Tàu chiến Iran cập cảng Sudan
Vụ nổ tại nhà máy ở Khartoum hôm 23.10 – Ảnh: AFP
Một đội tàu chiến Iran đã cập cảng ở Sudan vào hôm 29.10 giữa lúc có nhiều tường thuật về việc Israel không kích một nhà máy sản xuất tên lửa của Sudan vào tuần trước.
Truyền thông Iran cho hay đội tàu chiến của Iran mang theo “ thông điệp hòa bình và an ninh đến các nước láng giềng”.
Đội tàu bao gồm một tàu khu trục và một tàu tiếp tế đã khởi hành từ Iran vào tháng trước, theo hãng tin IRNA.
Chuyến cập cảng của đội tàu diễn ra chưa đầy một tuần sau khi một nhà máy sản xuất vũ khí ở thủ đô Khartoum của Sudan bị các vụ nổ phá hủy.
Video đang HOT
Sudan đã khiếu nại lên Liên Hiệp Quốc rằng Israel đã tấn công nhà máy, vốn bị nghi ngờ do Iran vận hành.
Israel không xác nhận hoặc phủ nhận trách nhiệm trong vụ việc.
Theo truyền thông nhà nước Iran, đội tàu hải quân cập cảng Sudan vào hôm 29.10 bao gồm tàu khu trục Shahid Naqdi và tàu tiếp tế Kharg có thể chở được ba chiếc trực thăng.
Các chỉ huy của đội tàu Iran đã gặp gỡ các chỉ huy hải quân của Sudan trong buổi lễ đón tàu.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Sudan đã lên tiếng phủ nhận việc Iran có liên quan đến nhà máy sản xuất vũ khí nghi bị Israel đánh bom, theo AFP.
“Bộ Ngoại giao khẳng định điều mà tất cả đều đã biết là Iran không có nhu cầu sản xuất vũ khí ở Sudan cho Iran hay cho các đồng minh của Tehran. Chúng tôi muốn bác bỏ mọi liên quan giữa việc sản xuất vũ khí quân sự của Sudan với bất kỳ đối tác nước ngoài nào”, thông báo của Bộ Ngoại giao Sudan nêu rõ.
Mối quan hệ giữa Sudan với Iran vốn bị chú ý sau khi Khartoum tố cáo Israel cử bốn máy bay có khả năng lẩn tránh radar đến không kích nhà máy quân sự Yarmouk ở ngay trung tâm thủ đô Khartoum vào đêm 23.10.
Theo TNO
Nghi án Israel ném bom Sudan
Dư luận đang hướng về Israel khi có thêm bằng chứng cáo buộc nước này ném bom nhà máy sản xuất vũ khí của Sudan hồi tuần trước.
Ngày 28.10, Reuters đưa tin các chuyên gia quốc tế đang tiến hành phân tích một số hình ảnh vệ tinh, do Công ty DigitalGlobe cung cấp, để tìm hiểu nguyên nhân vụ nổ tại nhà máy sản xuất vũ khí trên. Rạng sáng 24.10, Nhà máy sản xuất vũ khí Yarmouk ở thủ đô Khartoum của Sudan bất ngờ phát ra tiếng nổ lớn và gây nên những đám cháy dữ dội. Theo một số hình ảnh vệ tinh vừa được công bố, sau khi xảy ra vụ nổ, các hố sâu có dấu vết bị ném bom đã xuất hiện tại khu vực trên. Kết quả phân tích này càng củng cố mạnh mẽ hơn cho tuyên bố từ phía Khartoum khẳng định Tel Aviv đã điều động máy bay ném bom tấn công Nhà máy Yarmouk. Trước đó, chỉ vài giờ sau khi xảy ra vụ nổ, BBC dẫn lời Bộ trưởng Văn hóa Thông tin Sudan Ahmed Bilal Osman cáo buộc 4 chiến đấu cơ Israel đã ném bom cơ sở trên, gây ra thiệt hại nặng nề về vật chất và khiến 2 nạn nhân thiệt mạng.
Hiện trường vụ nổ ở Nhà máy Yarmouk - Ảnh: Reuters
Nhiều năm qua, Sudan thường bị xem là có quan hệ thân cận với Iran, những tay súng theo dòng Hồi giáo Sunni từng tham gia tấn công nhằm vào Israel. Thậm chí, một số nguồn tin còn khẳng định Sudan thuộc đường dây cung cấp vũ khí phi pháp cho lực lượng vũ trang Hamas hiện đang hoạt động tại Dải Gaza và chống Israel. Hồi tháng 3, tờ The Guardian dẫn nguồn các điện tín, do trang WikiLeaks công bố, cho rằng Mỹ vào tháng 1.2009 từng cảnh báo Sudan không được "ngó lơ" việc vận chuyển vũ khí của Iran đến Dải Gaza để đáp ứng nhu cầu của Hamas. Vì thế, theo giới phân tích, Israel có động cơ để tấn công Sudan dù Khartoum nhiều lần bác bỏ việc ủng hộ các nhóm vũ trang trên.
Trong khi đó, Tel Aviv không đưa ra bất cứ tuyên bố bác bỏ hay thừa nhận đối với cáo buộc ném bom Nhà máy Yarmouk. Cách "đánh trống lảng" vốn dĩ là phản ứng quen thuộc của Israel trong những trường hợp tương tự, dù giới chuyên gia ám chỉ Tel Aviv thực sự có liên quan. Lần này, khi được hỏi về vụ tấn công trên, một quan chức quốc phòng cấp cao Israel tên Amos Gilad trả lời mập mờ bằng cách cáo buộc Sudan là "một chính phủ khủng bố nguy hiểm" và ca ngợi sức mạnh của không quân nước mình.
Theo tờ The Guardian, để tập kích Nhà máy sản xuất vũ khí Yarmouk, Tel Aviv có thể triển khai chiến đấu cơ bay dọc theo bờ biển Đỏ. Số chiến đấu cơ này được tiếp nhiên liệu trên không, bay dưới tầm radar của Ả Rập Xê Út và Ai Cập để lặng lẽ tiếp cận thủ đô Khartoum rồi tấn công. Thậm chí, Tel Aviv cũng có thể đánh phá bằng máy bay không người lái. Vốn dĩ, Israel cùng với Mỹ là hai nước chính thức chế tạo thành công máy bay không người lái vũ trang dùng để tấn công.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên Khartoum khẳng định bị tấn công bởi Tel Aviv. Reuters dẫn thông báo từ chính phủ Sudan hồi tháng 5 cho biết một nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ một chiếc xe hơi phát nổ ở thành phố Port Sudan, nằm bên bờ biển Đỏ. Đồng thời, theo phía Khartoum, vụ nổ này khá giống với một trường hợp tại Sudan bị tấn công bởi tên lửa Israel vào năm 2011. Ngoài ra, Khartoum từng cáo buộc Tel Aviv đã dùng không quân tấn công miền tây Sudan hồi năm 2009. Trong khi đó, truyền thông Israel tiết lộ Tel Aviv đã triển khai chiến đấu cơ tấn công Sudan tối thiểu hai lần vào năm 2009. Lần thứ nhất xảy ra vào tháng 1.2009 khi máy bay Israel tập kích một đoàn xe chở vũ khí qua Sudan để đến dải Gaza khiến 119 người thiệt mạng. Khoảng một tháng sau, Israel lại tấn công một chiếc tàu đậu tại cảng của Sudan. Tuy nhiên, như thường lệ, Tel Aviv luôn "đánh trống lảng" trước những cáo buộc trên.
Theo TNO
Chi tiết vụ không kích Sudan của Israel Tờ Sunday Times của Anh hôm 28.10 đã tường thuật chi tiết về vụ tấn công một nhà máy sản xuất tên lửa của Sudan khiến hai người thiệt mạng. Nhà máy sản xuất vũ khí Yarmouk ở phía nam thủ đô Sudan Khartoum đã bị phá hủy bởi một loạt các vụ nổ vào tuần trước và Sudan ngay lập tức quy...