Tàu khảo sát Trung Quốc rút khỏi thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Chiều 7/8 nhóm tàu khảo sát Hải dương 8 của Trung Quốc dừng hoạt động khảo sát địa chất và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam.
Tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 8/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho hay: “ Theo thông tin chúng tôi được biết, chiều 7/8/2019 nhóm tàu khảo sát Hải dương 8 của Trung Quốc đã dừng hoạt động khảo sát địa chất và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa phía Đông Nam Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.“
Bà Hằng nói thêm rằng hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục theo dõi.
Liên quan những vấn đề nêu trên, bà Hằng cho biết Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp, đề nghị các nước tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế.
Video đang HOT
“ Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triển khai các biện pháp phù hợp đúng pháp luật“, bà Hằng nói.
Việt Nam cũng luôn thể hiện, khẳng định thiện chí sẵn sàng thông qua đối thoại, trao đổi với các nước liên quan để xử lý bất đồng, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển tại Biển Đông, cũng như vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia.
Trước đó trong hôm 7/8, một số thông tin cho thấy tàu Trung Quốc Hải Dương 8 đã rút khỏi khu vực khảo sát gần bãi Tư Chính của Việt Nam.
Theo chuyên gia Ryan Martinson, người theo dõi sát sao động thái của Hải Dương 8 lâu nay, con tàu này đã về khu vực gần đá Chữ Thập và chưa rõ có quay lại hay không. Một vài tàu hộ tống cho Hải dương 8 vẫn ở vị trí cũ gần bãi Tư Chính.
Theo China Daily, tàu Hải dương Địa chất 8 có chiều dài 88 mét, có thể chạy hành trình dài 16.000 hải lý và có tốc độ tối đa trên 15 hải lý/giờ. Tàu được trang bị công nghệ tạo ra hình ảnh ba chiều có độ phân giải cao về cấu trúc địa chất của đáy biển.
PHƯƠNG ANH
Theo VTC
Nhiều chuyên gia kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông
Việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương-8 vào bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam khiến dư luận quốc tế đặc biệt quan ngại.
Nhiều chuyên gia quốc tế đã chỉ trích các hoạt động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, tuân thủ luật pháp quốc tế và thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm tránh xung đột.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Sydney về những diễn biến mới trên Biển Đông, Giáo sư Carl A. Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia cho rằng trong vụ việc tại bãi Tư Chính hiện nay, hành động của Trung Quốc là xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Những hoạt động khảo sát và có tính thương mại khác của Trung Quốc trong EEZ của Việt Nam ở Biển Đông phải được sự cho phép của Việt Nam vì chỉ Việt Nam mới có quyền đối với mọi nguồn lực trong vùng nước và dưới đáy biển trong khu vực này. Mọi quốc gia ven biển đều nắm rõ điều đó. Theo Giáo sư Thayer, các hoạt động nói trên của Trung Quốc không chỉ diễn ra với Việt Nam mà với cả Philippines và Malaysia ở cùng thời điểm. ASEAN cần phải lên tiếng về điều này và coi đây là những vụ việc nghiêm trọng. Ông nhấn mạnh nếu các nước ASEAN không đứng lên phản đối, những hành động này sẽ tiếp tục lặp lại nhiều lần trong tương lai. Vì thế, các nước ASEAN phải thể hiện lập trường cứng rắn trong các cuộc đối thoại với Trung Quốc nếu như Bắc Kinh tiếp tục có ý định thâu tóm toàn bộ Biển Đông.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Bangkok, ông James Gomes - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á, đánh giá cao cách hành xử đúng đắn của Việt Nam trong vụ việc căng thẳng với Trung Quốc hiện nay tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. Ông nhấn mạnh Biển Đông phải là khu vực tự do cho tất cả mọi người có thể di chuyển, buôn bán cũng như hợp tác giữa con người với con người trong hoà bình. Với việc Trung Quốc tạo ra những căng thẳng như hiện nay và tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông thì đây là một vấn đề lớn. Cách thức Việt Nam đang làm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền là chiến lược đúng đắn.
Trong khi đó, Tiến sĩ Takashi Hosoda - chuyên gia nghiên cứu về an ninh châu Á-Thái Bình Dương, trường Đại học Tổng hợp Charles (CH Séc), cho rằng Trung Quốc đang làm xói mòn lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với hình ảnh của nước này.
Trả lời phóng viên TTXVN tại Praha, Tiến sĩ Hosoda khẳng định khu vực gần Bãi Tư Chính mà Việt Nam tiến hành hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí là vùng biển hoàn toàn nằm trong EEZ của Việt Nam và Trung Quốc không có cơ sở để đòi hỏi chủ quyền tại Bãi Tư Chính. Theo ông, hành vi của Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm EEZ và thềm lục địa của Việt Nam cũng như vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 mà nước này là thành viên.
Theo ông Hosoda, các hoạt động quân sự hóa Biển Đông thời gian qua cũng như hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở khu vực gần Bãi Tư Chính trên Biển Đông đã làm xói mòn hình ảnh của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế. Cộng đồng quốc tế đều bày tỏ quan ngại về các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm tránh gây xung đột trên Biển Đông.
Tiến sĩ Hosoda cho rằng cộng đồng quốc tế, nhất là ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Pháp, Anh, ... cần tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ và hành động cụ thể để kiềm chế các hoạt động leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên thực địa. Giải quyết vấn đề Biển Đông là quá trình phức tạp, lâu dài. Điều quan trọng nhất là các nước ASEAN cần tăng cường đoàn kết nội khối, tạo sức mạnh tổng hợp để không bị chia rẽ. Các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cần kiên quyết và kiên trì đấu tranh ngăn chặn các hoạt động mang tính răn đe và cưỡng ép của Trung Quốc trên thực địa, đồng thời xử lý tranh chấp theo hướng không để ảnh hưởng tới quan hệ song phương với Trung Quốc, vì lợi ích chiến lược phát triển của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Tokyo, Giáo sư Go Ito thuộc trường Đại học Meiji (Nhật Bản) nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đang gặp phải sự chỉ trích ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế. Trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông hiện nay, Việt Nam cần củng cố sức mạnh thông qua việc mở rộng hơn nữa quan hệ hữu nghị với các nước - những nước có đồng quan điểm với chính sách biển của Việt Nam. Việt Nam cũng cần xây dựng một chính sách biển mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia có tàu thuyền đi qua Biển Đông./.
Theo TTXVN
Khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam không nằm trong vùng biển chồng lấn với Trung Quốc Hành vi đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tháng 7-2019 đi sâu vào vùng biển Nam Biển Đông, gần với lô khai thác 06-01 thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam thể hiện sự ngông nghênh, coi thường pháp luật quốc tế. Tiến sỹ Nguyễn Toàn Thắng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Luật...