Tây Ninh: Ghi nhận thêm một ca tử vong do bệnh dại
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do bệnh dại, nâng tổng số ca tử vong do bệnh dại tại tỉnh từ đầu năm đến nay lên 4 trường hợp.
Ngành chức năng điều tra dịch tễ tại nhà và khu vực sinh sống của gia đình chị T.
Trường hợp tử vong là chị T.T.T (SN 1986, khu phố Bình Nguyên 2, phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng). Theo lời khai của người nhà, vào ngày 19.5, chị T bị chó nhà cắn vào ngón tay bên phải. Hai ngày sau, người nhà đem con chó cho hàng xóm gần nhà nuôi, được thêm hai ngày thì chó uống nước vào ngộp chết. Phía hàng xóm có thông báo cho gia đình nạn nhân là con chó đã chết nhưng chị T không đi tiêm phòng vaccine, huyết thanh kháng dại sau khi bị chó cắn, lý do chị đã uống thuốc Nam.
Sáng 5.7 chị T. vẫn đi chợ bình thường, đến trưa thì có triệu chứng đau mình, khó chịu nên người nhà mua thuốc tây về uống nhưng không giảm. Đến 23 giờ cùng ngày, bệnh nhân có thêm các triệu chứng sốt, nuốt nước không được (ngộp), sợ gió, ăn vào ói nên gia đình thuê xe xuống Bệnh viện Đa khoa Củ Chi, được tư vấn chuyển đến Bệnh viện Nhiệt Đới khám và chẩn đoán mắc bệnh dại.
Đến 8 giờ ngày 7.7, tình trạng bệnh có dấu hiệu nặng, bệnh viện cho về nhà, đến 23 giờ 30 phút ngày 7.7 bệnh nhân tử vong.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tây Ninh đã phối hợp Trung tâm Y tế thị xã Trảng Bàng xác minh, điều tra thông tin ca bệnh. Cùng với đó, tổ chức tư vấn người tiếp xúc với dịch tiết của bệnh nhân tử vong do dại nguy cơ phơi nhiễm và khuyến cáo tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại; xử lý, khử khuẩn tại nhà trường hợp tử vong theo quy trình bệnh truyền nhiễm, tiến hành điều tra những trường hợp tiếp xúc, hướng dẫn những người bị phơi nhiễm đi điều trị dự phòng và triển khai hoạt động phòng chống bệnh dại.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do bệnh dại, trong đó 2 trường hợp trên địa bàn thị xã Hòa Thành, 1 trường hợp tại huyện Dương Minh Châu và 1 trường hợp tại thị xã Trảng Bàng.
Video đang HOT
Hầu hết, các trường hợp tử vong do dại là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng dại, không tiêm vaccine phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định.
Gia tăng trẻ em nhập viện, tiêm vaccine dại vì bị chó nhà cắn
Số mũi tiêm vaccine phòng dại tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong 9 tháng đầu năm 2023tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Tiêm vaccine là biện pháp bảo vệ tốt nhất phòng bệnh dại.
Thận trọng khi bị chó nhà cắn
Trong 9 tháng đầu năm 2023, tại Phòng Khám-Tư vấn tiêm chủng của Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ người bị chó mèo cắn đến tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại tăng lên đáng kể so với cùng kỳ năm 2022, với 271 trường hợp phải tiêm huyết thanh kháng dại, trong đó trên 70% trường hợp ở Hà Nội và gần 68% là trẻ dưới 15 tuổi.
Việc tiêm phòng vaccine dại được thực hiện cho 326 đối tượng với 679 liều tiêm, trẻ dưới 15 tuổi chiếm chủ yếu (khoảng 60%).
Số mũi tiêm vaccine phòng dại trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng hơn 3 lần so cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, nhiều trẻ được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng đa vết thương toàn thân do chó cắn.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, thời gian qua, cả nước đã ghi nhận 61 ca tử vong do dại, tăng 18 ca so cùng kỳ năm ngoái (khoảng 42%).
Bên cạnh đó, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao ở những tỉnh trước đây không phải là khu vực trọng điểm về bệnh dại. Đa số các trường hợp tử vong đều chưa được tiêm phòng do tâm lý chủ quan cho rằng chó nhà cắn và tại thời điểm cắn chó bình thường, không hiểu biết về bệnh dại, trẻ bị chó cắn nhưng không nói với gia đình, tâm lý e ngại với vaccine phòng dại...
Bệnh dại là bệnh do virus lây truyền từ động vật sang người, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương nhưng có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Khi đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, bệnh dại gần như gây tử vong 100%. Trong 99% trường hợp, chó nhà là nguyên nhân truyền virus dại sang người.
Tuy nhiên, bệnh dại cũng có thể ảnh hưởng đến cả động vật nuôi và động vật hoang dã. Virus dại lây lan sang người và động vật qua nước bọt, thường là qua vết cắn, vết trầy xước hoặc tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc (ví dụ như mắt, miệng hoặc vết thương hở).
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trương Trọng Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, ngay khi bị chó cắn (dù chó dại hay chưa xác định chó có mắc bệnh dại hay không) phải nhập viện ngay. Bởi nếu chẳng may bị nhiễm virus dại và không điều trị kịp thời thì sau khoảng 3-12 tuần, các triệu chứng của bệnh dại có thể xuất hiện; thậm chí dấu hiệu bệnh dại có thể bắt đầu sớm hoặc trễ hơn. Và nguy hiểm khi các triệu chứng dại xuất hiện, người mắc bệnh dại hầu như tử vong.
Chuyên gia này cho biết, bệnh dại có 2 dạng: Thể cuồng và thể liệt. Triệu chứng ở thể cuồng có thể bao gồm: Sốt cao, đau đầu, cảm giác ngứa ran, châm chích hoặc bỏng rát bất thường hoặc không giải thích được (dị cảm) tại vị trí bị cắn.
Vài ngày sau đó, khi virus tấn công đến hệ thần kinh trung ương, tình trạng viêm não và tủy sống bắt đầu tiến triển. Lúc này, người bệnh có thể xuất hiện một số biểu hiện như: Bồn chồn, lo lắng, sợ nước, sợ gió, bị ảo giác (nhìn hoặc nghe thấy mọi thứ), lú lẫn, hành vi hung hăng, co thắt cơ bắp, khó thở, nuốt khó, tiết nhiều nước bọt, sủi bọt ở miệng, tê liệt, ngưng tim ngưng thở, tử vong.
Ở nhóm người mắc bệnh dại bị liệt chỉ chiếm khoảng 20% ca bệnh. Người bệnh có dấu hiệu tê liệt cơ bắp, bắt đầu ở vị trí vết thương, cơ bắp tê liệt dần dần bị tê liệt, bắt đầu từ vết cắn hoặc vết xước. Tình trạng hôn mê từ từ phát triển, và cuối cùng là cái chết. Thể liệt của bệnh dại thường bị chẩn đoán nhầm, góp phần vào việc báo cáo chưa đầy đủ về bệnh.
Vaccine là biện pháp ngăn ngừa duy nhất
Bác sĩ Đinh Thị Vân Anh, Phó Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh dại có thể phòng ngừa được bằng vaccine: "Vaccine phòng dại không gây hại cho người tiêm. Vaccine phòng dại được sản xuất từ virus dại đã bất hoạt do đó không có khả năng gây bệnh, không ảnh hưởng đến trí nhớ và các vấn đề thần kinh khác. Mọi người đừng lo ngại, hay do dự tiêm vaccine phòng dại khi bị chó hoặc động vật cắn. Hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, xử trí kịp thời".
Để kiểm soát bệnh dại ở động vật, cần tiêm vaccine cho thú nuôi, đặc biệt cho chó, kể cả chó con.
Những người có nguy cơ, bao gồm các bác sĩ thú y, người vận chuyển thú vật, người thám hiểm hang động, công nhân xử lý virus và những người đi du lịch đến các vùng lưu hành dịch,... nên tiêm vaccine dự phòng trước khi phơi nhiễm.
Phơi nhiễm với bệnh dại là trường hợp người bị chó, mèo, động vật nghi dại cắn, liếm hoặc bị nước bọt của động vật nghi dại dính vào niêm mạc (như mắt, miệng, niêm mạc bộ phận sinh dục) hoặc các phơi nhiễm với bệnh phẩm/virus dại tại phòng thí nghiệm.
Khi bị chó hoặc động vật cắn, cào, liếm vào vết xước,..., cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy, càng sớm càng tốt trong 15 phút.
Rửa vết thương bằng xà phòng và nước hoặc bằng các chất có tác dụng diệt khuẩn như cồn iode; cồn 70 độ hoặc rượu mạnh; xà phòng, dầu gội, dầu tắm...
Khẩn trương đến các cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá vết thương, tư vấn tiêm chủng vaccine và huyết thanh theo từng trường hợp cụ thể căn cứ theo tình trạng động vật cắn, hoàn cảnh bị cắn hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh; tình trạng và số lượng vết cắn, vị trí bị cắn; tình hình bệnh dại trong vùng.
Lo ngại khi bệnh dại gia tăng Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 44 người tử vong do bệnh dại tại 23 tỉnh, thành phố. Các địa phương có số ca tử vong cao nhất là Bình Thuận: 7 ca, Đắk Lắk: 5 ca... Khi bị chó cắn cần đến ngay các trung tâm y tế để được chẩn đoán...