Tàu ngầm ông Trân và con số cảm tử trong chiến thuật “50 đánh 1″
“Với chiếc khu trục hạm giá trị rất cao thì mình thiệt hại 6 người cũng như 2 tàu ngầm là con số chấp nhận được, không phải con số cảm tử” – ông Trân nói về “chiến thuật bầy sói”.
LTS: Sau khi đăng tải loạt bài phỏng vấn kỹ sư Phan Bội Trân về dự án chế tạo tàu ngầm mini Yết Kiêu, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi, đóng góp rất tâm huyết của độc giả.
Tiêu biểu là bức thư gửi đến tòa soạn của 2 độc giả Nguyễn Việt Dũng – Đại úy QĐND Việt Nam và độc giả Lê Hoàng ở Hà Nội
Để giải đáp băn khoăn của các độc giả, chúng tôi đã liên hệ lại và chuyển những câu hỏi của bạn đọc tới ông Phan Bội Trân.
Dưới đây là những chia sẻ của “cha đẻ” tàu ngầm Yết Kiêu với chúng tôi.
Với chiếc khu trục hạm giá trị rất cao thì mình thiệt hại 6 người cũng như 2 tàu ngầm là con số chấp nhận được, không phải con số cảm tử
Độc giả: Ông có thể mô tả cụ thể hơn về loại ngư lôi mà ông cho rằng “chạy nhanh hơn ngư lôi đối thủ và có thể bắn gãy đôi tàu chiến kẻ thù”?
Ông Phan Bội Trân: Khi ngư lôi hoạt động thì có hiện tượng giảm áp mặt trước cánh quạt, dẫn đến việc giảm tốc độ của ngư lôi, khiến nó chỉ có thể đạt đến một tốc độ nào đó.
Đó là hiện tượng vật lý chứ không phải hiện tượng lạ nào khác. Những người sản xuất tàu biết rất rõ hiện tượng này.
Nếu xem truyền hình, bạn sẽ thấy khi tàu sân bay hoặc tàu khu trục hoạt động, đằng sau chúng có vết bọt. Đó chính là sản phẩm từ hiện tượng giảm áp mặt trước cánh quạt hoặc chân vịt.
Tuy nhiên, tôi đã xử lý được hiện tượng này. Bằng cách nào thì đó là bí mật.
Khi giải quyết được hiện tượng này, nếu động cơ đủ mạnh, tốc độ của ngư lôi có thể tăng gấp nhiều lần.
Cận cảnh tàu ngầm Yết Kiêu 1 của ông Phan Bội Trân
Độc giả: Tôi thấy ông đề cập rất nhiều tới phương thức tấn công của tàu ngầm Yết Kiêu, chưa thấy đề cập nhiều tới phương thức phòng thủ, ngoài khả năng “tàng hình”.
Trong khi đó, khả năng tàng hình này không thể đủ để bảo vệ con tàu, nhất là khi tàu đối phương thường hoạt động theo hạm đội, có nhiều tàu hộ tống, máy bay chống ngầm bảo vệ.
Vậy ông đã có phương án nào chưa?
Ông Phan Bội Trân: Việc phòng thủ có nhiều kỹ thuật mới. Lúc làm tôi có nghĩ ra và hiện nay các nhà thiết kế tàu ngầm của Pháp cũng đã nghĩ ra.
Tàu ngầm từ trước đến giờ chuyên về đánh du kích và sau đó lẩn trốn. Khái niệm “lẩn trốn” có từ năm 1945, chiếc tàu ngầm ngày đó quá yếu về mặt phòng thủ nên nó tìm cách lẩn trốn.
Nó lẩn trốn bằng cách lặn sâu xuống phía dưới. Còn cách đánh của tôi thì tàu ngầm không lẩn trốn.
Những chiếc SMX26 mà Pháp đang thiết kế cũng theo hướng “không lẩn trốn”. Từ vị trí lặn của kính tiềm vọng, các nhà thiết kế đưa một ống phóng có sẵn tên lửa lên.
Đối thủ của tàu ngầm là các loại máy bay săn ngầm hoặc khu trục hạm. Đối với khu trục hạm, tàu ngầm đã có sẵn vũ khí để tấn công. Còn đối với máy bay săn ngầm, phía Pháp đề xuất đưa tên lửa lên nghênh chiến.
Tôi không đề xuất theo hướng đó vì tàu ngầm do mình sản xuất nhỏ quá nên không bắn tên lửa lên được.
Khi gặp đối thủ, nó sẽ nổi hẳn lên để nghênh chiến. Tuy nhiên, bên mình không có “chữ ký hồng ngoại”, còn các đối thủ thì có.
“Chữ ký hồng ngoại” ở đây được hiểu là độ lộ diện hơi nóng động cơ tua bin phát ra.
Nếu họ muốn bắn tên lửa thì mình đã nổi lên mặt nước, mình vẫn tàng hình với radar trong khi họ thì không.
Với vũ khí của 50 chiếc tàu ngầm bao quanh, chiếc khu trục hạm sẽ bị hạ gục. Nếu đối thủ đưa trực thăng lên, chiếc trực thăng đó chỉ làm mồi cho các tàu ngầm của mình.
“Chiến thuật bầy sói” từng được tàu ngầm U-boat của Đức sử dụng. Trong ảnh là bức tranh của họa sĩ John Alan Hamilton tái hiện lại cuộc tấn công của tàu ngầm U-boat vào tàu Anh năm 1941
Độc giả: “Chiến thuật bầy sói” từng được tàu ngầm Đức sử dụng và chúng phải tiếp cận tương đối gần với các mục tiêu, điều này khá mạo hiểm và khiến tàu ngầm dễ bị đối phương phát hiện, tiêu diệt.
Ông từng nói để tấn công 1 chiếc tàu khu trục thì cần khoảng 50 chiếc tàu ngầm.
Có nhiều người khi nghe đến chiến thuật này của ông đã nghĩ đến những chiếc tàu ngầm cảm tử. Họ cho rằng như thế đồng nghĩa với việc có thể phải tổn thất nhiều nhân mạng.
Ông có suy nghĩ như thế nào về quan điểm này?
Video đang HOT
Ông Phan Bội Trân: “Cảm tử” là khái niệm mà một số độc giả đưa ra thôi hoặc họ luôn nghĩ đến việc mình là phía yếu phải liều mạng.
Thực tế, tôi không nói câu đó, cách đánh của tôi là cách đánh khác. Tức là nếu thắng thì phải thu thương vong của mình về bằng không.
Đây là cách đánh của quân Mông Cổ trước đây.
Nước Mông Cổ trước đây dân không đông, quân không đông. Nếu họ đi từ bờ Tây Thái Bình Dương sang bờ Đông của Đại Tây Dương mà chỉ cần tiêu hao 5% trong một trận đánh thì khi sang đến bờ Đông Đại Tây Dương sẽ chẳng còn người nào cả.
Thế nên, họ đã có cách đánh để thu thương vong về bằng không. Cách đánh của tôi cũng như vậy.
Thứ hai, khi hạm đội của mình nổi lên, mình sẽ mạnh hơn quân địch nên không cần phải đánh cảm tử (không phải là mình ôm bộc phá rồi lao về phía họ). Chỉ cần ở khoảng cách sao cho đầu đạn khi khai hỏa không ảnh hưởng tới mình là mình có thể khai hỏa.
Còn chiến đấu theo kiểu cảm tử là sẽ lao về phía họ.
Những chiếc tàu ngầm của chúng ta che chắn lẫn nhau trong khi đối thủ không được che chắn thì không có lý do gì mình phải cảm tử.
Tuy nhiên, đánh nhau trên biển cũng có thể có rủi ro. Trong trường hợp quân địch tung mìn ra xung quanh mà không may trúng mình, khi đó cần phải tính đến yếu tố số lượng.
Đối với chiếc khu trục hạm có đến mấy trăm người và có giá trị rất cao thì việc mình thiệt hại 6 người cũng như 2 chiếc tàu ngầm là con số chấp nhận được chứ không phải là con số cảm tử.
Độc giả: Theo Đại tá Bùi Sỹ Tạo, nguyên Trưởng phòng Vỏ tàu thuộc Viện Kỹ thuật Hải quân, nếu như nhiều tàu ngầm cùng bao vây một chiếc tàu khu trục và có thể cùng tấn công thì sẽ rối đội hình.
Chưa biết chừng, mục tiêu của ngư lôi từ tàu ngầm lại không phải là tàu khu trục mà lại là tàu ngầm đồng đội, do tàu ngầm khi hoạt động sẽ phát ra tiếng ồn (tiếng ồn nào gần nhất thì ngư lôi lao vào)…
Ông có lo ngại vấn đề đó?
Ông Phan Bội Trân: Việc rối đội hình là có thể có nhưng vì mình ở dưới nước, dùng thuỷ âm nên không bị phát hiện, quân địch không làm nhiễu sóng mình được.
Còn về việc ngư lôi từ tàu ngầm bắn lẫn nhau là điều không xảy ra được vì cũng như khi tấn công một mục tiêu trên bộ, mình tiến lên theo lớp trước lớp sau.
Ở dưới nước, mình tiến lên theo hàng ngang, không có chuyện ngư lôi của mình bắn vào đồng đội được.
Độc giả: Chiến thuật bầy sói thường sử dụng cho các xuồng mặt nước nhiều hơn. Ông suy nghĩ thế nào về quan điểm này?
Ông Phan Bội Trân: Chiến thuật bầy sói là chiến thuật lấy đông tấn công ít và lấy yếu tấn công mạnh. Con sói luôn yếu hơn một con hổ nhưng nếu lấy số đông để tấn công số ít thì nó vẫn thắng.
Đó là khái niệm tổng quát chứ không chỉ áp dụng riêng cho một trường hợp phương tiện nào.
Ngay cả trên bộ, chiến thuật Biển người cũng có thể gọi là chiến thuật bầy sói được. Vì thế, chiến thuật này cũng có thể được áp dụng cho những trận chiến trên không.
Tôi nghĩ rằng khi đặt ra vấn đề này, độc giả cũng nghĩ đến cách đánh của Iran. Song Iran không phải là những người nghĩ ra chiến thuật bầy sói mà chỉ là người áp dụng chiến thuật này thôi. Vì thế, họ không có độc quyền về chiến thuật đó.
Độc giả: Tôi được biết ông đang có kế hoạch chế tạo tàu ngầm Yết Kiêu 2. Xin ông cho biết con tàu này sẽ có những cải tiến nào so với tàu ngầm Yết Kiêu 1?
Ông Phan Bội Trân: Về những cải tiến, Yết Kiêu 2 có nhiều trang thiết bị hơn, có kích thước lớn hơn.
Bên trong buồng lái thoải mái hơn nhờ có điều hoà, có những thiết bị phục vụ các thủy thủ trong điều kiện lặn nhiều ngày. Động cơ của chiếc Yết Kiêu 2 cũng mạnh hơn Yết Kiêu 1.
Về vũ khí, con tàu có thể mang những vũ khí do chính Việt Nam sản xuất chứ không phải mua vũ khí từ nước ngoài. Đó là những loại vũ khí phù hợp với cả điều kiện và cách đánh.
Chúng ta thường thấy tàu ngầm mang theo ngư lôi 533 li nhưng mình không dùng loại ngư lôi đó mà sử dụng loại do chính mình sản xuất, loại đặc thù dành cho chính chiếc Yết Kiêu 2.
Nó mang những ưu điểm đột phá hơn so với những loại ngư lôi trước đấy.
Độc giả: Nếu chiếc Yết Kiêu 2 có kích thước lớn hơn và chở được 3 – 4 người thì ông có thể mô tả vị trí và vai trò của từng thành viên kíp tàu ngầm?
Ông Phan Bội Trân: Khi có 3 người thì 3 người sẽ thay nhau trực khoảng thời gian 24h, mỗi người 8 giờ. Còn khi tác chiến, cả 3 người cùng tác chiến. Khi đó, một người lái, một người ngắm và một người khai hỏa.
Trên tàu cũng có những thiết bị hiện đại để 3 người này có thể phối hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn.
Theo ông Trân, việc một chiếc tàu ngầm nhỏ mang ngư lôi lớn dường như là một nghịch lý. Tuy nhiên, thực tế đã có chuyện này và nghịch lý đã xảy ra.
Độc giả: Chuyên gia quân sự Úc Carl Thayer cho rằng tàu ngầm Yết Kiêu 1 có kích thước quá nhỏ để có thể mang theo ngư lôi hạng nặng đủ khả năng làm tổn hại tàu mặt nước của đối phương.
Vậy ông có ý định trang bị một loại vũ khí khác cho con tàu mới không?
Ông Phan Bội Trân: Ông ấy nói đúng. Thông thường, việc một chiếc tàu ngầm nhỏ mang ngư lôi lớn dường như là một nghịch lý. Tuy nhiên, thực tế đã có chuyện này và nghịch lý đã xảy ra.
Cây cung hai vòng cung và cách đánh của dân tộc thiểu số Mông Cổ đã hạ tất cả các vũ khí và binh thư của nhà Tống cách đây 7 thế kỷ cũng là một nghịch lý.
Nếu bạn xem cây cung thi đấu ở Thế vận hội từ thế kỷ 20, bạn sẽ khâm phục dân tộc Mông Cổ vì họ đã phát minh ra cây cung đó từ năm 1200.
Cây cung này bắn xa hơn tất cả các cây cung cùng thời đại và cho phép các xạ thủ Mông Cổ ở ngoài tầm sát thương của tât cả các đối thủ.
Tuy nhiên, cây cung đó đã bị cây cọc Bạch Đằng bẻ gãy khi thủy binh của ta đánh sập đường vận chuyển lương thực của quân Nguyên – Mông.
Dù khả năng sản xuất vũ khí còn yếu kém nhưng dân tộc Việt Nam đã đẩy lùi được những kẻ xâm lược rất mạnh, đó cũng là một nghịch lý. Nhưng nghịch lý này đã được lịch sử ghi nhận chứ không phải chuyện hoang đường.
Chỉ có một chân lý: Một dân tộc, nếu có trí tuệ siêu đẳng, có thể sáng tạo ra một kỹ thuật quân sự đi trước thời gian và trở nên bách chiến bách thắng, còn dân số và sức mạnh kinh tế chỉ là 2 thông số phụ.
Tần Thuỷ Hoàng, La Mã, Alexander Đại đế, Thành Cát Tư Hãn và Việt Nam đã làm được những nghịch lý đó.
Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Theo Đại Lộ
Trở về từ lòng biển
Từ phía xa, sống lưng con tàu đen trũi xuất hiện giữa mênh mông màu xanh tuyệt đẹp của quân cảng Cam Ranh, trời biển quyện một màu phóng khoáng. Tàu tiến dần về phía cầu cảng, nơi lữ đoàn trưởng lữ đoàn 189 cùng một số cán bộ sĩ quan đứng thành hàng ngũ ngay ngắn đang chờ đợi. Trên đài chỉ huy cao vọi, hai bên cánh, dọc theo thân tàu, một hàng thủy thủ đứng hướng về bờ. Thân tàu ghi dòng chữ: 182 - Hà Nội.
Trên quân cảng Cam Ranh - Ảnh: Nguyễn Văn Thương
Tiếng khẩu lệnh đanh gọn, tác phong nhanh nhẹn, cẩn trọng của các thủy thủ khi khéo léo ném dây mồi, kéo dây neo tàu, vẻ nghiêm trang của những người trên bờ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc phấp phới trong gió sớm - tất cả khiến chúng tôi cảm động.
Tôi nhớ câu nói của lữ đoàn trưởng Trần Thanh Nghiêm trong câu chuyện trước đó với đoàn rằng với lính tàu ngầm, không được quyền sai sót, không có quyền... rút kinh nghiệm của chính mình vì có thể phải trả giá bằng cả mạng sống.
Kíp tàu tập trung gọn gàng trên bờ, gương mặt ai cũng rắn rỏi, mắt lấp lánh vui tươi. Khi họ báo cáo chuyến đi làm nhiệm vụ đã hoàn thành tốt đẹp, tôi thấy cay sống mũi. Nếu không có dịp may đến lữ đoàn, có lẽ tôi sẽ không biết đến cảm xúc này. Như thể mình trở thành một người thân của họ, những người lính, vừa vui sướng vừa tự hào được đón họ trở về.
Ở nơi ngập tràn hồn biển Tổ quốc, những bé nhỏ thân thương và cao cả lớn lao bỗng hòa làm một. Bỗng nhớ bộ phim về lính tàu ngầm của Nga mà anh em tàu 184 Hải Phòng gửi cho chúng tôi xem, có câu hát da diết:
"Dù ở nơi đâu, bất chấp bão dông
Ly rượu này xin cùng tôi uống cạn
Chúc cho số lần lặn vào lòng biển thẳm
Bằng số lần nổi lên mặt nước hân hoan".
Hân hoan đón người trở về, người trên bờ thực hiện một thủ tục truyền thống là tặng kíp tàu một con heo sữa quay cùng lời chúc mừng nồng nhiệt. Người Nga khi giao tàu ngầm cho chúng ta cũng chuyển giao cả những thủ tục độc đáo như thế, được chấp hành nghiêm túc. Heo sữa quay thể hiện tình cảm trân trọng của người chờ đợi, đồng thời tượng trưng cho sự chào đón chiến công mà các thủy thủ đã thực hiện nơi lòng biển sâu.
QUYẾT TÂM, TỐC ĐỘ MÀ CHÍNH XÁC, BỀN BỈ
Rèn luyện thể chất - Ảnh: Nguyễn Văn Thương
Không phải bắt đầu từ ngày 20-6-2011, ngày thành lập lữ đoàn tàu ngầm 189 thuộc Quân chủng hải quân, chúng ta mới bắt đầu chuẩn bị đào tạo cán bộ, thủy thủ tàu ngầm. Ngày 15-10-2010, kíp tàu ngầm số 01 đi Nga, đến ngày 9-1-2011 khai giảng khóa đào tạo học viên tàu ngầm Kilo 636 cho các học viên thuộc kíp chỉ huy cơ quan và nghiệp vụ.
Nhưng về mặt con người thì họ đã sẵn sàng cho công việc khó khăn này từ lâu hơn nữa. 30 năm trước đã có trung đoàn đặc công tàu ngầm 196 với nguồn lực được đào tạo tương đối bài bản, cung cấp cho lữ đoàn mới nhiều nhân lực giỏi. Những người được lựa chọn về đây từ các đơn vị khác nhau trong quân chủng đều là những cán bộ sĩ quan tiêu biểu về sức khỏe thể chất và tinh thần, giỏi kỹ thuật và khả năng chịu đựng áp lực cao, qua rất nhiều vòng tuyển loại khó khăn.
Rèn luyện thể chất - Ảnh: Nguyễn Văn Thương
Khi hỏi thi tuyển qua bao nhiêu vòng, họ cười: "Ba, bốn vòng ở đơn vị cũ; năm, bảy vòng ở lữ đoàn". Thử thách có nhiều, trong đó họ nhớ nhất là "trò" quay tít hơn 100 vòng, dừng lại phải nhanh chóng lấy được thăng bằng và thử thách trong buồng khí nén với áp suất tương đương áp suất dưới độ sâu 50-70m nước. Thử thách đầu tiên nhanh chóng trở thành các bài tập rèn luyện thể lực thường xuyên của đơn vị. Bây giờ họ chỉ mỉm cười khi thấy những người "bình thường" chúng tôi lè lưỡi thán phục trước sức chịu đựng phi thường của họ.
Trong doanh trại có đầy đủ công cụ tập luyện hiện đại ngoài trời, đường chạy, bể bơi, phòng tập đấm bốc, tập võ, sân bóng đá, sân bóng chuyền, thậm chí cả phòng tập đa năng ở mỗi khu nhà. Sớm và chiều, dường như không người nào không tập luyện gì đó.
Rèn luyện thể chất - Ảnh tư liệu
Việc rèn luyện thể chất của người lính không làm tôi ngạc nhiên bằng sức học của họ. Đến thăm Trung tâm huấn luyện tàu ngầm, chúng tôi hoa hết cả mắt trước những khu mô phỏng chi tiết, hàng ngàn van ống xoắn xuýt, bảng biểu được chú thích bằng tiếng Nga. Một sĩ quan đang hướng dẫn phần thực hành ở khu "cứu hộ lặn nhẹ thoát hiểm". Giọng anh nhỏ nhẹ kỳ lạ nhưng rõ ràng đâu ra đấy. Tôi hỏi: "Tất cả đều phải biết tiếng Nga sao?". Anh cười cười, gật đầu: "Không biết cũng phải biết!".
Cho đến khi về gặp gỡ, giao lưu với kíp 7 là kíp được đào tạo tại Ấn Độ, tôi mới tin cái gật đầu ấy. Buổi tối thứ sáu, anh em kíp 7 không xem phim, không ca hát. Từ kíp trưởng là thiếu tá Đào Văn Thảo, theo anh tự nhận là "già nhất" sinh năm 1975, cho đến người trẻ nhất sinh năm 1991, miệt mài với cuốn sách giáo khoa tiếng Nga.
Là người được đào tạo ở Nga, tôi xin phép học cùng họ, chia sẻ chút kinh nghiệm hệ thống ngữ pháp và cách ghi nhớ cấp tốc của mình. Qua thao tác test nho nhỏ, tôi đã thấy ngay khả năng tập trung và quyết tâm của những người lính. Mới học vài tháng, được hướng dẫn đôi chút, tự học là nhiều, thế mà rất nhiều người trong số họ tỏ ra khá vững ngữ pháp, bắt đầu tích lũy vốn từ, tiếp cận tài liệu toàn các thuật ngữ kỹ thuật tàu ngầm.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà những chuyên gia Nga đang hướng dẫn kỹ thuật trên bờ mà chúng tôi được gặp chớp nhoáng giữa giờ cứ tấm tắc khen lính ta thông minh và chịu khó, cái gì không biết thì quyết biết bằng được. Cũng chính vì thế mà tàu 182 và 183 mới đón nhận hơn một năm nay, các cán bộ, thủy thủ ta đã hoàn toàn làm chủ được tàu, đi xa dài ngày không cần chuyên gia đi kèm.
Anh em tàu 184 Hải Phòng thì sau hai năm rèn luyện tại Nga đã làm việc tương đối thoải mái với vốn tiếng Nga đáng kính nể. Ngoài việc học chuyên môn trên lớp, họ còn có thời gian tự học tiếng từ 19g30-23g hằng ngày mà sáng vẫn 6g dậy chạy bộ hết 3km.
Nhiều buổi sinh hoạt giao ban, các anh kiên quyết chỉ sử dụng tiếng Nga. Ban đầu chật vật, sau quen dần. Có anh còn thực hành bằng cách hằng ngày sau giờ học thường tìm đến trò chuyện với một bà cụ về hưu ngày ngày ngồi sưởi nắng trong công viên. Kết quả là trên 50% anh em đạt toàn điểm 5 - mồ hôi mặn đắng đã đổi được một con số ngọt ngào!
Trong đời dạy học của mình, tôi chưa từng thấy hạnh phúc đến thế với chỉ ít phút được làm "cô giáo" ở đây, giữa những người lính. Trong một trò chơi nhỏ, tôi đề nghị anh em kíp 7 viết ra một từ bất kỳ xuất hiện trong đầu họ, một từ đầu tiên mà họ nhớ nhất và yêu quý nhất. Và tất nhiên rồi, lẽ ra tôi phải đoán được, cái từ được viết ra nhiều nhất trên những tấm bìa với nét chữ còn vụng bằng tiếng Nga là từ: "Tàu ngầm"!
SỢ TAN NÁT MÙA XUÂN...
Ở trong lòng lữ đoàn 189 ít ngày, chúng tôi trải qua hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Những câu hỏi có lẽ khá kỳ quặc luôn được đặt ra. Đầu tiên là vì sao các sĩ quan có thể giữ những chiếc áo quân phục trắng đến thế, nếp là phẳng phiu đến thế - bất kỳ bà nội trợ nào cũng phải băn khoăn. Sau đó là một băn khoăn khác như vì sao răng họ trắng thế?
Điều tôi vẫn ngạc nhiên cho đến tận bây giờ là vì sao trong xa xôi gian khổ, trong áp lực học tập, rèn luyện và thiếu thốn tình cảm gia đình, những người lính vẫn đầy lãng mạn.
Anh Đậu Văn Hoàng, thuyền trưởng tàu 184, đùa đùa bảo chúng tôi rằng vì... không có trà mà uống, uống nước lọc răng đẹp. Nhưng sau đó anh kể điều kiện đầu tiên của lính tàu ngầm là răng khỏe, không bị sâu. Dưới tàu, nơi thiếu dưỡng khí nhiều ngày, toàn bộ kíp tàu phải thở bằng hỗn hợp khí, nồng độ oxy rất thấp (khoảng 29% hoặc thấp hơn). Hỗn hợp khí thở ra luôn được tái tạo để sử dụng, nếu sâu răng thì... hỏng hết! Nói rồi anh cười rất tươi, khoe hàm răng cực trắng và cực đều của mình.
Điều tôi vẫn ngạc nhiên cho đến tận bây giờ là vì sao trong xa xôi gian khổ, trong áp lực học tập, rèn luyện và thiếu thốn tình cảm gia đình, những người lính vẫn đầy lãng mạn. Ngay từ lời giới thiệu về tàu ngầm, lữ đoàn trưởng Trần Thanh Nghiêm đã khoe: "Tàu ngầm đẹp lắm... Cá heo rất thích... Khi chúng tôi thử nghiệm tàu trên biển Baltic, bắt gặp cả đàn lớn cá heo tới 60, 70 con vờn giỡn, nhảy santo xung quanh".
Thật nhiều câu chuyện lãng mạn tôi được nghe ở đây. Trong đó có chuyện "cưới vợ qua Skype" của trung úy Vũ Văn Dũng, kíp 7. Cho đến giờ, anh em vẫn trêu Dũng là may có được "vợ nhặt". Đã định ngày cưới nhưng do tình huống bất ngờ không về được đúng hẹn, hai bên gia đình vẫn quyết tâm cho cưới. Với người lính, bất ngờ là chuyện đã quen. Cô dâu của anh, sau những phút tủi thân dễ hiểu, đã bắt đầu trở thành người vợ lính thật sự khi cô vui vẻ chấp nhận hoàn cảnh, đồng ý cho... đón dâu qua Skype!
Đó là một đám cưới hi hữu: cô dâu đứng bên... máy tính làm lễ với hai họ, chú rể ở tận Ấn Độ mặc comple, trịnh trọng và hồi hộp đứng... nhìn màn hình. Đầu năm 2015, đơn vị tổ chức cưới lại cho họ ở đơn vị rất vui và đầm ấm.
Buổi sáng thứ bảy ở doanh trại, tôi thấy anh em chăm chút cho nơi ở của mình bằng những hình đắp nổi trang trí, bằng những bồn hoa được xếp gạch vuông vắn. Vàng, đỏ, cam, xanh biếc... những khóm hoa khoe sắc sặc sỡ bên người lính.
Trước nhà có thảm cỏ xanh điểm hoa vàng rực, trung úy Nguyễn Tư Hóa, lính thông tin của tàu 184, tâm sự: "Thảm hoa này gợi em nhớ đến thảm hoa bồ công anh bên Nga những ngày đầu xuân, chị ạ. Sao cỏ xanh thế, cây cối thay màu nhanh thế... Em cứ nhớ hoa cỏ càng đẹp mình càng thấy tiếc nuối, cứ như là sắp tan mất mùa xuân...". Rồi cười ngượng nghịu, dường như không quen với việc nói ra cảm xúc của mình.
TRONG LÒNG "HỐ ĐEN ĐẠI DƯƠNG"...
Câu chuyện về cuộc sống sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ dưới tàu, trong lòng biển, hóa ra lại là câu chuyện nói đến sau cùng. Những người lính không muốn rườm lời về công việc khó khăn, nguy hiểm mà suốt bao lâu họ vẫn rèn luyện ráo riết để chuẩn bị thích ứng. Ngoài việc chịu được áp lực về thể chất, thần kinh phải thật vững vàng.
Tàu ngầm kiêu hãnh ở cảng Cam Ranh - Ảnh: Nguyễn Văn Thương
Tàu ngầm 636.1 Varshavianka được phương Tây đặt tên là "hố đen đại dương" vì khả năng biến mất trong lòng biển, thách thức các phương tiện kỹ thuật thủy âm. Tàu có sáu khoang, trong mỗi khoang là hàng ngàn van ống. Không gian hẹp. Tiếng ồn thông gió. Tiếng khẩu lệnh chốc chốc vang lên. Tôi ấn tượng nhất là câu chuyện của người trắc thủ sonar.
Tàu đi trong biển, cần nhất đôi tai thính nhạy nghe hơi biển, nghe sóng, nghe tiếng chân vịt, tiếng trả sóng những con tàu... để phán đoán được tình hình: tàu nào đi ngang qua, to nhỏ đều phải phân biệt, không được sai. Mọi bất trắc có thể gặp đều đã được đặt ra thành tình huống xử lý ở Trung tâm huấn luyện tàu ngầm: xử lý khi chìm, chống ngư lôi của đối phương, xử lý đâm va, đáy bị thủng, cháy khoang...
Ở khoang luyện tập thoát hiểm, các sĩ quan phải vượt qua các thử thách như thật: tạo âu (cấp nén khí cân bằng áp suất bên ngoài), đánh ngập khoang thoát. Giữa các khoang tàu đều có cửa van chắc chắn, khi đóng phải đánh gioăng đôi khi đến tím cả tay, đảm bảo tách biệt hoàn toàn với các khoang khác. Khi một khoang có vấn đề, thay vì thoát ra, nhóm thủy thủ phải nhanh chóng đóng chặt cửa tự nhốt mình trong đó, xử lý độc lập bằng được để không liên lụy sang khoang khác.
Ở nơi đêm ngày hoán đổi âm thầm ấy, những người lính đoàn kết một lòng, tin tưởng lẫn nhau, chấp nhận hi sinh vì đồng đội. Nếu tình bạn của những người lính biển được thử thách qua sóng gió thì tình đồng đội của lính tàu ngầm được đảm bảo bằng chính danh dự của mỗi con người. Những thông tin về tai nạn tàu ngầm từ trước đến nay trên thế giới, cả cụm từ "quan tài di động" trong lòng biển mà người ta vẫn nhắc khiến chúng tôi càng tiếp xúc với các anh, nỗi lo âu mơ hồ càng lớn.
Nhưng câu hát vui vui lạc quan của người lính lại một lần nữa trấn an tôi: "Rồi anh sẽ đắm mình trong đôi mắt thân yêu/ Em hãy hiểu số phận ta tiền định/ Ai đó phải lặn sâu đáy nước/ Để mặt trời sáng sáng mọc lên...".
Thuyền trưởng Đậu Văn Hoàng nói với chúng tôi khi chia tay: "Lính tàu ngầm cái gì cũng ngầm. Thương nhớ ngầm và kiêu hãnh cũng kiêu hãnh ngầm, chẳng ai biết". Điều này thì tôi lại không đồng ý với anh.
Nét kiêu hãnh của người lính tàu ngầm dù không nói ra mà lồ lộ trong dáng đi, ánh mắt, cả trong cái cách đội mũ của anh nữa! Hay thậm chí cả câu anh hay nhắc đi nhắc lại rất thật lòng: "Ở đơn vị nhớ vợ, về với vợ nhớ tàu" cũng lấp lánh những âm sắc tự hào không che giấu được.
Tàu ngầm 636 được bắt đầu nghiên cứu sản xuất thử nghiệm vào giữa những năm 1990, nằm trong đề án được xây dựng từ những năm 1970 về việc xuất số lượng lớn tàu ngầm sang các nước tham gia ký kết hiệp ước Warsawa 1955, vì thế đề án mang tên Varshavianka.
Sáu tàu ngầm điện - diesel Varshavianka 636.1 thuộc thế hệ thứ ba đã và sẽ được bàn giao cho Việt Nam đều được đóng tại Nhà máy đóng tàu Admiralty của Nga ở Saint Petersburg, một nhà máy đóng tàu lâu đời và uy tín nhất ở Nga từ năm 1704 đến nay, hơn 300 năm chưa từng sai hẹn với khách hàng.
Tàu ngầm thứ năm "Khánh Hòa" đã rời bến ở Nhà máy đóng tàu Admiralty sáng 1-4-2015, thực hiện các bước thử nghiệm trên biển. Chiếc thứ sáu có tên "Vũng Tàu" đã được khởi đóng từ ngày 28-5-2014, dự kiến giao cho Việt Nam năm 2016.
Báo chí Nga và Việt Nam từng dẫn lời giám đốc Trung tâm Nga phân tích buôn bán vũ khí thế giới, tổng biên tập tạp chí Quốc Phòng Nhân Dân Igor Korotchenko: "Những tàu ngầm Việt Nam đặt mua là một trong những đề án tốt nhất của Nga. Chúng không chỉ được trang bị vũ khí và ngư lôi mà còn cả tổ hợp tên lửa tấn công Club-S. Điều này cho phép tàu tiêu diệt một loạt mục tiêu mặt đất, mục tiêu trên biển cũng như dưới nước".
Tàu có lượng giãn nước 3.100 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ, lặn sâu đến 300m, thủy thủ đoàn 52-60 người. Tàu được mệnh danh là "hố đen đại dương" vì khả năng biến mất, thách thức các phương tiện kỹ thuật thủy âm.
Tổ hợp sản xuất và nghiên cứu khoa học Avrora đã hỗ trợ xây dựng tại quân cảng Cam Ranh trung tâm huấn luyện tàu ngầm đồng bộ và hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, và hiện giờ đang tích cực hoạt động đào tạo với khoa lý thuyết mô phỏng và khoa thực hành, đảm bảo việc rèn luyện các kíp thủy thủ và sĩ quan tàu ngầm chất lượng cao nhất, chuẩn bị cho các hoạt động trong lòng biển.
(Thông tin tổng hợp từ các nguồn trên báo Nga)
Theo Tuổi Trẻ
Chuyên gia hải quân Mỹ nói gì về sức mạnh tàu ngầm Việt Nam? Những tàu ngầm sát thủ mới của Việt Nam đã làm thay đổi đáng kể cán cân lực lượng trên Biển Đông. Tàu ngầm thứ 3 lớp Kilo, mang tên Hải Phòng, đã được biên chế vào lực lượng Hải quân Việt Nam, dự kiến 6 chiếc Kilo sẽ trực chiến đầy đủ vào cuối năm 2016. Bài viết của tác giả Lyle...