Test nhanh virus corona: Những điều cần lưu ý
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi Đồng I cho hay, việc test nhanh virus corona nhằm mục đích tầm soát phát hiện bệnh sớm, còn đối với người có kết quả âm tính thì chưa nói được điều gì.
Hà Nội đang sử dụng test nhanh để tầm soát những người dân đã từng đến “ổ dịch” Bệnh viện Bạch Mai.
Chia sẻ trên trang facebook cá nhân, bác sĩ Trương Hữu Khanh Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng I, phân tích: Đối với người bị bệnh sớm thì tùy theo mức độ sẽ có kết quả khác nhau. Khi tầm soát bằng test nhanh bằng biện pháp lấy máu để tìm kháng thể thì sẽ có 2-3 khả năng xảy ra.
Khả năng thứ nhất, đang ủ bệnh nhưng chưa đủ thời gian thì cũng không thể tìm được kháng thể bởi kháng thể chỉ xuất hiện khi virus đã phải xâm nhập vào cơ thể một thời gian, lúc đó máu mới kích thích để sản sinh ra kháng thể.
Thứ hai, chỉ khi nồng độ kháng thể đủ lớn thì test mới phát hiện được, còn nếu thấp quá thì cũng chưa phát hiện được.
Thứ 3, khi kết quả kháng thể dương tính thì có khả năng họ bị bệnh từ lâu và đã khỏi bệnh lâu rồi hoặc có thể chéo với các chủng virus corona khác không phải chủng mới. Ví dụ, kháng thể của sốt xuất huyết cũng có thể chéo với kháng thể của viêm não Nhật Bản bởi hai dòng này là giống nhau.
“ Xét nghiệm nhanh này không thể thay thế những chiến lược có thể chúng ta đã từng làm từ đầu đến giờ nghĩa là vẫn phải phận loại đối tượng F1, F2; hạn chế đi lại; mang khẩu trang; mang nón che giọt bắn ở những nơi có nguy cơ cao; hạn chế tiếp xúc gần; thường xuyên rửa tay với xà phòng…”, bác sĩ Khanh nói.
Bác sĩ Khanh cho rằng, cần có chiến lược hết sức rõ ràng, nếu xét nghiệm có kết quả âm tính thì chúng ta khuyên người ta như thế nào; nếu dương tính thì làm cái gì cho người ta. Chúng ta phải có kế hoạch lâu dài về vấn đề này.
Khi người có kết quả dương tính bằng xét nghiệm nhanh thì chúng ta cần phải có câu trả lời nhanh từ việc kiểm chứng lại bằng phương pháp PCR. Những người có kết quả dương tính bằng xét nghiệm nhanh khi chưa khẳng định lại bằng PCR thì không nên cách ly họ với những người đang mắc bệnh, cần có khu vực riêng cho những bệnh nhân này.
Bác sĩ Khanh cho biết thêm, hiện nay xét nghiệm nhanh virus corona mới chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là phết mũi, họng để tìm kháng nguyên trong đó (xác của virus hoặc virus đang hoạt động) bằng phương pháp PCR; Nhóm thứ 2 là người ta lấy máu để tìm kháng thể IgM, loại xuất hiện ở thời kỳ mới nhiễm bệnh (3-4 ngày mắc bệnh là xuất hiện), và IgG vốn có số lượng tăng lên khi cơ thể người phản ứng trước virus corona (rất lâu sau mới xuất hiện).
Video đang HOT
“Tôi được biết test nhanh mà chúng ta đang sử dụng ghi IgM/IgG, nghĩa là tìm chung không phân loại ra được IgM và IgG. Vì thế việc xác nhận lại kết quả bằng PCR là rất cần thiết để sớm đưa ra khẳng định chính xác, tránh gây sự hoang mang cho người dân”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Một lưu ý quan trọng khác mà bác sĩ Khanh đưa ra đó là những người có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp xét nghiệm nhanh dùng để thông hành đi nước ngoài, để được đi làm việc thì cần hết sức thận trọng bởi sẽ có những trường hợp âm tính giả.
Nguyễn Hùng (lược ghi)
Cách ly xã hội, 10% không hợp tác sẽ khiến 30-60% dân số lây nhiễm
Chủ tịch UBND TP Hà Nội dẫn chứng ý kiến của chuyên gia Bỉ cảnh báo nếu khoảng 10% dân số không hợp tác với giải pháp cách ly xã hội, có thể nâng tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 từ 30% - 60% dân số.
Kết luận cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP chiều nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu diễn biến tình hình thế giới khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các ca nhiễm và ca tử vong đều tăng nhanh.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, số cán bộ y tế tham gia vào công cuộc chống dịch ở các nước bị nhiễm và tử vong là khá cao. Nặng nề nhất là Tây Ban Nha có hơn 15.000 y tá, bác sĩ bị nhiễm, Italy: hơn 6.000, Pháp: 1.400. Đáng lưu ý, đã có trường hợp trẻ 11, 13 tuổi tử vong.
Khoanh vùng "đốm nhỏ" để không bùng phát thành "đốm to"
Cho hay BS chính là chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch, ông lưu ý chúng ta phải rút ra bài học trên thế giới để khẩn trương chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang bị đầy đủ cho y, bác sĩ về cả tinh thần, kiến thức, trang thiết bị phòng ngừa dịch và điều trị.
Ông đề nghị các BV cần rút kinh nghiệm, tránh bài học như tại BV Hồng Ngọc chỉ trong vài tiếng mà 21 bác sĩ y tá tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, hay BV Bạch Mai.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Với ổ dịch tại BV Bạch Mai liên quan công ty Trường Sinh, Chủ tịch TP Hà Nội yêu cầu rà soát lại tất cả dịch vụ mà công ty này cung cấp ở các BV khác. Vì nếu để nguồn cung cấp nhiễm bệnh thì việc lây lan sẽ rất nhanh, giống như "con nước đầu nguồn bị nhiễm sẽ chảy xuống sông to và ra biển lớn".
Hà Nội đang là nơi có số ca nhiễm nhiều nhất cả nước, trong đó có 33 trường hợp được phát hiện, ngăn chặn ở sân bay và 56 người được phát hiện trong nội địa.
Ông nhấn mạnh, sự nguy hiểm của dịch phải căn cứ vào con số phát hiện trong nội địa này chứ không phải số người đã ngăn chặn được ở sân bay, bởi số nhập cảnh còn lại nếu có nhiễm cũng không lo lây lan các nơi vì đã kịp cách ly, nhận dạng.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, nguy cơ lớn nhất hiện nay vẫn là ổ dịch từ công ty Trường Sinh, mà bản chất là từ khoa Dinh dưỡng của BV Bạch Mai với 37 người mắc, có trường hợp bệnh nhân lây nhiễm khiến F2 trở thành F0 (trưởng hợp ở Long Biên).
Cơ bản trên địa bàn TP đang rà soát kỹ tất cả trường hợp liên quan có yếu tố BV Bạch Mai.
Ông Chung nhắc lại nghiên cứu của CDC Trung Quốc cho thấy tỷ lệ số người nhiễm bệnh nhưng không có biểu hiện ra bên ngoài chiếm tới 65%. Thực tế ở nước ta cũng có những người dương tính không có biểu hiện bệnh nhưng vẫn làm lây lan dịch.
Một bệnh nhân đang được hỗ trợ thở máy tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ 2. Ảnh: Liên Nguyễn
Vì vậy, biện pháp cách ly xã hội như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chính là để chia nhỏ, không tạo cơ hội lây lan và bùng phát dịch thành những đốm to. Việc khoanh từng đốm nhỏ và xử lý sẽ có hiệu quả hơn.
Ông Chung cũng cho biết 2 nguồn lây nhiễm là từ BV Bạch Mai và nhóm người từ nước ngoài về đều đang được kiểm soát rất tốt. TP đang xét nghiệm nhanh trên diện rộng để kịp thời phát hiện ca nhiễm ngoài xã hội. Đây là biện pháp hữu hiệu để nhanh chóng phát hiện được nguồn gốc dịch bệnh.
Hà Nội 8 triệu dân chỉ có 300 máy thở
Về giải pháp cách ly xã hội, ông Chung nêu ý kiến các chuyên gia cho rằng nếu cách ly xã hội mà không được sự đồng thuận của một nhóm nhỏ dân số thì sẽ không mang hiệu quả ngay.
"Các chuyên gia Bỉ đã cảnh báo rằng, chỉ cần một bộ phận nhỏ (khoảng 10% dân số) không hợp tác, có thể nâng tỷ lệ lây nhiễm từ 30% - 60% dân số", ông Chung lo lắng. Còn với Hà Nội chỉ cần 10% đi ra ngoài thì vẫn tạo nguy cơ lây nhiễm, nếu 40% đi ra ngoài thì việc cách ly xã hội gần như không đem lại hiệu quả.
Theo ông, việc cách ly tại nhà sẽ giúp phòng, ngừa dịch bệnh hiệu quả.
Chủ tịch Hà Nội đề nghị các quận huyện làm tốt công tác tuyên truyền đến từng gia đình, từng người dân chấp hành nghiêm lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước; chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng và chỉ thị 05 của TP cũng như hướng dẫn trực tiếp ở cơ sở.
Theo ông Chung, mọi người dân phải thấy nguy cơ là nó đã xảy ra thành đại dịch.
Ông thông tin, toàn bộ nước Pháp có 85 triệu dân thì có 17.000 máy thở và đang sản xuất khẩn trương trong 10 ngày nữa có 10.000 máy thở, nhưng theo thông tin đến giờ phút này cũng đã lấp đầy.
"Trung ương tôi chưa nắm chắc hết, nhưng riêng Hà Nội thì các BV tuyến Hà Nội có 300 máy thở thôi.
Như Pháp chia trung bình ra 5 triệu dân có 1.000 máy thở; Đức 1,7 triệu dân có 1.000 máy thở, chúng ta có 8 triệu dân với 300 máy thở, nếu xảy ra thì đại họa", ông Chung lưu ý.
Ông cho rằng cách làm tốt nhất là phải phòng ngừa. Cần tuyên truyền mạnh điều này để mọi người dân tự giác.
Ông Chung cho biết, từ ngày mai sẽ mở rộng đối tượng test nhanh để tính toán tỷ lệ mắc bệnh ngoài cộng đồng, từ đó có giải pháp quyết liệt hơn, xác định được nguồn lây nhiễm. Mục tiêu là tìm được gốc rễ của dịch bệnh để chặt đứt nguy cơ lây nhiễm, nâng cao mức an toàn cho thành phố.
Cần tiếp tục rà soát tất cả những trường hợp có liên quan đến BV Bạch Mai. Từ ngày mai sẽ tiếp tục lấy xét nghiệm lần 2 cho toàn bộ cán bộ, nhân viên BV này.
Những người xét nghiệm rồi chưa phải 100% đã yên tâm hoàn toàn, vì có trường hợp xét nghiệm 2 lần âm tính, lần thứ 3 vẫn dương tính. Nên sau khi xét nghiệm, ai có dấu hiệu nào thì phải báo cơ sở y tế.
"Kể cả 0,01% cũng không được phép bỏ lọt, chống dịch phải tỉ mỉ chứ không qua loa, đại khái được. Phải cách ly, khoanh nhỏ để dập dịch", ông Chung nhấn mạnh.
Hương Quỳnh - Trần Thường
Một bệnh nhân COVID-19 người Anh âm tính lần 1 sau hai tuần điều trị Sau nhiều lần xét nghiệm trong khoảng 2 tuần điều trị tại bệnh viện, nam bệnh nhân người Anh nhiễm COVID-19 thứ 57 đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần một. Lực lượng y tế Quảng Nam đưa bệnh nhân nhiễm COVID-19 vào bệnh viện điều trị - Ảnh: LÊ TRUNG Chiều 1-4, ông Nguyễn Văn Hai - giám đốc Sở...