Thắc thỏm bên miệng “hà bá”
Nước lũ đang lên, cộng với nạn khai thác cát bừa bãi khiến nhiều khu vực ở ĐBSCL liên tục sạt lở hoặc đối mặt nguy cơ bị “hà bá” nuốt chửng
Dọc theo sông Tiền và sông Hậu ở ĐBSCL, nhiều cồn, tuyến đường, khu dân cư… đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng do tình trạng khai thác cát trái phép tràn lan. “Mùa lũ đang về, sống bên miệng “hà bá” thế này, người dân chúng tôi không thể nào an tâm” – bà Trần Thị Năm, ngụ xã Phú An, huyện Phú Tân – An Giang, lo lắng.
Tơi tả Quốc lộ 91
Quốc lộ 91 dài 150 km nối từ TP Cần Thơ tới An Giang là tuyến giao thông huyết mạch ở khu vực ĐBSCL nhưng thời gian qua luôn bị sạt lở nặng nề. Cách nay không lâu, Quốc lộ 91 đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú – An Giang bị chia cắt hoàn toàn bởi điểm sạt lở trên 100 m. Chính quyền địa phương đã phải huy động lực lượng giúp dân di dời nhà cửa và tài sản đến nơi an toàn. Một con đường tránh được mở cách đó khoảng 50 m. Dù đợt sạt lở này đã ngốn trên 100 tỉ đồng khắc phục nhưng đến nay, đoạn đường chính vẫn chưa thể khôi phục.
Đầu tháng 3 năm nay, chỉ cách Quốc lộ 91 chưa tới 10 m, khu vực bờ sông ở phường Bình Đức, TP Long Xuyên – An Giang lại xuất hiện nhiều vết nứt và xâm thực vào trong đất liền khoảng 60 m. Sau đó, UBND tỉnh An Giang quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp, huy động nhiều lực lượng đến hỗ trợ 60 hộ dân và tài sản đến nơi ở tạm. “Sạt lở nghiêm trọng hơn cảnh báo và đã vượt tầm kiểm soát” – một lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) An Giang nhận định.
Tiếp đó, ngày 25-5, bờ sông Hậu đoạn qua TP Long Xuyên cách điểm sạt lở vào tháng 3-2012 chưa đầy 2 km lại tiếp tục bị “hà bá” nuốt chửng, nhấn chìm nhiều công trình, nhà ở và đe dọa đến sự an toàn của hàng trăm ngôi nhà khác, buộc chủ tịch UBND tỉnh An Giang một lần nữa phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Giữa lúc công tác khắc phục sạt lở trên sông Hậu còn đang ngổn ngang thì mới đây, 130 m bờ sông Tiền tại xã Phú An, huyện Phú Tân lại đổ sụp cùng 16 căn nhà, Tỉnh lộ 954 cũng chực chờ lao xuống nước. Cùng thời gian này, nhiều khu dân cư tại huyện Chợ Mới, huyện An Phú, thị xã Tân Châu cũng xuất hiện sạt lở bờ sông, làm nhiều tuyến đường nông thôn hư hại.
Hàng trăm điểm sạt lở
Theo Sở TN-MT An Giang, toàn tỉnh hiện có 54 đoạn sông có nguy cơ sạt lở từ mức trung bình đến rất nguy hiểm. Dự báo, tình trạng này sẽ còn diễn biến phức tạp với tần suất xảy ra ngày càng nhiều hơn, một phần do khai thác cát vô tội vạ. Từ đầu năm 2011 đến nay, Sở TN-MT An Giang phối hợp với các ban, ngành đã xử phạt gần 250 vụ khai thác cát trái phép với số tiền gần 1,3 tỉ đồng nhưng vẫn không ngăn chặn nổi.
Tại Vĩnh Long, Sở TN-MT cho biết toàn tỉnh có 18 khu vực sạt lở nghiêm trọng, tập trung nhiều nhất là khu vực cồn An Bình, xã An Bình, huyện Long Hồ. UBND tỉnh cấp phép cho 4 công ty khai thác cát dọc sông Cổ Chiên và sông Tiền khiến nhiều hộ dân phải di dời vì sạt lở. Chỉ về khúc sông cách nhà 5 m, bà Nguyễn Thị Nhành, ngụ đầu cồn An Bình, bức xúc: “Ban đêm, nhiều sà lan kéo vô gần bờ múc cát. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh tình trạng này nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Cách đây nửa năm, ngôi nhà của tôi ở tít ngoài đó. Xáng cạp múc cát riết mà nhà cửa sụp xuống sông hết, phải dời sâu vô trong đây ở”.
Trong khi đó, hàng trăm hộ dân tại xã Phong Nẫm và An Lạc Tây, huyện Kế Sách – Sóc Trăng đang phản ứng trước việc khai thác cát gây sạt lở nhiều cồn trên sông Hậu. Ông Nguyễn Hoàng Oanh, một người dân sống ở cồn Cò, xã An Lạc Tây, phản ánh: “Cả ngày lẫn đêm, 4 chiếc sà lan thay nhau múc cát khiến cồn sạt lở trầm trọng. Một số hộ trắng tay do đê bao quanh cồn lở nặng, không nuôi được cá”.
Trên sông Hậu thuộc địa bàn Cần Thơ cũng có tới 16 điểm sạt lở, trong đó 8 điểm sạt lở sâu, tập trung tại đoạn sông phía trái từ cửa sông Cần Thơ đến khu vực Tân Quới, Đông Phú, cù lao Lục Sĩ Thành – Vĩnh Long. Theo xác định của cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân gây sạt lở là do tình trạng khai thác cát không đúng quy định.
Video đang HOT
Loay hoay ngăn chặn
Chuyện sạt lở diễn ra lâu nay ở nhiều nơi tại ĐBSCL nhưng đến giờ, các cơ quan chức năng vẫn loay hoay tìm giải pháp ngăn chặn, mà trước hết là xử lý nạn khai thác cát bừa bãi. Ông Roãn Ngọc Chiến, Giám đốc Sở TN-MT Vĩnh Long, cho biết: “Ở những khu vực đang có hiện tượng sạt lở bờ sông, chúng tôi sẽ kiến nghị UBND tỉnh cho tạm dừng khai thác cát có thời hạn hoặc không gia hạn cấp phép. Đồng thời, Vĩnh Long sẽ cùng các tỉnh lân cận xây dựng quy chế quản lý và phối hợp xử lý hoạt động khai thác cát”.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, UBND TP đã chỉ đạo các ngành liên quan kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hậu. Ông Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP Cần Thơ, tiết lộ: “Sở TN-MT đang lập kế hoạch về quy hoạch giới hạn cự ly khai thác cát để trình UBND TP duyệt. Quy hoạch này sẽ giới hạn những khu vực cấm các phương tiện vào khai thác”.
UBND tỉnh An Giang cũng vừa ra chỉ thị nghiêm cấm các loại phương tiện có tải trọng lớn khai thác cát trái phép gần bờ sông vào ban đêm; địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác, kinh doanh cát trái quy định sẽ bị xử lý trách nhiệm…
Theo NLD
Thi gan cùng "hà bá"
Không chỉ cứu hộ nạn nhân trong những vụ tai nạn tàu thuyền, tự vẫn, sập công trình..., lực lượng cứu hộ - cứu nạn còn phối hợp với CQĐT truy tìm vật chứng các vụ án dưới đáy sông, rạch
Ngỡ ngàng, thán phục là những gì mà người dân dành cho các chiến sĩ Đội Cứu hộ - Cứu nạn, Phòng Cứu hộ - Cứu nạn, Sở Cảnh sát PCCC - Công an TPHCM khi chứng kiến các anh lặn tìm thi thể một thủy thủ dưới đáy sông sâu cạnh cửa biển Cần Giờ suốt một ngày đêm.
Mạo hiểm dưới đáy sông sâu 30 m
Thượng úy Huỳnh Văn Tuấn, Đội trưởng Đội Cứu hộ - Cứu nạn, nhớ lại: "Hôm ấy là lần đầu tiên anh em lặn xuống độ sâu khoảng 30 m. Khu vực cứu hộ là hầm máy nằm ở đáy tàu nên lối đi rất hẹp, có nhiều vật dụng sắc bén dễ cắt đứt ống thở, nếu anh em sơ suất sẽ nguy hiểm tính mạng bởi ở độ sâu này khó mà trồi lên kịp".
Chiều 10-2, tàu Biển Nam 17 dài 79 m, ngang 12 m, chở hơn 3.000 tấn phôi xi măng đậu trên sông Nhà Bè - TPHCM bị tuột dây neo, trôi tự do và va chạm vào mũi một chiếc tàu nước ngoài. Mạn phải tàu Biển Nam bị thủng và chìm dần, 11 thủy thủ kịp nhảy xuống xuồng cứu nạn thoát thân, riêng anh Nguyễn Quang Tú (quê Hải Dương) mất tích.
Đến hiện trường, các chiến sĩ Đội Cứu hộ - Cứu nạn cùng chủ tàu vẽ lại chi tiết từng khoang với 3 tầng và 1 hầm máy, không loại trừ khả năng nạn nhân ở đâu đó. Trong 2 giờ lặn tìm tại các khoang tầng 2 và 3, lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy anh Tú. Do thủy triều xuống, tổ công tác phải tạm ngưng tìm kiếm. Đến 21 giờ 30 phút, khi con nước chảy nhẹ, 2 tổ cứu hộ nhanh chóng lao xuống sông tiếp tục lục tìm các buồng ngủ với hy vọng khi tàu chìm, nạn nhân quay về lấy đồ.
Đến 1 giờ 30 phút sáng 11-2, sau nhiều giờ lặn tìm, đội vẫn chưa tìm được thi thể anh Tú. "Trên bờ, người nhà của anh đau khổ dõi mắt trông theo từng cử chỉ của lực lượng cứu hộ. Họ nhổm người dậy khi có chiến sĩ trồi lên, đôi lúc mừng hụt rồi thở dài, tiếng nấc nghẹn vang lên giữa đêm khuya làm xốn lòng anh em. Tổ công tác tính tiếp tục lặn tìm nhưng do trời lạnh và tối nên đành tạm ngưng" - thượng úy Tuấn kể.
Đúng 10 giờ ngày 11-2, lực lượng cứu hộ triển khai 3 tổ với 7 chiến sĩ lặn xuống rà soát từng ngóc ngách của con tàu nhưng nạn nhân vẫn biệt tích. Quyết không để anh Tú nằm lại dưới sông một đêm nào nữa, chỉ huy Phòng Cứu hộ - Cứu nạn hội ý và yêu cầu chủ tàu cung cấp chính xác sơ đồ hầm máy.
Các chiến sĩ Đội Cứu hộ - Cứu nạn tìm kiếm thủy thủ tàu Biển Nam mất tích. ẢNH DO ĐỘI CỨU HỘ - CỨU NẠN CUNG CẤP
Lực lượng cứu hộ rút kinh nghiệm hôm tàu Dìn Ký chìm, nạn nhân cuối cùng được phát hiện dưới hầm máy. Một tổ công tác nhanh chóng được triển khai với nhiệm vụ khó khăn: Lặn vào hầm máy tìm nạn nhân. Không do dự, 3 chiến sĩ trẻ Nguyễn Cao Long, Nguyễn Tấn Huy và Phạm Quốc Dũng liền xung phong lao mình xuống nước.
"Khi chúng tôi lặn đến hầm máy, một người giữ nắp, 2 người hỗ trợ nhau đi vào, tới một cua quẹo lại cột dây làm dấu để người đi trước nếu thấy an toàn sẽ giựt dây báo hiệu cho người sau.
Khoang máy hẹp, bình hơi liên tục bị va đập, nếu mất bình tĩnh rất nguy hiểm cho mình và đồng đội. Tuy nhiên, chúng tôi đã nhanh chóng quên đi nguy hiểm khi Dũng chạm tay vào ngón chân của nạn nhân" - anh Huy hồi tưởng.
"Lặn dưới nước như người mù, chúng tôi dùng tay mò mẫm mọi thứ, khi chạm vào ngón chân Tú, tôi xác định thi thể anh bị kẹt giữa 2 máy tàu nhỏ. Tôi nhẹ nhàng đưa thi thể anh ra rồi bóp vào tay Huy ra hiệu đã tìm được. Lập tức, 2 anh em hỗ trợ nhau bế thi thể anh Tú ngoi lên. Khi nạn nhân được đưa lên bờ, mọi tiếng nấc nghẹn của người nhà òa vỡ. Thi thể anh Tú trên tay tôi không còn quần áo vì bị nước cuốn trôi hết..." - anh Dũng xúc động.
Mặc mắt cay, lòng đau...
Vụ đắm tàu Dìn Ký làm 16 người chết, trong đó có rất nhiều trẻ em, xảy ra hồi tháng 5-2011 ở Bình Dương, đến nay nhắc lại vẫn khiến nhiều người bàng hoàng. Một ngày 2 đêm liên tục dò tìm vị trí tàu chìm và thi thể các nạn nhân là khoảng thời gian quá dài với các chiến sĩ Đội Cứu hộ - Cứu nạn. Lực lượng cứu hộ phải mất hơn nửa ngày dò tìm vì các nạn nhân còn sống do hoảng loạn nên cung cấp không đúng vị trí tàu gặp nạn.
Trong khi đó, trên bờ sông Sài Gòn, hàng trăm thân nhân vật vã, đau đớn trông chờ từng phút giây người nhà mình được tìm thấy. Lực lượng cứu hộ càng bị áp lực hơn khi rất đông người dân tụ tập hai bên bờ sông dõi theo từng cử chỉ của các anh. Đâu đó văng vẳng lời chê trách, tiếng thở dài của người dân vì công tác cứu hộ không được suôn sẻ. Ít ai biết rằng hàng chục trái tim nóng vẫn đầy quyết tâm, bỏ mặc tất cả để nhanh chóng tìm thấy và đưa các nạn nhân lên bờ.
"Có người nói chúng tôi làm nghề này riết rồi quen, cảm xúc bị chai mất nhưng không bao giờ. Những giây phút càng đau thương, chúng tôi càng không thể khóc, phải bình tĩnh mới tìm kiếm được người bị nạn. Hoàn thành nhiệm vụ rồi, mắt có cay, lòng có đau cũng không muộn" - ông Nguyễn Ngọc Tốt, một chiến sĩ cứu hộ với gần 40 năm trong nghề, tâm sự.
Làm việc trong môi trường nguy hiểm nhưng trang thiết bị của chiến sĩ cứu hộ - cứu nạn còn đơn giản
Chính ông Tốt, với kinh nghiệm dày dạn của mình, đã tìm thấy vết dầu loang và xác định đúng vị trí tàu Dìn Ký chìm. Suốt một buổi lặn tìm, 15 thi thể được đưa lên bờ trong sự uất nghẹn của người thân. "Cứ mỗi thi thể vớt lên, khi biết đó là trẻ em, chúng tôi đau lắm! Do tàu làm bằng gỗ khá nhẹ nên khi dòng nước thay đổi, nó lại chao qua một bên khiến bùn đất lấp lên người các cháu. Tìm được các cháu, chúng tôi phải phủi bùn rồi mới đưa lên bờ" - ông Tốt kể.
Anh Nguyễn Cao Long cũng tham gia buổi cứu hộ hôm ấy nhớ lại: "Khi bế trên tay thân hình nhỏ xíu của các em, chúng tôi không ai bảo ai, phải thật nhẹ nhàng và cẩn thận". Riêng nạn nhân cuối cùng là bé Khánh, do gặp dòng nước xoáy nên lực lượng cứu hộ phải tạm dừng. "Không tìm được Khánh, nhiều chiến sĩ rất buồn bã, áy náy" - ông Tốt nhớ lại. Hôm sau, khi xác tàu được trục vớt thì người ta mới phát hiện thi thể bé Khánh nằm sâu dưới hầm máy.
"Những thông tin trên mặt báo sau đó càng khiến chúng tôi đau lòng khi biết gia cảnh Khánh rất nghèo, cha mẹ ly dị, chị em bé phải sống với bà ngoại. Anh em trong đội liền vận động đóng góp một ngày công để hỗ trợ gia đình bé. Hơn 5 triệu đồng được các chiến sĩ đưa tận tay bà ngoại Khánh khiến bà không cầm được nước mắt... Sau mỗi lần cứu hộ, mọi chuyện không phải chấm dứt. Mỗi vụ việc cho chúng tôi thêm kinh nghiệm, thêm nghị lực và tình người trong khốn khó" - đội trưởng Huỳnh Văn Tuấn thổ lộ.
Luôn đối mặt hiểm nguy
Được thành lập từ tháng 10-2006 - ban đầu chỉ là "tiểu đội không tên", đến nay, trải qua không ít khó khăn, vất vả, Đội Cứu hộ - Cứu nạn đã đạt được nhiều thành tích. Hơn một nửa chiến sĩ của đội đều rất trẻ, người lớn tuổi nhất là ông Tốt dù suýt chết mấy lần nhưng vẫn gắn bó với công việc.
Nhiều người dạn dày kinh nghiệm sau thời gian gắn bó với nghề đã phải chuyển công tác do áp lực từ gia đình, công việc và sức khỏe. Ngược lại, nhiều chiến sĩ đã đến với nghề bằng trách nhiệm và sự tâm huyết: Mặc những rào cản từ gia đình, anh Long vẫn kiên quyết xin vào đội; anh Huy vượt qua nỗi sợ hãi, ám ảnh khi lần đầu tiên tiếp xúc xác người; anh Dũng bất chấp những hờn trách của người yêu... "Nếu ai cũng sợ thì người nào sẽ làm công việc này? Tuy nhiên, chúng tôi xác định phải vượt qua, vì trách nhiệm và công việc" - anh Long bộc bạch.
Thi gan cùng "hà bá" nên nghề của các anh luôn đối mặt với hiểm nguy. Lặn dưới sông, cứ sâu 15 m thì một chiến sĩ chịu trung bình 500 kg áp lực nước, chỉ cần sơ suất nhỏ khi thao tác hay một sự cố vô ý cũng khiến họ mất mạng hoặc thương tật suốt đời. Máu nhiều chiến sĩ đã rơi, có người phải vĩnh viễn ra đi...
"Nghề này không chỉ "cứu" người chết mà quan trọng là cứu người sống trong các vụ chìm tàu, tự vẫn, sập công trình, sụp hầm, tai nạn lao động... Chưa kể, một nhiệm vụ quan trọng nữa của chúng tôi là phối hợp với CQĐT tìm vật chứng các vụ án dưới đáy sông rạch" - thượng úy Tuấn tiết lộ.
Thiếu cả người lẫn trang thiết bị
Theo thượng úy Huỳnh Văn Tuấn, tuy được TP quan tâm đầu tư nhiều trang thiết bị nhưng ngoài thiếu thốn về nhân sự, trong công tác cứu hộ, đội còn gặp không ít khó khăn như thiếu đồ lặn, camera, bộ đàm dưới nước...
Chưa kể, cơ sở hạ tầng của TPHCM liên tục phát triển, nhiều công trình hiện đại như hầm dìm Thủ Thiêm được đưa vào sử dụng nhưng các chiến sĩ chưa có mô hình tập luyện thực tế.
Ngoài ra, dù công việc nặng nhọc, môi trường làm việc độc hại, thiếu dưỡng khí nhưng cơ chế chính sách cho người làm công tác cứu hộ - cứu nạn chưa tương xứng. Ngoài mức lương cơ bản, các chiến sĩ vẫn chưa có chế độ trợ cấp nào.
Theo NLD
Những ngư phủ lặn tìm xác người trên dòng Hương Giang Hang trăm ngươi hiêu ky tim đên đưng xem khiên giao thông tăc nghen. Cây câu qua cu ky nay phai gông ganh quá nhiều nhiêu qua năm tháng bât ngơ đô sup xuông sông trong buổi sáng định mệnh hôm ấy, nhân chim hang chuc ngươi dươi dong nươc lanh leo, dươi cac tâm bê tông muc nat. Ba anh em Chi,...