Tết, BV Bạch Mai khám chữa bệnh như bình thường
“Các bệnh viện không được từ chối hoặc chậm trễ đối với bất cứ trường hợp cấp cứu nào”, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu.
Ngày 12/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn kiểm tra công tác trực Tết ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Đây được coi là điểm nóng trong dịp Tết do thường xuyên phải cấp cứu những ca tai nạn giao thông, tai nạn thương tích nặng.
PGS. Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, công tác trực Tết tại bệnh viện đã được lên kế hoạch chi tiết, đầy đủ, đã giao nhiệm vụ cho từng cán bộ.
Ngoài ra, Bệnh viện cũng lên lịch trực cố vấn, sử dụng những giáo sư đầu ngành, có chuyên môn sâu để hỗ trợ cấp cứu những ca bệnh khó.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Bạch Mai, TS. Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, năm nay lần đầu tiên, vào dịp Tết, 100% khoa, phòng của bệnh viện sẽ tổ chức khám chữa bệnh như bình thường.
Theo ông Hùng, thay vì để bệnh nhân dồn hết về Khoa Cấp cứu như mọi năm, Bệnh viện Bạch Mai sẽ tổ chức 3-4 buồng khám, duy trì các hoạt động như ngày thường.
Đối với Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, 100% quân số đi làm, không để bệnh nhân bị phù thận vì chờ đợi do nghỉ Tết dài. Dù không phải cấp cứu, nhưng nếu hết thuốc và có nhu cầu khám, người bệnh vẫn có thể đến vào dịp Tết.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể làm thủ tục ra viện như bình thường. Ban giám đốc sẽ trực tiếp cầm đường dây nóng để giải quyết vướng mắc của bệnh nhân trong dịp Tết Nguyên đán.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ra chỉ thị yêu cầu các bệnh viện trong cả nước cần có phương án chi tiết, thực hiện trực Tết nghiêm túc, đảm bảo việc khám chữa bệnh trong dịp Tết cũng như cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, không để xảy ra những trường hợp đáng tiếc.
Video đang HOT
Bộ trưởng yêu cầu các bệnh viện không được để xảy ra tình trạng bệnh nhân đông, bác sĩ ít trong dịp nghỉ Tết.
Theo đó, kế hoạch trực Tết được xây dựng trên cơ sở điều kiện cụ thể của từng bệnh viện. Nếu bệnh nhân đông, các bệnh viện phải yêu cầu cán bộ, nhân viên đi làm bình thường để bảo đảm xử lý kịp thời đối với các trường hợp cấp cứu, nhất là với bệnh nhân tai nạn giao thông, sản phụ.
Trường hợp người bệnh nhập viện không đúng tuyến, không đúng chuyên khoa, các kíp trực phải xử lý cấp cứu ban đầu, khi bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy hiểm thì mới được chuyển họ tới các cơ sở y tế đúng tuyến.
Theo Diệu Thu (Danviet.vn)
Bệnh nhân không nằm ghép: Vẫn chưa hết băn khoăn
Việc làm này đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ giúp thầy thuốc chuyên tâm với công việc.
Theo lộ trình được chia làm 3 đợt, từ nay đến 2/9/2015, tất cả 38 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế sẽ cam kết thực hiện chủ trương không để bệnh nhân nằm ghép. Đến nay đã có 15 bệnh viện cam kết thực hiện, trong đó có cả những bệnh viện từng quá tải bệnh nhân. Liệu chủ trương này có gây ra tình trạng bệnh viện chạy theo thành tích, tìm mọi cách không cho bệnh nhân nhập viện ngay, kể cả khi khẩn cấp hoặc bệnh nhân chưa khỏi đã cho ra viện?
Không nằm ghép - những tín hiệu vui
Bệnh viện Nhi Trung ương được biết đến là một cơ sở luôn quá tải bệnh nhân và tại nhiều thời điểm tình trạng quá tải ở mức nghiêm trọng. Thế nhưng đây lại là đơn vị đầu tiên cam kết không để bệnh nhân phải nằm ghép và khẳng định, hơn 4 tháng qua, bệnh viện đã thực hiện được việc này.
Cam kết của Bệnh viện Nhi Trung ương khiến dư luận băn khoăn, liệu có hay không việc bệnh viện này đang chạy theo thành tích, thực hiện theo kiểu đối phó?
Ngay tối 30/1, tức là sau vài giờ Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế ra về, chúng tôi trở lại Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng không thấy bệnh nhân phải nằm ghép. Nhiều ngày sau đó, trở lại bệnh viện này, vẫn thấy mỗi bệnh nhân/1 giường, kể cả khoa hô hấp và truyền nhiễm vốn đông bệnh nhân.
Chị Nguyễn Thị Mùi, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội có con điều trị tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các bệnh nhi không phải nằm ghép từ nhiều ngày qua:
"Hiện nay bệnh nhân không còn phải nằm ghép như ngày xưa nữa. Bây giờ mỗi cháu một giường, sướng hơn so với lúc phải nằm ghép. Trước đây khổ lắm, bây giờ thì đổi mới hơn rồi", chị Mùi chia sẻ.
Mỗi bệnh nhi một giường tại BV Nhi Trung ương. Chứng minh việc thực hiện nghiêm túc cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Lê Thanh Hải khẳng định, chủ trương này đã được bệnh viện chuẩn bị từ nhiều tháng qua, đặc biệt là sau những bài học đau xót từ dịch sởi đầu năm 2014.
Thời điểm đó, Bệnh viện Nhi Trung ương là tâm dịch; việc cho bệnh nhân nhập viện ồ ạt và thực hiện chưa tốt kiểm soát nhiễm khuẩn nên khi đó nhiều bệnh nhi bị lây nhiễm chéo bệnh sởi ngay tại bệnh viện này. Giám đốc Lê Thanh Hải cho biết, rút kinh nghiệm từ dịch sởi vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đang nỗ lực để duy trì thực hiện cam kết không để bệnh nhân nằm ghép.
"Trong 1 ngày chúng tôi có thể điều bệnh nhân từ khoa này (đang đông bệnh nhân) sang khoa khác còn trống giường và bác sỹ chuyên khoa đi theo bệnh nhân để điều trị. Trước đây, bệnh nhân đi theo thầy thuốc, bây giờ thầy thuốc phải đi theo bệnh nhân. Tháng 6 tới, toà nhà mới 16 tầng của bệnh viện được đưa vào hoạt động với mặt bằng gấp 10 lần tòa nhà cũ 8 tầng. Trong vài 3 năm tới, việc giải quyết vấn đề nằm ghép không khó khăn gì nhưng về lâu dài bệnh viện cần có cơ sở 2", Giám đốc Lê Thanh Hải khẳng định.
Vẫn chưa hết băn khoăn
Mặc dù các bệnh viện cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, dư luận vẫn chưa hết băn khoăn. Ngay cả trong đội ngũ thầy thuốc cũng có ý kiến cho rằng, các bệnh viện đã thật sự làm mọi cách để rút ngắn ngày nằm viện, có kế hoạch cụ thể cho việc chẩn đoán trước nhập viện và chăm sóc hậu bệnh viện chưa? Bộ Y tế đã có đủ quy trình đánh giá chuyên môn để quyết định nhập viện và xuất viện đúng thời điểm, không nguy hiểm cho bệnh nhân chưa?
Từ cam kết không nằm ghép, có thầy thuốc còn đưa ra một ví dụ cụ thể, cách đây chưa lâu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) giải quyết tồn đọng bệnh nhân bằng cách tăng phòng mổ và bác sỹ làm việc tăng ca, có lúc mổ 20 ca/tuần, gấp 4 lần bình thường. Nhưng sức người có hạn, đồng lương của thầy thuốc ít ỏi nên việc mổ dồn dập, không có thời gian cho phòng mổ nghỉ, việc tẩy trùng và chuyển bệnh nhân đi một cách vội vã làm cho khả năng biến chứng tăng lên...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, nếu quyết tâm cao và có hệ thống bệnh viện vệ tinh vững chắc sẽ khắc phục được tình trạng nằm ghép.
"Những khó khăn và áp lực của việc giảm tải Bệnh viện Việt Đức từ năm 2004, chứ không phải bây giờ. Lúc đó, bệnh viện đã thực hiện quyết liệt chủ trương của Chính phủ và Bộ Y tế về việc chuyển giao kỹ thuật cho bệnh việc vệ tinh để hạn chế tuyến dưới phải chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Việt Đức. Thứ 2 là từ những năm đó, bệnh viện đã thực hiện quyết liệt Thông tư 06 của Bộ Y tế về giảm tải bệnh viện bằng cách kê thêm giường, làm thêm giờ, mổ vào thứ 7 chủ nhật cho những bệnh nhân có nhu cầu mổ theo yêu cầu. Vì vậy từ năm 2012 đến nay tại Bệnh viện Việt Đức không còn tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép", ông Nguyễn Tiến Quyết nói.
Không nằm ghép, đòi hỏi thực chất và bền vững
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Quyết thừa nhận, là bệnh tuyến cuối của chuyên ngành ngoại khoa, tại bộ phận cấp cứu vẫn quá tải bệnh nhân, nhất là khi xảy ra nhiều vụ tai nạn, thương tích.
Trong khi đó, bệnh viện chỉ có 4 bàn mổ cấp cứu, vì vậy, phải ưu tiên mổ trước đối với bệnh nhân nặng. Những bệnh nhân nhẹ hơn được sắp xếp lịch chờ mổ, nếu muốn mổ nhanh theo yêu cầu thì phải đóng góp khoảng 4 triệu đồng cho khoa và bệnh viện. Vậy, làm thế nào để các bệnh viện thực hiện cam kết không nằm ghép thực chất và bền vững?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ sẽ duy trì kiểm tra, giám sát các bệnh viện và đánh giá thông qua báo cáo số liệu hàng tuần. Trên cơ sở 17.500 danh mục kỹ thuật cũng như các hướng dẫn, phác đồ điều trị mà Bộ đã ban hành sẽ là cơ sở để đánh giá việc thực hiện cam kết có thực chất hay không.
"Lộ trình để giải quyết vấn đề nằm ghép là đến 2020. Bây giờ muốn giảm tải việc đầu tiên phải tăng số giường bệnh. Việc này tại các bệnh viện Trung ương trực thuộc Bộ có tiến triển tốt vì thời gian qua, Bộ Y tế không đầu tư dàn trải mà tập trung đầu tư ra tấm ra món để có hạ tầng tốt cho từng bệnh viện. Thời gian tới, số giường bệnh tại các bệnh viện trực thuộc Bộ sẽ tăng lên rất nhiều nên chắc chắn việc nằm ghép sẽ có chuyển biến rõ. Thứ 2 là chúng tôi chỉ đạo các bệnh viện Trung ương xây dựng hệ thống bệnh viện vệ tinh tại các tỉnh. Hiện nay, nhiều bệnh viện tỉnh thực hiện được các kỹ thuật không kém bệnh viện Trung ương", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói rõ.
Trong bối cảnh bệnh viện tự chủ về tài chính, bệnh viện nào cũng muốn có nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị để tăng nguồn thu. Vì vậy, giải quyết việc nằm ghép là khâu đột phá của việc chống quá tải bệnh nhân và cũng là sự lựa chọn hợp tình hợp lý của Bộ Y tế trước khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong năm nay, hướng tới tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp.
Tuy nhiên, để việc thực hiện cam kết của bệnh viện đảm bảo thực chất, bền vững đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc ngành y tế cần đổi mới cơ chế tài chính tại bệnh viện đảm bảo công bằng, minh bạch để không ảnh hưởng tới quyền lợi của người bệnh và giúp thầy thuốc chuyên tâm với công việc./.
Theo_VOV
Bộ Y tế: "Không để bệnh nhân đông, bác sĩ ít vào dịp Tết" Giáo sư Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện như vậy tại buổi gặp mặt báo chí ngày 5.2. Theo Giáo sư Nguyễn Thanh Long, tùy vào điều kiện của từng bệnh viện sẽ có kế hoạch làm việc cụ thể. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đông, các bệnh viện sẽ phải yêu cầu cán bộ,...