Tăng vốn cho Agribank, nhu cầu cấp thiết
Agribank là ngân hàng 100% vốn Nhà nước, nhưng thời gian qua chưa được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ. Do đó tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản, khiến tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng bị suy giảm.
Khách hàng giao dịch tại Agribank, chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
9 năm chưa được tăng vốn điều lệ
Tăng vốn điều lệ cho ngân hàng để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn và tăng trưởng tín dụng là vấn đề cần thiết với nhóm ngân hàng quốc doanh vốn có ít quyền chủ động hơn so với các ngân hàng thương mại. Với Agribank, do là ngân hàng 100% sở hữu Nhà nước nên vốn điều lệ chỉ có thể được bổ sung từ ngân sách. Tuy nhiên, Agribank chưa được tăng vốn điều lệ trong 9 năm qua khiến tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản, tỷ lệ an toàn vốn sụt giảm mạnh và thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân. Nếu tính theo chuẩn mực vốn Basel II, tỷ lệ an toàn vốn tại cuối năm 2019 chỉ đạt 7,3%, tại cuối tháng 3/2020 chỉ đạt 6,9%, không bảo đảm yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định.
Năm 2019, Agribank đã nộp NSNN 6.300 tỷ đồng. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Agribank dự kiến vẫn đóng góp cho ngân sách tương đương năm ngoái, trong đó riêng khoản lợi nhuận sau thuế đóng góp cho ngân sách là hơn 3.500 tỷ đồng (nếu không được tăng vốn). Như vậy, khoản 3.500 tỷ đồng ngân sách cấp cho Agribank năm nay (nếu được Quốc hội thông qua) được lấy từ chính lợi nhuận của ngân hàng.
Do chưa đáp ứng chuẩn mực Basel II nên Agribank đang được thực hiện tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Thông tư 22. Vốn điều lệ của Agribank hiện đạt 30.591 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn vào cuối 2019 là 9,2%, cận kề ngưỡng tối thiểu theo quy định (9%) tại Thông tư 22.
Video đang HOT
Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng chia sẻ, nếu không được cấp vốn điều lệ trong năm nay, Agribank tăng trưởng tín dụng cao nhất chỉ 5%, không đạt chỉ tiêu 9 – 10% mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao. “Lợi nhuận cũng sẽ giảm hơn 20% về mức 11.000 tỷ, trong khi nếu tăng được vốn ngân hàng dự kiến lãi trên 12.000 tỷ” – bà Phượng nói. Lãnh đạo Agribank cho biết thêm, ngân hàng cũng đã dùng mọi cách để chủ động tăng vốn, tuy nhiên dư địa phát hành trái phiếu cũng gần cạn nên chỉ có cách Nhà nước cấp vốn để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn và tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông thôn.
Hiện nay, dư nợ tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn đang của Agribank chiếm 70% tổng dư nợ của ngân hàng và chiếm 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Tổng số tiền lãi mà Agribank đã hỗ trợ cho khách hàng theo các chương trình hỗ trợ, cấp bù chênh lệch lãi suất đến ngày 31/12/2019 là 4.263 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng số tiền mà Agribank chưa được NSNN thanh toán cấp bù là 2.838 tỷ đồng. Việc ngân sách chậm chi trả tiền cấp bù gây khó khăn lớn cho ngân hàng trong việc bố trí nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách.
Xin cấp lại 3.500 tỷ đồng từ nguồn lãi sau thuế
Vào ngày 8/6 vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank bằng nguồn tăng thu tương ứng lãi sau thuế ngân hàng này nộp ngân sách năm 2020. “Nếu không tăng vốn điều lệ cho Agribank ngay trong năm 2020, sẽ không thể đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế, nhất là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn” – Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nói. “Ngoài ra, các chỉ tiêu tăng trưởng của Agribank bị ảnh hưởng trực tiếp, ảnh hưởng đến an toàn trong hoạt động ngân hàng, giảm vị thế, vai trò trong hệ thống các tổ chức tín dụng và nguy cơ hạ mức xếp hạng tín nhiệm từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế là hiện hữu” – ông Lê Minh Hưng nói.Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đồng ý với đề xuất của Chính phủ về nguồn bổ sung vốn điều lệ cho Agribank lấy từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách T.Ư 2019. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý, nếu Quốc hội chấp thuận, Chính phủ, NHNN phải bảo đảm việc bổ sung vốn đúng thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục quy định về sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách; chỉ đạo Agribank tiếp tục thực hiện các giải pháp tích cực bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo quy định pháp luật.
Tìm cách tăng vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước
Có thể tăng vốn cho một số ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu theo danh mục doanh nghiệp được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn.
Hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh tiền tệ. Ảnh: Tường Lâm
Nội dung này đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến tại Dự thảo Nghị định sửa các quy định liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đầu tư, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Việc tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước là yêu cầu bức thiết đã từng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nêu tại các kỳ họp Quốc hội với kiến nghị cho phép dùng ngân sách nhà nước để tăng vốn cho các ngân hàng này. Tuy nhiên, Khoản 7 Điều 4 Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 quy định không sử dụng ngân sách nhà nước để cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng. Do đó, việc tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước bằng ngân sách nhà nước là không phù hợp.
Liên quan đến nội dung này, Bộ Tài chính cho biết, Bộ vừa hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 126/2018/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Trong đó đã bổ sung "ngân hàng thương mại Nhà nước giữ cổ phần chi phối" vào danh mục ngành, lĩnh vực doanh nghiệp được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước.
Theo một thành viên của Ban soạn thảo, nếu nội dung tăng vốn như trên tại Dự thảo Nghị định sửa đổi được ban hành, các ngân hàng cổ phần này có thể tăng vốn điều lệ thông qua sử dụng một phần cổ tức của doanh nghiệp để bổ sung vốn điều lệ theo cách chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Theo đó, khi ngân hàng quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu sẽ tăng quy mô vốn điều lệ nhưng vẫn giữ tỷ lệ góp vốn của các cổ đông. Điều này cũng phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13), Luật Ngân sách nhà nước năm 2015. Theo đó, cổ tức được chia bằng tiền là nguồn thu ngân sách nhà nước, còn cổ tức bằng cổ phiếu của cổ đông Nhà nước khi được bán thì số tiền thu được mới là nguồn thu của ngân sách nhà nước.
Chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ đầu tháng 12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) là một trong những tỷ lệ quan trọng trong hoạt động tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, CAR của 4 ngân hàng thương mại nhà nước, gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank đã "tiến sát ngưỡng cho phép" theo quy định Basel II. Trong trường hợp các ngân hàng này không được tăng vốn, hệ quả là có thể phải hạn chế cấp tín dụng, thậm chí ngừng cấp tín dụng.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật số 69/2014/QH13, chỉ có một số loại hình doanh nghiệp được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Hướng dẫn nội dung này, Nghị định 91/2015/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP cụ thể hoá danh mục về lĩnh vực Nhà nước phải bổ sung vốn để giữ tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trong đó, không có "ngân hàng thương mại Nhà nước giữ cổ phần chi phối".
Hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước có vai trò quan trọng là công cụ bảo đảm an ninh tiền tệ, nên theo một thành viên Ban soạn thảo, cách bổ sung danh mục như trên vừa phù hợp với Luật Doanh nghiệp hiện hành, Luật số 69/2014/QH13 và đảm bảo thực hiện đúng chủ trương tại Nghị quyết 25/2016/QH14.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) không thuộc đối tượng này, bởi vì đây là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do Nhà nước làm chủ sở hữu 100% vốn điều lệ, không thuộc diện doanh nghiệp được đầu tư bổ sung vốn như vậy. Mặt khác, Agribank là doanh nghiệp đã có kế hoạch cổ phần hóa trong năm 2020, do đó, có thể tăng vốn thông qua việc cổ phần hoá, tức là có thể phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Xuân Yến
Theo baodauthau.vn
Thống đốc Lê Minh Hưng giải trình làm rõ các vấn đề liên quan đến tăng vốn cho Agribank Theo Thống đốc, Agribank là ngân hàng duy nhất còn lại nhà nước sở hữu 100% vốn, trong quá trình cổ phần hóa gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định nên cần thiết phải có nguồn vốn ngân sách nhà nước để tăng. Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 10/6, trong phiên thảo luận...