Texas – điểm đến tiềm năng cho thợ đào Bitcoin
Sau động thái quyết liệt dẹp bỏ hoạt động khai thác và giao dịch Bitcoin của Trung Quốc, nhiều thợ đào đã tìm tới Texas vì những thuận lợi của bang này.
Trung Quốc từ lâu là “quê hương” của hơn nửa số thợ đào Bitcoin trên thế giới. Nhưng giờ đây, chính quyền nước này đang muốn họ rời đi càng sớm càng tốt.
Tháng 5/2021, chính phủ Trung Quốc triển khai một đợt trấn áp lớn với hoạt động khai thác và giao dịch Bitcoin, dẫn tới cuộc di cư Bitcoin lớn nhất từ trước đến nay. Cuộc di cư này đang diễn ra và có thể là một yếu tố thay đổi cuộc chơi dành cho Texas. Khai thác tiền điện tử là quá trình tiêu tốn nhiều năng lượng, vừa tạo ra các đồng tiền mới vừa duy trì sổ cái lưu trữ tất cả các giao dịch hiện có.
Sự thống trị của Trung Quốc
Các ước tính trước đây chỉ ra rằng 65 đến 75% hoạt động khai thác Bitcoin trên thế giới diễn ra ở Trung Quốc – chủ yếu ở bốn tỉnh: Tân Cương, Nội Mông, Tứ Xuyên và Vân Nam. Thủy điện của Tứ Xuyên và Vân Nam biến chúng thành thánh địa năng lượng tái tạo, trong khi Tân Cương và Nội Mông là nơi có nhiều nhà máy than.
Một cơ sở khai thác tiền điện tử tại Tứ Xuyên,Trung Quốc.
Sau khi không đạt được các mục tiêu về khí hậu, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đổ lỗi cho các mỏ khai thác tiền điện tử và quyết định cho những cơ sở này hai tháng để giải tỏa.
Nic Carter, đối tác sáng lập của Castle Island Ventures, cho rằng Trung Quốc sẽ xử lý theo từng giai đoạn. Ông nói: “Có vẻ Bắc Kinh đang đi từ tuyên bố chính sách đến triển khai thực tế trong khoảng thời gian tương đối ngắn”. Quy mô của các cuộc di cư này được đánh giá bằng tỷ lệ băm (hash rate), một thuật ngữ trong ngành được sử dụng để mô tả sức mạnh tính toán của tất cả thợ đào trong mạng Bitcoin.
Carter cho biết thêm: “Các thống kê cho thấy rõ ràng tỷ lệ băm đang giảm, có vẻ như một lượng lớn máy khai thác đang bị tắt trên toàn quốc. Tôi nghĩ sẽ có 50 – 60% toàn bộ tỷ lệ băm của Bitcoin cuối cùng sẽ rời khỏi Trung Quốc”.
Dù thông báo của Trung Quốc chưa trở thành chính sách, điều đó không ngăn được những người khai thác như Alejandro De La Torre tìm lối thoát.
De La Torre, Phó chủ tịch Poolin, một nhóm khai thác có trụ sở tại Hong Kong, cho biết: “Chúng tôi không muốn mỗi năm lại đối mặt với một loại lệnh cấm mới từ chính phủ Trung Quốc. Vì vậy, chúng tôi đang cố gắng đa dạng hóa tỷ lệ băm khai thác toàn cầu và đó là lý do tại sao chúng tôi chuyển sang Mỹ và Canada”. Tuy nhiên, việc di cư sẽ không diễn ra ngay lập tức, một phần vì các thợ đào sẽ mất một khoảng thời gian để di chuyển máy móc ra khỏi Trung Quốc hoặc thanh lý tài sản và thiết lập cơ cở ở nơi khác.
Điểm đến tiếp theo
Video đang HOT
Khi hoạt động trên quy mô lớn, ngành công nghiệp khai thác Bitcoin có biên lợi nhuận khá thấp, vì vậy, các địa điểm sở hữu nguồn điện rẻ được khuyến khích lựa chọn. Carter nói: “Nhiều công ty khai thác hoặc thợ đào ở Trung Quốc đang tìm đến Trung Á, Đông Âu, Mỹ và Bắc Âu”.
Một điểm đến được một số công ty chọn là nước láng giềng của Trung Quốc, Kazakhstan. Các mỏ than của đất nước cung cấp nguồn cung cấp năng lượng dồi dào và rẻ. Ngoài ra, nó cũng có chính sách khá dễ chịu trong lĩnh vực xây dựng, cho phép các công trình khai thác được hoàn thành trong một khoảng thời gian ngắn.
Didar Bekbauov, CEO của Xive, một công ty cung cấp dịch vụ lưu trữ và bán các thiết bị chuyên dụng khai thác tiền điện tử, cho biết có vô số thợ đào Bitcoin đến từ Trung Quốc đã gọi điện cho ông để hỏi về các phương án di dời. Quy mô dàn trâu cày của họ dao động từ 15 đến hàng nghìn máy.
“Một thợ mỏ nói với chúng tôi rằng chỉ các nhà máy điện của chính phủ Trung Quốc mới hạn chế việc khai thác. Các nhà máy tư nhân vẫn sẽ tiếp tục phục vụ các thợ đào Bitcoin. Tuy nhiên, hầu hết nguồn cung điện ở Trung Quốc đều do các nhà máy của nhà nước sản xuất, vì thế thợ đào phải rời đi. Họ trở nên bất an và phải nhanh chóng tìm địa điểm mới”, Bekbauov nói với CNBC .
Liệu Kazakhstan sẽ là một điểm đến lâu dài hay chỉ đơn giản là một điểm dừng chân trong chuyến di cư dài về phía tây vẫn còn chưa có lời giải. Nhưng, Brandon Arvanaghi, cựu kỹ sư bảo mật tại sàn giao dịch Gemini, lạc quan về các địa điểm ở Bắc Mỹ và cho rằng tỷ lệ băm ở đó sẽ tăng trong vài tháng tới.
Ông nói: “Texas không chỉ có điện rẻ nhất ở Mỹ mà còn là một trong những nơi có điện rẻ nhất trên thế giới. Thủ tục thành lập một công ty khai thác cũng rất dễ dàng. Nếu bạn có 30 – 40 triệu USD, bạn có thể có một công ty khai thác tiền điện tử hàng đầu ở Mỹ”.
Một trung tâm dữ liệu chuyên đào tiền Bitcoin đặt gần một mỏ dầu ở phía bắc Texas tháng 5/2021.
Mặc dù Texas từng trải qua tình trạng mất điện kéo dài trong mùa đông năm ngoái do thiếu năng lượng dự trữ, bang này có giá năng lượng thuộc hạng thấp nhất thế giới và thị phần năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng cao, với 20% năng lượng từ gió vào năm 2019. Texas cho phép khách hàng tự do lựa chọn giữa các nhà cung cấp điện và quan trọng là chính quyền bang rất ủng hộ tiền điện tử – điều kiện mơ ước cho các thợ đào đang tìm kiếm nguồn năng lượng rẻ và được chào đón.
Arvanaghi cho biết: “Bạn sẽ thấy một sự thay đổi mạnh mẽ trong vài tháng tới. Những ngày này thống đốc Greg Abbott của Texas đang thúc đẩy khai thác tiền điện tử trở thành một ngành công nghiệp thực sự ở Mỹ, điều này thật không thể tin được”.
Tuy nhiên, cũng có một số hạn chế lớn ngăn cản Mỹ trở thành điểm đến lý tưởng cho các công ty khai thác Bicoin toàn cầu.
Đầu tiên, thời gian xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để tiếp nhận các thợ đào có thể là từ sáu đến chín tháng. Carter nói: “Mỹ có lẽ không thể nhanh nhẹn như các quốc gia khác trong việc thu hút những người này”. Việc di chuyển cũng có thể gặp khó khăn do tình trạng thiếu hụt container vận chuyển.
Nhưng có lẽ câu hỏi lớn nhất là độ tin cậy của lưới điện Texas. Đầu năm nay, một cơn bão đã tàn gây mất điện tại nhiều vùng rộng lớn của bang này. Một loạt nguyên nhân được cho là dẫn tới sự cố mất điện lịch sử, trong đó có sự cũ kỹ của cơ sở hạ tầng. Gần đây hơn, ERCOT, tổ chức vận hành lưới điện của Texas, đã yêu cầu người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh một đợt nắng nóng sắp tới.
Hiện tại, không có nhiều nơi đủ công suất khai thác để sẵn sàng tiếp nhận cộng đồng thợ đào Bicoin Trung Quốc. Tuy nhiên, sự phân tán về địa lý nhiều hơn sẽ giúp cân bằng quyền lực toàn cầu, và cũng làm giảm khả năng của bất kỳ quốc gia nào trong việc kiểm soát mạng lưới Bitcoin.
Chúng ta cũng có thể thấy các khu kinh tế đặc biệt dành riêng cho khai thác tiền điện tử xuất hiện trong vài tháng tới. Carter nói: “Một số khu vực áp dụng lập trường rất thuận lợi và tạo ra các đặc khu khuyến khích thợ đào Bicoin khai thác tại địa phương. Chúng tôi nhận thấy mô hình này ở cấp tiểu bang và quốc gia, thậm chí các công ty có thể được trợ giá điện để khai thác”.
Thợ đào không còn mặn mà với Bitcoin
Việc Trung Quốc mạnh tay với khai thác và giao dịch Bitcoin đã ảnh hưởng tới toàn bộ thị trường tiền mã hóa.
Chiến dịch xóa sổ tiền điện tử ở Trung Quốc diễn ra trong hơn 2 tuần qua. Kể từ ngày 21/5, khi Trung Quốc tuyên bố cấm giao dịch và khai thác Bitcoin, mức giá của đồng tiền mã hóa này đã không thể vượt qua mức 40.000 USD. Giá trị giao dịch trung bình hàng ngày đã giảm xuống còn 34,8 tỷ USD trong tuần đầu tháng 6, giảm mạnh so với mức kỷ lục 67 tỷ USD của tháng 5 và thấp nhất kể từ tháng 12/2020, theo CoinDesk Research .
Thợ đào Bitcoin mất động lực
Việc giá trị giao dịch giảm mạnh dẫn tới một thông số đáng chú ý khác. Đó là phí giao dịch Bitcoin trung bình, số tiền trả cho các thợ đào xử lý, cũng giảm xuống 4,38 USD/mỗi giao dịch vào cuối tuần, giảm 93% so với mức đỉnh 62,77 USD vào tháng 4, theo Cointelegraph .
Phí giảm, nguy cơ bị phạt tăng khiến thợ đào Bitcoin tại Trung Quốc mất động lực.
Các "mỏ" Bitcoin thực chất là tập hợp những cỗ máy với năng lực tính toán mạnh, dùng để xác minh các giao dịch trên chuỗi khối Bitcoin. Để khuyến khích các thợ đào đóng góp vào mạng lưới phi tập trung, mạng lưới sẽ thưởng Bitcoin mỗi khi một khối được xác thực, đồng thời thợ đào còn được nhận phí giao dịch. Phí này bị ảnh hưởng bởi cung và cầu, cùng với quy mô giao dịch và số lượng giao dịch của đồng tiền mã hóa.
Phí giao dịch vốn là một khoản không đáng kể so với phần thưởng Bitcoin. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán mức phí này sẽ ngày càng cao và hấp dẫn hơn với các thợ đào khi lượng Bitcoin được khai thác giảm dần đi.
Nói cách khác, mục tiêu của những thợ đào Bitcoin bây giờ là số Bitcoin được thưởng sau khi hoàn thành mỗi khối. Tuy nhiên, khi Bitcoin mới không còn được tạo ra nữa, thì phần thưởng cho việc hoàn thành khối Bitcoin chính là mức phí giao dịch. Chừng nào còn giao dịch mua, bán Bitcoin, thì những khối mới sẽ được tạo ra, và thợ đào sẽ còn được nhận tiền.
Phí giao dịch được dự đoán là phần thưởng quan trọng đối với thợ đào Bitcoin trong tương lai, khi lượng Bitcoin ngày càng khan hiếm.
Satoshi Nakamoto cũng đã hình dung đến viễn cảnh này, khi viết trong sách trắng về Bitcoin.
"Khi lượng tiền mã hóa xác định từ đầu đều đã được lưu thông, thì phần thưởng sẽ chuyển đổi hoàn toàn thành phí giao dịch và sẽ không hề có lạm phát", lập trình viên bí ẩn này khẳng định.
Với thực tế Trung Quốc đang mạnh tay cấm Bitcoin, làm số lượng giao dịch giảm mạnh, các thợ đào có thể phải chấp nhận thị trường suy giảm mạnh, qua đó lợi nhuận ít đi.
Chưa thấy cửa ra cho thợ đào Bitcoin Trung Quốc
"Khối lượng giao dịch thường nhỏ hơn khi đó là thị trường trên đà giảm, chủ yếu do những thay đổi về quy định", Simons Chen, giám đốc điều hành đầu tư và giao dịch tại công ty tài chính tiền điện tử Babel Finance có trụ sở tại Hong Kong nhận định.
Chiến dịch mạnh tay chèn ép Bitcoin Trung Quốc không có dấu hiệu sớm hạ nhiệt. Mức giá Bitcoin đã giảm hơn 40% so với mức cao nhất mọi thời đại, là hơn 62.000 USD vào tháng 4.
"Tín hiệu từ cuộc họp vào tháng 5 đã khiến một số nhà giao dịch sợ hãi", ông Chen nhận định.
Biểu đồ cho thấy thợ đào Bitcoin đã bán ra lượng lớn Bitcoin trong tuần qua.
Sau cuộc họp, một số trung tâm khai thác Bitcoin tại Nội Mông, Tân Cương và Thanh Hải đã đưa ra thông báo đóng cửa một phần hoặc tất cả các mỏ khai thác trong khu vực của họ. Tỉnh Tứ Xuyên, nơi phụ thuộc vào thủy điện sạch hơn, đã tổ chức một cuộc họp về khai thác Bitcoin vào đầu tháng này, nhưng không đưa ra kết luận nào về những thay đổi chính sách có thể xảy ra.
Trung Quốc chiếm 65% tổng năng lực khai thác Bitcoin toàn cầu vào tháng 4, theo Chỉ số tiêu thụ điện Bitcoin của Cambridge. Riêng Tân Cương chiếm gần 36% trong đó, còn Tứ Xuyên và Nội Mông lần lượt đứng thứ hai và thứ ba.
Những người đào Bitcoin tại Trung Quốc hiện nay đối diện nguy cơ bị cho vào danh sách đen tín nhiệm xã hội. Ngoài ra, các mạng xã hội nước này như Baidu và Weibo đã kiểm duyệt kết quả tìm kiếm cho các sàn giao dịch tiền điện tử lớn kể từ ngày 9/6. Tuần trước, Weibo đã cấm một số tài khoản có ảnh hưởng liên quan đến tiền điện tử, nói rằng các tài khoản này đã vi phạm các nguyên tắc của Weibo cũng như "luật và quy định liên quan".
Điều gì xảy ra khi hết Bitcoin? Theo thiết kế ban đầu, sẽ chỉ có 21 triệu đồng Bitcoin được khai thác. Đến nay, con người đã "đào" được hơn 18 triệu Bitcoin. Bitcoin giờ đây thường được coi là một loại vàng điện tử, bởi đồng tiền mã hóa này sở hữu tính chất giống vàng: không thể tạo ra một cách đơn giản mà bắt buộc phải "khai...