Tết ta bàn chuyện điện thoại ta
Điện thoại Việt chưa đủ sức cạnh tranh trên sân nhà nhưng đã có tín hiệu tích cực từ VNPT hay BKAV, những nhà sản xuất thể hiện sự nghiêm túc trong việc tạo ra sản phẩm made in VN.
Việt Nam – thị trường 90 triệu dân – đang bị thống trị bởi các hãng sản xuất di động nước ngoài. Nhìn sang một số nước lân cận, Ấn Độ, Indonesia, Phillipines… đều có những nhà sản xuất nội tạo được dấu ấn trên thị trường. Trung Quốc thì đang vươn mình trở thành đất nước có những hãng điện thoại lớn nhất thế giới, với sự phát triển không ngừng của những Xiaomi, Huawei, ZTE, Lenovo.
Trong khi đó, những chiếc smartphone được gọi là “thương hiệu Việt” hiện bày bán trên thị trường phần lớn được đặt hàng từ Trung Quốc, chỉ thay đổi nhãn mác và đóng tên thương hiệu Việt. Các sản phẩm từ Q-Mobile, Mobiistar, FPT, Viettel trước đây ít nhiều gây được sự chú ý đối với người dùng nhờ giá rẻ, đánh vào nhóm khách hàng nâng cấp từ điện thoại phổ thông lên smartphone với mức giá xấp xỉ 1,5 – 3 triệu đồng.
VIVAS Lotus S2 – chiếc smartphone được lắp ráp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi các nhà sản xuất lớn nhìn ra tiềm năng của phân khúc smartphone giá rẻ, Nokia, Samsung, Asus lần lượt nhảy vào cuộc với những chiếc Lumia, Galaxy, Zenfone giá siêu rẻ, chất lượng đảm bảo, nhà sản xuất trong nước lập tức gặp vô vàn khó khăn.
Họ than khó, than người dùng Việt chưa ủng hộ hàng Việt nhưng họ nên trách bản thân trước. Niềm tin, sự ủng hộ phải được gây dựng từ bản thân chất lượng sản phẩm chứ không phải từ những lời hô khẩu hiệu. Người dùng có quyền chọn cho họ những sản phẩm tốt nhất. Sự lựa chọn của họ cũng là câu trả lời rõ ràng nhất cho việc, sản phẩm của bạn có đủ tốt hay không. Điều này đồng nghĩa với việc, dưới con mắt người dùng: điện thoại Việt chưa đủ tốt.
Video đang HOT
Tuy nhiên, người dùng Việt có lý do để kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng hơn trong thời gian tới. Cuối năm 2014, VNPT Technology giới thiệu bộ đôi smartphone Vivas Lotus S2 và S2 Eco. Mặc dù còn nhiều hạn chế về thiết kế và cấu hình nhưng rõ ràng, việc VNPT xây dựng 2 nhà máy để lắp ráp sản phẩm cho thấy, họ thể hiện sự nghiêm túc trong việc sản xuất smartphone. VNPT hiện đã làm chủ khâu lắp ráp, làm chủ việc phát triển phần mềm. Thứ họ còn thiếu chỉ là khâu thiết kế kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm, để tạo ra một model khác biệt trên thị trường. Tất nhiên, khâu thiết kế nói trên chính là khâu khó nhất bởi ngay cả những hãng sản xuất lớn như Apple, Samsung đôi khi vẫn tỏ ra thiếu ý tưởng về thiết kế và bị chê te tua.
VNPT cần thời gian và cả kinh nghiệm sản xuất để vươn mình trở thành một nhà OEM (Original Equipment Manufacturer – nhà sản xuất thiết bị gốc) thứ thiệt.
Ở khâu thiết kế sản phẩm, người ta lại đang kỳ vọng vào BKAV. Hãng sản xuất nổi tiếng với phần mềm diệt virus Bkav và nhà thông minh SmartHome bất ngờ đem trưng bày bản mẫu chiếc smartphone (được đồn đoán có tên Bphone) tại triển lãm CES danh tiếng.
BKAV thể hiện một chiến dịch truyền thông cực kỳ chuyên nghiệp với chiếc smartphone bí ẩn của mình. Sản phẩm này được cho là ra mắt vào cuối tháng 3. Ảnh: Vnreview.
Những hình ảnh rò rỉ từ nhà máy của BKAV cũng cho thấy, đây là một chiếc smartphone được đầu tư nghiêm chỉnh về thiết kế với vỏ nhôm nguyên khối. Cái cách BKAV rò rỉ sản phẩm, dẫn dắt dư luận cho thấy, họ đã có một kế hoạch dài hơi cho sản phẩm này. Việc lãnh đạo BKAV úp mở tuyên bố đây sẽ là một model cao cấp, cạnh tranh với những smartphone hàng đầu thế giới là một bước đi táo bạo khác. Từ trước đến nay, các mẫu smartphone thương hiệu Việt chủ yếu nhắm vào phân khúc giá rẻ. Smartphone của BKAV có thể là sản phẩm đầu tiên phá vỡ truyền thống này.
Tất nhiên, vẫn còn vô số câu hỏi cần được giải đáp cho chiếc smartphone của BKAV bởi từ việc tạo ra một chiếc smartphone tốt cho đến thành công trên thị trường là một chặng đường dài.
Thành Duy
Theo Zing
'Người Việt luôn nghi ngờ điện thoại made in VN'
Đại diện VNPT cho biết, họ đã hứng chịu rất nhiều chỉ trích và cách nhìn tiêu cực về những sản phẩm smartphone đầu tiên sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc marketing sản phẩm của VNPT Technology cho biết: "Chúng tôi phải chịu rất nhiều chỉ trích từ khi bắt đầu dự án sản xuất smartphone tại Việt Nam. Người dùng trong nước luôn nhìn nhận tiêu cực, nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, thậm chí nghi ngờ cả sự trung thực, chất xám và trình độ của chính người Việt Nam".
Theo ông Nam, điều này xuất phát một phần từ việc người dùng không nắm bắt được thông tin chính xác. Trước nhiều ý kiến cho rằng, những mẫu smartphone như Lotus S1 trước đây hay S2 mới ra mắt được gia công tại Trung Quốc, ông Nam khẳng định: "Từ thiết kế sản phẩm, kiểu dáng, lắp ráp các bo mạch và kiểm định chất lượng sản phẩm, VNPT Technology đều đã làm chủ được". Do đó, có thể gọi đây là sản phẩm được tạo ra từ 100% công sức và trí tuệ của người Việt.
Đại diện VNPT cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam có cái nhìn chưa đúng về sản phẩm sản xuất trong nước.
Cũng theo ông Nam, đối với các thiết bị như smartphone hay sản phẩm công nghệ cao, câu hỏi tỷ lệ nội địa hóa là bao nhiêu phần trăm - nhiều người vẫn thường hỏi - là không phù hợp bởi Việt Nam chưa có ngành công nghiệp phụ trợ. Ông Nam thừa nhận, 100% linh kiện đều được nhập khẩu từ các đối tác nước ngoài nhưng nhấn mạnh, các công ty lớn như Apple, Samsung đều chọn phương thức đặt hàng linh kiện chứ không tự sản xuất.
Theo ông Nam, hàm lượng chất xám trong chuỗi giá trị sản phẩm (smartphone) vừa ra mắt của VNPT đạt 50 - 60%.
"Chúng tôi cảm thấy buồn vì cách nhìn tiêu cực của người tiêu dùng đối với sản phẩm Việt. Những người ủng hộ chúng tôi quá ít. Có thể, chúng tôi chưa cần ủng hộ bằng hành động nhưng chỉ cần những lời nói, những sự tôn trọng nhất định, đó đã là niềm động lực rất lớn để chúng tôi tiếp tục cố gắng. Chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ đối với những người đi tiên phong trong ngành công nghiệp còn non nớt của nước nhà", ông nói.
Trong khuôn khổ buổi ra mắt sản phẩm Vivas Lotus S2 diễn ra sáng 25/11, đại diện VNPT Technology đã tổ chức buổi thăm quan nhà máy sản xuất smartphone của hãng tại Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Đây là một dây chuyền sản xuất khép kín với đầy đủ các công đoạn từ kiểm định nguyên liệu, lắp ráp các bo mạch, hoàn thiện sản phẩm và đóng gói. Theo Giám đốc nhà máy, dây chuyền này đủ sức sản xuất khoảng 3.000 máy/ngày.
Nhà máy sản xuất smartphone của VNPT Technology tại Hà Nội. Ảnh: Thành Duy.
Bộ đôi smartphone mới ra mắt của hãng là Vivas Lotus S2 và S2 Eco sẽ được cho bán ra thị trường ngay từ hôm nay (25/11) với giá lần lượt là 1,59 và 2,19 triệu đồng. Đại diện hãng đặt mục tiêu bán khoảng 50.000 máy/tháng nhờ lợi thế về hệ thống phân phối trải khắp các tỉnh thành của VNPT.
Thành Duy
Theo Zing
Đứt cáp quang AAG làm mất 40% dung lượng Internet đi quốc tế VNPT cho biết, ngày 15/9, tuyến cáp quang biển quốc tế đi Hong Kong, Mỹ bị đứt làm mất 40% dung lượng băng thông Internet quốc tế. Vào lúc 23h26 ngày 15/9, trên hệ thống cáp quang biển quốc tế AAG từ Việt Nam, hướng chủ yếu đi Hong Kong, Mỹ, đoạn S1I thuộc vùng biển gần Hong Kong đã xảy ra sự...