Tesla bỏ cảm biến radar trên hệ thống tự lái
Hãng xe điện của tỷ phú Elon Musk thông báo sử dụng hệ thống camera thay cho cảm biến radar trên xe Model 3 và Model Y ở Bắc Mỹ.
Cảm biến radar có giá tương đối đắt và quá trình xử lý dữ liệu cũng đòi hỏi sức mạnh tính toán đáng kể trên một chiếc xe. Công ty cho biết, những chiếc Tesla đầu tiên dựa hoàn toàn vào tầm nhìn của camera và khả năng xử lý mạng thần kinh sẽ cung cấp chức năng “tự lái Autopilot, tự lái hoàn chỉnh Full Self-Driving (FSD) và một số tính năng an toàn chủ động khác”.
Chế độ lái tự động Autopilot trên chiếc Model S.
Tesla cũng cảnh báo các hệ thống Autopilot và FSD sẽ kém hiệu quả trong giai đoạn điều chỉnh kỹ thuật này. “Trong một thời gian ngắn của quá trình chuyển đổi, xe sử dụng Tesla Vision có thể gặp một số hạn chế hoặc không hoạt động, như tính năng tự đánh lái Autosteer bị giới hạn ở tốc độ tối đa 120,7 km/h, tính năng Triệu hồi thông minh (nếu được trang bị) và Tránh làn đường khẩn cấp có thể bị vô hiệu hóa khi giao hàng”, thông báo của Tesla viết.
Những khách hàng đã đặt hàng trước Model 3 hoặc Model Y nhưng không biết về thay đổi này sẽ được thông báo trước khi họ chấp nhận lấy xe.
Trong khi đó, các nhà sản xuất ôtô khác đang có hướng đi khác khi phát triển, triển khai và tiếp thị các hệ thống lái xe tự động. Cruise của GM, Waymo của Alphabet, Aurora và nhiều hãng xe khác đều đang tích hợp cả radar, Lidar và camera trong hệ thống.
Video đang HOT
Trong khi dữ liệu từ camera chỉ có thể được phân tích bởi con người và phần mềm học máy, cảm biến radar và Lidar cung cấp dữ liệu bổ sung cho phép ôtô phát hiện và tránh chướng ngại vật trên đường, đặc biệt khi tầm nhìn kém vào ban đêm hoặc trong thời tiết khắc nghiệt.
Elon Musk từng công khai gọi Lidar là “trò lừa của mấy kẻ ngốc”, rằng nó quá đắt và khó sử dụng. Tuy nhiên, các sản phẩm của Tesla vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn radar. Tesla dự định giữ cảm biến radar trên các xe Model S và Model X giá cao, cũng như các xe Model 3 và Model Y được sản xuất tại Trung Quốc.
Theo Phil Koopman, CTO của Edge Case Research và là giáo sư kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học Carnegie Mellon, Tesla hiện vẫn có thể cung cấp một số tính năng hoàn toàn thông qua camera, nhưng chắc chắn phải trang bị lại radar sau này nếu muốn sở hữu các tính năng tự động nâng cao hơn.
“Các cảm biến được sử dụng để đạt khả năng tự hành là do nhà sản xuất quyết định. Vì vậy, các hãng có thể tùy chọn trang bị một số tính năng chỉ với camera, và người lái vẫn chịu trách nhiệm xử lý bất cứ thứ gì mà camera không thể thực hiện được”, Koopman cho biết.
“Các tính năng của Tesla hiện bị giới hạn ở cấp độ 2 (người lái xe chịu trách nhiệm giám sát an toàn mọi lúc). Nếu trong tương lai, Tesla muốn đạt được khả năng tự hành cấp độ 4 (xe tự động không có sự giám sát an toàn của người lái), hãng này nên sử dụng mọi loại cảm biến có thể, bao gồm camera, radar, Lidar và có thể cả những thứ khác”, Koopman nói.
Lo ngại về an toàn trên xe tự lái Tesla
Cơ quan quản lý đang điều tra các vụ tai nạn của xe Tesla liên quan đến công nghệ Autopilot - sử dụng camera và radar quan sát môi trường xung quanh.
Hôm 17/4, cảnh sát thành phố Houston, bang Texas, phát hiện chiếc xe Tesla Model S đời 2019 bị cháy. Các nhân viên cứu hỏa mất bốn giờ để dập tắt đám cháy, nhưng họ trở nên bối rối khi nhìn vào trong xe: hai nạn nhân 59 và 69 tuổi tử vong ở ghế sau, phía trước không có tài xế. "Vợ của một trong hai nạn nhân đã chứng kiến chiếc xe rời đi. Trước đó, họ đã thảo luận về tính năng lái xe tự động Autopilot của Tesla", cảnh sát trưởng bang Texas, Mark Herman, nói với truyền thông.
"Đây là một bi kịch nhưng đây không phải là một bất ngờ", Phil Koopman, Giám đốc công nghệ của công ty nghiên cứu Edge Case Research, nhận định. "Bạn có thể xem nhiều video trên YouTube về cảnh người nhảy khỏi ghế lái xe Tesla. Đã có những người không may mắn".
Vụ tai nạn khiến tham vọng về một chiếc xe tự lái hoàn toàn của Elon Musk bị nghi ngờ.
Elon Musk có tham vọng lớn về xe tự lái.
Hệ thống xe Tesla có hai chế độ tự lái: Autopilot và Tự lái hoàn toàn. Autopilot đã được áp dụng từ lâu, nhưng Tự lái hoàn toàn mới chỉ trong giai đoạn thử nghiệm. Công ty của tỷ phú Elon Musk dự định sẽ triển khai rộng rãi tính năng này cuối năm nay. Hiện gói thử nghiệm phần mềm Tự lái hoàn toàn có giá 10.000 USD.
Hôm 19/4, Tesla lần đầu lên tiếng về vụ tai nạn. Elon Musk đã phá vỡ sự lim lặng khi tuyên bố Autopilot không phải là nguyên nhân. Ông đổ lỗi cho làn đường không có vạch chỉ dẫn - yếu tố khiến Autopilot không kích hoạt được điều hướng xe.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều có chung nhận định rằng trong vụ tai nạn này, tính năng Autopilot được bật hay không chưa hẳn là vấn đề chính. Điều đáng quan tâm hơn là các tài xế đang có xu hướng rời khỏi tay lái vì tin tưởng hệ thống tự lái của xe Tesla.
Tesla - công ty gần đây đã giải tán nhóm truyền thông của mình - tuyên bố rằng tài xế phải luôn ngồi sau tay lái và chú ý ngay cả khi tính năng Autopilot được bật. Hãng cũng nhấn mạnh chế độ Tự lái hoàn toàn vẫn yêu cầu một tài xế. Trong thư gửi đến Sở Quản lý Cơ giới (DMV) California, luật sư của Tesla cũng nhấn mạnh "Autopilot và Tự lái hoàn toàn không phải hệ thống tự hành".
Dù đã được khuyến cáo, những video ghi lại cảnh tài xế Tesla rời tay khỏi vô lăng rất lâu, ngủ gật trên tay lái hoặc không ngồi ở ghế lái, đang lan truyền mạnh mẽ trên YouTube và mạng xã hội. Bản thân Elon Musk cũng từng làm điều này khi bật Autopilot và rời tay lái trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình năm 2018.
Một chiếc SUV điện của Tesla đâm vào rào chắn cao tốc 101 ở Mountain View năm 2018.
Việc ngày càng nhiều video về tài xế phó mặc cho chế độ Autopilot và nhiều người không đọc hướng dẫn sử dụng xe Tesla khiến ngày càng có nhiều vụ tai nạn. Theo báo cáo an toàn do Tesla công bố, trong ba tháng đầu 2020, khoảng cách trung bình mỗi vụ tai nạn của xe hãng này là 4,19 triệu dặm, thấp hơn nhiều so với 484.000 dặm mà Cục An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia thống kê. Tuy nhiên, tỷ lệ trên đã không cải thiện trong hai năm qua.
Carla Bailo, Chủ tịch của tổ chức Center for Automotive Research ở Michigan, cho rằng Tesla đã không có những khuyến cáo cụ thể về chế độ Autopilot và FSD cho khách hàng. "Tôi không biết có bao nhiêu người đã đọc hướng dẫn sử dụng ôtô trước khi cầm lái", Bailo nói. "Nếu đại lý không làm điều này, ít nhất Tesla cũng phải có cảnh báo theo cách trực quan nhất để giúp tài xế có thể học nhanh".
Chuyên gia này cũng cho rằng Tesla cần cải thiện hoạt động tiếp thị, đặc biệt là phải giải thích chi tiết các tính năng như Autopilot và Tự lái hoàn toàn để tránh "gây hiểu lầm" cho công chúng. "Tesla đang đặt tên cho các công nghệ như Autopilot chưa chính xác. Điều này có thể khiến tài xế hiểu sai về tính năng", bà Bailo chia sẻ.
Ding Zhao, trợ lý giáo sư tại Đại học Carnegie Mellon, người làm việc với Uber, Toyota và Bosch, cho rằng cần có một quy chuẩn để đánh giá mức độ an toàn của các phương tiện thông minh được hỗ trợ bởi AI. "Việc ứng dụng công nghệ để giảm nguy cơ tai nạn cho xe tự lái là cần được đầu tư. Tuy nhiên, các công ty, viện nghiên cứu và các cơ quan quản lý cần phải làm việc cùng nhau để đưa ra các biện pháp an toàn cho công nghệ đó trước khi áp dụng lên xe", Zhao cho biết.
Xe tự lái Tesla lại gây tai nạn Tesla, công ty xe tự lái của tỷ phú Elon Musk lại gặp rắc rối khi sản phẩm của họ tông trúng xe cảnh sát trong lúc bật chế độ tự lái (Autopilot). Cơ quan quản lý an toàn giao thông liên bang tại Michigan (Mỹ) đang điều tra vụ việc xe Tesla trong chế độ tự lái đã tông vào xe cảnh...