Cây phượng trong sân trường bật gốc, 6 học sinh nhập viện
Các học sinh đang ra sân trường chuẩn bị làm lễ chào cờ đầu tuần, bất ngờ cây phượng lâu năm trong sân trường bị bật gốc đổ xuống khiến 6 học sinh phải nhập viện.
Vụ việc trên xảy ra vào khoảng 7h sáng ngày 22/9 tại trường THPT Kim Bảng A, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam khi nhà trường tổ chức làm lễ chào cờ sáng thứ Hai đầu tuần. Lúc đó, học sinh đang ra sân trường tập trung thì cây phượng vỹ lâu năm trong trường bất ngờ bật gốc đổ xuống đè vào 6 học sinh trong trường khiến các em phải nhập viện cấp cứu.
Trường THPT Kim Bảng A nơi xảy ra vụ việc.
Trao đổi với Dân trí, thầy Nguyễn Thái Hùng, Hiệu trưởng trường THPT Kim Bảng A cho biết: “Cây phượng vỹ bị bật gốc là cây khoảng 40 năm tuổi, nhưng trước khi bị lật gốc, cây vẫn xanh tốt, không hề có biểu hiện khác. Rất may là hôm xảy ra vụ việc, các em học sinh chưa ra sân trường hết, chứ nếu không thì hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn”.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã lập tức đưa 6 em học sinh đi cấp cứu ở các bệnh viện Đa khoa huyện Kim Bảng và bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam. Đồng thời nhà trường cũng báo cáo vụ việc lên UBND, cơ quan Công an huyện Kim Bảng.
Video đang HOT
Sân trường nơi cây phượng vỹ lâu năm bật gốc khiến 6 học sinh nhập viện.
Sáu em bị thương đều là học sinh lớp 10 gồm các em: Quán Lệ Thủy, Vũ Thị Quyên, Trần Gia Phát, Nguyễn Thị Nhàn (đều là học sinh lớp 10B4), Nguyễn Mạnh Tân (học sinh lớp 10B6) và em Chu Văn Ni (học sinh lớp 10B2).
Trong 6 em bị thương có 1 em bị vỡ xương chậu là em Chu Văn Ni. Sau khi được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Đa khoa Hà Nam, các bác sỹ đã chuyển Ni lên bệnh viện Việt Đức, hiện nay tỉnh hình sức khỏe của em Ni đã ổn định, nên đã được chuyển về Hà Nam điều trị.
Em Nguyễn Thị Nhà được điều trị tại bệnh viện tỉnh; riêng 4 em còn lại chỉ bị thương nhẹ nên đã được gia đình đưa về nhà chăm sóc.
Thầy Nguyễn Thái Hùng, Hiệu trưởng trường THPT Kim Bảng A.
Thầy Hùng cho biết thêm, sự việc này quá bất ngờ, không ai mong muốn, phía nhà trường cũng đã chịu toàn bộ kinh phí điều trị, đi lại của các em học sinh gặp nạn, hỗ trợ thêm mỗi em 1 triệu đồng. Phía UBND huyện Kim Bảng cũng đã đến gia đình các em gặp nạn để động viên, hỗ trợ mỗi em 500 nghìn đồng. Trong đó hỗ trợ hai em bị thương nặng nhất là em Chu Văn Ni 5 triệu đồng, em Nguyễn Thị Nhàn 3 triệu đồng.
Phía nhà trường cũng đã làm báo cáo gửi lên Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Hà Nam và UBND huyện Kim Bảng. Phía nhà trường cũng đã cho kiểm tra lại toàn bộ số cây lâu năm nằm trong sân trường tránh gặp sự cố đáng tiếc xảy ra.
Đức Văn – Minh Trang
Theo dantri
Vụ máy bay rơi tại Hòa Lạc: Thêm một chiến sĩ hy sinh
Dù được cứu chữa tận tình nhưng do bị bỏng quá rộng, sâu; bỏng hô hấp, chiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn đã qua đời tại Viện Bỏng quốc gia vào hồi 10h sáng nay 19/7.
Các chiến sĩ phải gánh chịu những vết bỏng rất nặng sau vụ tai nạn máy bay
Thượng úy Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1981, quê ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) là chiến sĩ đặc công tiểu đoàn 18, Bộ Tư lệnh thủ đô, bị thương nặng trong vụ tai nạn rơi máy bay Mi171 tại Thạch Thất, Hà Nội, đã tử vong sau 13 ngày được điều trị tích cực.
Trước đó, ngày 7/7 sau khi xảy ra vụ tai nạn, chiến sĩ Tuấn được đưa vào Viện Bỏng Quốc gia trong tình trạng đa chấn thương, bỏng lửa 74%, trong đó bỏng sâu nhiều vùng nguy hiểm đầu mặt, bỏng hô hấp cùng với đa chấn thương. Tại thời điểm nhập viện, các bác sĩ đã đánh giá tình trạng của chiến sĩ Tuấn rất nặng nề do bỏng rộng, sâu và đa chấn thương. Trong suốt quá trình điều trị, sức khỏe chiến sĩ Tuấn đã nhiều lần bị đe dọa.
Hai chiến sĩ còn lại là Đinh Văn Dương (sinh năm 1983, quê ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) và Nguyễn Hoàng Anh (sinh năm 1981, quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) hiện vẫn đang được các bác sĩ nỗ lực theo dõi, điều trị tích cực.
Ngày 9/7, Hội đồng hội chẩn liên viện gồm các chuyên gia đầu ngành ngoại khoa, nội khoa, tim mạch, thần kinh sọ não, chuyên gia về bỏng từ BV Việt Đức, BV Bạch Mai, BV 108, Viện Bỏng Quốc gia... đều có mặt để tham gia hội chẩn, tìm ra phương án tối ưu điều trị với hy vọng cứu sống được 3 chiến sĩ. Các bác sĩ quyết định cắt bỏ phần chi hoại tử của các chiến sĩ và tiến hành lọc máu, phác đồ điều trị cũng được bổ sung thêm nhiều loại kháng sinh mạnh để chống bội nhiễm.
Hiện 2 chiến sĩ Dương và Hoàng Anh đã qua giai đoạn sốc, vẫn thở máy nhưng lại bước vào giai đoạn nguy hiểm nhất, dễ bị nhiễm khuẩn do những tổn thương thứ phát sau bỏng. Tình trạng sức khỏe của 2 chiến sĩ chưa thể đưa ra tiên lượng sẽ tốt hơn hay xấu đi. Các chiến sĩ vẫn đang được lọc máu, phòng biến chứng sau giai đoạn sốc như suy thận, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, không đủ nguồn da che phủ.
Như vậy, vụ tai nạn máy bay rơi đã cướp đi sinh mạng của 19 chiến sĩ trong tổng số 21 chiến sĩ có mặt trên chiếc máy bay Mi171.
Hồng Hải
Theo dantri
Câu cá giữa phố, tát nước trong nhà vì mưa ngập nặng Cơn mưa kéo dài khoảng 8 tiếng đồng hồ liên tục. Toàn bộ các tuyến đường ở thành phố Phủ Lý gần như ngập úng. Các phương tiện tham gia giao thông di chuyển khó khăn, nhiều người dân phải tát nước từ trong nhà ra ngoài... Rạng sáng ngày 27/4, sau một cơn mưa rào đầu mùa hạ xối xả kéo dài...