Taylor Swift tự đề xuất viết nhạc cho tác phẩm điện ảnh tuyệt đẹp ‘Xa ngoài kia nơi loài tôm hát’
Giọng hát ma mị của Taylor Swift quyện vào vẻ đẹp hoang sơ và bí ẩn của miền Nam nước Mỹ trong Xa ngoài kia nơi loài tôm hát.
Xa ngoài kia nơi loài tôm hát chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Delia Owens, sau khi ra mắt thị trường quốc tế từ ngày 15/7 đã liên tiếp nhận được những lời có cánh từ giới chuyên môn lẫn khán giả đại chúng. Câu chuyện sinh tồn đầy đau đớn nhưng cũng tuyệt đẹp của ‘Cô gái Đồng lầy’ Kya như bước ra từ những trang sách bằng những thước phim tuyệt đẹp và diễn xuất bùng nổ của Daisy Edgar-Jones, rồi kết thúc thật ma mị bằng giọng hát ám ảnh của Taylor Swift – người từng được mệnh danh là ‘công chúa nhạc đồng quê’.
Tiểu thuyết đầu tay Xa ngoài kia nơi loài tôm hát của Delia Owens là một hiện tượng văn học khi liên tục đứng đầu danh sách bán chạy của tờ New York Times và đến nay đã có hơn 15 triệu người say mê vẻ đẹp hoang dại và đầy ám ảnh của ‘Cô gái Đồng lầy’ Kya Clark, bao gồm cả ca sĩ – nhạc sĩ Taylor Swift. Cô đã chìm đắm trong thế giới của Kya Clark đến mức ngay khi vừa nghe tin một phiên bản điện ảnh chuyển thể đang được đưa vào sản xuất, Taylor đã viết ngay bài hát Carolina trong một đêm để gửi tặng cho nhà làm phim, với mong muốn ‘được trở thành một phần của âm nhạc trong phim’ và ‘tạo ra một bài hát ám ảnh và mênh mang như chính câu chuyện mê hoặc ấy’. Đạo diễn Olivia Newman chia sẻ: ‘Điểm đặc biệt của bài hát này nằm ở chỗ khi đọc đến hết cuốn sách, độc giả đều có một cảm xúc lâng lâng rất đặc biệt, chúng tôi cũng muốn tái hiện được cảm xúc ấy vào đoạn cuối phim và bài hát của Taylor đã trở thành điểm mấu chốt đó. Nên tôi đã khóc giàn giụa ngay từ lần đầu tiên nghe ca khúc ấy’.
Không dùng âm nhạc điện tử hiện đại, Taylor chỉ sử dụng nhạc cụ thuộc bối cảnh của câu chuyện vốn đặt ở miền Nam nước Mỹ những năm 1950, đem lại cho bài hát một cảm giác xa vắng như một ca khúc đồng dao được truyền tụng từ đời này sang đời khác, kể về cô gái trốn sâu vào nơi đồng lầy hoang vắng và bí ẩn để rồi trở thành một giai thoại của một thị trấn miền quê.
Trọng tâm của bộ phim đặt ở Kya Clark – ‘Cô gái Đồng lầy’ – sống ở đồng lầy rìa thị trấn Vũng Barkley, nơi người ta xa lánh cô, cô lập cô và rồi lại tự đồn thổi những nhận định mơ hồ và hàm hồ về cô. Khi xác của Chase Andrews – một chàng trai nổi tiếng và kiểu mẫu được phát hiện, cư dân thị trấn ngay lập tức đổ dồn mọi nghi ngờ và thậm chí là buộc tội lên Kya. Luật sư của thị trấn là Tom Milton tình nguyện bào chữa và cố gắng cứu Kya khỏi án tử hình, khi đó những bí ẩn xung quanh cuộc đời của ‘Cô gái Đồng lầy’ vốn bị bỏ rơi từ năm 6 tuổi dần hé mở, về một cuộc đời hoang dã mà đồng lầy đã bảo bọc cô như một người mẹ, về mối tình đầu Tate đã dạy cô biết đọc biết viết và cả tình yêu nồng nàn với chính Chase Andrews.
Vì tác giả Delia Owens vốn là một nhà sinh vật học và kiến thức về thiên nhiên chính là nền tảng để bà sáng tạo nên câu chuyện lay động hàng triệu trái tim về Kya Clark, thách thức của nhà sản xuất phim Xa ngoài kia nơi loài tôm hát chính là bối cảnh đồng lầy nơi Kya sinh sống và lớn lên. Địa điểm được đội ngũ thiết kế sản xuất Sue Chan – nhà thiết kế bối cảnh của Shang-chi và huyền thoại Thập Luân – lựa chọn để xây dựng ngôi nhà của Kya là Công viên Bang Fairview-Riverside ở Madisonville rộng 400 ngàn mét vuông bên bờ sông Tchefuncte. Địa điểm này đáp ứng mọi yêu cầu về bối cảnh nơi ở của Kya – những cây sồi trăm năm tuổi, những trảng rêu phong, đầm lầy cây bách, đầm phá và vùng đồng lầy rộng lớn. Từ đây, khán giả sẽ chìm đắm trong thiên nhiên kỳ vĩ và huyền ảo, người mẹ thứ hai của Kya sau khi bị bỏ rơi, nơi đã dạy cho Kya về sự sống và cái chết.
Nhận được nhiều lời khen ngợi về tính mỹ thuật là phần phục trang trong phim, sẽ khiến những tín đồ của trào lưu thời trang retro phải thổn thức. Với bối cảnh là nước Mỹ thập niên 1950 và 60, Xa ngoài kia nơi loài tôm hát đem đến những trang phục kiểu mẫu đặc trưng của thời đại với những cô cậu thanh niên ‘con nhà phố thị’ của thị trấn Vũng Barkley, nhưng nổi bật hơn cả là những bộ trang phục từ thiện của nhà thờ mà Kya phải tự chỉnh sửa, nhưng càng làm tôn lên vẻ đẹp của một ngọn cỏ dại kiên cường, dù cũ kĩ đi sau thời đại nhưng toát lên sự tự do.
Nhận về điểm số cao vút 9,1 điểm ‘tươi’ ở mục ý kiến khán giả của trang Rotten Tomatoes, Xa ngoài kia nơi loài tôm hát đã thành công nắm bắt và tái hiện trọn vẹn sự đa chiều của tiểu thuyết gốc, nơi có một vụ án mạng đầy bí ẩn, những đồn đoán khắc nghiệt và cũng có sự kiên cường của một cô gái cô độc và một tình yêu cháy bỏng tâm can. Và rồi là giọng hát ngân nga như một bài dân ca của Taylor Swift vang lên, thủ thỉ lời tâm tình của ‘Cô gái Đồng lầy’ với Carolina, là vùng đất nhưng cũng là nơi cất giấu bí mật lớn lao nhất của đời cô.
Xa ngoài kia nơi loài tôm hát khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc ngày 1/9/2022.
Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát - Bức tranh sinh tồn tuyệt đẹp từ hiện tượng văn học bán chạy toàn cầu
Xa ngoài kia nơi loài tôm hát mang trong mình vẻ đẹp đau đớn của một hành trình sinh tồn cô độc, hoà quyện với không khí hồi hộp của một vụ án mạng dần được hé mở.
Được chuyển thể từ hiện tượng văn học bán chạy toàn cầu với doanh thu hiện tại đã vượt mức 15 triệu bản, Xa ngoài kia nơi loài tôm hát dưới sự chỉ đạo của nữ đạo diễn Olivia Newman đã truyền tải trọn vẹn câu chuyện sinh tồn tuyệt đẹp nhưng cũng đầy đau đớn lấy bối cảnh vùng đồng lầy miền Nam nước Mỹ những năm 1960.
Chuyện phim kéo dài trong hai thập kỉ theo chân cô bé Kya Clark bị gia đình của mình lần lượt bỏ rơi từ năm 6 tuổi, từ đó phải tự bươn chải để sinh tồn trong vùng đồng lầy hoang dã ven rìa thị trấn Vũng Barkley. Tất cả những gì người dân của thị trấn biết về Kya đa phần xuất phát từ những đồn đoán được thêu dệt theo năm tháng, tạo thành cái tên "Cô gái Đồng lầy", và cũng vì vậy mà khi Chase Andrew - chàng trai ưu tú của thị trấn được phát hiện là đã chết đầy bí ẩn, mọi nghi kị đều đổ dồn lên người Kya.
Sức hấp dẫn của Xa ngoài kia nơi loài tôm hát đến từ sự đa chiều của câu chuyện: là hành trình sinh tồn cô độc, vẻ lãng mạn của tình yêu đầu đời, nét đắm say của mối tình thứ hai phảng phất khao khát đầy nhục dục, là bức tranh về sự phân biệt và nghi kị và không khí căng thẳng từ một vụ án mạng không có lời giải đáp. Điều này đặt lên vai nhà sản xuất Reese Witherspoon và đạo diễn Olivia Newman một áp lực rất lớn. Đáp lại sự kì vọng của người hâm mộ tiểu thuyết gốc, một trăm hai mươi phút từ bản điện ảnh đã truyền tải gần như trọn vẹn câu chuyện trưởng thành tuyệt đẹp và cũng đầy tàn nhẫn của Kya.
Một điểm khác biệt ở bản phim so với truyện được cho là thành công nằm ở mạch phim. Thay vì bám theo trục thời gian tuyến tính, biên kịch Lucy Alibar đã xây dựng mạch phim đan xen giữa hiện tại và quá khứ, giữa một thiếu nữ Kya đã trưởng thành và chịu đựng sự kết tội đầy tính áp đặt và một cô bé Kya mong manh và ngơ ngác phải học cách tự nuôi sống bản thân. Mạch phim này giúp khán giả càng thấy rõ Kya chưa bao giờ chủ động lựa chọn sự tách biệt để trốn vào vùng đồng lầy, mà những người dân thị trấn năm ấy đã đẩy cô bé ra xa và giờ đây cũng chính là họ dồn cô vào án tử hình, như để khẳng định mọi sai trái và lỗi lầm luôn phải nằm ở một mục tiêu bên ngoài chứ không bao giờ xuất phát từ chính mình.
Đồng thời mạch phim này giúp giữ vững không khí bí ẩn và căng thẳng cần có vì mâu thuẫn khởi nguồn chính của phim vẫn là một vụ án mạng, thay vì sa đà vào những tình tiết lãng mạn khi Kya gặp gỡ mối tình đầu Tate và mối tình thứ hai của mình.
Không thể nói đến thành công của phim mà không nhắc đến màn trình diễn đầy cảm xúc của Daisy Edgar-Jones trong vai Kya Clark. Nữ diễn viên được đề cử giải Quả Cầu Vàng nhận được nhiều lời khen ngợi của cả giới chuyên môn lẫn khán giả đại chúng, đồng thời được nhận xét là có khí chất của một ngôi sao điện ảnh cổ điển. Daisy đã thành công thể hiện nét đẹp hoang dã của một cô gái lớn lên nơi vùng đồng lầy, chưa bao giờ thật sự hoà nhập với một xã hội nặng nề những quy củ, lễ giáo và định kiến.
Kya là một nhân vật phức tạp với nội tâm cô đơn và hành vi thiên về bản năng, nhưng chính điều đó tạo nên sức hấp dẫn khiến hai chàng trai vàng của thị trấn đều phải say mê. Phân cảnh khi Tate quay trở về hoặc lúc cô kiên quyết khẳng định sẽ không cầu xin những người dân từng cô lập mình được Daisy truyền tải thành công và đẩy cảm xúc của khán giả lên cao, khiến tất cả mọi người đều phải đứng về phía Cô gái Đồng lầy.
Bên cạnh đó, Xa ngoài kia nơi loài tôm hát sở hữu bối cảnh tuyệt đẹp được quay ở Công viên Bang Fairview-Riverside ở Madisonville rộng 400 ngàn mét vuông bên bờ sông Tchefuncte, nơi có những cây sồi trăm năm tuổi, khu vực đồng lầy, đầm lầy và đầm phá, hệt như những miêu tả về ngôi nhà của Kya trong sách. Thiên nhiên trong Xa ngoài kia nơi loài tôm hát là người mẹ thứ hai của Kya, là nơi dạy cô về sự sống và cái chết, về tình yêu và vì vậy hiện lên như một nhân vật sống động thực thụ chứ không chỉ là một tấm vải trắng để các nhân vật vẽ nên câu chuyện của mình. Điều đó thể hiện qua nhiều góc máy ngập một nửa trong làn nước hoặc khuất sau những tán cây rậm rạp như mẹ thiên nhiên đang ngắm nhìn cô con gái của mình trưởng thành hơn, kiên cường hơn.
Đặc biệt hơn, không thể không kể đến bài hát gốc vang lên vào cuối phim được viết bởi ca sĩ - nhạc sĩ tài năng Taylor Swift. Taylor đã viết ca khúc "Carolina" ngay khi bộ phim chỉ vừa được đưa vào sản xuất vì bản thân cô cũng đã từng chìm đắm trong câu chuyện mê hoặc của Kya. "Carolina" được hát từ góc nhìn của Cô gái Đồng lầy, huyền bí và mê hoặc như một ca khúc đồng dao được truyền tụng từ đời này sang đời khác nhờ vào cách phối sử dụng những nhạc cụ mộc đặc trưng của thập niên 1950 cùng giọng hát trầm khàn của Taylor Swift, tạo thành một kết thúc mênh mang và bí ẩn hoàn hảo như chính những bí mật của Kya được đồng lầy giấu vào biển sâu, vào bờ cát trắng.
Xa ngoài kia nơi loài tôm hát là một bức tranh tròn trịa và hoàn chỉnh, tôn lên sự tương phản đối lập giữa thiên nhiên và con người thông qua hình ảnh của "Cô gái Đồng lầy" Kya Clark, người đứng giữa ranh giới của thiên nhiên đầy bản năng và một xã hội chứa đầy định kiến mà người ta gọi là "văn minh". Đồng thời cũng là một bữa tiệc thịnh soạn với những khung hình đẹp mê hồn, diễn xuất bùng nổ và âm nhạc ma mị, cuốn người xem vào một phương xa nơi loài tôm cất tiếng hát.
Phim đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Loạt phim rạp dịp lễ Khán giả có nhu cầu đến rạp thưởng thức điện ảnh trong kỳ nghỉ lễ 2-9, sẽ được chọn lựa đa dạng các tác phẩm từ phim Việt đến phim ngoại. Phim "Vô diện sát nhân" với thể loại kinh dị, giật gân, cốt truyện đan xen giữa mơ - thực cùng những pha hành động hồi hộp, chính thức ra rạp từ...