Tết sắp về, nhớ những ngày rộn ràng đi ‘giẫy mả’, nghe kể sự tích ông bà
Đối với tôi, Tết bắt đầu từ những ngày đầu tháng Chạp. Đó là những ngày rộn ràng chờ đón năm mới của tôi và mấy đứa trẻ trong xóm nghèo.
Không sung túc, đủ đầy như bây giờ, nhưng những cái Tết ấy luôn là miền ký ức không thể nào lãng quên, là một thời để nhớ, là nơi để ai đó khát khao tìm về.Đầu tháng Chạp, người dân quê tôi lục tục đi giẫy mả, phát quang bụi rậm ở những khu mộ của người thân. Từ nhỏ, tôi đã nghe ngoại kể – đó là truyền thống của tộc họ quê mình – gọi là “chạp mả”.
Mỗi tộc chọn một ngày để con cháu tề tựu lại trưởng chi, nhánh, hay trưởng tộc rồi đi thăm, giẫy từng ngôi mộ của ông bà xưa đến con cháu gần. Mộ hồi xưa chưa xây dựng bề thế, thậm chí không có điều kiện để lập bia ghi dấu nơi an nghỉ cuối cùng của một người nên giẫy mả, đắp mộ dịp cuối năm là cách để con cháu biết nơi ông bà mình đã nằm xuống ngàn thu.
Có những ngôi mộ chỉ có một cục đá to hơn bình thường được cắm xuống. Lớp thanh niên, con cháu trai sẽ được đi cùng ông bà lớn tuổi hơn. Tôi thích đi những buổi như thế này vì được nghe ông ngoại chú (em ngoại ruột) kể về “sự tích” từng ngôi mộ và người nằm dưới đất sâu. Từ đó, mình hình dung ra ông bà tổ tiên của mình đã từng… đẹp trai như thế nào và từng sống ra sao.
Tác giả đi viếng mộ ông bà ngoại dịp chạp mả
Khói nhang thơm cả một góc rừng – nơi được chọn để người quê có mất thì đem lên đó, “trở về cát bụi” – vào những tháng Chạp như vậy. Tôi nghĩ về những mùa chạp mả này với ý nghĩa thật nhân văn, một cách tri ân ông bà, tổ tiên.
Ngoại tôi thì bảo, đi giẫy mả, đắp mộ cho ông bà mình trước Tết cũng giống như cách mình dọn nhà mới cho các cụ chuẩn bị về vui xuân với con cháu. Tôi hiểu ý ngoại, chắc người chết cũng cần được trang hoàng nhà cửa – là ngôi mộ cỏ mỗi năm, trước Tết. Đắp mộ ông bà cuối năm thời đó còn là để cỏ cây khỏi biến mộ thành rừng, tội nghiệp. Ngoại tôi hay cảm thán vì những ngôi mộ vô danh, không còn con cháu đi đắp, giỗ chạp mỗi năm trở nên hoang lạnh.
Video đang HOT
Quê tôi còn có tục “giẫy mả âm linh” mỗi năm vào ngày 23 tháng Chạp. Cả làng sẽ cùng thực hiện việc này như một sinh hoạt truyền thống, nhân văn. Đàn ông trong thôn đến ngày này, nghe tiếng kẻng làng sẽ tập hợp tại nhà văn hóa thôn rồi được phân công đi đắp, giẫy những mộ hoang, không có ai chăm sóc. Cứ vậy, những người đã khuất có một ngày giỗ chạp chung gọi là “giẫy mả âm linh”, được cúng linh đình tại đình làng. Lễ vật cúng dịp này được quyên góp theo hình thức tùy hỉ từng nhà. Sau khi cúng, ai tham gia đi giẫy mả thì cùng ăn uống, rồi nhà ai nấy về.
Trở lại với ngày chạp mả đầu tháng Chạp, các cô dì trong họ sẽ được giao nhiệm vụ nấu nướng. Các mâm cúng được dọn sẵn. Cánh đàn ông trong họ đi giẫy mả về sẽ nghỉ ngơi, người trưởng họ sẽ đại diện cúng, với áo dài khăn đóng nghiêm túc. Sau khi cúng, mọi người ăn uống, hỏi thăm nhau, rồi nhắc con cháu nhớ mộ ông cố, ông sơ hay bà nội, bà ngoại ở chỗ đó để “nhỡ năm sau tao không còn thì bây biết mà đi giẫy”.
Sự tiếp nối của con cái với tổ tiên từ những sinh hoạt như vậy ăn sâu vào tâm khảm để rồi những người trẻ như tôi đi tha hương, đến tháng Chạp hàng năm vẫn nghe người lớn trong tộc họ hỏi: “Chạp mả năm ni có về không?”.
Mộ cỏ của ông bà dần được khang trang hơn nhờ đời sống kinh tế của con cháu khá lên. Gia đình tôi đã xây được mộ, dựng được tấm bia đàng hoàng cho những người trong tộc. Đến tháng Chạp hàng năm, tuy không phải đi đắp, đi giẫy mả nữa nhưng cháu con vẫn tựu về nhà một người lớn trong tộc họ rồi đi thăm viếng, thắp nhang, cúng kiếng.
“Tết năm ni, nhà con Ba ăn Tết lớn hông bây?”, “Mấy đứa con thằng Bảy Hảo học giỏi, đi làm ở thành phố giàu có hết hỉ?”, “Chu choa, vợ chồng hắn cực khổ nuôi hai đứa con thành tài rứa mừng cho hắn”… Cứ vậy, những rôm rả yêu thương từ tháng Chạp khiến con cháu xa quê thôi thúc phải về, chờ Tết, đếm ngược về Tết để được thắp nén nhang thơm lên bàn thờ ông bà tổ tiên rồi thủ thỉ: “Con về rồi đây, năm ni con có sắm mâm cơm thỉnh ông bà về vui với con cháu ba ngày xuân, phù hộ cho con cháu được trên thuận dưới hòa, làm ăn khấm khá”…
Có thể ông bà không nghe thấy nhưng cháu con cứ vậy khấn vái, như có thêm một chỗ để tựa nương như thuở ấu thơ vẫn tựa vào người lớn để trưởng thành.
Hồn Việt trong áo dài ngày Tết
Trong những ngày Tết Nguyên đán rộn ràng niềm vui chào đón năm mới, nhiều gia đình đã chọn trang phục áo dài truyền thống để diện đi chúc Tết, lễ chùa đầu năm hay xuống phố du Xuân.
Xu hướng mặc áo dài trong dịp Tết ngày càng được ưa chuộng, qua đó thể hiện sự tôn vinh những giá trị truyền thống của dân tộc, đồng thời góp phần lưu giữ hồn Tết Việt.
Chị Linh Thị Diệp ( áo dài đỏ, bên phải) cùng bạn bè diện áo dài xuống phố du Xuân.
Hòa chung không khí nhộn nhịp của những ngày cận Tết, trên các địa điểm đẹp quanh thành phố Việt Trì như Công viên Văn Lang, chợ hoa Tết, vườn hoa, quán café, nhà hàng... không khó để bắt gặp hình ảnh những tà áo dài thướt tha cùng các bà, các mẹ, các chị đi du Xuân, chụp ảnh. Việc mặc áo dài ngày Tết đã trở thành trào lưu, xu hướng được nhiều người lựa chọn giữa nhịp sống hiện đại. Chị Linh Thị Diệp ở phường Tiên Cát, TP Việt Trì có niềm đam mê, yêu thích đặc biệt với áo dài. Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, chị thường chọn cho mình những bộ áo dài thật đẹp để chào đón năm mới với nhiều niềm vui và may mắn.
Áo dài đã trở thành một phần không thể thiếu trong trang phục ngày Tết hiện nay
Chị Diệp chia sẻ: "Việc diện trang phục áo dài trong dịp Tết giúp người phụ nữ tôn lên vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng. Vì vậy, áo dài trở thành một phần không thể thiếu đối với tôi trong những ngày Tết Nguyên đán, góp phần làm nên không khí Tết trọn vẹn".
Ngày nay, không chỉ có trang phục áo dài truyền thống được ưa chuộng mà những chiếc áo dài cách tân với những họa tiết trẻ trung, cá tính và năng động cũng được nhiều bạn trẻ lựa chọn trong dịp Tết. Em Nguyễn Ánh Nguyệt - học sinh Trường THPT Long Châu Sa, thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao cho biết: "Những ngày cận Tết, em và các bạn đã cùng hẹn nhau mặc áo dài để chụp hình, chia sẻ những bức ảnh đẹp của mình lên trang Facebook cá nhân. Mặc áo dài rất đẹp, em thấy hiếm có trang phục nào mang đến không khí rộn rã và hân hoan vào dịp Tết như áo dài".
Trẻ em cũng được bố mẹ lựa chọn trang phục áo dài để diện trong ngày Tết.
Với xu hướng chọn áo dài diện Tết ngày càng tăng cao, nhiều cửa hàng áo dài trên địa bàn TP Việt Trì cũng đã có sự chuẩn bị tốt để phục vụ nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết. Chị Ngô Thị Thanh Loan, chủ cửa hàng áo dài Thiên Anh, phường Tiên Cát, TP Việt Trì cho biết: "Nhu cầu mua áo dài Tết của khách hàng rất cao, có người lựa chọn may đo áo dài để đảm bảo vừa với form dáng, có người lại thích áo dài may sẵn bởi tính tiện lợi, bắt mắt, nhiều phân khúc giá thành và quan trọng là khách hàng không phải chờ đợi lâu. Nắm bắt được tâm lý của khách hàng nên cửa hàng tôi đã cập nhập rất nhiều mẫu áo dài mới và may sẵn các mẫu với đa dạng màu sắc, kiểu dáng để đáp ứng nhu cầu mua sắm, thuê áo dài của khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán".
Nhiều bạn trẻ lựa chọn áo dài Tết để có những bức ảnh đẹp.
Mặc áo dài ngày Tết là một biểu tượng tự hào cho văn hóa và thẩm mỹ của người Việt. Áo dài Tết thể hiện sự thuần khiết, gần gũi, chứa đựng nhiều ý nghĩa. Giữa không gian tưng bừng của phố phường trong những ngày Tết, giữa sắc mai, đào nở rộ thấp thoáng vẻ đẹp thiếu nữ thướt tha trong tà áo dài càng làm cho bầu không khí mùa Xuân thêm rộn ràng, tươi vui, phấn khởi.
Về ăn Tết nhà ngoại, tôi bỗng thấy thương vợ nhiều hơn Suốt mấy ngày chuẩn bị Tết, vợ tôi tíu tít như trẻ nhỏ. Cưới nhau gần 10 năm, lần đầu tiên tôi cảm nhận được vợ mình thực sự vui như vậy. Một ngày cuối tháng Chạp, vợ tôi thủ thỉ: "Năm nay ông ngoại sức khỏe yếu hơn rồi, nhà mình về đón Tết với ông bà ngoại được không?". Tôi biết,...