Thách thức chờ đón lãnh đạo hạt nhân Tập Cận Bình
Ông Tập được trao thêm quyền lực lớn chưa từng có trong nhiều thập kỷ, nhằm đối phó với những thách thức về đối nội và đối ngoại của đất nước.
Ông Tập Cận Bình lúc mới được bầu làm Chủ tịch Trung Quốc năm 2013. Ảnh: Yibada
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa được đề cập là “nhà lãnh đạo hạt nhân” trong một văn kiện quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất của quốc gia này trong nhiều thập kỷ để đối phó với những thách thức lớn đang chờ đón.
Theo bình luận viên Chris Buckley của NYTimes, ông Tập trở thành “nhà lãnh đạo hạt nhân” trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức lớn về kinh tế và chính sách đối ngoại, cần đến một người thuyền trưởng mạnh mẽ để chèo lái con thuyền đất nước vượt qua khó khăn. Các quan chức và truyền thông Trung Quốc cũng ca ngợi rằng địa vị này sẽ giúp ông Tập có thể chiến đấu hiệu quả hơn với nạn tham nhũng.
Đây được coi là diễn biến mới nhất trong quá trình củng cố, tập trung quyền lực của ông Tập, người vừa là Chủ tịch nước, Tổng bí thư, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, kiêm chủ tịch ít nhất 8 ủy ban hoạch định chính sách khác, trong đó có ủy ban phụ trách kinh tế, lĩnh vực vốn do thủ tướng phụ trách.
Việc “nâng cấp quyền lực” này cũng diễn ra trong lúc ông Tập sắp hết nhiệm kỳ 5 năm của mình, và Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức đại hội vào năm sau để tìm ra các nhà lãnh đạo mới của đất nước.
Buckley tin rằng việc trở thành “nhà lãnh đạo hạt nhân” là một yếu tố quan trọng mà ông Tập có thể sử dụng trong các cuộc thương thảo để xây dựng thế hệ lãnh đạo mới. Vị trí đó không giúp ông đạt được tất cả những gì mình muốn, nhưng sẽ giúp tiếng nói của ông có trọng lượng hơn trong các cuộc đàm phán quyền lực.
Với địa vị mới này, ông có thể bỏ qua nguyên tắc chuyển giao quyền lực và quy định về tuổi nghỉ hưu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trì hoãn việc lựa chọn người kế nhiệm cho tới sau Đại hội Đảng vào năm sau nhằm có thêm thời gian để đề bạt và thử thách những người thân tín, Buckley nhận định.
Theo bình luận viên chuyên theo dõi tình hình Trung Quốc Fraser Cameron của China Daily, vị trí “lãnh đạo hạt nhân” của ông Tập sẽ giúp ông thu hút được sự ủng hộ của các thành viên trong Đảng. Bất cứ ai tìm cách thay đổi thực tế đó sẽ bị thách thức và ngăn cản.
Trong kỳ họp vừa qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua điều lệ mới, cho phép cơ quan kiểm tra, kỷ luật của Đảng điều tra bất cứ quan chức cấp cao nào bị nghi ngờ có hành vi tham nhũng, kể cả các ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, điều chưa từng có tiền lệ trước đây.
Cameron cho rằng ông Tập nhận danh hiệu “lãnh đạo hạt nhân” với niềm tin Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đứng trước bước ngoặt lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng, và nền kinh tế đất nước cần được cải cách sâu rộng để có thể thoát khỏi chiếc bẫy thu nhập trung bình, trở thành quốc gia có thu nhập cao. Quyền lực mới giúp ông có vị thế vững chắc hơn để đối phó với một loạt thách thức về chính trị và quyền lực trong nước.
Video đang HOT
Trên trường quốc tế, “nhà lãnh đạo hạt nhân” Tập Cận Bình sẽ có thêm động lực để củng cố vị thế của Trung Quốc, với vai trò là một “tay chơi” có ảnh hưởng ngày càng lớn về kinh tế và địa chính trị trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như trên thế giới.
Trọng trách
Từ trái qua phải: Ông Tập Cận Bình, ông Giang Trạch Dân, ông Hồ Cẩm Đào. Ảnh: Reuters
Vị thế “hạt nhân” giúp ông Tập nắm trong tay siêu quyền lực vượt trội so với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, nhưng nó đồng thời cũng gắn chặt danh tiếng chính trị của ông với tương lai của đất nước, khiến ông phải gánh trên vai trọng trách vô cùng lớn.
Sau gần 4 năm nắm quyền, ông Tập vẫn chưa đạt được những “kỳ tích” mà các nhà lãnh đạo hạt nhân khác như Giang Trạch Dân, Đặng Tiểu Bình từng làm được. Gần 1,4 tỷ dân Trung Quốc đang ngày càng cảm thấy lo lắng với nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, giá nhà đất tăng vọt, cùng bối cảnh quốc tế ngày càng phức tạp hơn, tất cả đang chờ đón những quyết sách mới của ông Tập.
“Đó là sự trả giá nếu bạn muốn có quyền lực”, Cheng Li, giám đốc Trung tâm John L. Thornton Trung Quốc thuộc Viện Brookings ở Washington, nói. “Với tất cả những vị trí ông Tập đang nắm giữ, nếu mọi thứ diễn ra không thuận lợi, ông ấy không thể đổ lỗi cho bất cứ ai khác”.
Alice Miller, chuyên gia phân tích tại Viện Hoover của Đại học Stanford, cho rằng Trung Quốc đang đứng trước thời khắc khó khăn, và trong hoàn cảnh khó khăn, người ta thường cần đến một nhà lãnh đạo mạnh mẽ. “Quyết định trao danh hiệu nhà lãnh đạo hạt nhân cho ông Tập phản ánh tính cấp bách của nỗ lực cải cách toàn diện vốn rất quan trọng với sự sống còn của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, Miller nhận định.
Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán hồi năm ngoái cho thấy những thách thức mà ông Tập phải đối mặt trong việc đảm nhận thêm trách nhiệm cá nhân đối với công tác điều hành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Giới phân tích cho rằng các quan chức Trung Quốc đang rất kỳ vọng ông Tập có thể hiện thực hóa hình ảnh nhà lãnh đạo “cải cách”, đưa đất nước vượt qua khó khăn.
“Chế độ lãnh đạo tập trung dưới thời ông Tập đang tìm cách vượt qua sự kháng cự cải cách, việc trao thêm nhiều danh hiệu cho ông là một phần trong quá trình đó. Tuy nhiên, việc này có thành công hay không vẫn còn là một câu hỏi mở”, Timothy Heath, chuyên gia tại tổ chức tư vấn Rand Corp, viết trên FT.
Theo giáo sư Zhao Suisheng, giám đốc Trung tâm Hợp tác Trung – Mỹ tại Đại học Denver, giới quan sát sẽ theo dõi liệu ông Tập có sử dụng quyền lực mới của mình để giúp các đồng minh thân cận vượt qua rào cản quy định về tuổi nghỉ hưu trong Đại hội Đảng lần thứ 19 diễn ra vào năm sau hay không.
Một trong những đồng minh thân cận nhất của ông Tập hiện nay là Vương Kỳ Sơn, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, người đã 68 tuổi và không đủ tiêu chuẩn về tuổi tác để có thể tiếp tục phục vụ thêm một nhiệm kỳ nữa. Nếu ông Vương không phải về hưu sau Đại hội 19, đó là dấu hiệu cho thấy ông Tập sẽ tiếp tục nắm giữ quyền lực cho tới năm 2022, Zhao nhận định.
“Quyền lực ông Tập chắc chắn sẽ lớn hơn, nhưng ông cũng dễ bị công kích hơn về khả năng lãnh đạo cá nhân cũng như hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc và thành tựu đất nước”, giáo sư Zhao viết. “Ông ấy đang đối mặt với những thách thức trong nước và quốc tế lớn hơn, trong đó có nhiều vấn đề không thể được giải quyết bằng sự tập trung quyền lực”.
Trí Dũng
Theo VNE
Ông Tập có thể dùng quyền lực lãnh đạo 'hạt nhân' thế nào?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể dùng vai trò lãnh đạo hạt nhân để củng cố thêm quyền lực, thúc đẩy hiệu quả làm việc của Bộ chính trị.
Ông Tập Cận Bình được chọn là "lãnh đạo hạt nhân" của Trung Quốc. Ảnh: AP.
Trung Quốc ngày 27/10 ra thông cáo dài 6.000 từ sau cuộc họp kín kéo dài 4 ngày của đảng Cộng sản nước này. Tuy nhiên, mọi ánh mắt đồ dồn về hai từ quan trọng nhất "hạt nhân" được dành cho ông Tập Cận Bình, theo SCMP.
Việc ông Tập trở thành "hạt nhân của đảng" không khiến truyền thông Trung Quốc ngạc nhiên. Trước kỳ họp, các quan chức nước này đã làm công tác tuyên truyền cho lãnh đạo "hạt nhân" này.
Tuy nhiên, việc tôn vinh chính thức ông lên làm lãnh đạo hạt nhân là sự xác nhận ông ngang hàng với các lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình và mở rộng quyền lực của ông trước kỳ đại hội đảng quan trọng vào mùa thu năm sau.
Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 dự kiến bầu ra đội ngũ lãnh đạo mới, trong đó bao gồm Bộ chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Trung Quốc. Chỉ có Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đủ tiêu chuẩn tại vị trong nhiệm kỳ tiếp theo, 5 người còn lại sẽ về hưu do bị ràng buộc bởi tuổi tác và giới hạn nhiệm kỳ.
Với quyền lực hạt nhân, ông Tập Cận Bình có thể bổ sung người ủng hộ vào các vị trí lãnh đạo. Từ khi lên nắm quyền cuối năm 2012, ông đã nhanh chóng tập trung quyền lực với vai trò người đứng đầu đảng Cộng sản, nhà nước và quân đội. Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình còn mở rộng ảnh hưởng tới kinh tế, lĩnh vực theo thông lệ do thủ tướng đảm nhiệm.
Cụm từ "lãnh đạo hạt nhân" xuất hiện sau biến động Thiên An Môn tại Trung Quốc năm 1989. Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình dùng tên gọi này cho ông Giang Trạch Dân khi ông Giang được bầu làm tổng bí thư, thay cho người tiền nhiệm Triệu Tử Dương.
Ông Đặng Tiểu Bình khi đó tự nhận là thế hệ lãnh đạo hạt nhân thứ hai, ông Mao Trạch Đông là thế hệ thứ nhất, còn ông Giang thuộc thế hệ thứ ba, ám chỉ quyền lực của họ không thể bị nghi ngờ.
Sự chỉ định này khiến ông Giang từ một bí thư thành phố Thượng Hải trở thành nhà lãnh đạo ngang hàng với hai người tiền nhiệm Đặng Tiểu Bình và Mao Trạch Đông. Nó cũng giúp ông Giang mở rộng quyền lực và đảm bảo vị trí lãnh đạo đảng, đất nước trong 15 năm cầm quyền.
Khi ông Giang rời vị trí tổng bí thư năm 2002 và chủ tịch nước năm 2003, danh xưng "lãnh đạo hạt nhân" không được chuyển cho người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào. Ông Giang tiếp tục nắm giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc đến năm 2004.
Thậm chí cho đến khi đã hoàn toàn nghỉ hưu, ông Giang được tin là vẫn có ảnh hưởng đáng kể ở hậu trường trong suốt 10 năm ông Hồ Cẩm Đào nắm quyền.
Nhiều người cho rằng việc này đã làm suy yếu chính quyền, khiến nạn tham nhũng bùng phát trong giới quan chức do không có cơ chế giám sát và kiểm soát hiệu quả.
Bất mãn gia tăng tại Đại lục do nạn tham nhũng khiến ông Tập, người kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào, có cơ hội phát động chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có tại Trung Quốc để củng cố quyền lực và nhận được sự ủng hộ của công chúng.
Sự thừa nhận ông Tập là lãnh đạo hạt nhân chắc chắn sẽ gây suy đoán về việc ông có thể thay đổi các quy định chuyển giao quyền lực hoặc ông có thể tiếp tục tại vị sau năm 2022, thời điểm mà theo quy định hiện nay ông phải về hưu do đã kết thúc hai nhiệm kỳ lãnh đạo liên tục. Tuy nhiên, khả năng này rất khó xảy ra. Bất chấp việc tập trung phần lớn quyền lực, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gây ra tranh đấu quyết liệt trong nội bộ đảng nếu tìm cách kéo dài nhiệm kỳ của mình, theo cây bút Wang Xiangwei.
Bên cạnh đó, Hội nghị trung ương lần này đã ra thông cáo cho biết từng cá nhân trong đảng sẽ được tập thể giám soát chặt chẽ. Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng không cho phép tâng bốc lãnh đạo quá đà.
Tuy nhiên, với vị trí "lãnh đạo hạt nhân" cùng việc hội nghị trung ương 6 nhấn mạnh tầm quan trọng của lãnh đạo tập trung, ông Tập có thể có thêm quyền lực để cắt giảm số thành viên Bộ chính trị từ 7 người hiện nay xuống 5. Khi lên nắm quyền năm 2012, ông Tập đã giảm số thành viên Bộ Chính xuống còn 7 thay vì 9 như thời ông Hồ Cẩm Đào.
"Nguyên nhân chính được đưa ra là số lượng thành viên nhiều trong Bộ Chính trị khiến quá trình đưa ra quyết định trở nên chậm chạp, kém hiệu quả", theo ông Wang.
Văn Việt - Tử Quỳnh
Theo VNE
Cùng là "lãnh đạo hạt nhân", nhưng Tập Cận Bình khác xa Mao, Đặng Sau Hội nghị trung ương VI Khóa XVIII ĐCSTQ, Chủ tịch Tập Cận Bình chính thức trở thành "lãnh đạo hạt nhân" đời thứ 4 sau Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân. Theo Đa chiều (Mỹ), thời kỳ nắm quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hai cố lãnh đạo Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình...