Tập luyện trong trời đông lạnh, những nguy cơ cần biết để tránh khỏi đột quỵ
Các chuyên gia cảnh báo, tập luyện dưới thời tiết lạnh giá của mùa đông cần phải thận trọng, bởi có rất nhiều nguy cơ dẫn tới các bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt là đột quỵ.
Theo thống kê hàng năm từ Hội nghị khoa học Đột quỵ và Thần kinh toàn quốc lần thứ 7, mỗi năm ở nước ta có khoảng 200.000 người mắc mới đột quỵ. Trong đó có khoảng 50% trong số các bệnh nhân này tử vong, để lại nhiều di chứng sau đột quỵ như: bại não, liệt nửa người, liệt toàn thân,…
Trong số này, có rất nhiều người tử vong do sai lầm khi tập thể dục nên bị đột quỵ.
Các chuyên gia khuyến cáo: Những người bị đột quỵ trong lúc tập thể dục là do bản thân đã có sẵn yếu tố nguy cơ thuận lợi dẫn đến nhồi máu não hoặc vỡ mạch máu não. Người tập thể dục cũng không kiểm soát được mức độ tập luyện, dẫn đến vận động quá sức.
Dưới đây là những nguy cơ khiến một số người bị đột quỵ khi tập thể:
Tập thể dục quá sức
Tập thể dục thể thao rất tốt, giúp chữa bệnh tim mạch, huyết áp, hô hấp, chống lão hóa. Một số người tập luyện quá sức cũng là nguyên nhân gây đột quỵ, nhất là đối với người mắc các bệnh mãn tính. Do vậy, cường độ vận động chỉ nên tăng dần trong mỗi buổi tập.
Thờ ơ với các yếu tố nguy cơ của đột quỵ
Những người có các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não như: Tăng huyết áp, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, béo phì, hút thuốc lá, sử dụng rượu bia quá mức…. cũng có thể dẫn tới đột quỵ.
Tập ở hầm đi bộ, cầu thang thoát hiểm, cầu thang bộ
Thời tiết trở lạnh, nhiều người vẫn có thói quen tập thể dục ở hầm đi bộ, cầu thang bộ (đặc biệt là người già). Đây là một sai lầm, nhất là đối với người lớn tuổi, người có bệnh lý mãn tính. Những nơi này thường rất bí, thiếu oxy trầm trọng, không phù hợp để tập luyện.
Tắm ngay sau khi tập thể dục
Đây là một thói quen tai hại mà nhiều người mắc phải (ở mọi lứa tuổi). Việc làm này sẽ làm cho tình trạng co mạch máu tuần hoàn ngoại vi tăng lên gây co mạch, tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ.
Dậy sớm tập thể dục khi trời lạnh
Dậy sớm tập thể dục khi trời lạnh cũng rất nguy hiểm. Bởi cơ thể thay đổi nhiệt độ quá nhanh, không đáp ứng kịp dẫn đến tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim.
Tập luyện thể thao ngoài trời cũng có thể dẫn đến đột quỵ nếu không đúng cách.
Ngoài ra, chuyên gia khuyến cáo khi tập thể dục, mọi người cũng phải chọn chỗ kín gió, ấm áp, thậm chí có thể tập ngay trong nhà khi thời tiết quá lạnh.
Khi tập thể dục, chạy/đi bộ, chơi cầu lông… nên mặc áo khoác, khởi động kỹ cho người ấm lên sau đó mới bỏ áo ngoài và tập luyện. Người già, người có bệnh nền nên chú ý chỉ tập luyện sao cho vừa sức và không nên cố tập khi thời tiết quá lạnh.
Sau khi tập luyện cần nghỉ ngơi 30-40 phút trước khi tắm. Lưu ý, tắm phải tắm nước ấm, đặc biệt không tắm nước lạnh.
Mọi người ở các lứa tuổi cũng nên khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ và điều trị sớm.
Cảnh báo: BVĐK Hà Tĩnh cấp cứu khoảng 2.000 - 2.500 ca đột quỵ não/năm
Mỗi năm, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cấp cứu khoảng 2.000 - 2.500 ca đột quỵ não, không chỉ người già mà với mọi lứa tuổi và xảy ra ở mọi thời điểm.
Đây là bệnh lý đứng thứ 2 về nguy cơ tử vong và đứng đầu về tàn phế trong mô hình bệnh tật.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Thái - Trưởng khoa Cấp cứu chống độc khuyến cáo về những dấu hiệu nhận biết sớm người bị đột quỵ
Đang làm việc vặt trong nhà, bà Nguyễn Thị Lý (66 tuổi, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà) bất ngờ bị đột quỵ não. Ngay sau đó, bà được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hà Tĩnh trong tình trạng liệt nửa người bên trái, không thể nói. Xác định bệnh nhân bị đột quỵ não được 2 giờ nên các bác sỹ đã tiến hành kỹ thuật tiêu sợi huyết.
Nhờ thực hiện kịp thời kỹ thuật tiêu sợi huyết nên bệnh nhân Nguyễn Thị Lý đã hồi phục sớm.
Chị Phan Thị Nam (người nhà bệnh nhân) cho biết: "Sau khi được các bác sỹ can thiệp và điều trị ở đây 5 ngày, hiện nay, mẹ tôi đã có thể đi lại được, giọng nói cũng đã phục hồi được khoảng 80%".
Đó là một trong nhiều trường hợp đột quỵ não được đưa vào cấp cứu kịp thời nên giảm thiểu nguy cơ tử vong cũng như các di chứng. Theo ước tính, trong số 2.000 - 2.500 bệnh nhân đột quỵ não đến BVĐK tỉnh mỗi năm, không chỉ riêng người già mà xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi thời điểm.
Mỗi năm, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận khoảng 2.000 - 2.500 ca đột quỵ não.
Theo bác sỹ Nguyễn Xuân Thái - Trưởng khoa Cấp cứu chống độc (BVĐK tỉnh), đột quỵ não là một khiếm khuyết thần kinh đột ngột, để lại những di chứng nặng nề cho người bệnh. Đột quỵ não có 2 thể, một là nhồi máu do tắc mạch não, hai là xuất huyết do vỡ mạch máu não. Người bị đột quỵ não có các dấu hiệu rất dễ nhận biết như: gương mặt có dấu hiệu mất cân đối khi cười hay nói chuyện, đi đứng mất thăng bằng, một bên bệnh nhân có thể bị liệt, nói đớ, nói ngọng.
Nguyên nhân của đột quỵ não có thể là do tăng huyết áp, các bệnh lý về tim, rối loạn lipid máu. Ngoài ra, nhồi máu não cấp gây ra ở bệnh nhân đái tháo đường, béo phì, nghiện thuốc lá, rượu bia và ít hoạt động thể lực.
Thời gian vàng dành cho bệnh nhân đột quỵ não theo tiêu chuẩn của Mỹ là dưới 3 giờ, còn theo tiêu chuẩn châu Âu có thể mở rộng lên 4,5 giờ. Chính vì vậy, việc cấp cứu, điều trị đột quỵ não là một cuộc chạy đua thời gian để giành giật sự sống cho người bệnh.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Thái - Trưởng khoa Cấp cứu chống độc
Giám đốc BVĐK tỉnh Hoàng Quang Trung cùng bác sỹ Khoa Cấp cứu chống độc hội chẩn qua hình ảnh chụp phim của bệnh nhân đột quỵ não ở Hương Khê.
Được biết, trong những năm gần đây, kỹ thuật cấp cứu, điều trị đột quỵ não đã có những bước tiến vượt bậc, mang đến nhiều hy vọng cho người bệnh, trong đó nổi bật là kỹ thuật tiêu sợi huyết và kỹ thuật can thiệp mạch máu não; thực hiện cho các bệnh nhân được cấp cứu sớm (dưới 3 giờ).
Từ năm 2015, BVĐK tỉnh chính thức thực hiện kỹ thuật tiêu sợi huyết cho bệnh nhân nhồi máu não dưới 3 giờ và mở rộng lên 4,5 giờ cho một số đối tượng. Qua 5 năm, BVĐK tỉnh đã thực hiện kỹ thuật tiêu sợi huyết cho trên 300 bệnh nhân, kết quả cho thấy sự hồi phục ngoạn mục các tàn phế, giảm nguy cơ tử vong cho người bệnh.
Một bệnh nhân bị đột quỵ não được cấp cứu thành công tại BVĐK thị xã Kỳ Anh (ảnh tư liệu).
"Muốn làm được kỹ thuật tiêu sợi huyết cho bệnh nhân nhồi máu não thì phải đưa bệnh nhân đến cấp cứu trong giờ vàng (dưới 3 giờ). Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ não đến được trong khoảng thời gian này là rất ít (dưới 5%). Vì vậy, nhiều người mặc dù được cấp cứu nhưng vẫn để lại di chứng rất nặng nề. Khi đột ngột có những dấu hiệu như: méo miệng, liệt mặt, tê bì, yếu nửa người, nói khó hoặc không nói được, mắt nhìn mờ, đau đầu..., gia đình phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng chẩn đoán và điều trị trong thời gian ngắn nhất" - bác sỹ Thái khuyến cáo.
Đối với kỹ thuật can thiệp mạch máu não, hiện nay, BVĐK tỉnh đã có những bước khởi đầu khi đã chuẩn bị khá đầy đủ trang thiết bị, nhất là đưa vào hoạt động Trung tâm Tim mạch can thiệp. Bệnh viện đang chuẩn bị các điều kiện về con người, nhất là cử các y, bác sỹ đi đào tạo để làm chủ kỹ thuật can thiệp mạch máu não, quá đó giành giật sự sống cho bệnh nhân, giảm sự tàn phế do đột quỵ não gây ra.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, để phòng tránh đột quỵ hiệu quả, người dân cần kiểm soát và điều trị các bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ có thể thay đổi như: tiểu đường, tim mạch, mỡ máu, cao huyết áp...; xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh; cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giảm bớt stress, nóng giận; nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, không nên tắm đêm, thức quá khuya; tập thể dục hằng ngày; khám sức khỏe định kỳ 6 tháng, 1 năm/lần để tầm soát kịp thời các bệnh về tim mạch, tiểu đường...
Sai lầm chết người trong xử trí đột quỵ Xử lý đột quỵ không đúng cách và kịp thời có thể khiến tình trạng bệnh nặng thêm và dẫn đến tử vong. Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng, xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, giảm đáng kể hoặc có một mạch máu trong não bị...