Tê tay là biểu hiện của bệnh lý nguy hiểm
Triệu chứng tê bì tay kéo dài có thể là dấu hiệu của các bệnh thần kinh, cơ xương khớp hoặc mạch máu.
Do chủ quan, cảm giác tê bì tay thường bị chúng ta bỏ qua. Nguyên nhân của tê tay thường đến từ tình trạng cơ thể mệt mỏi quá độ sau khi làm việc nhiều. Tuy nhiên, cảm giác này đôi khi còn liên quan các bệnh lý nguy hiểm như thần kinh, mạch máu…
Theo bác sĩ Hoàng Thị Thanh Thúy, Phó trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị (Hà Nội), nguyên nhân gây tê bì tay rất rộng, gồm 2 loại chính là tê tay cơ học và tê tay do bệnh lý. Tình trạng này có thể kéo dài từ 1 đến 2 ngày, thậm chí hàng tuần.
Tê tay cơ học
Cảm giác tê tay cơ học thường xuất hiện sau khi chúng ta làm những công việc yêu cầu sử dụng nhiều tới bàn tay hoặc bê vác nặng như công nhân lắp đặt điện tử, thợ may…
“Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra tê bì tay là co cơ vai gáy. Tình trạng này khá phổ biến ở người lái xe, dân văn phòng hay những công việc đòi hỏi ngồi nhiều giờ, khiến cơ cổ, vai quá tải, căng cứng. Lúc này, cơ co cứng, chèn ép vào các rễ và đám rối thần kinh cánh tay, dẫn đến tê tay”, bác sĩ Thúy giải thích.
Tê bì tay cơ học có thể gặp ở những người làm việc văn phòng nhiều. Ảnh minh họa: Florida Hand Center.
Chuyên gia này cho biết để khắc phục tình trạng tê tay cơ học, mọi người chỉ cần dành thời gian nghỉ ngơi và để cơ thể tự hồi phục.
Tê tay do bệnh lý
Khác với tê tay cơ học, tê tay do bệnh lý nguy hiểm hơn và yêu cầu bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý. Thông thường, các bệnh lý dẫn đến tê tay có thể liên quan mạch máu, thần kinh và cơ xương khớp.
Bệnh lý mạch máu
Bác sĩ Thúy cho hay: “Các bệnh xơ vữa và hẹp mạch máu sẽ dẫn tới mức độ tê tay khác nhau, phụ thuộc tình trạng bệnh. Bệnh nhân có thể cảm giác đau buốt nếu tê tay nhiều, thậm chí hoại tử tay khi tắc mạch máu”.
Video đang HOT
Ngoài ra, hội chứng viêm mạch máu có tên gọi Raynauld, co thắt mạch ngọn chi, cũng sẽ gây tê tay và biến đổi màu sắc các mạch ngón tay.
Bệnh lý thần kinh
Bệnh lý liên quan thần kinh thường gặp dẫn đến tê tay là tai biến mạch máu não. Bên cạnh tê bì, bệnh lý này cũng gây yếu, liệt vận động khu trú nửa người. Tổn thương cột sống và tủy cổ còn có thể gây tê bì và yếu, liệt tứ chi, tùy vị trí và mức độ tổn thương.
Các bệnh lý thần kinh ngoại biên cũng có thể dẫn đến tê bì tay. Một số bệnh lý điển hình là viêm đa dây thần kinh, viêm đa rễ, thoát vị đĩa đệm cột sống chèn ép tủy, rễ. Đặc biệt, các bệnh lý này còn ảnh hưởng đến cơ lực tứ chi.
Bệnh lý cơ xương khớp
Theo bác sĩ phó trưởng khoa Thần kinh, triệu chứng tê bì tay còn thường xuyên được phát hiện ở các bệnh nhân thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ. Nguyên nhân của bệnh lý này đến từ việc đĩa đệm, vốn nằm giữa các thân đốt sống, bị lệch và có thể chèn ép vào rễ thần kinh, tủy sống. Lúc này, bệnh nhân có thể gặp triệu chứng đau nhức từ cổ, lan xuống vai và cánh tay, gây cảm giác khó chịu.
Tê tay có thể là biểu hiện của các bệnh lý nguy hiểm khác. Ảnh minh họa: Medical News Today.
“Nếu đĩa đệm thoát vị chèn vào tủy sống, bệnh nhân có thể bị yếu, liệt tứ chi tùy mức độ chèn ép. Đáng chú ý, tê bì tay đôi khi còn liên quan tình trạng liệt trong trường hợp người bệnh bị chấn thương tủy sống, u tủy, viêm tủy, gây ảnh hưởng sinh hoạt cũng như chất lượng cuộc sống người bệnh”, bác sĩ Thúy nhận định.
Thoát vị đĩa đệm có thể xuất hiện ở nam và nữ. Tuy nhiên, nhóm bệnh nhân thường gặp nhất là nữ lao động nặng sau 30 tuổi. Các đốt sống cổ bị thoái hóa sẽ mọc ra gai xương ở thân đốt, chèn ép vào rễ thần kinh gây tê bì 2 tay.
Tuy nhiên, bác sĩ Thúy khuyến cáo triệu chứng tê tay chỉ là dấu hiệu gợi ý, bệnh nhân cần được khám kỹ lưỡng để xác định đúng căn nguyên và điều trị phù hợp.
Người dân khi nhận thấy cảm giác tê tay mới xuất hiện cần theo dõi và nghỉ ngơi một vài ngày. Nếu triệu chứng này chấm dứt, mọi người chỉ cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt và không cần đi khám.
Trong trường hợp biểu hiện tê tay tăng dần, không khỏi và thậm chí thêm các vấn đề khác như teo cơ, đau nhức, yếu, liệt chân tay, bệnh nhân cần nhanh chóng đi khám để được tư vấn và điều trị kịp thời. Đây có thể là biểu hiện của các bệnh lý nghiêm trọng cần điều trị sớm, tránh di chứng trong tương lai.
Phòng và điều trị biến chứng bàn chân
Biến chứng bàn chân ở người tiểu đường là một trong những biến chứng thường gặp và nguy hiểm. Các biểu hiện tổn thương bàn chân ở người tiểu đường xuất hiện tăng dần có liên quan với kiểm soát đường huyết kém, thời gian bị bệnh tiểu đường kéo dài, có các yếu tố nguy cơ bệnh mạch máu và thần kinh như hút thuốc lá, tăng mỡ máu...
Ảnh minh họa
Biến chứng bàn chân ở người tiểu đường là tổn thương thần kinh ngoại vi, tổn thương mạch máu, nhiễm khuẩn... Những người đã có tiền sử bị loét chân hoặc cắt cụt chân thì nguy cơ bị loét chân vẫn sẽ tăng lên, vì vậy cần có các biện pháp chăm sóc phục hồi chức năng bàn chân ở người tiểu đường để dự phòng các biến chứng.
Các biểu hiện tổn thương
- Rối loạn cảm giác: Cảm giác tê bì, nóng rát bàn chân. Giảm cảm giác nóng, lạnh, đau giảm, cảm giác xúc giác. Những va quệt khi đi lại bệnh nhân không biết do giảm hoặc mất cảm giác dễ gây trợt loét, dễ bị bỏng.
- Da chân khô, bong, nứt nẻ, da lạnh: Xuất hiện vết chai, thường ở những vị trí bàn chân chịu áp lực và dễ bị loét, nhiễm trùng vết loét rất lâu lành.
- Biến dạng bàn chân: Loét bàn chân là biến chứng thường gặp, vị trí loét thông thường là bàn chân và ngón cái. Thường gặp loét hình tròn, đáy sâu được gọi là "loét lỗ đáo".
- Nhiễm trùng: Nếu có bất kỳ một vết loét nào thì nguy cơ nhiễm trùng cũng như ổ nhiễm trùng lan rộng là rất lớn.
- Hoại tử chân: Vùng chân sắp hoại tử mất cảm giác, lạnh, màu sắc da tái nhợt sau chuyển sang thâm đen và hoại tử. Nếu vùng hoại tử nhỏ, có thể điều trị thành sẹo được nhưng nếu vùng hoại tử lớn thường phải cắt cụt để bảo vệ tính mạng bệnh nhân.
- Cắt cụt chi: Do hoại tử, loét nhiễm khuẩn điều trị không hiệu quả. Có thể phải cắt cụt ngón chân, cắt cụt bàn chân hoặc cắt cụt ngang cổ chân do hoại tử thiểu dưỡng. Tỉ lệ phải cắt cụt chân tới 10% số bệnh nhân tiểu đường.
Chăm sóc dự phòng và điều trị
- Phải kiểm soát được nồng độ đường huyết (duy trì glucose máu lúc đói
- Giai đoạn sớm: Chưa có triệu chứng tổn thương bàn chân hoặc triệu chứng còn nhẹ như chỉ rối loạn cảm giác, cần chú ý chăm sóc bàn chân để tránh bị tổn thương:
Giữ vệ sinh bàn chân sạch sẽ, giữ khô bàn chân sau khi rửa, kiểm tra bàn chân hàng ngày để phát hiện những bất thường như vết xước, vết bầm tím hoặc vùng da mất cảm giác hơn so với vùng khác, những vùng da nhợt màu...
Không đi chân không, không mang giày có quai bén nhọn. Khi mua giày nên chọn số lớn hơn bàn chân một chút. Đổi giày ngay nếu phát hiện có chỗ cộm ở mặt trong. Không đi giày cao gót. Khi có biến dạng bàn chân, nên mang giày chỉnh hình phù hợp với biến dạng ấy.
Xoa bóp bàn chân, ngâm chân nước ấm 30 phút mỗi lần, mỗi ngày 1-2 lần. Kiểm tra nhiệt độ của nước cẩn thận và sau khi ngâm cần làm khô chân.
Những vùng da khô, bong da có thể bôi một số loại kem giữ ẩm. Không bôi vào kẽ các ngón chân. Mùa đông cần giữ ấm bàn chân bằng đi tất đủ dày, tránh chật quá làm giảm lưu thông máu.
Cắt móng chân thường xuyên, mang tất mềm và giày dành cho bệnh nhân tiểu đường.
Thường xuyên tập luyện các các hoạt động thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi... tránh các hoạt động gây áp lực cao như chạy, nhảy... làm tăng biến chứng bàn chân của bệnh tiểu đường.
Cần thận trọng khi đi trên đường khó đi, những nơi kém vệ sinh, khi tiếp xúc với các vật có nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh vì dễ gây tổn thương.
Khi có tổn thương: Không được cắt gọt vùng chai chân vì dễ gây loét và nhiễm trùng. Tránh gây tì đè, tăng áp lực lên vùng chai của bàn chân, bôi các loại mỡ làm ẩm sẽ làm cho vùng chân bị chai mềm mại không bị nứt nẻ và loét.
Khi có vết xước hoặc vết thương: Băng vết thương dạng xịt Nacurgo lên vết thương để bảo vệ và kích thích hình thành tế bào mới cho vết thương nhanh lành hoặc rửa sạch bằng nước muối sinh lý, thấm khô bằng gạc vô khuẩn rồi bôi betadin để sát khuẩn.
Khi có loét: Thay băng vết loét hàng ngày, nếu vết loét bị nhiễm khuẩn cần đắp gạc kháng sinh như berberin, biseptol... Điều trị nhiệt nóng vào vùng loét như dùng đèn hồng ngoại, sóng ngắn... để tăng cường dinh dưỡng làm liền vết loét. Khi các vết loét nhiều và trầm trọng phải tiến hành các phương pháp ngoại khoa như bắc cầu nối động mạch, tạo hình động mạch bằng can thiệp nội mạch, ghép da nếu loét trên diện rộng, cắt đọan chi nếu ở giai đọan muộn và nặng nề.
Khi bị hoại tử: Nếu vùng hoại tử nhỏ chăm sóc như với vết loét.
- Nếu vùng hoại tử lớn, vết thương bị nhiễm trùng lan rộng và khó liền, khi đó bắt buộc phải cắt cụt. Điều đặc biệt là các động mạch có thể bị tắc hẹp ở các đoạn cẳng chân hoặc cao hơn như ở đùi nên một số trường hợp tuy chỉ có nhiễm trùng bàn chân nhưng lại cần cắt cụt đến trên đầu gối.
PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV Quân y 103
3 điểm bất thường trên bàn chân ngầm cảnh báo nguy cơ mắc bệnh gan rất cao nhưng nhiều người chẳng hay biết Check ngay xem bạn có đang mắc phải một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh gan trên cơ thể không nhé! Gan có chức năng trao đổi chất là chủ yếu và nó cũng là cơ quan lớn nhất trong các cơ quan nội tạng. Thực tế, gan còn là cơ quan làm việc khá cần mẫn, luôn hoạt động mọi lúc...