Tạo động lực mới cho hợp tác Nhật Bản – ASEAN về khử carbon
Theo kế hoạch, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan diễn ra tại thủ đô Viêng Chăn của Lào từ ngày 8 – 11/10, Nhật Bản sẽ giới thiệu phương thức tính toán và báo cáo về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cho các quốc gia Đông Nam Á.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, nội dung trên dự kiến sẽ được đưa vào Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo các nước Nhật Bản, Australia và các quốc gia ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng không phát thải châu Á (AZEC) ngày 11/10.
Tuyên bố chung sẽ bao gồm kế hoạch hành động 10 năm cho từng lĩnh vực, với một trong những trọng điểm là xây dựng quy tắc tính toán và báo cáo lượng khí thải carbon cũng như các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Nhật Bản sẽ đề xuất các quy tắc dựa trên Luật Thúc đẩy các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu của nước này, yêu cầu các doanh nghiệp tính toán lượng khí thải và báo cáo cũng như công khai thông tin cho chính phủ. Các doanh nghiệp sử dụng tổng lượng năng lượng quy đổi sang dầu thô trên 1.500 kilolít/năm phải tuân thủ quy định này. Tính đến năm tài chính 2021, khoảng 12.000 doanh nghiệp Nhật Bản đã được đưa vào danh sách trên.
Trong khu vực ASEAN, các hệ thống tính toán và báo cáo lượng khí thải đáng tin cậy quốc tế vẫn chưa được phát triển đầy đủ. Bộ Môi trường Nhật Bản đã tổ chức các khóa đào tạo tại Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam để giới thiệu phương thức của nước này.
Video đang HOT
Do đó, dựa trên sự đồng thuận trong Tuyên bố chung, dự kiến trong tháng 10, Nhật Bản sẽ thành lập một hệ thống hỗ trợ thông qua Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) do chính phủ nước này tài trợ, để giúp triển khai các quy định. Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ bắt đầu khảo sát cụ thể tại các doanh nghiệp và truyền đạt kinh nghiệm đến chính phủ các nước trong khu vực.
Kế hoạch hành động sẽ bao gồm lộ trình báo cáo tiến độ chuẩn bị tại Hội nghị thượng đỉnh AZEC năm 2026 và mục tiêu là đến giai đoạn 2029 – 2034, các quốc gia sẽ có hệ thống tính toán và báo cáo lượng khí thải đồng bộ. Hiện nay, một số doanh nghiệp khởi nghiệp của Nhật Bản đang tiến hành triển khai phần mềm giúp minh bạch hóa lượng khí thải cho các doanh nghiệp địa phương như Zeroboard tại Thái Lan, hay Asuene tại Singapore.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động xuyên quốc gia tại khu vực Đông Nam Á, việc mỗi quốc gia áp dụng một hệ thống tính toán và báo cáo lượng khí thải khác nhau là một gánh nặng.
Nếu các quy tắc này được thống nhất, việc nắm bắt lượng khí thải trên toàn chuỗi cung ứng sẽ trở nên dễ dàng hơn và sẽ hỗ trợ Nhật Bản xây dựng cơ sở cho việc phát triển thị trường liên quan đến giảm khí thải carbon ở châu Á.
Hồi tháng 5/2023, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó các khoản phí sẽ được áp dụng cho lượng khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất các sản phẩm nhập khẩu, nhằm cân bằng điều kiện cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất tại EU – châu lục vốn đang áp dụng quy định nghiêm ngặt hơn về giảm khí thải carbon. Quy định này dự kiến sẽ được áp dụng chính thức từ năm 2026.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43: Nhật Bản công bố sáng kiến kết nối toàn diện
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 6/9, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tham dự Diễn đàn ASEAN - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AIPF) - một sự kiện thuộc chuỗi các hội nghị cấp cao của ASEAN đang diễn ra tại thủ đô Jakarta, Indonesia.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại Diễn đàn ASEAN-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AIPF) trong khuôn khổ chuỗi Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 ở Jakarta, Indonesia ngày 6/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của các nước ASEAN, khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương đang trở thành động lực thúc đẩy kinh tế thế giới đi lên. Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) và Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) đều dựa trên nguyên tắc thiết yếu là sự cởi mở, minh bạch và toàn diện, tôn trọng luật pháp quốc tế. Nhật Bản là quốc gia luôn ủng hộ vai trò trung tâm và thống nhất của ASEAN, cũng là nước đầu tiên bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với AOIP vào năm 2019. Thủ tướng Kishida cũng công bố "Sáng kiến kết nối toàn diện Nhật Bản-ASEAN" trên 6 lĩnh vực cụ thể.
Đầu tiên là phát triển cơ sở hạ tầng. Nhật Bản sẽ hỗ trợ phát triển các cảng biển, đường bộ, đường sắt và sân bay để thúc đẩy dòng người và hàng hóa giữa các nước ASEAN. Các dự án mà Nhật Bản đang triển khai hiện nay đã lên tới gần 2.800 tỷ yen (khoảng 19 tỷ USD). Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ thúc đẩy hợp tác về mặt kỹ thuật, tiếp tục cung cấp công nghệ và kiến thức của Nhật Bản cho các nước ASEAN.
Thứ hai là kết nối kỹ thuật số. Nhật Bản sẽ hợp tác để thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc số hóa của các nước ASEAN, đồng thời tăng cường kết nối khu vực bằng công nghệ kỹ thuật số và đóng góp vào việc bảo đảm an ninh mạng.
Thứ ba là hợp tác hàng hải. Đây là yếu tố quan trọng trong việc tăng cường kết nối giữa Nhật Bản và các nước ASEAN thông qua đường biển. Nhật Bản sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực thực thi pháp luật hàng hải bằng cách hỗ trợ đào tạo nhân viên hoặc cung cấp tàu tuần tra cho các lực lượng bảo vệ bờ biển.
Thứ tư là tăng cường chuỗi cung ứng. Để ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 và xung đột quân sự Nga - Ukraine, việc đảm bảo dòng hàng hóa ổn định và an ninh lượng thực là vấn đề rất quan trọng. Nhật Bản sẽ đóng góp tích cực vào việc củng cố chuỗi cung ứng trong ASEAN và cùng nhau xây dựng một nền kinh tế bền vững trước các cuộc khủng hoảng.
Thứ năm là khả năng kết nối nguồn điện. ASEAN là nơi đang có tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng và nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng.
Để đảm bảo nguồn cung điện ổn định, Nhật Bản sẽ hỗ trợ cải thiện kết nối nguồn điện thông qua việc xây dựng quy hoạch tổng thể và đào tạo con người.
Thứ sáu là kết nối con người và tri thức. Hỗ trợ phát triển của xã hội chính là con người và tri thức. Nhật Bản sẽ hợp tác phát triển nguồn nhân lực ở các nước ASEAN thông qua các chương trình trao đổi nhân sự, đào tạo nhân sự trên nhiều lĩnh vực, đồng thời tăng cường mạng lưới giao lưu hợp tác giữa Nhật Bản và các nước ASEAN. Nhật Bản sẽ triển khai kế hoạch đào tạo 5.000 nhân sự trong 3 năm tới trong các lĩnh vực nói trên.
Kết thúc bài phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Kishida cho biết vào tháng 12 tới, để kết thúc năm kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác Nhật Bản - ASEAN, Nhật Bản sẽ mời lãnh đạo các nước ASEAN đến thủ đô Tokyo và tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt Nhật Bản - ASEAN. Khi đó, Nhật Bản hy vọng sẽ cùng lãnh đạo các nước ASEAN xây dựng một tầm nhìn chung giúp định hình hướng đi của quan hệ song phương cũng như phương hướng hợp tác trong tương lai.
Nhật Bản sẽ triển khai các sáng kiến hợp tác một cách sâu rộng trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa và xã hội, đồng thời thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân, cũng như hỗ trợ giáo dục đào tạo tiếng Nhật. Với những nỗ lực này, Nhật Bản hy vọng sẽ cùng các nước ASEAN tiến lên phía trước, truyền lại tinh thần của tình hữu nghị Nhật Bản - ASEAN cho thế hệ tiếp theo và biến kỷ nguyên mới này thành cơ hội để hai bên cùng phát triển.
Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ sự thống nhất ASEAN Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 6/9, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Nhật Bản lần thứ 26 tại Jakarta, Thủ tướng Nhật Bản, ông Kishida Fumio khẳng định nước này ủng hộ mạnh mẽ sự thống nhất ASEAN và việc lồng ghép Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình...