Tạo sản phẩm du lịch khác biệt
Để thu hút du khách, yếu tố cần có là sản phẩm du lịch mang tính độc đáo, hấp dẫn và có chiều sâu.
Tại huyện Bù Gia Mập, sự khác biệt, đặc sắc đến từ việc phát triển những giá trị của tài nguyên hiện có, đồng thời địa phương đang xây dựng những điểm đến từ sự liên kết đơn vị, người dân làm du lịch. Điều này góp phần giúp người yêu thích khám phá tiếp cận những sản phẩm mới, hay điểm đến cũ nhưng gia tăng những trải nghiệm có tính mới lạ, hấp dẫn, đưa hình ảnh Bình Phước đến gần hơn với bạn bè.
Thú vị du lịch xanh
Ở vị trí thuận lợi, không gian yên tĩnh và đặc biệt tầm nhìn trực diện núi Bà Rá, bờ đập Đức Hạnh thuộc thôn Bình Đức 2, xã Đức Hạnh luôn tạo cảm giác mát mẻ, thư thái cho du khách… Bờ đập Đức Hạnh mang hơi hướng của một khung cảnh thôn quê với không khí trong lành, mát mẻ, tạo nên một khung cảnh đầy thơ mộng. Hướng nhìn ra là núi, nhìn xuống là nước, bờ đập thích hợp cho những bạn trẻ yêu thiên nhiên, bởi chỉ cần dừng chân tại đây ít phút là đã có những tấm hình ngoại cảnh cực kỳ thơ mộng. Chị Nguyễn Thị Hồng Ân ở xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp chia sẻ: “Ở đây tôi thấy rất đẹp vì có view núi, view hồ và đặc biệt khung cảnh gần gũi với thiên nhiên. Khi có mặt ở đây, chúng tôi vừa tham quan vừa chụp ảnh và biết thêm một cảnh đẹp của Bình Phước”.
Những dịp cuối tuần, ngày lễ, Vườn quốc gia Bù Gia Mập thu hút nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên – Ảnh: Kiều Đình Tháp
Nếu du khách đã quá quen thuộc với những địa điểm ngắm hoàng hôn hay bình minh ở những địa phương du lịch nổi tiếng thì bờ đập Đức Hạnh sẽ là điểm đến đáng trải nghiệm dành cho những ai yêu thiên nhiên. Chị Nguyễn Thị Tài Nguyên ở phường Thác Mơ, thị xã Phước Long dẫn chứng: “Tôi đến bờ đập này đã đôi lần, nhưng lần nào cảm giác cũng như lần đầu tiên vì cảnh vật ở đây rất yên bình và trong lành. Sau 1 tuần làm việc mệt mỏi, ngày nghỉ tôi cùng gia đình, bạn bè về đây tổ chức vui chơi rất thoải mái. Đây được xem là điểm du lịch xanh ở huyện Bù Gia Mập”.
Được xem là lá phổi xanh của vùng Đông Nam Bộ, Vườn quốc gia Bù Gia Mập gây ấn tượng với du khách bởi không khí trong lành, cây cối xanh mát. Ngoài cảnh vật, nơi đây còn mang đến những hoạt động thú vị, khám phá về nhiều loài động, thực vật quý. Với diện tích rộng, Vườn quốc gia Bù Gia Mập khá thuận lợi khi tham quan, khám phá cảnh vật và hiện là điểm du lịch nổi tiếng được nhiều người lựa chọn khi đến với huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Bà Bùi Kim Nga, du khách đến từ tỉnh Tây Ninh cho biết: “Tham quan ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tôi thấy rất tuyệt vời. Hy vọng lần sau đến, nơi đây vẫn là vẻ đẹp tự nhiên không bị thay đổi bởi sự tác động, xây dựng của con người, nghĩa là cứ giữ mãi hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp này”.
Video đang HOT
Đẩy mạnh du lịch cộng đồng
Trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên đang là xu hướng được ngành du lịch hướng đến. Với loại hình này, người làm du lịch dựa vào lợi thế tự nhiên để phát triển, còn du khách tìm đến đây để có cảm giác mới lạ, thư giãn. Và trước thiên nhiên trong lành, cả người làm du lịch lẫn du khách sẽ cảm thấy có trách nhiệm với môi trường, cảnh quan, từ đó ứng xử trách nhiệm hơn với thiên nhiên.
Với khoảng hơn 20 ha đất trồng lúa, khi có mặt tại điểm đến “Miền quê” ở xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, không chỉ có bức hình đẹp, du khách còn được cảm nhận không khí trong lành, mát mẻ, tận hưởng không gian thoáng đãng, được hòa mình vào thiên nhiên giữa đồng quê và tận hưởng phút giây bình yên. Chị Nguyễn Thúy Quỳnh ở xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập bày tỏ: “Hôm nay, tôi tới đây cùng bạn bè, với không khí này, cảnh vật này cả nhóm rất thích. Về đây cảm giác rất yên bình, không gian thoải mái, thích hợp rủ bạn bè đến tìm lại tuổi thơ”.
Cuộc sống đô thị ồn ào khiến nhiều người muốn tìm về với những nơi có cảnh sắc gần gũi thiên nhiên. Các khu du lịch sinh thái, du lịch xanh ra đời đáp ứng nhu cầu vui chơi, ngắm cảnh của người dân. Điều thú vị ở “Miền quê” không chỉ là điểm du lịch gần gũi, mà còn lưu giữ giá trị văn hóa khi không gian trưng bày các trang phục, nông cụ đặc trưng của miền quê.
Tọa lạc bên tuyến ĐT741, đoạn dốc Cùi Chỏ, khu dịch vụ ăn uống, vui chơi FarmStay Cùi Chỏ Bù Gia Mập đang là điểm check-in thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. FarmStay Cùi Chỏ không bị tác động nhiều nên vẫn mang vẻ đẹp hoang sơ hữu tình. Dòng suối được thiên nhiên ban tặng chảy nhẹ nhàng không ngừng nghỉ và được bao bọc bởi những hàng cây xanh, tô điểm thêm sắc màu cho bức tranh thiên nhiên nơi đây. Với tổng diện tích hơn 5 ha, không gian thoáng mát, điểm đến này được các bạn trẻ yêu thích lựa chọn để check-in, lưu giữ những tấm ảnh đẹp. Chị Ngô Bảo Ngọc ở quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh khẳng định: “Theo lời giới thiệu của người thân khi về Bình Phước, gia đình tôi đã đến FarmStay Cùi Chỏ để tham quan, trải nghiệm. Nói chung đến đây, tôi thấy rất gần gũi thiên nhiên, có dòng nước cho trẻ em chơi rất hợp lý, khung cảnh ở đây mát mẻ, thoải mái”.
Mô hình du lịch thân thiện với môi trường đang được nhiều du khách quan tâm. Với không gian rộng lớn, khí hậu trong lành, các điểm đến ở huyện Bù Gia Mập nói riêng đang góp phần vào bức tranh du lịch xanh, du lịch sinh thái của tỉnh càng đa dạng, phong phú. Qua đó, quảng bá hình ảnh địa phương, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm cũng như tăng giá trị cho bức tranh du lịch tỉnh nhà.
“Khi làm mô hình này, chúng tôi hạn chế đầu tư quá nhiều vào các hạng mục, công trình phải bê tông hóa, bởi những gì du khách tìm kiếm là một không gian mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên. Lúc đầu chỉ nghĩ làm cho vui, về sau mới nghĩ đến vấn đề cộng đồng, xây dựng hình ảnh và phát triển du lịch tại địa phương. Chúng tôi đang hướng đến những hình ảnh mộc mạc, thân thiện nhất cho du khách”.
Anh LÊ ANH HOÀNG TUẤN
chủ điểm đến “Miền quê”, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập
Bản người Mông ở Điện Biên học làm du lịch cộng đồng
Nắm được lợi thế tự nhiên có thể thu hút du khách tới tham quan, check-in, trải nghiệm, nhiều hộ người Mông tại bản Tìa Ló (xã Noong U, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) đã mạnh dạn học cách làm du lịch cộng đồng.
Cách thành phố Điện Biên Phủ 30km, bản Tìa Ló (xã Noong U, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) có 151 hộ, 100% đều là người dân tộc Mông. Trước đây, công tác xóa đói giảm nghèo ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay, bản Tìa Ló được UBND huyện Điện Biên Đông chọn làm thí điểm phát triển du lịch cộng đồng.
Đây là bản người Mông có điều kiện tự nhiên phong phú, cả bản nằm trọn trong vòng ôm của dãy núi Phù Lùng, có hồ Noong U diện tích hơn 5ha bao quanh, khí hậu mát mẻ quanh năm vì nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển.
Ngoài ra, khu vực này còn có nhiều rừng thông tạo nên khung cảnh non xanh nước biếc. Đứng ở bản Tìa Ló, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh núi rừng. Cảnh đẹp hoang sơ của Tìa Ló thu hút đông đảo du khách tới tham quan, khám phá và nghỉ dưỡng.
Năm 2023, trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên đã phối hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp mở các lớp ngắn hạn cho bà con dân tộc phát huy được giá trị văn hóa dân tộc người Mông gắn với phát triển du lịch.
Qua đó, các hộ gia đình đều bắt tay vào sửa sang nhà cửa, sân vườn, mở rộng thêm nhà để làm homestay cho du khách có thể ngủ nghỉ lại khi tới thăm quan bản Mông.
Bà con còn thực hành xây dựng mô hình, địa điểm check-in ngay tại vườn nhà. Với sự khéo léo và sáng tạo, bà con đã tạo dựng được địa điểm check-in lý tưởng, kèm với đó là các mô hình, dụng cụ quen thuộc với đời sống thường ngày của người Mông, như: Khèn, điếu cày, nhà truyền thống,... được sắp xếp đẹp mắt.
Du khách tham quan trải nghiệm tại Điện Biên. Ảnh: PV.
Huyện Điện Biên Đông đã đưa ra mục tiêu phát triển du lịch trải nghiệm bản Tìa Ló từ nay tới năm 2025, tầm nhìn 2030. Trong đó, kỳ vọng du lịch có thể mang lại thu nhập cho người dân trong bản và cũng là cách giữ gìn văn hóa truyền thống của đồng bào Mông sinh sống tại đây, hướng tới phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, gắn kết cộng đồng các dân tộc trong địa phương.
Để phát triển du lịch trải nghiệm bản Tìa Ló, bà con nhân dân cần chuẩn bị nhà cửa, nhà vệ sinh, trang trí hàng rào, quét dọn đường nội bản. Hiện tại, trong bản Tìa Ló đã có 5 hộ gia đình được thí điểm phát triển du lịch cộng đồng.
Anh Chà A Mua (bản Tìa Ló) cho biết, việc làm du lịch cộng đồng giúp du khách biết đến bản Mông của anh nhiều hơn. Anh Mua rất hào hứng nên đã tìm hiểu về du lịch trải nghiệm, xây dựng các điểm check-in ngay ở vườn nhà để thu hút du khách.
Tại xã Noong U, nhiều lớp dạy làm du lịch trải nghiệm được mở ra cho đồng bào bản Mông Tìa Ló tham gia, đặc biệt là các thanh niên. Họ xuất phát từ những người nông dân, đến nay được học làm du lịch để tương lai có thể phát triển kinh tế hộ gia đình nên ai cũng hào hứng.
Anh Hờ A Sếnh (bản Tìa Ló) cho biết, từ trước tới nay, gia đình anh chỉ phát triển kinh tế qua chăn nuôi vì ruộng trồng trọt ít. Tuy nhiên, hoạt động chăn nuôi bị phụ thuộc nhiều vào thời tiết, dịch bệnh, sản lượng manh mún nên giá trị kinh tế thấp.
Đến năm 2023, anh Sếnh được chính quyền xã tuyên truyền làm du lịch cộng đồng, gia đình anh đã đăng ký tham gia làm thí điểm ngay. Anh xây thêm nhà mới nối với nhà cũ, mở rộng diện tích nhà ở, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa để phục vụ du khách ngủ, nghỉ khi tới tham quan bản. Mô hình du lịch cộng đồng này có thể giúp anh Sếnh kiếm được tiền, trang trải cuộc sống hằng ngày.
Nhiều năm nay, huyện Điện Biên Đông đã đầu tư vào hạ tầng giao thông, xây dựng các sản phẩm du lịch tạo điểm nhấn đặc trưng của huyện... Đồng thời, chú trọng phục dựng, đề xuất công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với các lễ hội truyền thống dân tộc trên địa bàn.
Lào Cai: Nhiều hoạt động, sản phẩm du lịch mới thu hút du khách Trong những tháng còn lại của năm 2022, Lào Cai tiếp tục tổ chức các sự kiện Lễ hội mùa Đông năm 2022 tại dinh thự Hoàng A Tưởng (Bắc Hà), Lễ hội Tuyết Sa Pa năm 2022... Trong 9 tháng của năm 2022, hoạt động du lịch Lào Cai đã từng bước phục hồi và trở lại mạnh mẽ sau đại dịch...