Tàu hộ vệ tàng hình Sigma 9814 của VN mạnh cỡ nào?
Tàu hộ vệ tàng hình Sigma 9814 dành cho Hải quân Việt Nam có thể có lượng giãn nước khoảng 2.000 tấn, trang bị hệ thống vũ khí châu Âu.
Theo phương tiện truyền thông Hà Lan, nhà máy đóng tàu Damen của nước này đã đạt được thỏa thuận đóng 2 tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Sigma 9814 cho Hải quân Nhân dân Việt Nam. Theo một số nguồn tin, tổng giá trị hợp đồng vào khoảng 660 triệu USD. Dự kiến, hợp đồng sẽ được ký kết chính thức vào cuối năm nay.
Đây thực sự là tin vui đối với Hải quân Nhân dân Việt Nam, khi mà chỉ trong vòng vài năm tới chúng ta sẽ có 4 tàu Gepard 3.9 (2 tàu đang đóng tại Nga) và 2 tàu Sigma 9814 cùng 12 tàu tên lửa Project 12418 (10 chiếc đang đóng) cùng một số tàu tên lửa Project 1241RE sẽ giúp hải quân ngày càng mạnh hơn để bảo vệ vững chắc biển, đảo tổ quốc.
Câu hỏi đặt ra là các tàu Sigma 9814 dành cho Hải quân Nhân dân Việt Nam có kích thước như thế nào, cấu hình hệ thống vũ khí, radar ra sao? Bởi hiện nay trong các biến thể của tàu hộ vệ lớp Sigma không có loại nào gọi là Sigma 9814. Điều đó có nghĩa đây là thiết kế hoàn toàn mới dành cho Việt Nam, phù hợp với các yêu cầu của Việt Nam.
Tàu hộ vệ tên lửa Sigma 9113 của Hải quân Indonesia.
Báo chí Hà Lan cũng đã hé lộ một phần cấu hình của loại tàu chiến này, theo đó Sigma 9814 sẽ có chiều dài 98m, rộng 14m. Có thể thấy là hai con số dài, rộng này tương ứng với số “9814″, đây là cách định danh của Damen dành cho các biến thể thuộc lớp tàu Sigma.
Ví dụ, như Sigma 9113 dành cho Hải quân Indonesia, thì số 9113 tương đương với việc chiều dài khoảng 91m, rộng 13m. Hay biến thể Sigma 9813 xuất khẩu cho Morocc có chiều dài 98m, rộng 13m.
Sở dĩ Damen có thể tùy ý biến đổi kích thước của con tàu theo yêu cầu khách hàng nhờ một phần vào việc Sigma thiết kế đóng hoàn toàn theo công nghệ module. Người ta có thể dễ dàng kéo dài nó thêm hoặc thu ngắn chiều dài tùy theo hợp đồng với khách hàng.
Biến thể Sigma 9814 dành cho Việt Nam có kích thước khá gần với Sigma 9813 của Morocc (chỉ khác về chiều rộng). Nếu như Sigma 9813 có lượng giãn nước vào khoảng 1.950 tấn thì có thể đoán định Sigma Việt Nam vào khoảng 2.000 tấn, mớn nước khoảng 3.7-3,8m.
Pháo hải quân tốc độ cao OTO Melara 76mm.
Về mặt trang bị vũ khí, báo chí Hà Lan hé lộ một số thông tin cho biết, tàu Sigma 9814 của Việt Nam sẽ sử dụng pháo hải quân OTO Melara, hệ thống ống phóng thẳng đứng trang bị tên lửa MICA và tên lửa hành trình chống tàu.
Video đang HOT
Riêng về trang bị pháo hạm, khả năng cao cỡ pháo trang bị là loại 76mm do Công ty OTO Melara Italy sản xuất. Pháo hải quân OTO Melara 76mm có tốc độ bắn rất cao phù hợp cho tác chiến phòng thủ điểm chống tên lửa tầm ngắn, chống máy bay, tàu mặt nước và đất liền (pháo kích bờ biển).
Loại pháo này có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau (đạn xuyên giáp, đạn nổ phá mảnh và thậm chí là đạn tự dẫn), tốc độ bắn 120 phát/phút, tầm bắn xa 16km với đạn nổ phá mảnh hoặc 40km với đạn tự dẫn tăng tầm (đang phát triển).
Về hệ thống tên lửa phòng không, Sigma 9814 sẽ được thiết kế với hệ thống ống phóng thẳng đứng. Nếu thông tin này là chính thức thì Việt Nam lần đầu tiên có tàu chiến được trang bị kiểu ống phóng đứng.
Sigma 9814 có thể là tàu chiến Việt Nam đầu tiên trang bị hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng.
Hệ thống tên lửa phòng không được sử dụng là loại tên lửa VL MICA, biến thể dùng trên hạm của tên lửa không đối không MICA do tập đoàn MBDA (Pháp) thiết kế sản xuất.
Đạn tên lửa VL MICA nặng 112kg, dài 3,1m, lắp đầu đạn nổ phá nặng 12kg, trang bị động cơ đẩy nhiên liệu rắn SNPE cho phép đạt tầm bắn 1-10km (theo một số nguồn tin khác thì tầm bắn khoảng 20km), độ cao diệt mục tiêu 11km. Về hệ thống dẫn đường, VL MICA có 2 biến thể gồm: VL MICA RF dùng đầu tự dẫn radar chủ động và VL MICA IR lắp đầu tự dẫn hồng ngoại.
Ngoài những “hé lộ” ban đầu về pháo hải quân và tên lửa phòng không, báo chí Hà Lan tuyệt nhiên không nhắc tới loại tên lửa hành trình chống tàu mặt nước nào sẽ trang bị cho Sigma 9814. Dường như, việc này vẫn chưa được 2 bên quyết định.
Vấn đề ở chỗ, hiện nay Hải quân Nhân dân Việt Nam chỉ dùng tên lửa chống tàu do Nga sản xuất, mà rộng rãi nhất là loại Kh-35 Uran E. Trong khi đó, Sigma 9814 lại là thiết kế của Hà Lan, việc tích hợp một hệ thống tên lửa khác nhà thiết kế, chế tạo là điều không dễ dàng, bởi ngoài bệ phóng tên lửa người ta còn phải tính đến hệ thống radar điều khiển hỏa lực của tàu. Đó là chưa kể tính tương thích với các hệ thống quản lý chiến đấu trên Sigma.
Việt Nam sẽ dùng Kh-35 Uran E hay Exocet MM40 trên Sigma 9814?
Trước đây, Indonesia từng tính toán tới việc tích hợp hệ thống tên lửa hành trình chống tàu C-802 của Trung Quốc lên Sigma 9113. Tuy nhiên, rốt cuộc không rõ vì sao con tàu sau này được chuyển giao với hệ thống tên lửa Exocet MM-40 Block 2 của Pháp.
Đây cũng có thể là một giải pháp dành cho Sigma 9814 của Việt Nam, những năm qua mối quan hệ hợp tác quốc phòng với Pháp ngày càng được mở rộng, cũng có khả năng Pháp sẽ chấp nhận cung cấp tên lửa Exocet MM-40 (tốc độ cận âm, tầm bắn 70km) cho Việt Nam. Tóm lại, câu trả lời về liệu Sigma 9814 dành cho Việt Nam trang bị hệ thống tên lửa nào chỉ có thể biết được chính xác nhất trong những năm tới.
Ngoài tên lửa chống tàu, báo chí Hà Lan cũng không nói rõ việc liệu Sigma 9814 có trang bị hệ thống vũ khí chống tàu ngầm hay không? Vấn đề này có lẽ chủ yếu tùy thuộc vào yêu cầu từ phía Việt Nam
Bởi hiện nay, các biến thể Sigma mà Hà Lan xuất khẩu cho Indonesia và Morocc thiết kế với hệ thống định vị thủy âm để phát hiện tàu ngầm và hệ thống ngư lôi cỡ 324mm trang bị ngư lôi hạng nhẹ MU90 đạt tầm bắn khoảng 12-25km (tùy tốc độ hành trình), xuyên sâu xuống mặt nước khoảng 1.000m.
Anten (trên đỉnh) của hệ thống radar giám sát tầm xa SMART-S Mk2.
Đối với hệ thống điện tử hàng không, các biến thể Sigma đều được trang bị hệ thống radar giám sát vùng trời, vùng biển SMART-S Mk2. Hệ thống radar này có 2 chế độ hoạt động: nếu anten quay tốc độ 13,5 vòng/phút thì có tầm xa tới 200km; nếu quay tốc độ 27 vòng/phút thì có tầm xa tới 150km với tổng số mục tiêu theo dõi là 500 (trên không và trên biển). Theo Thales, SMART-S Mk2 có thể phát hiện máy bay tàng hình ở cự ly 50km.
Ngoài ra, tàu còn trang bị hệ thống quản lý chiến đấu hiện đại Thales TACTICOS cùng hệ thống radar định vị, điều khiển hỏa lực pháo, tên lửa khác và hệ thống đối phó điện tử với mồi bẫy, pháo sáng…
Nếu Việt Nam quyết định lựa chọn hệ thống radar giám sát như SMART-S Mk2 thì thực sự đây là tin rất vui đối với Hải quân Nhân dân Việt Nam, khi mà các tàu chiến sẽ có khả năng đối phó được cả máy bay tàng hình.
Về mặt hệ thống động lực, tàu chiến lớp Sigma 9814 có thể trang bị 2 động cơ diesel cho phép đạt tốc độ tối đa khoảng 28 hải lý/h, tầm hoạt động tới 6.000-8.000km, thủy thủ đoàn khoảng 90-100 người.
Theo VTC
Việt Nam mua 2 tàu hộ vệ tàng hình Sigma
Nhà máy đóng tàu Damen của Hà Lan cho biết, nhà máy này đã đạt được một thỏa thuận cung cấp 2 tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Sigma cho Hải quân Việt Nam.
Tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Sigma
Thông tin trên đã được xưởng đóng tàu Gorinchem - một đơn vị của Damen xác nhận hôm 22/8. Theo truyền thông Hà Lan, thỏa thuận chính thức có thể được ký kết vào cuối năm 2013. Tuy nhiên giá trị của bản hợp đồng không được công bố, nhưng theo một nguồn tin trong nhà máy Damen cho biết, hợp đồng có thể đạt tới nửa tỷ Euro (tương đương 660 triệu USD). Trong đó, đã có sự tham gia hỗ trợ của cả Chính phủ Hà Lan.
Hai chiếc tàu hộ vệ tên lửa Việt Nam đặt mua thuộc lớp Sigma 9814 có chiều dài khoảng 98m, rộng 14m.
Các tàu được trang bị hệ thống pháo hải quân Oto Melara 76mm, tên lửa hành trình chống tàu và hệ thống ống phóng thẳng đứng với tên lửa phòng không Mica.
Hiện chưa rõ Sigma 9814 sẽ được trang bị loại tên lửa chống tàu nào, theo một số nguồn tin có thể là tên lửa của Nga (Kh-35 Uran-E) bởi Việt Nam có truyền thống lâu dài sử dụng loại tên lửa này.
Hoặc đó cũng có thể chính là biến thể của Kh-35 Uran E được liên doanh chế tạo tên lửa Nga - Việt hợp tác sản xuất mà báo chí Nga đã tiết lộ vào năm ngoái. Nhưng cũng không loại trừ khả năng nó sẽ dùng tên lửa do các nước châu Âu chế tạo (hiện các tàu Sigma 9113 của Indonesia đang sử dụng tên lửa chống tàu Exocet của Pháp).
Việc đóng tàu tuy Damen không tiết lộ thêm chi tiết, nhưng có vẻ như chiếc tàu Sigma đầu tiên sẽ được đóng ở Hà Lan và chiếc tiếp theo sẽ được đóng ở nhà máy đóng tàu Việt Nam theo phương thức chuyển giao dây chuyền công nghệ.
Damen đã có lịch sử gần 20 năm hợp tác đóng tàu ở các quốc gia Đông Nam Á, công ty này đã xây dựng được 5 nhà máy đóng và sửa chữa tàu, trong đó có 01 nhà máy đóng tàu lớn đặt ở Hải Phòng của Việt Nam. Theo công ty này, các cơ sở trên giúp Damen có nhiều hy vọng đạt thêm nhiều thỏa thuận đóng tàu nữa với Chính phủ Việt Nam.
Trong những năm qua, Việt Nam và Hà Lan đã có nhiều chương trình hợp tác quốc phòng, đặc biệt trong lĩnh vực đóng tàu. Phía Hà Lan đã giúp đỡ thiết kế tàu tuần tra đa năng DN-2000 cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, việc đóng tàu này được thực hiện tại Việt Nam.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: Việt Nam tăng cường hợp tác với Hà Lan
Hợp tác quốc phòng Việt Nam-Hà Lan được khẳng định thêm bằng chuyến thăm Hà lan của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh từ ngày 18 đến 19/8 vừa qua theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Hennis-Plasschaer.
Hai Bộ trưởng đã trao đổi về tình hình thế giới và khu vực cùng quan tâm, trong đó có hợp tác quốc phòng. Về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho rằng, cùng với sự phát triển của mối quan hệ chung và trên cơ sở Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, thời gian qua hai bên đã triển khai có hiệu quả các nội dung hợp tác như trao đổi đoàn, đào tạo, công nghiệp quốc phòng, qua đó đã góp phần tăng cường sự tin cậy, mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân và quân đội hai nước.
Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định Việt Nam tiếp tục tăng cường hợp tác với Hà Lan; hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác theo nội dung Bản ghi nhớ, bao gồm trao đổi đoàn các cấp; đào tạo; trao đổi kinh nghiệm, hợp tác giữa các quân binh chủng, trong đó chú trọng lĩnh vực hải quân; công nghiệp quốc phòng, trọng tâm là hợp tác đóng tàu cho lực lượng hải quân, cảnh sát biển và lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam.
Bộ trưởng Hennis-Plasschaer đánh giá cao chuyến thăm của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh và đoàn, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2013), cho rằng chuyến thăm là một minh chứng về thiện chí và mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa hai nước nói chung và hai quân đội nói riêng.
Theo Xahoi
Hải quân Indonesia lớn nhất Đông Nam Á Hải quân Indonesia được coi là lực lượng lớn nhất khu vực Đông Nam Á khi sở hữu hơn 100 tàu chiến các loại. Indonesia được mệnh danh "quốc gia vạn đảo" với 13.487 hòn đảo. Với đặc điểm địa lý như vậy, họ phải có hải quân mạnh, đông, hiện đại nhằm bảo vệ bờ biển, vùng đặc quyền kinh tế... Hải...