Tết đến, sếp to lo hết chỗ… cất quà
Người có chức quyền thì “lo” người khác “đi” Tết mình. “Lo” đến nỗi “sợ” không có chỗ mà cất quà, rồi thì biếu người thân không hết, đành phải cho con em mang ra các đại lý để… bán lại.
Đón Tết hay mừng năm mới là thời khắc chắp nối cho biết bao ước mơ và khát vọng của con người. Và ở mỗi quốc gia, Tết còn là bản sắc văn hóa truyền thống, phù hợp với các điều kiện tự nhiên, khí hậu, tập quán sinh hoạt…
Tất cả quy ra… thóc
Lo Tết là dồn sức cho Tết. Nào phải lo riêng cho cá nhân mình, mà gần thì lo cho gia đình, họ hàng người thân, xa thì lo cho cộng đồng xã hội. Để “ai cũng có Tết”. Nghe cứ như… khẩu hiệu, nhưng đó là một sự thật.
Gần đến Tết, người ta phải lo gì nữa? Lo năm nay lương, thưởng Tết sẽ tăng hay giảm. Lương, thưởng tăng hay giảm liên quan rất nhiều đến việc chi tiêu cho Tết. Người càng nhiều quan hệ, lo Tết càng nhiều. Người có chức quyền thì “lo” người khác “đi” Tết mình. “Lo” đến nỗi “sợ” không có chỗ mà cất quà, rồi thì biếu người thân không hết, đành phải cho con em mang ra các đại lý để… bán lại.
Xã hội hình thành cả một thói quen lo quà Tết (chọn quà) để đi sếp, sếp cũng được phân loại A, B, C (1, 2, 3) tùy theo tính chất và mức độ quan hệ. Nói trắng ra thì đó là một hình thức “hối lộ công khai”.
Các cụ bảo: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Đặt nó vào dịp Tết, thấy rõ như in. Vì “lo” thế, nên nhà nước “đọc” ra được cái lệ và cái tệ này, nên mới ra chỉ đạo nghiêm cấm việc cán bộ biếu quà Tết.
Thế còn nhận quà Tết thì sao? Chắc chắn cũng phải “cấm” luôn. Khốn nỗi, người ta thường nói, “cái gì không quản được thì cấm”. Quản, cấm thế nào được khi có người đi Tết sếp, đi Tết cấp trên bằng cây kiểng vài chục triệu, đến trăm triệu, rồi rượu, rồi bánh trái. Tất cả đều được quy ra thóc (tiền). Thậm chí cái cây cảnh vừa đem đến nhà sếp đã được chở thẳng ra… đại lý hoa cảnh để nhanh chóng quy ra thóc.
Người càng có nhiều quan hệ làm ăn, càng phải lo Tết nhiều. Xin đừng nói việc lo Tết cũng liên quan đến cơ chế làm ăn? Đến ngay cả có chỉ đạo “cấm” rồi mà người thực hiện chỉ đạo cũng đứng ngồi không yên. Ai cũng đi Tết sếp cả, mình không đi xem ra khó coi.
Thế nên chuyện cấm biếu quà Tết chỉ là chuyện nói cho có chuyện trước thực tế kể trên. Nếu anh ta không đi Tết mình năm nay mà vẫn được trọng dụng, và vẫn lên lương, lên thưởng theo đúng năng lực, chuyên môn, thì họa hoằn cái lệ và cái tệ biếu quà làm khí đệm thăng quan, tiến chức kia mới chấm dứt. Bằng không sẽ thua thiệt đủ đường.
Để chấm dứt một cái tệ trong dịp lễ thiêng liêng của dân tộc, cần phải thay đổi thói quen chạy quà biếu tết. Thực tế, làm việc cho các công ty nước ngoài, khoái và sướng vì chẳng phải lo quà chạy biếu sếp.
Cái vòng luẩn quẩn này mà còn chưa tháo ra được, thì dù có gom vài ba cái Tết vào làm một thì cũng chẳng thay đổi được gì. Còn chơi Tết thì sao?
Chen chúc lễ chùa đầu năm. Ảnh: Lê Phú/ Tin tức
Chơi Tết
Chơi Tết cũng muôn hình vạn trạng. Chơi Tết cũng đôi khi không tách bạch được với chuyện lo Tết.
Video đang HOT
Bia rượu được tiêu thụ mạnh nhất trong dịp này. Chén bác, chén chú, chén tôi, chén anh, chén tạc, chén thù, chén nhường, chén kính, đến mức không còn thời giờ để cho gan làm nhiệm vụ giải độc.
Rủ nhau đi du lịch cũng là một cách chơi Tết mới, nhất là của những người trẻ. Sau đêm giao thừa với những nghi lễ tối thiểu đón mừng năm mới tại các ngôi chùa hay các điểm vui chơi công cộng, ngay từ mùng 01 Tết, nhiều gia đình đã cổng khóa then cài để đi du lịch.
Đáng nói, khách đi du lịch, hay trảy hội xuân cũng tương ứng với việc tăng rác thải cho các di tích, thắng cảnh. Đến đâu cũng thấy ngập tràn rác, rác đầy dưới chân, rác vương vãi khắp mọi nơi, và tiền lẻ cũng biến thành rác, được dán, được thả, được gài khắp chốn linh thiêng.
Tết là mùa của trăm hoa đua nở, nên có thể nói việc chơi Tết liên quan đến hoa trái, cây cảnh luôn mang đến cho con người không khí ấm áp, rực rỡ, an lành. Thế nhưng chơi cũng phải biết chơi cho ra chơi.
Chẳng biết từ bao giờ, mùa xuân tươi đẹp thế, nhiều màu sắc thế, vui thế, lại là mùa để cho những thứ cây mang hàm ý phát tài phát lộc lên ngôi, mà đôi khi ý nghĩa bị gán cho chỉ vì liên quan đến cách phát âm.
Đơn cử chuyện trái sung, cả năm chẳng ai thèm để ý, bỗng dưng đến Tết, vài chục nghìn một chùm sung, mua về bày lên mâm ngũ quả chỉ vì nó liên quan đến “sung”, “sung sướng”, “sung túc”. Không có sức khỏe thì có “sung” được không, không chịu làm ăn thì có “sướng”, có đầy đủ được không?
Rồi thì người ta còn “khênh” cả đào rừng, mai rừng về nhà để chơi Tết, chỉ để cho lạ mắt, chứ thực sự chẳng biết vẻ đẹp trong tự nhiên phải đặt đâu cho hợp lý.
Cứ nhìn người Nhật thưởng hoa đào ở nơi công cộng từ khi hoa nở cho đến khi hoa tàn, mà chẳng một cành hoa nào bị tổn thương, mới thấy họ biết cách chơi hoa và biết biến cách chơi ấy thành đạo.
Bỗng thấy cay cay sống mũi, khi vào ngày 30 Tết từ Nam đến Bắc, nhiều chợ hoa bỗng biến thành một chợ rác khổng lồ. Người bán hoa ngồi đập nát hoa của mình hay vặt hết trái để chở mang về, còn cây thì vứt đầy đường phố, hay ném xuống kênh mương, chẳng khác gì “bạo hành” khí xuân.
Thực dụng đến nao lòng
Ước chi trước khi cho người ta bán hoa, chính quyền sở tại bảo họ viết cam kết, hoa không bán hết thì tặng lại cho các công viên, nơi công cộng, đài tưởng niệm và chính quyền cho người đến gom hoa đi trang trí, hỗ trợ phần nào cho người bán hoa thì hỗ trợ, không hỗ trợ được thì người bán hoa cũng làm đẹp cho những nơi công cộng ấy.
Không những thế, vừa hết ba ngày Tết, tất cả những đào, quất (tắc), vạn thọ bị vứt đầy đường ngõ chung với các loại rác thải sinh hoạt. Kiểu chơi xuân như thế phần nào cũng phản ánh cái thói quen “ăn xổi ở thì”. Cái đẹp đã hết nhiệm vụ đứng làm cảnh trong không gian ngôi nhà, khi ấy người ta chẳng còn quan tâm hoa có số phận gì, họ chỉ xem đó là cái phải ném bỏ như rác.
Hóa ra người Việt mình cũng yêu hoa, nhưng thực dụng đến nao lòng.
Ai cũng muốn đẩy rác, đẩy cái thua thiệt ra khỏi nhà mình, nên chẳng bao giờ đi đến cùng với cái đẹp ngay cả khi nó úa tàn. Đành rằng hoa nào rồi cũng biến thành rác, nhưng mất gì vài phút để bẻ nhỏ cành, bó gọn như một hành động chia tay cái đẹp.
Nhưng một phần chuyện lo Tết, chơi Tết cũng ít nhiều liên quan đến quy định nghỉ tết. Thực ra nên cho người dân nghỉ tết sớm và đi làm sớm. Cứ cho rằng vui ba ngày Tết (30, mùng 1, mùng 2) là đủ, thì ngày mùng 3 đi làm là đẹp rồi. Ngồi nhà thêm cũng chẳng biết làm gì ngoài ăn nhậu và bài bạc rạc dài.
Cho nghỉ Tết sớm để người dân có nhiều thời gian hơn để mua sắm, kích cầu. Đồng thời, cho nghỉ Tết sớm, người dân sẽ có thêm thời gian dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Còn cứ như đến cận ngày Tết mới được nghỉ, thì còn thời gian đâu mà lo Tết, chơi Tết.
Tết, Tết, Tết, Tết đến rồi… Câu hát ấy chẳng phải để người ta cuồng cẳng lên mà lo. Ít lo Tết đi, có lo, thì lo gần cho những nhu cầu sinh hoạt vừa đủ thôi chứ đừng lo xa cho việc thăng quan tiến chức, đừng phô khoe quá đáng. Được như thế thì chẳng phải khổ vì Tết, sẽ có nhiều thời gian hơn để thưởng xuân và chiêm nghiệm chính mình.
“Mưa xuân không cao thấp, cành hoa có ngắn dài” (Vua Trần Thái Tông), cứ bình dị chọn một cành đào, một cành mai, một chậu vạn thọ, một cây quất nhỏ, đặt vào chỗ trang trọng nhất trong phòng khách, hay trước cửa nhà, đồng thời dạy con cháu bày biện một mâm ngũ quả nhỏ xinh dâng cúng ông bà, ai bảo ngôi nhà của mình không tràn ngập màu xuân. Tết được như thế thì trang nghiêm mà thanh thản lắm!
Thái Nam Thắng
Theo VNN
Tết, ông đồ "bày mực tàu giấy đỏ" giữa Sài thành
Gần đến tết cổ truyền dân tộc, hình ảnh ông đồ "bày mực tàu giấy đỏ, trên phố đông người qua" càng khiến không khí tết ở Sài Gòn thêm ấm áp. Khách ghé thăm những nơi này dường như cũng đằm thắm, suy tư hơn khi thưởng lãm những hình ảnh đã quá vãng.
Còn một tuần nữa là đến Tết Giáp Ngọ 2014, trên đường phố Sài Gòn đâu đâu cũng nghe rộn ràng tiếng nhạc xuân. Màu sắc rực rỡ của các loài hoa, sản vật ngày tết tràn ngập phố phường.
Những ngày qua, "phố ông đồ" khai trương tại trước nhà văn hóa Thanh Niên (đường Phạm Ngọc Thạch) và trước Cung Văn hóa - Lao động TPHCM (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) trở thành nơi thu hút rất đông người dân, du khách nhất là giới trẻ đến tham quan, thưởng lãm và xin chữ.
Những ông đồ trẻ xen kẽ bên ông đồ già ngồi nhẫn nại cho chữ bên nghiên bút với những chữ mẹ, chữ cha, chữ tâm, chữ hiếu...
Ông đồ cho chữ
Ông đồ cao niên nhất là cụ Đức Minh (bút hiệu Mai Trợ, 85 tuổi, quê Quảng Nam) cho biết, Tết Nguyên đán năm nào cụ cũng ngồi trước nhà văn hóa Thanh Niên để luận về câu chữ nho. Theo cụ Trợ, nét chữ là nét người, chữ nho thường xem trọng đạo lý, trong đó quan trong nhất là tam cương ngũ thường, đề cao mối quan hệ của mỗi con người và năm đức tính cần có thông qua việc học chữ, đó là : Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Học chữ thời xưa được xem như học đạo lý làm người, qua đó hướng nghiệp con người đi theo một con đường tốt đẹp nhất.
Chị Lê Thị Giang, quận 10, cho biết: "Tục xin chữ đầu năm đã có từ rất xa xưa. Đây là một truyền thống rất hay và cần được giữ gìn. Chính vì điều này mà những ngày cuối năm tôi thường dẫn con ra đây xin chữ là những câu đối về treo ngày Tết. Đây cũng là cách tôi dạy con về đạo lý làm người".
Tại "phố ông đồ", không khí những ngày này rất nhộn nhịp cảnh các ông đồ ngồi cho chữ, cảnh xin chữ, người trẻ thì tạo dáng chụp hình bên nhánh "hoa mai rực rỡ, bên những câu đối... Sài Gòn ngày cuối năm tất bật chuẩn bị đón Tết, "phố ông đồ" cũng tất bật không kém nhằm tô điểm thêm cho cho thành phố như một nét văn hóa đẹp ngày xuân.
Các ông đồ lại "bày mực tàu giấy đỏ" như một nét văn hóa đẹp ngày xuân
Bà đồ cũng cho chữ.
Cứ đến Tết Nguyên đán, cụ Mai Trợ lại ngồi trước nhà văn hóa Thanh niên TP cho chữ. Theo cụ, nét chữ là nét người. Học chữ thời xưa được xem là đạo lý làm người hướng con người đi theo con đường tốt đẹp nhất.
Thiếu nữ duyên dáng trong trang phục áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam viết thư pháp
Nhiều bạn trẻ đến "phố ông đồ" để lưu lại những hình ảnh đẹp
Phố ông đồ như một nét văn hóa đẹp ngày xuân của Sài Gòn
Đường phố Sài Gòn "thay áo mới" đón xuân
Theo Khampha
Cúng sao giải hạn: Sao phải tự lừa mình? Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, cúng giải hạn đầu năm chỉ là biện pháp tâm lý để tìm lấy sự bình yên. Phật không dạy dâng sao giải hạn Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, Đạo Phật không có quan niệm dâng sao giải hạn....