Teen girl kể chuyện 7 ngày lên chùa đi tu
Khoảnh khắc sư thầy biểu diễn ca nhạc hay như ca sĩ, teen hồ hởi lên xin chữ ký, hay những phút thiền mang lại sự tĩnh lặng… là những chuyện cô bé 14 tuổi kể về 7 ngày lên chùa học sống.
Một ngày ở chùa
Sinh năm 1996, Hồ Thục Đoan hiện là học sinh trường THCS Trường Chinh, TP HCM. Đoan cho biết đây không phải lần đầu tiên em lên chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, TP HCM) để rèn luyện bản thân, 2 năm trước, Đoan đã lần đầu tiên đặt chân lên đây và có những trải nghiệm rất lý thú.
Thục Đoan (bên phải) và bạn tại chùa Hoằng Pháp.
Đoan kể: “Đó là vào khoảng tháng 7/2007, cô em khuyên em lên chùa, lúc đầu thì em không thích đâu, nhưng khi lên đó, các thầy dạy em tu tập, dạy lễ nghĩa, oai nghiêm, dạy công đức của cha mẹ, và quen nhiều bạn mới nữa”.
Năm ngoái, vì có quá đông bạn đăng ký nên Đoan không tham gia, năm nay thì Đoan và cháu của mình (là cháu nhưng chỉ thua Đoan 1 tuổi) cùng nhau lên chùa học sống. Một tuần ở chùa, Đoan chỉ mang theo 3 bộ quần áo, khăn tắm, dầu gội, ngoài ra không phải mang gì nhiều, vì trong chùa mọi thứ đều có sẵn.
Mỗi ngày, các học viên nhí sẽ bắt đầu từ 4h30, sau khi làm vệ sinh cá nhân, từ 5h-5h30, các bạn sẽ có khóa lễ buổi sáng, 6h-6h30 dùng điểm tâm, 7h-10h30 nghe Phật Pháp và vấn đáp những vấn đề xoay quanh đề tài thầy giảng. 11h-1h45 là bữa trưa, sau khi ngủ trưa teen sẽ tụng kinh, niệm Phật và vui chơi đến 16h, khi bữa tối kết thúc thì các bạn sẽ tụng kinh Vu lan và báo hiếu, tịnh tọa, 10h cùng nhau đi ngủ ở tỉnh giác.
Trước khi ăn.
Bình thường ở thành phố, Đoan không dậy sớm và có một lịch sinh hoạt chỉn chu như thế này, hằng ngày, cô bé lên mạng, đọc báo, trò chuyện với bạn bè, có thể dậy muộn và thức rất khuya, nhưng rồi khi lên chùa, Đoan cũng dần quen với thời khóa biểu này.
Nếu như teen tưởng chừng như mình không thể sống thiếu âm nhạc, phim ảnh, truyện tranh hay Internet thì lên chùa, các bạn cũng sẽ có những trải nghiệm để chắc chắn một điều rằng không có những điều đó mình vẫn rất vui vẻ. Bởi hằng ngày, các bạn sẽ được nghe những câu chuyện về cuộc sống, về đạo nghĩa rất thú vị, ngoài ra, mọi người cũng có thể trò chuyện với thầy về những vấn đề rất… teen.
Đó là làm sao mình có thể như một bông hoa sen thanh khiết giữa cuộc sống đầy cám dỗ, hiện đại, gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, nhưng nếu bạn mình gần mực thì làm sao để giúp bạn ấy thoát khỏi cảnh đó để thành người tốt. Những câu hỏi này đều được thầy trả lời đơn giản, dễ hiểu và thuyết phục nên Đoan cảm thấy rất hứng thú.
Video đang HOT
Buổi tối, teen không ngủ trong một căn phòng bé mà hàng trăm bạn sẽ ở cạnh nhau trong một không gian rất rộng. Chính nhịp sinh hoạt chung đó đã giúp cô nàng 14 tuổi có những người bạn mới, từ các teen ở Mỹ về, phát âm tiếng Việt còn ngọng ngịu đến những bạn ở tỉnh xa.
Những chuyện không quên ở cửa Phật
Nhiều bạn trước khi lên chùa thì sợ không quen đồ ăn, hoặc khẳng định là mình không thể sống mà thiếu thịt, cá, tôm, nhưng với Đoan, thức ăn ở chùa rất ngon. “Đồ ăn chay mỗi ngày đều được đổi món, nhất là vào ngày 1 (hoặc 15, 30 âm lịch) thì có hơn 500 người làm công quả ngày đêm để nấu nướng cho cả chùa nên không khí rất vui”- Đoan chia sẻ.
Cô bạn cũng kể rằng: “Trong những buổi học Phật pháp, em và các bạn khóc nhiều lắm, vì những câu chuyện thầy kể rất hay”.
Những câu chuyện về tình người đã khiến teen rơi nước mắt và rút ra cho mình nhiều điều bổ ích.
Rồi Đoan chia sẻ lại câu chuyện đã khiến hàng trăm teen khóc tại chùa: “Em nhớ câu chuyện về một người cha có 4 người con, ở Ấn Độ ông thuộc dòng dõi thấp hèn nhất. Vì nhà nghèo không có tiền cho con đi học, ngoài việc phải lao động rất cật lực thì ông đã lần lượt bán một quả thận, nửa lá gan, rồi ruột già…Khi những người con đã thành đạt trở về thì cơn đau đớn đã mang ông đi, chúng chỉ còn biết quỳ bên quan tài của cha…Em thấy, ba mẹ đã hi sinh quãng đời còn lại chăm lo cho em, thế mà trước đó em cứ đua đòi làm ba mẹ phiền lòng”.
Bên cạnh những bài học về cuộc sống, con người, Đoan còn được chứng kiến những khoảnh khắc rất ngộ nghĩnh ở cửa Phật. Đó là lúc các thầy tổ chức những cuộc vui sôi động, diễn kịch câm, hát những bài về sự an bình, thanh tịnh như Mùa hè hội ngộ, Niềm an vui….
“Thầy hát và biểu diễn hay như ca sĩ khiến chúng em bất ngờ và cười ngặt nghẽo. Đến khi tầy trổ tài xong thì các bạn còn chạy lên xin chữ ký nữa”- Đoan kể.
Lên chùa không có nghĩa là teen sống buồn tẻ, ở đó ngoài những phút tĩnh tâm tu dưỡng các bạn còn có rất nhiều trò chơi.
Vui là thế, nhưng cũng có lúc tưởng chừng như bản thân khó vượt qua sự hà khắc nơi đây, trong tuần lên chùa học sống cùng với Đoan, khoảng 3000 bạn thì gần 100 phải xin về, cũng có những bạn nghịch ngợm, bị phạt nhưng rồi biết sửa lỗi nên ở lại.
Với mỗi teen lên chùa như Đoan, khó nhất là lúc ngồi thiền, thời gian chỉ 15 phút thôi, nhưng đau chân, đau lưng, không phải ai cũng dễ dàng tĩnh tâm được. Tuy nhiên, theo Đoan đó chính là liệu pháp rất bổ ích, giúp những “cô bé” tuổi teen như Đoan cảm thấy tĩnh tâm, an lạc.
“Em vừa trở về mấy hôm nên vẫn còn nhiều cảm xúc lắm, nhớ nhất là ngày cuối, lúc chia tay, các thầy ra đứng trước cổng tiễn tụi em về và hẹn năm sau gặp lại, cảm xúc cứ dâng lên nghẹn ngào nên tụi em khóc nhiều, đó thực sự là quãng thời gian vô cùng quý giá đối với em”- Đoan chia sẻ.
Thủy Nguyên
Theo Bưu Điện Việt Nam
Những người trẻ mê thiền
Ở Hà Nội, những câu lạc bộ tu thiền đang được mở ra ngày một nhiều, nhằm định hướng một phương pháp giúp con người biết điềm tĩnh và lắng tâm giữa những bộn bề, phức tạp của cuộc sống.
Thiền cho tâm thanh tịnh
Thói thường người ta vẫn nghĩ, tu là điều gì ghê gớm lắm, là phải vào chùa làm sư, phải hạn chế nhiều điều khác so với cuộc sống của một người bình thường, thậm chí nhiều người nghĩ chán đời mới đi tu. Đây là quan niệm sai lầm. Tu là sửa, là tu thân tích đức, là tu tâm dưỡng tính, chỉ làm cho ta tốt lên chứ không gây thiệt thòi gì.
Theo lịch trình của thiền viện, chủ nhật hằng tuần sẽ là ngày các thanh thiếu niên, nhi đồng đến học thiền. Và 7h30 là nghi thức tọa thiền (ngồi thiền). Các phật tử sẽ ngồi theo 2 dãy (nam và nữ) trong tư thế kiết già hoặc bán già.
Anh Lương Anh Tuấn (25 tuổi), nhân viên của Tổng công ty Hàng hải, đồng thời là Đoàn trưởng Đoàn Thanh niên Phật tử Trần Thái Tông tâm sự: "Từ ngày biết tu thiền, tôi chỉ nghĩ về điều thiện nên cái tâm lúc nào cũng thanh tịnh. Làm việc gì cũng chú tâm hơn. Thiền là để cơ thể và đầu óc mình nghỉ ngơi hoàn toàn, vì thế khi quay lại công việc sẽ đạt được hiệu quả cao hơn nhiều".
Cùng có cái nhìn tích cực về Thiền, bạn Nguyễn Thu Trang, hiện là sinh viên năm thứ ba trường Trung cấp ESTIH nhận thấy: "Sau một thời gian dài sinh hoạt ở thiền viện, mình đã tự tin lên nhiều. Tâm tính cũng không còn hay cáu gắt, nổi nóng, ích kỷ và vội lo nghĩ như trước nữa. Giờ mình đã biết quan tâm đến người khác hơn, biết lắng nghe và nhẫn nhịn, không còn cãi mẹ nhiều nữa!". Trang vốn rất thích nghe nhạc rap và hiphop, nhưng từ khi đến đây, cô còn thấm nhuần cả nhạc Phật pháp, bởi theo Trang, ca từ và ý niệm trong nhạc Phật khiến tinh thần cô lúc nào cũng ở trạng thái thanh thản và lạc quan.
Bé Martine, 7 tuổi, học trường Tiểu học Trưng Trắc, Hà Nội đang thực hiện nghi thức ngồi thiền "chuẩn". Em chia sẻ "Em rất thích ngồi thiền, mặc dù nó hơi mỏi lưng và đau chân".
Ở Hà Nội hiện có hơn 10 địa chỉ tu thiền, thường dưới hình thức sinh hoạt của những câu lạc bộ Phật tử rồi mở rộng, chào đón những người ngoại đạo muốn tu tập. Thiền viện Sùng Phúc (thuộc tổ 10 phường Cự Khối, quận Long Biên) là một trong những địa điểm tin cậy và thu hút nhất với hơn 800 phật tử theo tu thiền.
Có đến Sùng Phúc Thiền Tự một buổi sáng chủ nhật mới biết thanh niên Hà Nội "mê" thiền đến thế nào. Mỗi buổi sinh hoạt ở đây thu hút khoảng 80 bạn trẻ, chưa kể sự tham gia của những người đứng tuổi và các em thiếu niên, nhi đồng được cha mẹ dẫn theo. Họ đến từ rất sớm để chuẩn bị cho bài thiền kéo dài 40 phút bắt đầu lúc 7h30 sáng.
Không chỉ được chính các thầy trụ trì hướng dẫn tu thiền với phương pháp khoa học, mọi thành viên còn được nghe giảng về Phật pháp, được nói chuyện với các thầy để giải đáp những khúc mắc trong cuộc sống. Sau đó, Đoàn Thanh niên Phật tử sẽ có những hoạt động bổ ích như đọc sách, kể chuyện, học hát hay trao đổi kiến thức nhằm giúp các thành viên thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, đồng thời tạo sợi dây kết nối chặt chẽ trong cộng đồng Phật tử.
Nghi thức sám hối và sinh hoạt Phật pháp, các phật tử nhi đồng - thanh niên sẽ tập trung ở những địa điểm khác nhau. Thanh niên sẽ lắng nghe giáo lý Phật pháp.
Từ tu thiền đến tu tâm, hướng thiện
Trò chuyện về Thiền với thầy Thích Thiện Tài, quản chúng của Thiền viện Sùng Phúc, được nghe thầy cặn kẽ lý giải: "Thiền là để cái tâm không tán loạn. Không còn tham, sân, si. Thiền để tâm bình, khí hòa, biết chắt lọc những điều hay dở. Thiền để biết sống như cái nó đang là, chứ không sống như cái nó phải là".
Theo thầy Tài, thiền là một phương pháp tu luyện bản thân theo tinh thần Phật giáo. Khi con người có dấu hiệu cùa sự không làm chủ được suy nghĩ, không làm chủ được bản thân mà cứ mải mê lao theo những mục đích không nằm trong những nhu cầu căn bản nhất như: ăn, ngủ, mặc, ở.. rồi đau khổ vì chính những điều phù phiếm đó, ấy là khi ta cần tìm đến Thiền.
Nghi thức thọ trai (ăn cơm trưa). Không giống như các thiền viện khác, nghi thức thọ trai ở thiền viện Sùng Phúc bắt đầu bằng việc tụng kinh trước khi ăn.
Đối với anh Tô Giang Sơn, Thư ký Liên đoàn Thanh niên Phật tử Thủ đô thì việc tu thiền mỗi ngày khiến con người như một cốc nước bẩn được thanh lọc: cặn lắng xuống, trong nổi lên. "Thiền đề tạo ra định, định để tạo ra tuệ".
Trong xã hội ngày càng nhiễu loạn giữa các luồng thông tin, tu thiền theo Phật giáo cũng là cách mà nhiều phụ huynh đang hướng cho con cái họ để tiếp thu được sự an lành, tăng sức đề kháng với những thứ tiêu cực. Người biết Thiền sẽ biết nhìn nhận một cách thấu đáo về bản thân mình, không xét nét lỗi lầm của người khác mà chỉ tập trung hòan thiện bản thân nhằm đạt được cái đích cuối cùng, đó là trí thông minh tuệ giác và cái tâm thanh tịnh, an bình..
Theo Đất Việt
Móc túi hoành hành nơi cửa Phật Đang chen chân khấn vái trong phủ Tây Hồ chật cứng người, cô gái hoảng hốt khi phát hiện túi áo khoác để ví tiền bị kẻ gian rạch tự bao giờ. Trong khoảng 30 phút, gần chục người khác cũng mếu máo như cô vì bị móc trộm. Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội) những ngày này luôn là nơi...