Tạo thuận lợi cho sản xuất và tiêu thụ nông sản
6 tháng đầu năm 2022, ngành trồng trọt đã đạt được những bước phát triển khả quan. Dự báo, xuất khẩu gạo và nhiều nông sản chủ lực vẫn lạc quan trong 6 tháng cuối năm.
Những tín hiệu lạc quan
Theo thông tin sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 của Cục Trồng trọt ( Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tỷ trọng ngành trồng trọt đạt 43,27% trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, xuất khẩu 11,37 tỷ USD, chiếm 40,8% giá trị xuất khẩu toàn ngành. Trong đó, xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2022 ước 3,52 triệu tấn, tăng 16,2%, kim ngạch 1,72 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ 2021. Mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam là một trong 28 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trong 6 tháng năm 2022.
Nâng cao chất lượng để tăng cường giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN.
Đây là tín hiệu vui cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, vì theo đánh giá của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, mức giá gạo vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm 2021. Hiện giá gạo 5% tấm là 420 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với mức giá 470 USD/tấn năm 2021. Trong khi đó, về mặt thị trường xuất khẩu, nhu cầu ổn định từ các thị trường Philippines, Trung Quốc, châu Phi và Cuba cũng góp phần mang lại kết quả xuất khẩu quý II và 6 tháng đầu năm 2022 đầy lạc quan.
Chỉ trong nửa đầu năm 2022, Cục Trồng trọt đã kịp thời cấp gần 200 giấy chứng nhận chủng loại gạo xuất đi châu Âu và Anh hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan. Bên cạnh đó, tín hiệu lạc quan xuất khẩu các mặt hàng của ngành trồng trọt trong 6 tháng đầu năm như: Chanh leo, sầu riêng của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Sản lượng và giá trị xuất khẩu của hầu hết các cây công nghiệp lâu năm đều tăng như: Hồ tiêu sản lượng hơn 280.000 tấn, xuất khẩu 125.000 tấn, kim ngạch 566 triệu USD, tăng 14% về giá trị xuất khẩu; cao su sản xuất hơn 404.000 tấn, xuất khẩu 779.000 tấn, kim ngạch 1,35 tỷ USD, tăng hơn 12% về giá trị…
Video đang HOT
Tạo điều kiện sản xuất và xuất khẩu
Theo nhận định của Cục Trồng trọt, dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, tình hình xung đột giữa Nga – Ukraine đẩy chi phí logicstic, giá xăng dầu, phân bón và nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy gây áp lực lên ngành trồng trọt. Vì vậy, trong thời gian tới cần có những giải pháp đẩy mạnh sản xuất trong nước đối với các nguyên liệu đầu vào, để ngành chủ động sản xuất, hạn chế thiệt hại; tiếp tục tập trung tái cơ cấu nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất thông qua việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số; tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, hiệu quả…
“Các địa phương cần chủ động sản xuất, giảm thiểu các tác động tiêu cực, nhận diện những khó khăn về thời tiết bất thường, giá vật tư đầu vào tăng cao; chuỗi cung ứng bị đứt gãy do dịch COVID-19 và xung đột giữa Nga – Ukraine, để thích ứng và linh hoạt sản xuất”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Thực tế, ngành Trồng trọt phải nhận diện rõ khó khăn và nguy cơ từ nay đến cuối năm để có kế hoạch cụ thể chủ động trong sản xuất cho từng vùng, từng vụ, từng thời điểm. Điều này đòi hỏi các địa phương trong chỉ đạo, điều hành phải đảm bảo đúng kế hoạch đề ra, nhất là trong thời điểm hiện nay, sản xuất lương thực được ngành ưu tiên hàng đầu.
“Thời tiết diễn biến khó lường, khó dự báo, đặt ra những thách thức đối với các vùng sản xuất trên cả nước, vì vậy phải nhận diện được khó khăn để chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể cho sản xuất từng vùng; đồng thời, thành lập các đoàn công tác đến từng địa phương để đôn đốc chỉ đạo sản xuất đảm bảo đúng kế hoạch; ưu tiên các gói kỹ thuật để tiết giảm chi phí. Quan trọng nhất hiện nay là tập trung nâng cao chất lượng, nhưng phải giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý.
Với việc xuất khẩu nông sản chủ lực, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhận định, nhu cầu thị trường trong 6 tháng cuối năm vẫn tốt.
Thêm vào đó, giá xuất khẩu sẽ tiếp tục giữ vững ở mức cao, thậm chí có thể còn tăng do ảnh hưởng xung đột với Nga, nên Ukraine không xuất khẩu lúa mì, kéo theo giá các loại ngũ cốc và lương thực cao. Những yếu tố này được đánh giá có lợi cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam và tiếp tục thúc đẩy ngành hàng này phát triển tốt.
Từ ngày 10 – 14/7, Cao ủy Nông nghiệp Liên minh châu Âu (EU), ông Janusz Wojciechowski đã có chuyến thăm Việt Nam đầu tiên cho thấy sự quan tâm của tổ chức này với nông sản Việt. Trong chuyến thăm, ông Janusz Wojciechowski nêu rõ, hiện phía EU đang mong muốn nhập nông sản nhiệt đới của Việt Nam. Cùng với đó, EU đang đầu tư một số dự án phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp thông minh, thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Những cam kết kể trên cũng mở ra nhiều kỳ vọng để nông sản Việt Nam có cơ hội tận dụng nhiều hơn tiềm năng từ thị trường lớn này.
Bao tiêu sản phẩm nông sản cho nông dân
Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân (tỉnh Bình Định) được thành lập từ tháng 10/2020, với 10 thành viên đều là những thanh niên có mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của địa phương. Sau gần 3 năm hoạt động . Hợp tác xã đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ được hàng trăm tấn nông sản chủ lực của nông dân huyện Hoài Ân.
Vườn bưởi anh Nguyễn Văn Lưu, thôn Vạn Hội, xã Ân Tín (huyện Hoài Ân) - hộ liên kết trong chuỗi sản xuất của Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân.
Anh Thái Việt Duy, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân cho biết: Nhiệm vụ chính của Hợp tác xã là bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người dân, trong đó có 4 sản phẩm chủ lực của huyện Hoài Ân là: bưởi da xanh, dừa xiêm, gà thả đồi, trà Gò Loi. Hợp tác xã đã phối hợp với phòng Nông nghiệp huyện Hoài Ân xây dựng các chuỗi liên kết để tiêu thụ sản phẩm nông sản, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, giống cây trồng và tìm kiếm đối tác để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Hiện Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với 80 hộ dân/60 ha bưởi da xanh và một số cây có múi khác. Đặc biệt, chuỗi liên kết đã tạo ra vùng sản xuất cây ăn trái có múi thương phẩm hợp chuẩn VietGAP.
Anh Thái Thành Việt, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân (phụ trách kỹ thuật) cho biết: Đến nay, các nhà vườn tham gia chuỗi liên kết đã áp dụng thành thạo kỹ thuật canh tác hợp chuẩn VietGAP. Hợp tác xã liên tục mở rộng địa bàn để hình thành vùng nguyên liệu ổn định, đã ký hợp đồng với từng hộ; hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật canh tác hợp chuẩn, hỗ trợ các hộ dân chuyển đổi sang canh tác bưởi an toàn, truy xuất nguồn gốc dễ dàng để nâng cao uy tín sản phẩm.
Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của Hợp tác xã đã xuống tận từng nhà vườn hướng dẫn chi tiết quy trình canh tác hợp chuẩn VietGAP, trong đó chú trọng vào việc bón phân, thời gian cách ly để thu hoạch, chế độ dinh dưỡng cho cây trong giai đoạn kết trái. Đồng thời Hợp tác xã còn động viên, hỗ trợ nhà vườn chuyển dần sang hướng canh tác hữu cơ với việc sử dụng nhiều hơn các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ để tạo ra những vườn bưởi, vườn dừa sạch.
Chị Phạm Thị Lý, thôn Thanh Lương, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, chủ nhà vườn dừa đã tham gia vào chuỗi liên kết cho biết: Nhờ các bạn trẻ của Hợp tác xã Thanh niên xuống hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón hữu cơ nên chất lượng quả dừa đều, nước ngọt. Hợp tác xã thu mua tại vườn với giá tốt nên chúng tôi yên tâm vì sản phẩm đã có đầu ra ổn định, nhờ đó tiếp tục đầu tư mở rộng thêm diện tích cây trồng.
Anh Nguyễn Văn Lưu, thôn Vạn Hội, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân đang trồng khoảng 600 cây bưởi, cam và quýt, mỗi năm thu nhập khoảng 200 triệu đồng. "Trước đây, nhà vườn chúng tôi thường đối mặt với chuyện được mùa rớt giá, và do chưa nắm bắt được kỹ thuật mới nên cây trồng thường xuyên bị sâu bệnh, chất lượng sản phẩm không cao, tiêu tốn nhiều chi phí. Nhưng khi được Hợp tác xã thu mua tại vườn với giá tốt Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân ký kết bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật nên chi phí sản xuất giảm, chất lượng sản phẩm cũng tăng lên, giá bán cũng tốt hơn, sản phẩm đầu ra ổn định", anh Nguyễn Văn Lưu chia sẻ.
Dừa xiêm Hoài Ân được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu tập thể là một sản phẩm nông sản chủ lực nằm trong chuỗi liên kết sản xuất của HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân có đầu ra ổn định.
Bên cạnh việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, để mở rộng thị trường, Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân còn chào hàng trên trang thương mại điện tử Postmart của Bưu điện Việt Nam, đồng thời xúc tiến hợp đồng đưa bưởi da xanh Hoài Ân vào hệ thống siêu thị của Saigon Co.op tại Bình Định. Anh Thái Thành Việt cho biết, Hợp tác xã ký hợp đồng cung ứng 60 tấn bưởi da xanh Hoài Ân cho hệ thống Bưu điện Việt Nam trong năm 2022, đến nay đã cung ứng được 20 tấn. Tháng 5/2022, UBND tỉnh Bình Định trao tặng Bằng khen cho Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn huyện Hoài Ân giai đoạn 2020-2022.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân Hoàng Anh Thiện nhấn mạnh, Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất và làm rất tốt việc hỗ trợ kỹ thuật, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm. Hợp tác xã đã chủ động tìm kiếm thị trường, ký kết với nhiều doanh nghiệp lớn để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân Hoài Ân, nhờ đó sản phẩm có đầu ra ổn định, đồng thời nâng cao chất lượng, đưa sản phẩm nông sản Hoài Ân vươn xa hơn trên thị trường.
Giảm diện tích lúa Thu Đông 2022 vùng Đồng bằng sông Cửu Long Cục Trồng trọt cho biết, vụ Thu Đông 2022, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ 700 nghìn ha lúa, giảm 3,5 nghìn ha so với cùng kỳ. Cánh đồng mẫu lớn ở An Giang. Ảnh minh họa: Trọng Đạt/TTXVN Tại Hội nghị "Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu 2022; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông,...