đến đường tỉnh ĐT.452 đi qua các xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Lâm (huyện Quỳnh Phụ) có chiều dài 5,5 km, do UBND huyện Quỳnh Phụ làm chủ đầu tư với nguồn vốn 34,8 tỷ đồng. Sau khi triển khai, dự án đã được người dân nơi tuyến đường đi qua đồng thuận cao và tự nguyện góp đất làm đường, đưa công trình này trở thành công trình có thời gian giải phóng mặt bằng nhanh nhất của huyện Quỳnh Phụ nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung cho đến nay.
Về xã Quỳnh Ngọc những ngày này, không khó để bắt gặp những hình ảnh người dân tự phá dỡ tường bao, cổng dậu và các công trình trên đất để nhường đất làm đường giao thông. Với 3/10 thôn trong vùng dự án đi qua, dù là đất ở hay đất canh tác hoa màu người dân đều sẵn sàng góp đất cùng Nhà nước, mong sớm có được con đường mới thuận lợi cho việc đi lại của bà con địa phương.
Ông Lưu Xuân Nhung, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Ngọc cho biết, dự án đường nối từ đường huyện ĐH.78 đến đường tỉnh ĐT.452 đi qua xã dài 3,8 km. Sau khi tuyên truyền, vận động người dân, đến nay 161 hộ dân thuộc 3 thôn Tân Mỹ, Đông Châu, Quỳnh Lang đã tự nguyện góp đất thực hiện dự án. Cụ thể, 82 hộ tự nguyện hiến đất ở với diện tích 2.100m2, 79 hộ hiến đất nông nghiệp và đất khác với diện tích 2.150m2. Đặc biệt, trong số các hộ góp đất có nhiều hộ là đồng bào Công giáo. Hiện các hộ đã nhận được 50% tiền bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất.
Gia đình ông Nguyễn Văn Cường (71 tuổi, thôn Tân Mỹ) là một trong những gia đình Công giáo tiêu biểu, đi đầu trong phong trào góp đất làm đường của xã Quỳnh Ngọc. Ông cùng 4 người con đã góp hơn 200 m2 đất ở cho dự án làm đường giao thông ĐH.78 qua xã Quỳnh Ngọc. Đây cũng là hộ gia đình đóng góp đất ở nhiều nhất cho dự án này. Ông cho biết, ngay sau khi được cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động về việc triển khai dự án, ông đã nhanh chóng thống nhất cùng các thành viên trong gia đình và chủ động tháo dỡ các công trình tường bao để góp đất cho công trình. Đối với ông và nhiều bà con trong thôn Tân Mỹ, con đường mới khang trang, sạch đẹp sắp tới là niềm vui lớn, vì vậy việc đóng góp kể cả đất ở là việc cần thiết, nên làm vì lợi ích chung của xã hội. Đường làm đến đâu, bà con tự nguyện đóng góp đến đó, Nhà nước bỏ vốn, nhân dân hiến đất, tất cả chung sức đồng lòng vì mục tiêu chung.
Video đang HOT
Cũng như gia đình ông Cường, gia đình ông Bùi Xuân Thành, thôn Đông Châu, xã Quỳnh Ngọc cũng tự nguyện góp 62 m2 đất ở và 160 m2 đất nông nghiệp để thực hiện dự án. Là đảng viên hơn 30 năm tuổi Đảng, dù đời sống kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn song ông Thành cũng không ngần ngại quyết định nhường đất làm đường giao thông. Ông chia sẻ, sau khi có chủ trương của huyện, của xã, Chi bộ thôn Đông Châu đã họp và triển khai ngay công tác tuyên truyền, vận động bà con. Nhận thức được tầm quan trọng của tuyến đường với sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương, 71 hộ dân thôn Đông Châu đã thống nhất cùng góp đất làm đường.
Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Ngọc (huyện Quỳnh Phụ) Phạm Văn Tập cho biết, việc người dân tự nguyện góp đất cho Dự án là thành công ngoài mong đợi của cấp ủy và chính quyền, tạo ra khí thế và sức mạnh mới trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Quỳnh Phụ về công tác giải phóng mặt bằng, cấp ủy, chính quyền xã Quỳnh Ngọc đã huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc, nòng cốt là Hội Cựu chiến binh đi từng nhà làm công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận thực hiện Dự án. Sau khi nắm bắt chủ trương, chỉ sau 4 ngày (từ ngày 17/7 đến 21/7), tất cả 161 hộ dân nơi tuyến đường đi qua đã ký cam kết góp đất làm đường giao thông qua địa bàn xã.
Nhân rộng cách làm hay
194 hộ thuộc 3 xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoàng và Quỳnh Lâm huyện Quỳnh Phụ tự nguyện góp đất làm đường. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Không chỉ riêng xã Quỳnh Ngọc, 33 hộ dân 2 xã Quỳnh Hoàng và Quỳnh Lâm (huyện Quỳnh Phụ) cũng đã tự nguyện đóng góp hàng trăm mét vuông đất cho Dự án đường nối từ đường huyện ĐH.78 đến đường tỉnh ĐT.452. Đây là thành công lớn của huyện Quỳnh Phụ trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng từ trước tới nay.
Ông Nguyễn Ngọc Nhường, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quỳnh Phụ cho biết, nếu thực hiện các bước theo quy trình, thời gian làm công tác giải phóng mặt bằng dự án đường nối từ đường huyện ĐH.78 đến đường tỉnh ĐT.452 ít nhất mất 1 năm. Tuy nhiên, nhờ có sự đồng thuận cao của người dân, đặc biệt là góp đất làm đường của 194 hộ dân của 3 xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Lâm, tiến độ giải phóng mặt bằng đã rút ngắn lại chỉ trong 4 ngày.
Để hỗ trợ người dân, huyện đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất với những hộ có diện tích đất góp cho dự án với số tiền trên 1,5 tỷ đồng, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước từ chi phí giải phóng mặt bằng hàng chục tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí được tiết kiệm này sẽ tạo nguồn để tiếp tục xây dựng các công trình giao thông, công trình phúc lợi xã hội khác trên địa bàn.
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳnh Phụ Nguyễn Văn Nhiễm, những năm qua, huyện Quỳnh Phụ luôn xác định giải phóng mặt bằng là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tạo quỹ đất để thực hiện các dự án, thu hút đầu tư vào địa bàn. Đặc biệt, ngày 13/7/2021, Huyện ủy Quỳnh Phụ đã ban hành Thông báo 220-TB/HU về việc vận động nhân dân tự nguyện, thỏa thuận góp quyền sử dụng đất cho Nhà nước không đòi lại để cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường huyện, đường liên xã do huyện làm chủ đầu tư, trong đó huyện xác định việc vận động phải dựa trên tinh thần dân chủ, tự nguyện, công khai, minh bạch và sự đồng thuận cao của người dân.
Địa phương nào có 100% hộ dân đồng thuận, tự nguyện góp đất để mở rộng đường huyện, đường liên xã sẽ được ưu tiên xây dựng. Huyện sẽ hỗ trợ tài sản xây dựng và cây trồng hình thành hợp pháp trên đất góp và thực hiện tái định cư cho người dân có nhu cầu nếu diện tích còn lại sau khi tự nguyện góp đất không đảm bảo điều kiện xây dựng nhà ở (dưới 30m2 ở đô thị và dưới 40 m2 ở nông thôn).
Bí thư Huyện ủy Quỳnh Phụ Đinh Trọng Xá cho biết, việc thực hiện công tác vận động người dân tại Dự án đường nối từ đường huyện ĐH.78 đi đê Hữu Luộc đến đường tỉnh ĐT.452 là bước khởi đầu quan trọng của huyện Quỳnh Phụ trong thực hiện Thông báo 220-TB/HU, trong đó tư tưởng trọng dân, gần dân, dân biết, dân bàn và dân đồng thuận là then chốt, xuyên suốt quá trình thực hiện. Sự thành công của dự án này góp phần tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong toàn huyện về mô hình vận động nhân dân tự nguyện, thỏa thuận góp quyền sử dụng đất thực hiện các dự án giao thông và các công trình công cộng, phúc lợi xã hội khác trên địa bàn.
Tại buổi kiểm tra mô hình góp đất làm đường của người dân tại xã Quỳnh Ngọc ngày 27/7, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đánh giá cao cách làm của huyện Quỳnh Phụ, đồng thời đề nghị huyện Quỳnh Phụ cần nhân rộng mô hình này trong thực hiện các dự án giao thông khác trên địa bàn.
Khẩn trương tháo gỡ những nút thắt về vận tải trong mùa dịch
Người dân phản ánh có tình trạng siêu thị bán hàng cao hơn giá niêm yết (và có nơi đã bị lập biên bản). Siêu thị phản ánh tình trạng gom hàng trong siêu thị đem ra ngoài bán thu lời.
Đó là một vài lát cắt, dù không mang tính đại diện, phần nào cho thấy những vấn đề cần phải giải quyết rốt ráo khi có thêm nhiều địa phương áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16.
Khi các chợ dân sinh, các điểm bán hàng tự phát phải ngừng hoạt động, việc cung ứng hàng hóa phụ thuộc vào các siêu thị. Theo lý thuyết, kể cả trường hợp cầu giữ nguyên (chưa nói là tăng), nguồn cung bị bó hẹp thì đương nhiên giá cả bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, người dân bị thiếu hụt nguồn thu nhập, đặc biệt những hộ gia đình có nguồn tích lũy hạn chế, họ sẽ cảm nhận rõ rệt tác động tăng giá lên đời sống. Muốn người dân sống được, "yên tâm ở nhà" (như lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung), ngoài sự hỗ trợ trực tiếp của những gói giải cứu thì đảm bảo thị trường bình ổn là điều cấp thiết.
Chuyên gia kinh tế thương mại Vũ Vinh Phú nhận xét, sự "bấn loạn" về mớ rau, cọng hành ở TPHCM trong những ngày đầu giãn cách theo Chỉ thị 16 cho thấy, công tác chuẩn bị để đón đợt dịch bùng phát lớn chưa được đầy đủ nên dẫn tới những lúng túng trong điều hành tổ chức nguồn hàng, gắn kết chuỗi sản xuất phân phối, tổ chức bán ra cho người tiêu dùng... Hàng hóa đôi lúc, đôi nơi bị thiếu một cách giả tạo, mua bán bị đứt đoạn phiền hà.
Ông Phú cho rằng, từ bài học ở TPHCM những ngày qua, các địa phương khi có dịch phát sinh, cần nắm vững những nguyên tắc định hướng quan trọng để tổ chức tốt hệ thống phân phối của địa phương nhằm phục vụ người tiêu dùng một cách chắc chắn, hiệu quả, nhân văn nhất trong bất kể tình huống nào xảy ra trên các địa bàn. Đó là: "Khơi thông nguồn hàng, tổ chức lại hệ thống phân phối, tăng cường dự trữ hàng hóa, kiểm soát quản lý thị trường".
Về nguyên lý, nếu nguồn hàng được cung ứng đầy đủ dồi dào thì tâm lý tích trữ của người dân cũng sẽ giảm bớt và cũng không xảy ra khan hiếm. Sự căng thẳng về cái ăn cái mặc sẽ được giải tỏa.
Lý thuyết là vậy, song trên thực tế, để làm được điều đó cần có sự phối hợp liên ngành, sự thống nhất của địa phương này với địa phương khác...
Từ hơn 10 ngày trước, trong công văn gửi UBND các địa phương, Bộ Công Thương đã lưu ý về việc tập trung đẩy mạnh việc bảo đảm hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là nguồn cung hàng hóa cho Chương trình Bình ổn thị trường đã được ký kết.
Việc tạo luồng "ưu tiên đặc biệt" cho các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu; thiết lập các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa thiết yếu có kiểm soát an toàn dịch bệnh để thay thế các chợ đầu mối và các điểm trung chuyển đã bị đóng cửa nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời hàng hóa cho người dân... cũng đã được Bộ Công Thương đề nghị triển khai.
Thế nhưng, như ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện vẫn còn một số địa phương chưa thực sự chủ động lên phương án tổ chức "luồng xanh" trên địa bàn của tỉnh nên khi áp dụng giãn cách xã hội việc điều tiết, tổ chức vận chuyển hàng hóa rơi vào thế bị động.
Chúng ta thông cảm với áp lực của các địa phương khi biến chủng delta của dịch Covid-19 lan rất nhanh. Một số địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình đang siết chặt yêu cầu, như xe vào phải dán logo 3 cấp độ, không chấp nhận test nhanh... Sự thận trọng là dễ hiểu.
Thế nhưng, "nút thắt" này nếu không được tháo gỡ nhanh chóng sẽ ảnh hưởng lớn đến thành công của công tác khoanh vùng chống dịch và an sinh xã hội.
Do vậy, những đề xuất như đưa lực lượng vận chuyển, cung ứng hàng hóa; lực lượng bán hàng, tiểu thương vào diện ưu tiên tiêm vắc xin sớm... cần được xem xét. Hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm toàn tuyến bắc - nam cần lưu thông thuận lợi, xuyên suốt, người dân phải an tâm, công cuộc chống dịch mới thành công như mong đợi.
Bệnh nhân Covid-19 tổn thương phổi nghiêm trọng được cứu sống Mặc dù còn trẻ tuổi nhưng bệnh nhân này có bệnh nền tiểu đường. Vào thời điểm được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, sốt cao. Đây là bệnh nhân P.C., 39 tuổi, có địa chỉ tại An Cầu, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Ngày 23/6, bệnh nhân C. có biểu hiện ho, sốt...