Tàu sân bay Trung Quốc sẽ ‘ở lâu dài’ tại biển Đông
Tàu sân bay Liêu Ninh sẽ neo đậu trong một thời gian dài tại căn cứ hải quân ở thành phố Tam Á (Hải Nam, Trung Quốc), nơi được sánh là lối vào Trung Quốc của các nguồn năng lượng và khoáng sản biển, và điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các chiến dịch hải quân của Bắc Kinh trong tương lai, các chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc – Ảnh: Reuters
“Việc tàu Liêu Ninh neo đậu và thực hiện các đợt tập huấn tại căn cứ có một tác động rất lớn đối với kế hoạch dài hạn phát triển tàu sân bay của Trung Quốc”, tờ South China Morning Post (Trung Quốc) dẫn lời chuyên gia hải quân Li Jie của Trung Quốc nhận định.
“Chuyến đi đến Tam Á cho thấy Liêu Ninh đã có được ngôi nhà thứ hai tại vùng cực nam Trung Quốc”, chuyên gia này nói thêm.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun giữa tuần này thông báo tàu sân bay Liêu Ninh sẽ cập bến cảng Tam Á và sẽ tham gia các đợt tập huấn ở biển Đông trong “một thời gian dài”.
Video đang HOT
Giáo sư Ni Lexiong, một nhà nghiên cứu về hải quân tại Trường đại học Khoa học và Luật pháp Chính trị Thượng Hải, cho rằng biển Đông có tầm quan trọng về chiến lược và quân sự đối với quân đội Trung Quốc.
“Tam Á là cửa ngõ chính để các nguồn tài nguyên năng lượng đi vào Trung Quốc bằng đường biển”, ông Ni cho biết.
Tàu vận tải và tàu chở dầu đến từ Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và từ eo biển Malacca đều phải đi qua biển Đông, chuyên gia hải quân Trung Quốc cho hay.
Một nguồn tin từ quân đội Trung Quốc tiết lộ với South China Morning Post rằng Bắc Kinh đang có kế hoạch đóng 4 tàu sân bay tầm trung vào năm 2020.
Liêu Ninh, tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc, đã rời cảng Thanh Đảo vào đầu tuần để đi vào biển Đông. Tàu này được hộ tống bởi 2 khu trục hạm và 2 tàu hộ vệ. Đây cũng là lần đầu tiên tàu Liêu Ninh tập luyện trên biển Đông, theo Tân Hoa xã.
Chuyên gia Li Jie cho biết các tàu này đã tạo nên một phần của đội hình chiến đấu trên biển của hải quân Trung Quốc và sẽ có thêm nhiều tàu chiến tham gia vào đội tàu trong tương lai.
Tuy nhiên cũng có nhiều chuyên gia cảnh báo động thái của Trung Quốc sẽ gây căng thẳng cho khu vực.
“Trung Quốc đã gây căng thẳng và vi phạm Tuyên bố của các bên về ứng xử ở biển Đông (DOC) khi điều động tàu sân bay ra biển Đông”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết.
Theo TNO
Trung Quốc định đưa thủy phi cơ tới 'TP.Tam Sa'
Công ty hàng không Meiya Air của Trung Quốc vừa tiết lộ kế hoạch dùng thủy phi cơ để đưa du khách đến cái gọi là "TP.Tam Sa".
Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển phi pháp ở đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam - Ảnh: AFP
Trung Quốc lập ra " TP.Tam Sa" phi pháp hồi tháng 7/2012 nhằm tự cho mình có quyền quản lý cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Báo China Daily hôm nay 22/7 dẫn lời Tổng quản lý Mo Qun của Meiya Air ngang nhiên công bố: " Meiya Air đang lên kế hoạch mở đường bay tốc hành từ thành phố Tam Á (thuộc tỉnh Hải Nam - PV) tới Tam Sa. Sau đó, các chuyến bay giữa các đảo thuộc Tam Sa sẽ là mục tiêu kế tiếp của chúng tôi".
Ông Mo nói rằng thủy phi cơ sẽ thu hút du khách tới cái gọi là "TP.Tam Sa" vì nó chỉ mất khoảng 70 phút, trong khi đi tàu lại mất 10 tiếng đồng hồ.
Ông Mo còn tự cho rằng thủy phi cơ có ưu thế khi hoạt động vì loại máy bay này không cần đường băng để cất/hạ cánh và có thể bay khoảng 1.500 km mà không cần tiếp nhiên liệu. Khoảng cách từ Tam Á đến cái gọi là "TP.Tam Sa" khoảng 340 km, theo China Daily.
Ngoài ra, Mi Jianxin - nhân viên quản lý dự án của Meiya Air cũng ngang nhiên tuyên bố hãng hàng không này sẽ mở chi nhánh ở cái gọi là "TP.Tam Sa" để đón bắt cơ hội kinh doanh tại đây trong tương lai.
Động thái trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc hoàn tất giai đoạn một của dự án phát triển cảng ở đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, với chín cầu tàu đã được xây xong, theo China Daily. Hành động này của Trung Quốc rõ ràng vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.
China Daily còn ngang nhiên đưa tin một tàu tiếp tế mới mang tên Tam Sa số 1 sẽ được hoàn tất vào đầu năm 2014 để hỗ trợ vận chuyển nguyên vật liệu cần thiết giữa các đảo.
Theo xahoi