Tết đến mà còn 113 lô cốt án ngữ đường phố
Người dân TP.HCM quá quen với lý giải lôcốt án ngữ trên đường phục vụ các mục đích tốt đẹp cho xã hội. Chuyện lô cốt án ngữ năm một năm hai còn chấp nhận được, đằng này, nằm ì trên các tuyến đường từ hàng chục năm nay, khiến người dân nổi cáu về cách làm thiếu khoa học của các ngành liên quan…
Thảm hoạ mang tên một tuyến đường
Nhìn tuyến đường Trương Vĩnh Ký nối dài của con đường Gò Dầu (quận Tân Phú, TP.HCM) với hàng loạt lôcốt án ngữ hết mặt đường, khiến ông Trần Thanh Hùng (chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống trên đường Gò Dầu) không khỏi không ức chế. Ông Hùng bảo ông không thể tin là có cái kiểu đào đường tắc trách và thiếu khoa học đến vậy.
Chuyện lô cốt án ngữ năm một năm hai còn chấp nhận được, đằng này, nằm ì trên các tuyến đường từ hàng chục năm nay, khiến người dân nổi cáu về cách làm thiếu khoa học của các ngành liên quan…
Theo ông Hùng, suốt từ đầu năm đến hết tháng 11.2017, đường Gò Dầu là đại công trường với hàng loạt lôcốt dựng lên. Ban đầu là lôcốt án ngữ ngay góc ngã ba Gò Dầu – Nguyễn Suý. Người đi đường chỉ có thể len lỏi vào khoảng hở chưa đầy mét ở mỗi hai bên đường. Gần hai tháng, cái lôcốt này được dỡ đi. Người dân chưa kịp mừng, lại gặp phải hàng loạt lôcốt mới được dựng lên cách đó không xa, và nó cứ nằm đó cho đến hết năm.
Video đang HOT
“Một năm đường Gò Dầu đau khổ, cũng là một năm hàng trăm hộ dân buôn bán kinh doanh trên con đường này húp cháo!”, ông Hùng bức xúc.
Nhịn vậy vẫn chưa đủ, sau lôcốt “rút đi” để lại những vết lở loét trên con đường Gò Dầu, đầu tháng 12 này, đường Trương Vĩnh Ký (đường nối dài của đường Gò Dầu) cũng mọc đầy lôcốt.
“Lôcốt trên đường Trương Vĩnh Ký không chỉ gây thất thoát cho hộ dân sống hai trên tuyến đường này, mà còn trực tiếp chặn đường làm ăn của dân cư trên đường Gò Dầu chúng tôi. Trương Vĩnh Ký gián đoạn thì Gò Dầu lấy đâu ra khách. Đúng là thảm hoạ mang tên đường Gò Dầu đây mà!”, ông Hùng phân tích và đặt câu hỏi: tại sao các đơn vị thi công không làm đồng loạt một lần cho xong, mà cứ “rải đều” kiểu này? Người dân còn cửa nào kinh doanh?
Không chỉ dân trên đường Gò Dầu đặt câu hỏi về sự tồn tại “tréo ngoe” và thiếu khoa học của các lôcốt được dựng trên đường vào dịp cuối năm, mà hiện tại, có hàng trăm khu vực khác ở TP.HCM cũng đặt câu hỏi tương tự. Trong đó, có thể kể đến nỗi bức xúc của những người sống dọc kênh Hàng Bàng, quận 6. Qua quan sát, dự án cải tạo hệ thống thoát nước rạch Hàng Bàng (đắp rồi khơi thông) đang làm khổ hàng ngàn hộ dân ở khu vực này và các khu vực lân cận, do nó sẽ còn kéo dài đến… dài dài.
“Lốcốt thực sự là thảm hoạ, là nỗi ám ảnh thường trực với gia đình tôi. Trước đây người ra rào đường để đắp kênh làm cống hộp. Nay lại rào để đào lại con kênh. Lôcốt kéo dài từ năm này qua năm khác, không gọi thảm hoạ là gì!”, bà Mười, một người dân sống dọc con kênh Hàng Bàng, bức xúc nói.
113 nỗi ám ảnh trên đường
Theo thống kế mới nhất của sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện toàn thành phố có tổng cộng 113 vị trí rào chắn phục vụ thi công các công trình hệ thống thoát nước (sử dụng vốn ODA) và những dự án khác trên 50 tuyến đường. Trong đó, quận 1 có 9 vị trí; quận 4 có 16 vị trí; quận 5 có 8 vị trí; quận 2, quận 9, Thủ Đức có 16 vị trí; quận 8 có đến 18 vị trí. Sở này còn cho biết, từ nay đến sau tết Nguyên đán 2018, số lượng lôcốt tăng giảm không đáng kể. Điều này đồng nghĩa với việc hàng ngàn hộ dân trên 50 tuyến đường, từ nội thành đến ngoại thành sắp phải gánh chịu mùa kinh doanh cuối năm… héo hắt.
Ngoài việc gây ảnh hưởng trực tiếp đến những hộ buôn bán ở nơi mình án ngữ, 113 lôcốt còn trực tiếp, gián tiếp đẩy tình trạng giao thông thành phố dịp cuối năm vào thế kẹt triền miên. Hiện tại, tình trạng ùn ứ ngày càng nghiêm trọng ở các tuyến đường ra vào cảng biển. Với 16 lôcốt ở quận 2, quận 9, và quận Thủ Đức, vô tình đẩy tuyến đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn trước cảng Phú Hữu) liên tục kẹt xe. Ngay cả đại lộ Võ Văn Kiệt (đoạn từ đường nối cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đến hầm vượt sông Sài Gòn) cũng bị ùn ứ theo. Tương tự, xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức) ngày nào cũng kẹt do lượng hàng đổ về cảng Phước Long tăng đột biến.
Trước thực tế trên, nhiều hộ kinh doanh cũng như các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố cho rằng, thành phố nên xác định cuối năm là dịp ưu tiên cho mua bán, trao đổi hàng hoá, bởi lượng hàng lưu thông rất lớn. Nếu xác định ưu tiên cho mua bán, nhất thiết thành phố phải tính toán lại thời gian thi công sao cho “dừng hoàn toàn ít nhất hai tháng dịp cuối năm”. Ngoài ra, cũng có ý kiến nêu đã đến lúc chính quyền TP.HCM cần thực hiện triệt để quy định trong phối hợp đào đường giữa các “ông” điện – nước – thoát nước – chống ngập, nhằm tránh tình trạng mạnh ai nấy đào và hoạ lôcốt kéo dài không dứt.
Theo Giang Thanh – Đằng Giang ( Thế Giới Tiếp Thị)
TP. HCM: Thay thế chủ đầu tư 2 dự án chống ngập quan trọng ở quận Bình Tân
Để giải quyết nhanh tình trạng ngập úng trên địa bàn quân Bình Tân, UBND thành phố đã quyết định chuyển chủ đầu tư dự án Cải tạo rạch Ông Búp và dự án Lắp đặt hệ thống cống trên kênh Liên Xã trên địa bàn.
Dự án Rạch Ông Búp chậm triển khai gây ngập khu dân cư đường Chiến Lược (quận Bình Tân). (Ảnh Tiền Phong)
UBND thành phố đã giao UBND quận Bình Tân tiếp nhận, lựa chọn đơn vị trực thuộc lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với dự án Cải tạo rạch Ông Búp (đoạn từ rạch Chùa đến đường Mã Lò) và dự án Lắp đặt hệ thống cống trên kênh Liên Xã (đoạn từ đường An Dương Vương đến đường Mã Lò).
Được biết, dự án cải tạo rạch Ông Búp được UBND TP. HCM phê duyệt với kinh phí khoảng 225 tỉ đồng. Dự án đã được giao cho Khu Quản lý Giao thông đô thị Số 1 làm chủ đầu tư nhằm tăng cường khả năng thoát nước cho khu vực Bình Trị Đông và Tân Tạo của quận Bình Tân, giải quyết ngập úng, bảo vệ môi trường và mỹ quan đô thị.
Tuy nhiên, toàn bộ dự án chỉ dài 4,5km nhưng bị "treo" từ năm 2003 đến nay. Hàng nghìn hộ dân sống quanh khu vực chịu ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường và không được xây, sửa nhà bởi dự án dở dang.
Ngoài ra, theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư UBND thành phố đã chấp thuận cho Công ty TNHH Dáng Tiên lập đề xuất dự án sửa chữa cải tạo hồ bơi Phú Lâm, quận 6 theo hình thức PPP (hợp đồng BOT).
Với đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND thành phố cũng chấp thuận bố trí các căn hộ chung cư tại khu dân cư Hiệp Phước 1 thuộc Khu đô thị Hiệp Phước, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè phục vụ nhu cầu về chỗ ở cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp Hiệp Phước.
Xuân Thắng
Theo Nhịp sống kinh tế
Kênh thoát nước cho Tân Sơn Nhất được đề nghị xây thành cống hộp Không giải quyết được tình trạng người dân xả rác gây ô nhiễm, ngăn lối thoát nước của sân bay, UBND quận Tân Bình đề xuất xây kênh Hy Vọng thành cống hộp. UBND quận Tân Bình vừa kiến nghị UBND TP HCM chỉ đạo Trung tâm chống ngập thành phố (chủ đầu tư) nghiên cứu phương án cải tạo kênh Hy Vọng...