Tây Nguyên: Nhiều hộ vỡ mộng vì nghe lời đồn trồng “cây bạc tỷ”
Sachi, cà chua thân gỗ là những loại cây trồng mới, được đồn thổi cho thu nhập tiền tỷ, nên người dân Tây Nguyên đổ xô trồng dù chưa biết đầu ra như thế nào. Hệ quả, nhiều nơi sản phẩm làm ra không bán được, hoặc bán với giá không như kỳ vọng.
Đổ xô trồng sachi
Những năm qua, tại các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk, hồ tiêu chết hàng loạt khiến nông dân điêu đứng. Nghe đồn thổi giá hạt sachi từ 500.000 – 800.000 đồng/kg, nhiều gia đình đã đổ xô trồng. Sachi là loài cây họ thầu dầu, xuất xứ từ Nam Mỹ, được ví như “vua của các loại hạt” bởi chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe con người.
Nhiều hộ nông dân ở Gia Lai đang “quay lưng” lại với cây sachi. Ảnh: Lê Kiến
Khoảng 3 năm trước, ông Trinh ( thôn Brếp, xã Đắk Djrăng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) trồng xen khoảng 100 cây sachi vào 3 sào tiêu, cà phê bị chết, 6 tháng sau sachi cho thu hoạch. Tuy nhiên, vườn sachi của ông dù phát triển tốt nhưng quả lại rất ít, giá cũng không cao như tin đồn.
Ông Trinh cho biết: “Mới tháng đầu, thương lái từ TP Pleiku xuống tận làng mua với giá 120.000 đồng/kg nhưng sau đó… mất dạng. Không còn cách nào khác, tôi phải bán rẻ cho chủ tiệm tạp hóa trong làng với giá 70.000 đồng/kg, trong khi kỳ vọng ban đầu là 500.000 đồng/kg. Đáng lo là khi trồng xen, cây này có bộ rễ tốt nên hút hết dinh dưỡng của cà phê và tiêu. Giá thấp, quả lại ít, thu hái lắt nhắt, thu nhập không cao nên tôi dự tính sắp tới sẽ phá bỏ diện tích sachi để trồng lại cà phê”.
Ông Vốt, Trưởng thôn Brếp, xã Đắk Djrăng, cho biết, thôn có 30/142 hộ trồng sachi. Ban đầu, dân trồng vì nghe giá cao, khoảng 500.000 đồng/kg chứ chưa nghĩ sau này bán cho ai, trồng thế nào. Tuy nhiên đến khi thu hoạch, giá chỉ được 70.000 đồng/kg, quả lại ít nên dân vỡ mộng làm giàu từ sachi, nhiều hộ phá bỏ, hoặc bỏ bê không chăm sóc vườn sachi.
Tại Đắk Lắk, nhiều người dân cũng đổ xô trồng sachi vì nghe đồn thổi giá cao. Anh Phạm Trí Độ (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, vào tháng 5-2018, thấy người dân đổ xô trồng sachi và đồn thổi lợi nhuận của cây này nên anh cũng tận dụng bờ rào, số trụ tiêu chết để trồng hơn 500 cây. Đến nay, vườn sachi của anh Độ đã cho thu hoạch, dự tính được khoảng 300kg quả khô nhưng đến giờ anh vẫn chưa biết bán cho ai.
“Ở vùng này đã có hàng chục hộ trồng sachi. Tuy nhiên, hiện tại các đại lý thu mua nông sản chưa đứng ra thu mua quả nên chúng tôi đang rất lo, chưa biết sẽ bán cho ai đây. Nếu mà không ai mua thì chỉ có nước đổ bỏ, lúc ấy phải ôm đống nợ”, anh Độ phân trần.
Theo ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar, thời gian qua, người dân tự phát trồng sachi nhưng chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Hiện nay, đơn vị đã gửi văn bản xuống các xã để khuyến cáo người dân nên thận trọng, không nên trồng thuần, đồng thời phải xem xét thật kỹ đầu ra cho sản phẩm, tránh trường hợp mở rộng diện tích nhưng cuối cùng không có thị trường tiêu thụ.
Video đang HOT
Hạt sachi do người dân thôn Brếp làm thành phẩm đang chờ bán. Ảnh: HỮU PHÚC
Còn theo bà Vũ Thị Thanh Bình, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, cây sachi chưa có trong danh mục giống cây trồng sản xuất tại Việt Nam. Theo khảo sát sơ bộ, khá nhiều khu vực trên toàn tỉnh đã phát triển diện tích cây sachi như Krông Pắk, Buôn Hồ, Ea Kar… nhưng chưa thể thống kê chính xác diện tích do người dân trồng tự phát.
Cây trồng này được một số công ty ở khu vực khác đưa về giới thiệu sản phẩm tới bà con nông dân. Đã có nhiều nơi, các công ty đưa sản phẩm về bán cây giống cho bà con nông dân nhưng khi cây tới thời kỳ thu hoạch thì công ty này lại không thu mua.
Bán bò, chặt cây để trồng cà chua thân gỗ
Tại Lâm Đồng, cà chua thân gỗ một thời gian được “thổi” là cây tiền tỷ, bởi lúc cao điểm, giá quả cà chua thân gỗ lên tới gần 1 triệu đồng/kg. Nhiều hộ gia đình sẵn sàng chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng loại cây này mong sẽ thu về tiền tỷ sau vài vụ. Nhiều chuyên gia cho rằng, trái cà chua thân gỗ một thời gian được rao bán với giá gần 1 triệu đồng/kg là bởi nhiều điểm bán quảng cáo nó có công dụng tốt cho sức khỏe.
Dù ở nước ngoài, cà chua thân gỗ chỉ được bán với giá từ 2 – 4 USD/kg nhưng khi về Việt Nam, qua các thủ tục nhập khẩu và bị thổi giá, cà chua thân gỗ được bán với giá khoảng 1 triệu đồng/kg. Trước tình trạng giá cao, hút hàng, nhiều điểm quảng cáo bán hạt giống cà chua thân gỗ giá khoảng 50.000 đồng/hạt hay cây giống giá 400.000 – 500.000 đồng/cây.
Tại xã Tu Tra (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng), nhiều hộ gia đình đang khó khăn trong khâu tiêu thụ quả cà chua thân gỗ, điển hình như gia đình ông Nguyễn Bá Tôn. Hơn 1 năm trước, gia đình ông đã bán 26 con bò sữa rồi cùng chung vốn với những người khác mua 1.100 cây cà chua thân gỗ về trồng. Tuy nhiên, khi cà chua cho thu hoạch thì việc tiêu thụ trở nên khó khăn.
Cụ thể, từ tháng 6 đến tháng 10 vừa qua, nhóm của ông mới chỉ bán được khoảng 2,8 tấn quả cà chua thân gỗ cho Công ty TNHH sản xuất thực phẩm Đà Lạt với giá 150.000 đồng/kg đối với hàng loại 1 và 50.000 đồng/kg đối với hàng loại 2. Việc tiêu thụ khó khăn do nguồn thu mua chưa ổn định nên một số hộ gia đình tại xã Tu Tra đã mua tủ đá để bảo quản cà chua thân gỗ sau khi thu hoạch.
Tại xã Mê Linh (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), nhiều hộ gia đình đã phải chặt bỏ những cây cà chua thân gỗ do không bán được quả hoặc cây không ra quả do mua phải giống kém chất lượng.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, trên địa bàn, cây cà chua thân gỗ được trồng nhiều năm qua với diện tích khoảng 44,8ha. Trong đó, diện tích đã cho thu hoạch là 39,8ha với tổng sản lượng khoảng 377 tấn/năm. Ông Lại Thế Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, cho biết, hiện địa phương chưa có đề án cụ thể về việc đưa cây cà chua thân gỗ vào trồng đại trà. Những hộ dân trồng là do tự phát, không tính toán được đầu ra, thị trường nên rơi vào tình trạng khó tiêu thụ khi có sản phẩm.
“Chi cục đang phối hợp với các phòng nông nghiệp trong tỉnh thống kê diện tích, sản lượng, các loại dịch bệnh đối với loại cây này để có những tư vấn và hỗ trợ kịp thời cho người dân. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo người dân nên cân nhắc kỹ trước khi trồng một loại cây nào đó, từ việc lựa chọn cơ sở ươm giống chất lượng, cho đến phải tính toán được thị trường tiêu thụ lâu dài để tránh cung vượt quá cầu”, ông Hưng nói thêm.
Theo Nhóm Phóng viên (Sài Gòn giải phóng)
Hạt sầu riêng lên "cơn sốt", đến nỗi bới cả... thùng rác lùng hạt
Thời điểm hiện tại, giá hạt sầu riêng đã đạt mức 70.000 - 80.000 đồng/kg, tăng hơn gấp 2 lần so với năm ngoái và cao hơn nhiều so với giá quả của nó.
Bới cả... thùng rác tìm hạt sầu riêng
Nếu trước đây chỉ là phế phẩm, nhiều người ăn xong vứt đi thì nay hạt sầu riêng đang chiếm ngôi vương ở Tây Nguyên. Nếu như đầu vụ, giá hạt sầu riêng đạt mức 25.000 - 30.000 đồng/kg thì ở thời điểm hiện tại, loại hạt này đang có giá 70.000 - 80.000 đồng/kg - điều hiếm khi xảy ra.
Chị Hạnh đang bới thùng rác để tìm hạt sầu riêng.
Với mức giá này, hạt sầu riêng đang thực sự trở thành cơn sốt ở các tỉnh Tây Nguyên. Tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), những người thu lượm ve chai đang có thêm một khoản thu nhập đáng kể từ việc nhặt hạt sầu riêng.
Đang lúi húi bới thùng rác tìm hạt sầu riêng, chị Hạnh, một người đi mua ve chai nói với chúng tôi, từ đầu vụ sầu riêng đến giờ chị đã kiếm được vài triệu đồng từ hạt sầu riêng.
Ngoài việc bới các thùng rác dọc các tuyến phố để nhặt hạt sầu riêng, chị Hạnh còn được nhiều người dân cho hoặc bán lại với giá rẻ. Thấy thùng rác nào có vỏ sầu riêng thì mình bới ra tìm hạt, thường thì chỉ nhặt được vài hạt nhưng có lúc cũng trúng đậm. Nói chung mỗi ngày cũng kiếm thêm được hơn trăm ngàn- chị Hạnh nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ chị Hạnh mà nhiều người thu mua ve chai khác cũng đang truy lùng hạt sầu riêng để bán kiếm lời. Tùy theo loại hạt lớn nhỏ mà họ mua với giá từ 35.000 - 45.000 đồng/kg rồi bán lại cho các đại lý lớn để kiếm lời.
Việc gom nhặt hạt sầu riêng đã đem lại thu nhập đáng kể cho những người thu mua ve chai.
Hiện, các đại lý lớn thu mua hạt sầu riêng ở mức 50.000-70.000 đồng/kg và bán lại với cho các nhà vườn ở miền Tây Nam Bộ với giá từ 60.000-80.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Hoa, một chủ cơ sở thu gom hạt sầu riêng ở xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột cho biết, việc buôn bán hạt sầu riêng đang đem lại cho bà một khoản thu rất khá.
Năm nay, giá sầu riêng trái chỉ ở mức từ 35.000-45.000 đồng/kg trong khi đó giá hạt sầu riêng lại lên đến 80.000 đồng/kg. Chính vì vậy, ngay từ đầu vụ tôi đã chủ động thu mua thêm hạt sầu riêng để kiếm lời- bà Hoa nói.
Lo ngại ảnh hưởng chất lượng cây giống sầu riêng
Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, cơn sốt hạt sầu riêng tại các tỉnh Tây Nguyên là có thật. Điều này là hợp lý, do người dân đang hướng đến việc trồng các giống sầu riêng chất lượng cao và các giống này thường có hạt lép. Do đó, nguồn hạt giống sầu riêng địa phương (hạt to, khỏe) để làm thân ghép ngày càng khan hiếm, góp phần đẩy giá hạt sầu riêng tăng cao chưa từng có.
Để có hạt giống chất lượng, một số cơ sở đã mua sầu riêng về bán rẻ lại cho người ăn tại chỗ để lấy hạt.
Vì vậy các vườn ươm giống đã truy tìm hạt sầu riêng có chất lượng để ươm lấy mầm rồi ghép với các giống khác để bán. Chính vì thế mà giá hạt sầu riêng mới tăng lên đỉnh như vậy.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do lo ngại việc mua phải hạt sầu riêng đã qua thời gian đông lạnh, sinh trưởng kém, một số nhà vườn tại Đắk Lắk đã mua sầu riêng về bán lại cho khách ăn tại chỗ để lấy hạt.
Chị Trần Thị Tuyết, chủ một vườn ươm cây giống ở xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột cho biết, do nhu cầu trồng sầu riêng tăng cao nên hiện cơ sở không đủ giống để cung cấp. Vì thế năm nay, chị đã mua sầu riêng về bán lại cho khách ăn tại chỗ với giá chỉ 9.000 đồng/kg để lấy hạt ươm giống.
Nếu không kiểm tra kỹ thì rất dễ mua phải các lô hàng bị phối trộn hạt đông lạnh, tỷ lệ nảy mầm thấp, cây con èo uột. Do đó, tôi đã mua sầu riêng từ các vườn về bán lại cho người dân ăn tại chỗ để lấy hạt - chị Tuyết cho biết.
Dự báo, năm nay giá cây giống sầu riêng sẽ tăng mạnh so với những năm trước, hiện tại cây giống thực sinh 1 năm tuổi có giá trên dưới 30.000 đồng/cây (tăng khoảng 10.000 đồng/cây so với cùng kỳ năm ngoái), sầu riêng ghép 2 năm tuổi giống Ri6 trên dưới 100.000 đồng/cây, tăng 20.000 đồng/cây; giống DONA trên dưới 120.000 đồng/cây (tăng 30.000 đồng/cây), tùy vào chiều cao, bộ lá của cây- chị Tuyết chia sẻ.
Theo dự báo, giá cây giống sầu riêng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Ảnh: D.H
Trong khi đó, một lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Nông lại lo ngại, việc giá hạt sầu riêng tăng cao có thể sẽ khiến nhiều nhà vườn hám lợi mà thu hoạch cả quả xanh để lấy hạt bán. Việc này sẽ khiến sản lượng sầu riêng trong năm sau bị ảnh hưởng và dễ phát sinh dịch bệnh. Ngoài ra, nếu người dân hám lợi mà ồ ạt mở rộng diện tích trồng sầu riêng cũng dễ dẫn đến tình trạng rớt giá do nguồn cung tăng cao.
Theo Danviet
Ngậm "trái đắng" vì cà chua thân gỗ MagicS, lỗi tại ai? Là loại quả lạ từng được "thổi" giá lên đến cả triệu đồng/kg, khiến nông dân thấy ham rủ nhau trồng hàng chục hecta cây MagicS (cà chua thân gỗ), thế nhưng chỉ sau 1 năm xuống giống, nhiều nông dân ở Lâm Đồng chua chát nhận lại những cái lắc đầu từ các đơn vị tiêu thụ sản phẩm. "Năn nỉ" người...