Thác Jráiblian (Lâm Đồng): Hoang sơ và kỳ bí
Ẩn mình giữa núi rừng Tà In thanh vắng là một thác nước cao hùng vĩ. Thác có một vẻ đẹp vừa huyền bí vừa mơ màng.
Ai đã một lần đi qua chắc khó quên những ấn tượng về dòng thác cũng như vẻ đẹp hoang dã của nó giữa núi rừng hùng vĩ.
Từ vách đá cao chừng 70m, một dòng nước lớn chia làm ba nhánh đổ thẳng xuống lòng suối sâu, những tia nước đuổi nhau, phóng nhanh như tên bắn, bụi nước bốc mù mịt cả một vùng thật là huyền ảo. Ở xa chừng hai, ba cây số ta cũng đã nghe thấy tiếng nước reo ì ầm. Trải dài dưới chân thác là một bãi đá rộng, có nhiều tảng đá lớn gợi nên sự tưởng tượng lý thú cho du khách khi có dịp “dừng chân lãng du”. Tương truyền thì đó chính là xác của các loài cầm thú, chim muông và có cả con người bị chết hóa đá khi tụ tập ở đây để nghe âm thanh huyền diệu phát ra từ lưỡi con cá sấu. Tương phản với sự mạnh mẽ của dòng thác, cảnh vật ven bờ rất nên thơ. Bên phải thác, trên vách đá cheo leo một cây si già buông những cánh tay dài xuống thác như thể đang đùa vui với dòng nước. Rồi những cành cây, dây leo mềm mại bò trên vách đá. Đây đó, thỉnh thoảng xuất hiện những chùm phong lan trắng muốt từ các cành cây rũ xuống điểm trang Bên trái thác, men theo con đường mòn nhỏ, ta sẽ gặp một hang đá có vách dựng gần như một giao thông hào đi sâu vào lòng thác gợi cho khách lòng ham muốn khám phá Bên trái thác, men theo con đường mòn nhỏ, ta sẽ gặp một hang đá có vách dựng gần như một giao thông hào đi sâu vào lòng thác gợi cho khách lòng ham muốn khám phá Jráiblian – đó là cái tên quen thuộc mà đồng bào Churu trong vùng vẫn thường gọi dòng thác hùng vĩ này. Jráiblian – có nghĩa là thác đá cao. Nhưng về sau thác còn có tên gọi là thác Bảo Đại. Vì trong những năm tháng làm vua, Bảo Đại thường đi săn qua vùng này. Thác Jráiblian là điểm được ông chọn làm nơi dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày đi săn. Ngày nay, đồng bào Churu trong vùng vẫn còn lưu truyền một truyền thuyết lý giải về sự xuất hiện của thác Jráiblian Chuyện kể rằng: ngày xưa ở vùng Ktun có hai cậu cháu, người cậu tên là Zuwar, người cháu là Stak. Hai cậu cháu thường rủ nhau đi bắt cá. Một hôm nọ ra suối suốt cả ngày mà vẫn không bắt được một con cá nào. Chiều đến, đói rã cả người, hai cậu cháu vẫn chưa tìm được gì để lót dạ. Và khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống thì hai người cùng nhìn thấy một quả trứng lớn nằm trong hốc đá. Cậu Zuwar định lượm nhưng Stak ngăn không cho; một lát sau Stak cũng muốn lượm nhưng Zuwar lại can ngăn vì sợ… Hai người giằng co nhau mãi và đến cuối cùng thì họ quyết mang luộc. Khi trứng được luộc chín, hai cậu cháu lại dành nhau về chuyện ăn thử. Zuwar thì nói mình già rồi, có chết cũng không sao nên đòi ăn trước. Stak cũng không chịu, sợ cậu chết nên cố đòi ăn trước. Cuối cùng cháu Stak ăn được trước. Ăn xong, thấy ngứa hết cả mình mẩy, bèn nhờ cậu gãi giùm nhưng vẫn không hết. Càng gãi càng ngứa, hoảng quá Stak nhảy xuống suối ngâm mình trong nước. Một lúc sau người lớn bằng con bê và đến sáng đã lớn bằng con trâu. Zuwar buồn quá đành để cháu lại chạy về báo với người trong nhà. Khi mọi người trong gia đình chạy ra thì Stak vẫn sống mà một phần chân tay đã có vẩy như cá sấu, phần dưới mọc một cái đuôi dài. Stak ngẩng đầu lên nói với cha mẹ rằng: mình sẽ không sống làm gì nữa khi biến thành cá sấu, nên xin cha mẹ trước khi chết được ăn đủ trâu, bò, gà, vịt mỗi thứ 7 con. Người nhà liền làm theo. Nhưng Stak vẫn không chết, mà lúc này người đã lớn bằng cái nhà dài. Trong họ hàng nhà Stak bắt đầu có sự bàn cãi, giằng co nhau, có nên để cho nó sống nữa hay không. Cuối cùng họ cắt một miếng mâm sắc nung đỏ và mang tới nói là một miếng thịt đỏ rồi ném cho Stak, lúc này đã là một con cá sấu khổng lồ. Nuốt xong, nó nằm vật ngửa ra chết, xác nằm chắn ngang giữa suối. Lưỡi nó thè ra, nước tràn qua lưỡi tạo nên âm thanh hay hơn cả tiếng đàn. Hay đến nổi trứng gà trong tổ cũng lăn tới bờ suối để nghe. Tất cả các loài muôn thú và dân trong vùng đều bị mê hoặc bởi âm thanh kỳ lạ đó, bỏ cả công ăn việc làm tới nghe đến nỗi phải chết đói. Vua Chàm liền sai 100 người buộc dây kéo cái lưỡi ra. Nhưng kỳ lạ thay, cái lưỡi cứ dài ra rồi lại co rút lại làm cho cả đoàn người lăn tõm xuống vực sâu mà chết. Thưong hại con người, “Giàng” liền sai một con chim đen xuống mách bảo: phải lấy da ông già làm dây mới kéo được. Mừng quá, vua Chàm liền sai người rao tìm người già tình nguyện chết để cứu dân làng. Vừa lúc đó có một cụ già chống gậy tới xem, biết chuyện ông liền bước tới trước vua Chàm xin được chết. Vua Chàm mừng rỡ sai người mổ trâu bò làm tiệc thết đãi ông già, sau đó mổ lấy da bện thành dây thừng để kéo. Quả nhiên cái lưỡi bị gãy văng ra khắp nơi, dính cả vào cây lồ ô, cây tre bên cạnh. Nhưng cái lưỡi vẫn còn ba phần lớn. Một thành thác Jráiblian, một phần văng tới vùng Tu Tra (thuộc huyện Đơn Dương bây giờ) và một phần ở Ma Bó thành suối. Cũng vì vậy mà ngày nay tre và lồ ô là những loại cây có khả năng phát ra âm thanh nên được sử dụng làm các loại nhạc cụ. Jráiblian hay thác Bảo Đại là một trong những thắng cảnh còn giữ được nhiều vẻ đẹp hoang dã của Lâm Đồng, hứa hẹn một tiềm năng du lịch đầy triển vọng.
Thác Bopla (Lâm Đồng): Điểm dừng chân lý tưởng
Được mệnh danh là tuyệt tác huyền bí của cao nguyên Lâm Viên, thác Bopla nằm trên địa phận xã Liên Đầm, huyện Di Linh, cách thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) hơn 8km.
Ẩn hiện giữa một khu rừng tự nhiên, Bopla còn giữ được nguyên vẹn vẻ hoang sơ, quyến rũ.
Nằm giữa một khu rừng còn giữ được nhiều nét hoang sơ, chưa bị bàn tay con người can thiệp, thác Bopla đổ xuống như một dải lụa trắng giữa những thảm xanh. Khi chỉ còn cách thác chừng 50m đã nghe tiếng nước đổ như một bản nhạc trữ tình êm ái. Càng tiến lại gần càng cảm nhận được vẻ hoang sơ của nó. Đồng bào các dân tộc bản địa sinh sống trên vùng đất này từ lâu đã xem thác Bopla là biểu tượng của sự bất khuất, là sức mạnh của người dân miền sơn cước. Theo tiếng K'ho, Bopla có nghĩa là ngà voi.
Anh Nguyễn Hoàng Tuấn, một khách du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết, anh đã chôn chân bên thác gần ngày trời chỉ để nghe âm thanh của thác cùng tiếng chim rừng. Bao bọc lấy thác Bopla, ngoài rừng tự nhiên còn có một quần thể thực vật phong phú, kèm theo đó là rất nhiều loại hoa rừng, tất cả đều đẹp và cuốn hút như tranh vẽ.
Đến thăm Bopla, du khách không chỉ chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của dòng thác mà còn có thể bổ sung kiến thức về những loại cây cổ thụ. Có người ví von, nếu xem dòng thác là một dải lụa trắng khổng lồ thì những lớp trầm tích rong rêu và các loại rễ cây cổ thụ xõa xuống hai bên chính là đường diềm tô điểm cho dải lụa thêm quyến rũ.
Sau khi ngước mắt đắm đuối ngắm độ cao của thác, du khách có thể hạ tầm nhìn xuống phía chân thác. Dưới chân thác là một cái hồ nhỏ do nước chảy lâu ngày tạo thành, cạnh hồ có những tảng đá lớn trông như tấm phản. Qua sự bào mòn của nước và thời gian bề mặt những tảng đá trở nên bằng phẳng như một bàn cờ khổng lồ. Du khách có thể vừa ngồi nghỉ chân vừa ngắm thác. Vài năm trở lại đây, thác Bopla được quy hoạch thành một khu du lịch sinh thái tổng hợp nên trong những tour du lịch từ TP. Hồ Chí Minh lên Đà Lạt hoặc các tuyến du lịch khác, người ta đều xem Bopla là điểm dừng chân lý tưởng.
Sau khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác, du khách có thể ra các quầy hàng bán đồ thổ cẩm, các vật lưu niệm như túi thổ cẩm, nhẫn giả cổ, vòng ngọc... Thỏa sức ngắm nghía và mua sắm các món quà lưu niệm xong, bạn có thể ngược về thị trấn Di Linh thưởng thức sự hấp dẫn của món rau bép với nhiều kiểu chế biến như: sa lát, gỏi, xào... Đặc biệt, ở thị trấn Di Linh còn có món bún bò, do những người gốc Huế chế biến. Ngoài ra, bạn có thể thưởng thức món cháo lòng vỉa hè thơm ngon và nhiều dư vị. Chỉ cần có thế, quần thể thác Bopla đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng.
Chinh phục "sơn nữ" Liêng Rơwoa (Lâm Đồng) Nhiều người đến Liêng Rơwoa đã choáng ngợp bởi thiên nhiên hùng vĩ. Ai đó đã bảo rằng, Liêng Rơwoa hoang sơ nằm ở cao nguyên Lâm Đồng như một sơn nữ với tình yêu mãnh liệt. Liêng Rơwoa ở trung tâm thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, cách TP Đà Lạt trên 60 km. Đến thác này qua...