Táo tợn xông vào nhà khống chế, bắt cóc bé sơ sinh 20 ngày tuổi
Trong đêm, đôi nam nữ đi xe máy, bịt khẩu trang xông vào một nhà dân ở phường Bắc Sơn ( thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa), dùng dao khống chế người phụ nữ rồi cướp cháu bé 20 ngày tuổi mà người này đang bế trên tay…
Nơi xảy ra vụ việc.
Công an thị xã Bỉm Sơn xác nhận có sự việc như thế xảy ra trên địa bàn và đã tung điều tra viên vào cuộc truy xét.
Vụ việc trên xảy ra tối qua (25.11), tại gia đình anh Lê Hữu Th (phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa).
Thông tin ban đầu cho biết, khoảng 19h tối qua, trong lúc chị Phạm Thị Thanh H (vợ anh Th, ở địa chỉ nêu trên) đang nấu ăn trong bếp, có một đôi nam nữ bịt mặt, đi xe máy, đã xông vào nhà anh Th, dùng dao uy hiếp, cướp bé gái mới 20 ngày tuổi trên tay bà nội và tẩu thoát.
Khi bị cướp cháu nội trên tay, bà nội cháu bé đã lao theo giằng lại nhưng bị ngã ở ngoài cổng trong tình trạng mê man.
Khi anh Th đi đón con trai đầu học lớp 3 về đến cổng, phát hiện mẹ mình ngã, nằm ở ngoài đường, còn con gái 20 ngày tuổi đã bị kẻ lạ bắt cóc. Nghe tiếng hô hoán, hàng xóm chạy đến giúp anh Th đưa mẹ mình vào nhà trong tình trạng không tỉnh táo, có biểu hiện như bị đánh thuốc mê.
Video đang HOT
Tại địa điểm mẹ anh Th bị ngã, mọi người còn phát hiện được chiếc mũ của cháu bé và 1 chiếc dép nghi là của nghi phạm bắt cóc bị tuột trong lúc giằng co với bà nội cháu bé.
Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng Cảnh sát hình sự – Công an thị xã Bỉm Sơn lập tức có mặt, tiến hành khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ việc.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Theo Danviet
Nếu một ngày xấu trời, bạn bị vu 'thằng bắt cóc'?
Nếu chúng ta bình tĩnh, sáng suốt trước những thông tin nhiễu loạn, cũng như không để sự kích động dẫn dắt thì làm sao có thể xảy ra những chuyện bạo lực như vậy được.
Một đứa trẻ rời nhà - như thời "bao cấp" cách đây mấy chục năm trước hết gọi là trẻ lạc, đi báo công an nhờ nhà chức trách tìm thì gọi là "báo trẻ lạc." Ngay như ở nước ngoài, họ cũng gọi là "Missing," chưa rõ lý do để khẳng định rằng làm sao cháu lại biến mất. Ở xứ ta vào thời kỳ thế giới phẳng của mạng xã hội, chẳng ai bảo ai cứ thế khẳng định luôn là "bị bắt cóc."
Chúng ta không phủ nhận vai trò mạnh mẽ của mạng xã hội, khi nó đóng góp vào rất nhiều chuyện kỳ diệu, như thân quyến tìm được nhau và tìm được một số trẻ lạc. Nhưng đến hàng loạt chuyện đánh người chỉ vì một căn cứ cực kỳ vu vơ là (nghi) "bắt cóc trẻ con" - thậm chí đến mức đốt ô tô, hủy hoại tài sản của các nạn nhân thì vấn đề đã vượt quá sức tưởng tượng.
Làm sao có thể không hoang mang rằng một ngày xấu trời, ta đi đâu đó và bị hô hoán lên, ai sẽ bảo vệ ta khỏi đám đông u mê và hung hãn kia đây? Hãy thử đặt mình vào địa vị người khác, nếu là anh doanh nhân đi mua đồ gỗ, hay là hai chị bán tăm bị đánh như thế, chúng ta có đau không?
Đánh người, đốt xe vì nghi "bắt cóc trẻ em"
Ngược dòng thời gian, cá nhân tôi "chơi" các diễn đàn online rồi đến mạng xã hội cũng đã mười mấy năm, chuyện các thành viên mang tin này, tin kia lên mạng không phải là hiếm. Nhưng với các diễn đàn online, vẫn còn có những người chịu trách nhiệm kiểm soát thông tin, thì thời của mạng xã hội bây giờ, tốc độ lan truyền quá nhanh mà tính trách nhiệm thì hầu như không có. Tính tương tác cao, gần như tốc độ phản hồi ngay lập tức làm con người ta mê muội hơn, sống ảo hơn, thích "câu like, câu view" mà "chia sẻ" hú họa bất cứ cái gì lọt vào mắt.
Cái nguy hiểm của mạng xã hội ngày nay không chỉ ở tốc độ lan truyền, mà còn ở chỗ ai chia sẻ cũng thêm vài câu mắm muối, kiểu như "Cái bọn bắt cóc trẻ con này đáng bị tùng xẻo các mẹ ạ..." Ngày mỗi ngày, cứ lên mạng gặp hết người này đến người khác, cùng một thái độ lặp đi lặp lại, người bình tĩnh thì không sao, người dễ dao động cứ thế bị dẫn dắt đi từ hết sự hận thù này đến sự hận thù khác.
Đám đông vừa đánh người đốt xe cũng vậy thôi - cũng bị dẫn dắt bởi sự hận thù. Không phải ai trong số họ cũng "lên mạng", nhưng cơ chế lan truyền thông tin trong dân chúng vẫn nguyên như vậy sau hàng trăm năm, là tin càng thất thiệt, càng giật gân thì lại càng dễ lan tỏa sâu rộng.
Sự hận thù kết hợp với u mê, đã lên đến đỉnh điểm và cho ra một hàm số, chỉ cần một câu hô hoán, một sự kích động nhỏ xíu có thể bùng lên thành một vụ bạo lực nghiêm trọng.
Ở một góc độ nào đó, phải thành thật mà nói, chúng ta đang sống trong một xã hội mà niềm tin bị xói mòn, đặc biệt là với hệ thống tư pháp và hành chính. Ở các đô thị tình hình còn khá, ở các vùng nông thôn người dân khó có thể được tiếp cận với các khái niệm chính mình cũng có quyền làm chủ đối với quá trình quản lý xã hội, cùng với nhận thức còn hạn chế của cán bộ cấp thấp gần dân, tư tưởng "phụ mẫu" thích áp dụng quyền sinh quyền sát còn rất nặng...
Hệ thống tư pháp làm việc còn chưa thực sự làm tốt nhiệm vụ xử lý "đúng người, đúng pháp luật" đã đặt những viên gạch cuối cùng của bức tường tâm lý người dân.
Khi con người ta luôn luôn phải sống với tâm trạng rằng mình đang phải chịu một sự bất công, thì cũng nảy sinh mong muốn lập lại công bằng ngay lập tức. Và cách nhanh nhất và "có vẻ an toàn" nhất chính là sử dụng bạo lực tập thể.
Chúng ta nhớ đến chuyện đánh chết, thậm chí nổi lửa thiêu chết những thanh niên trộm chó (thật và cả không phải) mấy năm trước. Nay tình hình mặc dù chưa có hậu quả nghiêm trọng bằng, nhưng về nguyên nhân thì lại nói lên rằng, xã hội đang ở trong tình thế nguy hiểm hơn. Bây giờ chỉ vì những hô hoán hết sức vu vơ, chẳng cần nhìn thấy cái bao tải đầy chó, người ta cũng có thể áp dụng "đòn hội chợ" được rồi.
Lại còn có một góc nữa cũng nguy hiểm không kém - tuần trước có tin bà con một địa phương ở Lạng Sơn kéo nhau ra trừng trị được một nhóm côn đồ đi đập phá nhà người khác. Nếu xét từ góc độ "thế trận an ninh nhân dân" thì bà con đã làm rất tốt khi vô hiệu hóa được nhóm côn đồ và giao cho chính quyền xử lý.
Nhưng giả sử chuyện không chỉ dừng ở hai chiếc taxi bị bà con lật ngửa bụng xuống ruộng, mà có yếu tố "châm lửa đốt" thì vấn đề lại khác đi nhiều lắm. Nguy hiểm là cho chính bà con, những người không hình dung ra được giới hạn của việc ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của người khác với những quyền dân sự của chính những người đó, ở đây là quyền về tài sản.
Còn cái "thằng" cộng đồng mạng thì nó vẫn chứ nhơn nhơn - bất luận trường hợp nào có cũng cứ "chia sẻ" với tốc độ chóng mặt với cùng một thái độ: "Cho chết đi." Cộng đồng mạng không hiểu sự hận thù khi đã lan truyền, một thành mười, mười thành trăm... sẽ nguy hiểm đến mức nào. Và rồi, lại cũng là "cộng đồng mạng" lờ đi trách nhiệm của mình, hôm sau chính "nó" lại lên án những người dân đang sử dụng bạo lực tập thể kia...
Nói đi thì cũng phải nói lại, ở đây có cả "vai trò" của báo chí. Nhiều báo mải chạy theo thị trường, cũng thích "câu like, câu view" và góp phần cùng mạng xã hội tác quái.
Nếu chúng ta bình tĩnh, sáng suốt trước những thông tin nhiễu loạn, cũng như không để sự kích động dẫn dắt thì làm sao có thể xảy ra những chuyện bạo lực như vậy được?
Theo Vietnamnet
Hải Dương: Giữ người, đốt ô tô Fortuner trong đêm Đêm 20.7, trên nhiều trang mạng xã hội đăng tải hình ảnh một nhóm người dân tập trung đông người kèm theo hình ảnh ô tô nhãn hiệu Toyota Fortuner bị đập phá và đốt ở xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, Hải Dương. Người dân tập trung theo dõi sự việc: Ảnh CTV Theo nội dung đăng tải trên Facebook, nguyên nhân...