Tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng 6 tháng đạt 3,26%
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 6/2020, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 3,26%, bằng nửa năm ngoái và còn rất xa mục tiêu 14% cả năm.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, 3,26% là con số dễ hiểu bởi dịch Covid-19 và phù hợp với mức tăng trưởng GDP 6 tháng chỉ đạt 1,81% của Việt Nam.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, nếu so sánh với cùng kỳ thì đây rõ ràng là con số rất thấp, 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng tín dụng là 7,36% và 6 tháng năm 2018 là 7,82%.
Video đang HOT
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong điều hành tín dụng, bám sát diễn biến dịch Covid-19, NHNN kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đảm bảo chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, khôi phục nhanh chóng sản xuất – kinh doanh.
Theo nhận định từ chuyên gia kinh tế về thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu Ngân hàng HSBC nêu quan điểm, mặc dù Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng quý so với cùng kỳ yếu nhất trong lịch sử, nhưng trong quý II vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, gây ngạc nhiên cho thị trường với mức tăng trưởng dương.
Theo đó, HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 lên 3% từ mức 1,6% dự báo trước đó và giảm mức dự báo tăng trưởng năm 2021 từ mức 9,1% xuống 8,5%.
Ngoài ra, HSBC nâng dự báo lạm phát của Việt Nam trong năm 2020 từ mức 2,7% lên mức 3,3% do giá thực phẩm dự báo tiếp tục tăng. Với sự phục hồi tăng trưởng nhanh hơn dự kiến và lạm phát được kiểm soát tương đối trong năm nay, HSBC không kỳ vọng NHNN sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản của lãi suất trong quý III. Mức lãi suất tái cấp vốn của NHNN sẽ được giữ nguyên ở mức 4,5%/năm trong suốt năm 2020.
Một nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt phân tích, trong các tháng cuối năm, tín dụng được dự báo sẽ tăng nhanh hơn 6 tháng đầu năm nhưng mức độ tăng sẽ chỉ ở mức vừa phải. Tăng trưởng tín dụng cho cả năm được dự báo ở quanh mức 10%.
Standard Chartered dự báo tăng trưởng của Việt Nam đạt 3,3% trong năm 2020
Chiều 23/4, Ngân hàng Standard Chartered công bố Báo cáo Nghiên cứu Toàn cầu - Triển vọng Kinh tế quý 2/2020 với tựa đề "Darkest before the dawn" (tạm dịch là Bóng tối trước bình minh). Báo cáo này đã đưa ra dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2020 và chỉ đạt 3,3% do ảnh hưởng của nhiều thách thức bên ngoài.
Công nhân sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty cổ phần may Tiên Hưng (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Cụ thể, ông Chidu Narayanan, Chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ, hiện tại Việt Nam đã hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu nhờ lĩnh vực sản xuất phát triển mạnh mẽ. Tỷ lệ giao dịch thương mại so với GDP đã tăng lên 300% và nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ cao nhất tại châu Á nên Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của thế giới.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế Mỹ, các quốc gia thuộc khu vực đồng Euro... có khả năng đi vào suy thoái và nhu cầu thế giới suy giảm sẽ ảnh hưởng lên tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020. Đơn cử như tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất sẽ giảm mạnh do ảnh hưởng của nhu cầu thế giới sụt giảm, với tốc độ tăng trưởng năm nay ước đạt 3% so với mức 11% trong năm 2019.
Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất cũng được dự báo có mức đóng góp vào tốc độ tăng GDP nói chung sẽ giảm 1,6 điểm phần trăm so với năm 2019. Đồng thời, với vốn chiếm tỷ trọng 19% GDP và đóng góp gần 1/3 vào tăng trưởng GDP trong những năm gần đây, lĩnh vực sản xuất có thể sẽ trở thành kênh chính truyền dẫn những tác động từ môi trường bên ngoài vào Việt Nam.
Lĩnh vực dịch vụ cũng đang chiếm tỷ trọng gần 40% GDP, được dự báo sẽ giảm tốc trong năm 2020 với mức tăng trưởng ước đạt 4% năm so với mức 7,3% trong năm 2019 và đóng góp vào tăng trưởng GDP nói chung giảm 1 điểm phần trăm so với năm 2019. Lĩnh vực sản xuất tăng trưởng chậm lại, hoạt động nội địa suy giảm cùng với biện pháp cách ly xã hội (gồm hạn chế tụ tập đông người) là những nguyên nhân sẽ tác động tới nhu cầu mua sắm tiêu dùng.
Đối với ngành du lịch đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể do tác động của lệnh hạn chế đi lại giữa các quốc gia trong bối cảnh dịch COVID-19. Do đó, Ngân hàng Standard Chartered dự báo lượt khách du lịch đến Việt Nam sẽ giảm mạnh khoảng 60% trong năm 2020.
Tương tự, tăng trưởng xuất khẩu được dự báo sẽ giảm tốc đáng kể trước ảnh hưởng của nhu cầu thế giới, nhưng tăng trưởng nhập khẩu cũng sẽ có xu hướng tương tự với mức tăng sẽ thấp hơn xuất khẩu, dẫn đến cán cân thương mại sẽ tiếp tục thặng dư trong năm 2020.
Đặc biệt, trong xu thế này, dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng được dự báo sẽ giảm xuống dưới 10 tỷ USD trong năm 2020 và tiếp tục suy giảm nếu những lo ngại liên quan đến dịch bệnh còn kéo dài trong nửa cuối năm. Các hoạt động xây dựng cũng sẽ chậm lại do yếu tố tâm lý thị trường và vốn FDI giảm.
Theo các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered, đồng tiền Việt Nam (VND) sẽ tiếp tục giảm giá trong ngắn hạn trong bối cảnh nhu cầu của thế giới, hoạt động du lịch và dòng vốn FDI sụt giảm cũng như sự suy yếu của những đồng tiền khác trong khu vực. Trong trung hạn, trạng thái cân bằng đối ngoại (external balances) của Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục được duy trì và dự báo VND sẽ có những diễn biến tích cực.
Mỹ Phương
Quý I/2020: Lợi nhuận Chứng khoán SSI thấp nhất 10 năm, HSC và VPS lội ngược dòng tăng trưởng Bên cạnh các doanh nghiệp lỗ nặng hay lợi nhuận sụt mạnh trong quý I/2020 vì hoạt động tự doanh thì vẫn có công ty ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng. Việc thị trường chứng khoán cùng nhiều cổ phiếu tạo đáy vào cuối tháng 3 cũng là thời điểm doanh nghiệp chốt sổ quý I khiến danh mục đầu tư của các...