Tất cả các địa phương đều bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân
Ngay sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc, một số người dân đã đến các siêu thị mua đồ tích trữ.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho thị trường luôn bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở tất cả các địa phương.
Tất cả các địa phương đều đảm bảo đủ hàng
Theo Bộ Công Thương, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường trong mọi tình huống, Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp phân phối lớn thực hiện báo cáo tình hình cung cầu, hệ thống phân phối, phương án tích trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ của dịch bệnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang….
Bộ Công Thương khẳng định, theo báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp, nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho thị trường luôn bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp phân phối và nhiều tiểu thương tại các chợ vẫn liên tục kinh doanh để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Hàng hóa tại các siêu thị luôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu người dân. Ảnh chụp tại siêu thị Big C Thăng Long lúc 14 giờ chiều ngày 31/3. Ảnh: Hiền Anh.
Về việc vận chuyển hàng hóa, ngoài phương án cụ thể của từng địa phương, Bộ Công Thương cũng đã có các phương án. Theo đó, trường hợp phong tỏa nhưng xe vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp vẫn được hoạt động, các doanh nghiệp sẽ đăng ký danh sách các xe vận tải cung ứng hàng hóa đến các cơ quan chức năng để cung cấp cho ngành giao thông, Công an hỗ trợ cho phép lưu thông đến các điểm bán hàng. Khi các địa bàn cần điều phối hàng hóa, các xe vận tải này sẽ đến các kho hàng gần nhất để lấy hàng cung ứng cho địa bàn cách ly.
Đối với trường hợp giới nghiêm, chỉ còn xe của lực lượng vũ trang được hoạt động. Khi đó Bộ Công Thương sẽ đề nghị các lực lượng Quân đội, Công an phối hợp điều phối xe vận chuyển các mặt hàng thiết yếu từ các kho dự trữ hàng hóa thiết yếu mà Bộ Công Thương đã chuẩn bị để cung cấp cho các địa bàn.
Video đang HOT
Về bố trí các điểm bán hàng, ngoài các điểm bán hàng hiện có của các doanh nghiệp phân phối và các điểm chợ truyền thống, chợ tạm, để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu các địa phương có phương án bố trí các điểm bán hàng mới (tạm thời, lưu động, dã chiến…) trên địa bàn từng tỉnh để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân thường xuyên, liên tục, giảm mật độ người mua đến từng điểm bán (kể cả trong trường hợp các siêu thị bị phong tỏa vì lý do y tế…). Các điểm bán hàng này sẽ được bố trí gần các khu dân cư và thông thoáng nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, thuận tiện cho người dân mua hàng.
Hà Nội thực hiện “4 tại chỗ”
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở Công Thương Hà Nội đang thực hiện theo phương án số 3 về nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, bảo đảm theo các cấp độ của Trung ương và thành phố nhằm ứng phó với dịch COVID-19 trên địa bàn. Trong đó, chủ động điều phối các phường, xã đảm bảo đủ lượng hàng hóa “4 tại chỗ” phục vụ nhân dân theo các cấp độ giả định.
Theo Sở Công thương Hà Nội, lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong 1 tháng là tương đương 21.500 tỷ đồng nhưng lượng hàng hóa trong tháng dịch (tăng gấp 3 lần so với 1 tháng) là 64.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa trong 3 tháng có dịch là 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) là 21.500 tỷ đồng.
Người dân không nên mua tích trữ hàng hóa khi các siêu thị luôn đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Ảnh: Hiền Anh.
Căn cứ lượng hàng hóa trên, các doanh nghiệp chủ động dự trữ hàng hóa theo bảng phân bổ của Sở Công Thương, khuyến khích các doanh nghiệp dữ trữ số lượng hàng nhiều hơn phương án đã đưa ra.
Sở Công Thương đã cử cán bộ phối hợp chặt chẽ với đầu mối tại các quận, huyện, thị xã và các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nắm bắt về tình hình hàng hóa, giá cả để kịp thời chỉ đạo các đơn vị bổ sung ngay hàng hóa tại các điểm bán thiếu hàng trong hệ thống hoặc chỉ đạo các doanh nghiệp khác tổ chức bán hàng lưu động để kịp thời cung cấp đủ hàng hóa phục vụ nhân dân.
Các quận, huyện, thị xã đảm bảo đủ lượng hàng hóa “4 tại chỗ” trên địa bàn, chủ động điều phối các phường, xã thuộc địa bàn; trong trường hợp thiếu hàng chủ động phối hợp với Sở Công Thương để điều tiết, cung ứng kịp thời.
Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương cùng các doanh nghiệp phải điều tiết hàng hóa mạnh, nhiều lần/ngày trong các hệ thống phân phối trong Thành phố, chỉ đạo doanh nghiệp phải tăng thêm nhiều kho dữ trữ hàng hóa tại các quận huyện và điều tiết từ kho hàng của các doanh nghiệp từ các tỉnh, thành phố khác. Đồng thời, các doanh nghiệp tăng cường bán hàng qua kênh thương mại điện tử và thực hiện giao hàng tại nhà.
Các kịch bản cung ứng hàng hóa của Hà Nội để ứng phó với dịch COVID-19
Về đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân khu vực bị cách ly, Sở Công thương Hà Nội xác định kịch bản và lượng hàng hóa phục vụ cho các khu vực bị cách ly theo các cấp độ. Dự kiến định mức nhu yếu phẩm cho 1 người trong 28 ngày: Gạo 16,8kg; thịt lợn 1,26kg; thịt trâu, bò 0,56 kg; thịt gia cầm 1,4 kg, trứng gia cầm 14 quả; thủy hải sản đông lạnh 1,45 kg; thực phẩm chế biến 1,26 kg; rau củ 8.96kg; sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (Mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô…) 56 gói; sữa uống (cho học sinh từ mẫu giáo đến cấp 3) 11 lít; gia vị (muối ăn, bột canh) 0,14kg; dầu ăn 0,84 lít; nước đóng chai 56 lít; khẩu trang kháng khuẩn 6 chiếc; khẩu trang y tế 84 chiếc; nước sát khuẩn 200ml; giấy vệ sinh 2 cuộn.
Theo đó, đưa ra các phương án đảm bảo nhu yếu phẩm cụ thể như sau:
- Cấp độ 1: Có trường hợp bệnh xâm nhập trên địa bàn và xuất hiện 1 khu vực cách ly thuộc địa bàn 1 quận, huyện với số người trong khu vực cách ly 200 người và 2.350 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 28 ngày. Hoạt động mua sắm hàng hóa vẫn diễn ra bình thường ở những khu vực không cách ly, xuất hiện tượng mua tích trữ hàng hóa.
- Cấp độ 2: Khi dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn, xuất hiện nhiều khu vực cách ly, giả định có 5 khu vực cách ly với số người trong khu vực cách ly 1000 người và 12.750 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 28 ngày. Tình hình cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn đáp ứng đầy đủ song vẫn có thể xảy ra thiếu hàng cục bộ tại một thời gian ngắn nhất định, do số lượng người dân đi mua hàng tăng cao vào một thời điểm, đặc biệt vào dịp cuối tuấn. Một số địa điểm kinh doanh thuộc khu vực cách ly ngừng hoạt động.
- Cấp độ 3: Trên địa bàn có từ 20 ca nhiễm đến trên 1000 trường hợp mắc bệnh trở lên và nhiều khu vực cách ly thuộc địa bàn nhiều quận, huyện. Giả định có 10 khu vực cách ly với tổng số người trong khu vực cách ly 2000 người và 127.500 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 28 ngày. Nhu cầu mua hàng tăng cao (từ 50% – 100%) so với ngày bình thường. Hàng hóa phải điều tiết mạnh, nhiều lần/ngày trong các hệ thống phân phối trong Thành phố. Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp (TTTM, siêu thị,cửa hàng tiện lợi, chuỗi, chợ…) phải tạm ngừng hoạt động do nằm trong vùng cách ly. Các doanh nghiệp tăng cường bán hàng qua kênh thương mại điện tử và thực hiện giao hàng tại nhà.
- Cấp độ 4: Trên địa bàn có trên 1.000 đến 3000 trường hợp mắc, 30 quận huyện đều có khu cách ly. Giả định mỗi quận, huyện có từ 1-5 khu vực bị cách ly đưa số khu vực cách ly từ 30-150 khu vực, với số người trong khu vực cách ly 30.000 người và 382.500 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 28 ngày. Nhu cầu sử dụng hàng hóa tăng mạnh trong nhiều ngày, phải tăng thêm nhiều kho dữ trữ hàng hóa tại các quận huyện, phải thực hiện điều tiết hàng hóa trong nội bộ thành phố và phải huy động một số hàng hóa thiếu nhiều ( thực phẩm, rau củ quả…) từ kho hàng của các doanh nghiệp từ các tỉnh, thành phố khác.
- Cấp độ 5: Trên địa bàn có từ trên 3000 đến 30.000 trường hợp mắc khiến cho khoảng trên 2 triệu người dân Thành phố có nguy cơ lây nhiễm cao (chiếm gần 1/4 số dân trên địa bàn); người dân trên địa bàn chỉ ra khỏi nơi ở để mua nhu yếu phẩm. Hoạt động một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đa số phải tạm ngừng, chỉ có một số điểm bán nhu yếu phẩm hoạt động theo chỉ đạo của Thành phố.
Lượng hàng hóa cần cung ứng cho người dân trên địa bàn tăng đột biến, tiếp tục mở thêm các kho hàng để đưa hàng về tăng lượng dự trữ, trong trường hợp cần thiết phải mở các kho hàng dã chiến tại các vùng ngoại thành, điều tiết cung ứng hàng hóa từ các tỉnh về trong thời gian ngắn nhất. Huy động thêm các phương tiện để vận chuyển hàng hóa.
Thu Trang
Sớm cân bằng cung cầu thịt lợn
Để bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong nước, đồng thời giúp mặt hàng này "hạ nhiệt" sau một thời gian dài "neo" ở mức cao, các địa phương đang tập trung tái đàn, tăng đàn. Bên cạnh đó, giải pháp nhập khẩu thịt lợn cũng đang được chú trọng triển khai.
Chế biến thực phẩm sạch tại Công ty CP thực phẩm Song Đạt, huyện Thanh Trì. Ảnh: Thanh Hải
Đã nhập khẩu khoảng 27.000 tấn
Thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, 1.500 tấn thịt lợn của Tập đoàn Miratorg (Liên bang Nga) vừa cập cảng Việt Nam. Hiện, các đơn vị liên quan đã làm xong thủ tục kiểm dịch, chuẩn bị thông quan. Bên cạnh đó, gần 2.000 tấn thịt lợn của tập đoàn này cũng đã được chuyển xuống tàu để nhập về Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài tập đoàn trên, đại diện Cục Thú y cho biết, đơn vị cũng đang đề nghị hai DN khác của Liên bang Nga khẩn trương hoàn thiện thủ tục, giấy tờ còn thiếu theo quy định để tiếp tục cấp phép xuất khẩu thịt lợn vào Việt Nam.
Theo Bộ NN&PTNT, dự kiến tăng trưởng đàn nái là 0,5%/tháng (6%/năm). Đến cuối năm 2020, tổng đàn nái cả nước có thể đạt khoảng 2,9 triệu con. Khả năng sản xuất bình quân 18 lợn con cai sữa/nái/năm; tỷ lệ lợn nuôi sống đến xuất chuồng là 90% và trọng lượng lợn hơi xuất chuồng bình quân 86kg/con. Đây là yếu tố quan trọng đối với mục tiêu phục hồi tổng đàn lợn trong giai đoạn tới.
Cùng với những lô hà-ng mới cập cảng Việt Nam từ Liên bang Nga, từ đầu năm 2020 đến nay, các DN trong nước đã nhập khẩu khoảng 25.500 tấn thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Canada 29,35%, Đức 19,43%, Ba Lan 11,83%, Brazil 9,98%, Hoa Kỳ 5,53%.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, việc đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn được xem là một trong hai giải pháp quan trọng để giảm áp lực nguồn cung trong nước, giúp mặt hàng này dần "hạ nhiệt" khi đã "neo" ở mức cao trong một thời gian dài.
"Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị các bộ ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo cơ quan trực thuộc tích cực hỗ trợ tối đa cho các DN tìm kiếm nguồn hàng chất lượng với giá cả hợp lý tại các nước xuất khẩu; đồng thời, xem xét chính sách giảm thuế để thúc đẩy nhập khẩu mặt hàng thịt lợn..." - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin thêm.
Đầu tháng 7, lượng thịt lợn sẽ tăng mạnh
Bên cạnh đẩy mạnh nhập khẩu, Bộ NN&PTNT đã tập trung chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, DN và người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn lợn. Đây cũng là một trong những giải pháp được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại cuộc họp mới đây với các bộ ngành nhằm bình ổn giá cả, bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong nước về lâu dài.
Thực tế, việc tái đàn, tăng đàn đã được nhiều địa phương thực hiện từ tháng 7/2019, khi dịch tả lợn châu Phi bắt đầu có chiều hướng giảm. Đến nay, 63/63 tỉnh, TP trên cả nước đang thực hiện tương đối hiệu quả công tác này. Trong đó, 11 địa phương đã phát triển được tổng đàn lợn cao hơn so với trước thời điểm dịch tả châu Phi bùng phát hồi tháng 2/2019.
Thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy, tổng đàn lợn cả nước sau thời gian đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn hiện đạt khoảng 24 triệu con (tăng hơn 2 triệu con so với tháng 12/2019). Đáng chú ý, vào đầu năm 2020, tổng đàn lợn nái sinh sản đã đạt 2,62 triệu con (không bao gồm 110.000 con lợn giống ông bà, cụ kỵ).
Mặc dù vậy, việc tái đàn lợn cần ít nhất 5 - 7 tháng, do đó, từ tháng 1/2020 mới có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn. Bộ NN&PTNT cho rằng, nếu có thể kiểm soát tốt được dịch bệnh, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm 2020 có thể đạt khoảng 3,9 triệu tấn (tăng 18,4% so với năm 2019 và tăng 2,1% so với năm 2018).
Căn cứ số liệu của Tổng cục Thống kê, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn trong nước trung bình trong năm 2018 (trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát) là khoảng 920.000 tấn (chưa tính lượng thịt lợn xuất khẩu), Bộ NN&PTNT nhận định: Đến cuối tháng 6, đầu tháng 7/2020, Việt Nam có khả năng cân bằng được cung cầu thịt lợn trong nước.
Thực hiện xử lý nợ không còn khả năng nộp NSNN Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTC ngày 19/3/2020 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xoá nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp Ngân sách Nhà nước (NSNN). Chỉ thị số 03/CT-BTC nêu rõ, Nghị quyết của Quốc hội...