Tết là để vui
Tết là để cùng con tìm về văn hóa truyền thống của dân tộc, hà cớ gì cho con thấy sự lo âu, mệt mỏi? Mà không chỉ có tết, tôi sẽ cùng con cảm nhận niềm vui trong cuộc đời một cách đơn giản nhất.
Đi làm về, tôi nghe con gái hơn hai tuổi của mình với cái giọng chưa tròn vành rõ chữ, hát líu lo “tết tết tết tết đến rồi”. Thấy con được bà ngoại diện cho bộ áo dài, tung tăng chạy nhảy, chợt ngẩn người… tết của mình đã về trong câu hát của con.
Hai mươi mấy năm trước, khi tôi ở tuổi con, tết của tôi như bà tiên, ông bụt, như những gì huyền bí nhất mà tuổi thơ tôi có thể nghĩ đến và mong đợi.
Tết của tôi lúc ấy là tấm áo mới ba mẹ đi chợ huyện mua cho để con xúng xính mặc đầu năm. Hồi ấy, gia đình tôi nghèo lắm. Có năm, ba mẹ không đủ tiền mua cho tôi bộ quần áo mới. Ngày đầu năm, ba bế tôi trong nước mắt, còn tôi vẫn vô tư cười, hát véo von. Chỉ đến khi lớn lên, nghe kể lại, mới thấy xót xa, thương ba mẹ quá đỗi.
Ảnh minh hoạ
Tết là nồi bánh tét của ông bà ngoại, mấy đứa cháu quây quần thổi lửa rồi ngủ lăn quay. Sáng hôm sau đã thấy bánh chín, cùng nhau tìm những chiếc bánh tét tí hon mà ông bà, cậu mợ đã gói riêng cho cháu.
Tết là những bao lì xì, là con heo đất được nâng niu, là hũ dưa món mẹ làm, là chiếc bánh ít nhân dừa, nhân đậu thơm lừng và vị ngọt còn đọng mãi trên đầu lưỡi. Tết của tôi còn là niềm háo hức đón mấy đứa em con cô chú ở xa về. Cùng ăn, cùng ngủ, cùng nức nở khóc mỗi khi hết tết, các em lại rời quê.
Rồi tôi lớn lên, lấy chồng, sinh con. Tết không còn huyền bí nữa mà đôi khi nặng trĩu những lo âu. Tết này mua gì cho hai bên nội ngoại? Tết này sửa soạn gì để cúng ông Công, ông Táo, tất niên? Tết này mua cho con, cho cháu cái gì? Tết này không biết chồng có trực ở đơn vị không hay được về nhà ăn tết? Bao nhiêu “cái gì”, “làm thế nào” quấn lấy chân. Tuổi thơ xa dần, những ngây thơ xa dần, niềm vui ngày tết cũng xa dần. Không phải vì tết nay đã nhạt, mà vì vai trò của tôi giờ đã khác. Khi đã nhuốm những bộn bề lo âu, khó có thể cảm nhận trọn vẹn niềm vui. Nhiều khi tôi tự hỏi, không biết những ngày tôi còn bé, ba mẹ có lo âu như tôi lúc này, mỗi khi tết đến…
Hôm nay, nhìn con gái nhún nhảy trong bộ áo dài, hát vang khúc ca rộn ràng ngày tết với khuôn mặt bừng sáng, vô tư, tôi chợt thấy như tết ngày xưa của mình trở về trước mặt. Những nỗi lo cũng nhẹ tênh như bong bóng xà phòng.
Tôi tự nhủ sẽ dành thời gian cùng con gái gói bánh tét tí hon, để con được cùng mẹ nấu bánh và xách tòng teng như tôi ngày xưa. Tôi sẽ cùng con lau chùi bàn ghế, dọn nhà. Dù bàn tay bé bỏng chắc sẽ làm hỏng nhiều hơn làm được nhưng hai mẹ con sẽ có những giây phút vui vẻ bên nhau. Tôi sẽ bật những bản nhạc xuân và mời con cùng nhảy, để niềm vui của con bừng lên thêm trong mắt.
Tết là nồi bánh tét của ngoại… (Ảnh minh hoạ)
Tôi sẽ chuẩn bị những món quà nhỏ và rủ con đi thăm các bạn ở mái ấm trẻ em đường phố, để con biết chia sẻ. Tôi sẽ lì xì cho mình và con những cuốn sách hay về tết và cuộc sống.
Video đang HOT
Tôi sẽ dắt con đi chợ hoa để xem muôn hoa rực rỡ và cùng con cảm nhận sự nhộn nhịp của phố phường.
Nhiều người thường than thở rằng tết nhạt, tết mệt. Cũng phải thôi, bởi khi qua cánh cổng tuổi thơ, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thay đổi trong đời, gồm cả những cảm nhận về tết. Nhưng tôi tin, với những đứa trẻ, niềm vui tết của chúng vẫn như ta ngày xưa, hồn nhiên, vô lo. Trong dòng chảy hối hả và bộn bề của cuộc sống, tôi đã học được cách tối giản những nhu cầu và bằng lòng với hiện tại.
Tết là để đoàn viên, để nạp năng lượng cho năm mới, hà cớ phải đọa đày mình trong tầng tầng lớp lớp nhiêu khê? Tết là để cùng con tìm về văn hóa truyền thống của dân tộc, hà cớ gì cho con thấy sự lo âu, mệt mỏi? Mà không chỉ có tết, tôi sẽ cùng con cảm nhận niềm vui trong cuộc đời một cách đơn giản nhất.
Cao Hải Vân
Theo phunuonline.com.vn
Một chuyến về quê ngoại
Tôi nhớ ra rồi... hướng về nhà ngoại! Trong lòng tôi rạo rực lạ lùng, con đường vào làng to quá, rộng quá. Nếu không thấy cánh đồng cỏ rạ hai bên đường quen thuộc thì tôi chưa chắc là mình đến quê.
Miên man cái cảm giác gặp ông bà ngoại, chiếc taxi đã đến ngõ tự lúc nào. Con Panda như đã biết chúng tôi về, nó cụp đôi tai mà thường ngày nó luôn dựng đứng để ra oai, vẫy mạnh cái đuôi như chiếc chổi bông nó chạy ra mừng rỡ, cái con chó mà đáng lẽ tôi phải gọi nó bằng anh vì nó ra đời trước tôi những sáu năm, nhưng với nó tôi vẫn là cậu chủ bé.
***
Tôi hồi hộp mong chờ đến cái ngày ấy. Cái ngày mà ba mẹ tôi hứa sẽ cùng tôi về quê thăm ngoại. Quê ngoại tôi xa lắm, ở tận Quảng Nam.
Buổi chiều thứ 7 sao mà dài lê thê, ngóng thời gian rồi ngóng ba tan ca trở về, lòng tôi bồn chồn lo lắng... Tôi lo chuyến tàu đêm đến trể, lo chiếc taxi chậm giờ, lo mẹ tôi quên mấy món đồ không kịp cho vào chiếc va li, lo ba tôi quên mất cái chuyến đi quan trọng... Tôi mong cho nội tôi đừng bảo rằng: "Thằng Cà ở nhà với nội" dẫu tôi biết lời của nội chỉ là chọc ghẹo mà thôi.
- Tôi lo... tôi lo và tôi lại lo... Hơn một năm rồi tôi chưa gặp ông bà ngoại.
Nhưng rồi cái giờ tôi mong cũng đã đến, 8 giờ rưỡi đêm. Lẽ ra cái giờ này tôi đã lên giường và bị mẹ mắng cho một trận trước khi ngủ vì cái tội quậy lung tung. Tôi thầm cảm ơn ông trời đã kéo thời gian mau đến. Ngồi ở phòng chờ sân ga Nha Trang tôi lại nôn nao, sao mà giờ này tàu chưa tới?
Bổng tiếng loa nhà ga vang lên: "Kính thưa quý khách! Đoàn tàu SE 22 sắp về đến ga Nha Trang... Mời quý khách có vé đi các ga Ninh Hòa, Tuy Hòa, Tam Kỳ vào ga đi tàu".
Tàu đến rồi! cơn buồn ngủ trong tôi biến đi từ lúc nào chẳng biết, Cả nhà tôi đã lên tàu. Cái cảm giác gặp ngoại, cảm giác ngắm cánh đồng quê có cánh diều bay lượn, cảm giác được nô đùa cùng con Panda... Những cảm giác yêu thương ngập tràn trong tôi.
Trước mắt tôi, một cánh đồng mênh mông, ông ngoại dắt tôi ra đồng cùng tôi thả diều, món quà ngoại tặng tôi mùa hè năm ngoái. Tôi lại thấy bà ngoại ẵm tôi ra con mương sau nhà bắt mấy con cua đồng, một con đỉa to đùng bám lấy chân ngoại làm tôi rợn gáy. Và không biết tôi thấy những thứ gì nữa đang diễn ra trước mắt, chỉ biết là tôi đã đi vào giấc ngủ trên chuyến tàu đêm ấy.
Mở mắt ra, nhìn thấy chiếc xa taxi đứng chần ngần trước mặt tôi khóc thét lên, mẹ tôi bảo:
- Xe đón mình về ngoại đó con.
Vậy mà tôi cứ tưởng mình đang ở Nha Trang. Xe chạy lòng vòng qua mấy con đường quanh Thành phố Tam Kỳ, tôi lo lắng không biết con đường nào dẫn đến làng quê, cái làng quê mà hơn nữa tháng qua tôi mong được đến kể từ cái ngày ba mẹ tôi ra thông báo sẽ về. Và rồi chiếc xe cũng chuyển hướng rẽ vào con đường làng. Tôi nhớ ra rồi... hướng về nhà ngoại! Trong lòng tôi rạo rực lạ lùng, con đường vào làng to quá, rộng quá. Nếu không thấy cánh đồng cỏ rạ hai bên đường quen thuộc thì tôi chưa chắc là mình đến quê. Miên man cái cảm giác gặp ông bà ngoại, chiếc taxi đã đến ngõ tự lúc nào. Con Panda như đã biết chúng tôi về, nó cụp đôi tai mà thường ngày nó luôn dựng đứng để ra oai, vẫy mạnh cái đuôi như chiếc chổi bông nó chạy ra mừng rỡ, cái con chó mà đáng lẽ tôi phải gọi nó bằng anh vì nó ra đời trước tôi những sáu năm, nhưng với nó tôi vẫn là cậu chủ bé.
Từ trong vườn ổi, ông ngoại chạy ra:
- Thằng Cà Rốt của ngoại đã về...
Tôi bước xuống xe sà vào lòng ôm chầm lấy Ngoại, úp mặt vào vai hai tay tôi gõ gõ vào tấm lưng nóng hổi, cái mùi mồ hôi toát ra từ ông nó cứ ngái ngái xông vào mũi, vậy mà sao tôi lại thích hít sâu hơn cái mùi ấy, cái mùi mà gần một năm qua tôi quá đổi thèm thuồng. Những cái hun liên tiếp chạm vào hai bên má, tôi sung sướng đến vô cùng, quên cả cái nhọt rát của bộ ria ngoại cứng đơ lởm chởm như những cọng nhựa châm nhẹ trên má tôi.
Chiều nay, cảm giác sung sướng vô ngần đầu tiên đến với tôi là ngoại ra phố mua về cho tôi con diều mới, Rồi đưa tôi ra cánh đồng giống hệt trong mơ. Cơn gió nồm thổi tuy không mạnh như tôi nghĩ, nhưng cũng đủ để ba và tôi giật sợi dây đưa con diều bay lên cao vút trên nền trời xanh thẳm. Tôi đắm say trong không gian yên bình nơi quê ngoại. Bổng giọng bà tôi réo vang:
- Thèn Rót đâu, đưa hấn zề có tối ông ơi!
Bữa cơm hôm ấy tuy đạm bạc, một chén cơm thơm mùi gạo mới, một chút lòng đỏ trứng gà, mấy muỗng canh bí đao, vài lá rau ngót...ông ngoại tự tay mớm cho. Trong miệng tôi sao mà ngon đến thế, tôi cố ý từ từ nuốt vào cổ họng để mà còn thưởng thức cái hương vị quê mẹ, ấy vậy mà bà ngoại tôi cứ tưởng tôi lười ăn bảo rằng:
- Ăn giỏi ngoại thương...
Ngoại đâu biết là tôi đang nuốt từ từ từng chút tình yêu mà ông bà dành cho tôi đó.
Đêm ấy, cái đêm đầu tiên tôi được gối đầu trên tay ngoại để ngủ một giấc ngon lành.
Nhà bên xóm có hai cô bé sinh đôi nghe đâu nhỏ hơn tôi vài tháng tuổi, nếu nói về xã hội thì chúng nó gọi tôi bằng anh, nhưng về gia đình dòng tộc thì tôi là ông cậu đáng kính của chúng nó. Chúng nó có tên là Chíp và Nhím. Chúng tôi dần quen nhau vào những ngày sau đó. Dường như chúng nó biết tôi là người thành phố mà lại là người của thành phố du lịch Nha Trang xinh đẹp nữa chứ, tuy chưa biết nói gì nhưng tôi vẫn hiểu là bọn chúng muốn tôi kể cho chúng nghe về những cuộc vui khi tắm biển, khi đi dạo công viên hoặc vui đùa ngoài Đảo Khỉ hoặc thắng cảnh Hòn vợ, Hòn chồng hay tháp bà Po Nagar và những nơi tôi từng được đến. Vẫn biết cái nơi chôn rau cắt rốn là xứ Quảng của mẹ nhưng tôi lại là người chính gốc Nha Trang bởi đây là quê nội, là nơi mà ba tôi được sinh ra. Thật lòng tôi cũng muốn khoe cái đẹp của thành phố quê tôi lắm chứ, nhưng khổ một nỗi là tôi chưa biết nói như thế nào. Họa hoằn lắm tôi mới thốt ra được vài từ, tôi chắc là bọn chúng hơi thất vọng, khi nhìn thấy gương mặt của hai cô bé đượm buồn.
Tiết trời đất Quảng tháng năm sao mà nóng thế, ngày nào cũng 34-350C, phần vì tôi suốt ngày chạy ra đường, ra đồng chang chang cái nắng, thế là khắp người tôi đầy rôm sảy. Không chỉ tôi mà cả ngoại giúp sức vẫn không thể gãi cho hết những cơn ngứa khó chịu. Như sực nhớ, ông vội đi hái những cái lá sài đất về và bảo mẹ tôi nấu với lá chè , lá gối. Bà ngoại lại mắng yêu:
- Cái củ Cà Rót ni răng mà khó quá, mấy ngày ni cứ dang nắng chớ chi... Đúng là cái dân Phố biển.
Tôi ngâm mình trong xô đầy nước ấm, tôi nghe như có những bàn tay của cả ông bà đang làm nóng tấm lưng bé tẹo của tôi. Bổng giật thót người khi nghe lưng mình rát quá như ai vừa xác vào đó miếng chà nồi, ngoại cười hể hả rồi đưa lên trước mặt tôi cái bàn tay đầy chai sạn, bàn tay mà mấy mươi năm qua ngoại khổ cực làm lụng nuôi nấng mẹ và cậu tôi. Biết tôi chưa hiểu gì ngoại nhủ thầm:
- Lớn lên rồi cháu tôi sẽ hiểu.
Mấy ngày ngâm nước thuốc nam của ngoại, da tôi giảm mẫn ngứa và dần chuyển sang sậm đen. Sáng qua, mấy bà, mấy dì hàng xóm đến chơi nhìn tôi rồi bảo:
- Mới bữa hơm mới zề trắng nỏn đó mà bữa ni đen rồi...mà có răng đâu, con trai da đen mới chì, mới khỏe.
Rồi hàng chục câu từ chi mô, răng, rứa, tuôn ra, làm tôi bấn loạn. Bà Bốn đem cho tôi chục trứng gà mới đẻ và hỏi:
- Chớ chừng mô con zề lại trong nứ? Con đi Mẫu Dố rồi hãy? và nhiều câu hỏi với cái giọng Quảng Nam làm tôi cứ há miệng để nghe. Tôi hơi trách mẹ, bởi ở quê nội mẹ tôi thường giao tiếp với tôi bằng cái giọng phổ thông và không dùng phương ngữ.
Cứ như thế, ngày lại ngày qua tôi được đắm mình trong không gian miền quê yên ả, chẳng có gì mới hơn, hàng ngày cứ lặp đi lặp lại những hoạt động bình thường mà đầy tình thương của ngoại. Rồi mười chín ngày nghĩ hè tại quê ngoại cũng qua nhanh. Mẹ con tôi lại phải lên đường về lại Nha Trang. Tối hôm ấy, nhìn đôi mắt ngấn nước của ông bà tôi thương lắm, tôi lao vào lòng bà, leo lên tấm lưng khô ráp của ông cho thỏa dạ. Đêm đã qua đi từ lúc nào tôi không rõ.
Chuyến tàu TN1 đã chuyển bánh, mang theo hàng ngàn khách rời quê trong đó có tôi và mẹ, tôi cố nhìn ra ô cửa sổ để thấy bàn tay ông đang vẫy vẫy chào tạm biệt, tôi đưa tay lên miệng rồi hôn vào gió cố làm cho những tiếng kêu "chụt chụt" thật to để cho ngoại tôi nghe thấy... Còi tàu vang lên inh ỏi như xé toạt không gian, phá tan sự yên lặng, từng toa, từng toa lướt nhanh và khuất dần hình dáng ngoại. Trong tôi những nỗi vui buồn lẫn lộn đan xen. Thế là đã qua rồi những ngày tôi về quê ngoại. Tôi cảm thấy chưa đã cái thèm nhưng biết làm sao. Tôi phải về để mẹ tôi còn làm việc, tôi phải về để đi vào nhà trẻ, và tôi phải về... Tạm biệt đất Quảng! Tạm biệt ông bà Ngoại thân yêu! Tạm biệt những người thân trên quê mẹ, tạm biệt hai người bạn mới hai đứa cháu gái Nhím, Chíp của tôi và anh Panda suốt ngày bị tôi chòng ghẹo... Hẹn hè năm sau nhé! con sẽ về bên ngoại, ngoại ơi!
Tên của tôi là Khánh Nam, ông bà và ba mẹ tôi đã đặt cho để nhắc tôi nhở rằng tôi được sinh ra từ sự hợp hòa của hai tỉnh Khánh Hòa và Quảng Nam. Thế nhưng tôi vẫn cứ thích ngoại gọi tôi là Cà Rốt, vì lúc tôi mới sinh ra trong bệnh viện Minh Thiện đỏ hỏn như quả cà rốt mà bà ngoại là người đầu tiên ẳm tôi lúc ấy . Bây giờ tôi đã tròn 3 tuổi nhưng với ngoại tôi vẫn là "Củ cà rốt nhỏ xíu đáng yêu của ngoại". Ngoại tôi thường nói thế .
pham van ly
Theo blogradio.vn
Tôi vẫn muốn báo hiếu dù mẹ đã bỏ rơi mình Dù mẹ từ chối nhận tiền nhưng bằng cách này hay cách khác, tôi vẫn nhờ người quan tâm đến mẹ. Có lẽ, ngày xưa mẹ bị dồn vào bước đường cùng, mới bỏ ba con tôi để theo người khác. Tôi có một tuổi thơ rất cực khổ, bây giờ nhớ lại vẫn thấy rùng mình. Quê tôi ở một vùng thường...