Tăng trưởng tín dụng thấp: Có gì băn khoăn?
Tăng trưởng kinh tế cao trong khi tăng trưởng tín dụng được kiềm chế ở mức vừa phải là tín hiệu tích cực về chất lượng tăng trưởng kinh tế và dòng chảy của nguồn vốn. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm hoài nghi đằng sau sự lạc quan này.
Về dài hạn, việc khai thác tốt các nguồn vốn phi ngân hàng sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp không dựa hoàn toàn vào tín dụng
Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2018, tăng trưởng tín dụng ước đạt khoảng 14%, cách biệt đáng kể so với mức định hướng 17% từ đầu năm và thấp hơn hẳn so với con số 18,17% của
năm 2017.
Chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, bên cạnh sự lạc quan về mức tăng trưởng tín dụng thấp, vẫn còn một số ý kiến cho rằng cần đặt dấu hỏi về khả năng huy động vốn của nền kinh tế để đạt mức tăng trưởng kinh tế cao như vậy.
“Năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tín dụng chặt chẽ và linh hoạt. Tuy nhiên, trao đổi với các doanh nghiệp TP.HCM về khả năng vay vốn ngân hàng, nhiều doanh nghiệp cho biết, việc tiếp cận vốn tín dụng của họ vẫn khá khó khăn. Do đó, không ít doanh nghiệp chấp nhận trả lãi cao hơn ngân hàng để vay từ những kênh cấp vốn phi chính thức”, ông Dương cho biết.
Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng dành cho xuất khẩu chỉ ở mức 4% trong khi kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng 13,2% trong năm qua. “Với mức tăng trưởng tín dụng thấp, khu vực xuất khẩu lấy vốn ở đâu để đạt mức tăng trưởng kim ngạch cao như vậy? Có thể biện hộ là tín dụng vào công nghiệp chế biến, chế tạo ở mức cao và lĩnh vực xuất khẩu hưởng lợi từ đó, điều này cũng có thể xảy ra. Song nhìn từ khía cạnh khác, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, họ lại không dựa vào tín dụng trong nước mà dựa vào nguồn vốn từ nước ngoài”, ông Dương phân tích và lưu ý: “Cả hai khả năng nêu trên đều cần được xem xét thấu đáo trong thời gian tới để hiểu rõ hơn về dòng tín dụng và hoạt động của các khu vực kinh tế”.
Cũng theo vị trưởng ban này, không thể phủ nhận là chất lượng tăng trưởng tín dụng đã tốt hơn trong những năm gần đây và sẽ tiếp tục cải thiện trong những năm tới, song cũng cần quan sát kỹ hơn nguồn vốn tín dụng của nền kinh tế. Do đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 ở mức 6,8% và định hướng tăng trưởng tín dụng dưới 14% nếu đạt được sẽ hỗ trợ tốt cho các giai đoạn tiếp theo.
Video đang HOT
Đánh giá về điều này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, đây là chuyển động khả quan về dòng vốn trên thị trường, đồng thời cho thấy giá trị gia tăng của tăng trưởng đã thiên về việc cải cách từ nguồn cung, gia tăng chất lượng cải cách, nhờ đó, hỗ trợ tốt cho quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động.
“Vẫn có một số ý kiến đặt câu hỏi là nền kinh tế lấy vốn ở đâu để đạt mức tăng trưởng cao như vậy trong khi cung tín dụng hạn chế? Cần lưu ý, năm 2018, thị trường chứng khoán đã có một số tín hiệu tích cực với khối lượng và giá trị phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp ở mức cao. Về dài hạn, việc khai thác tốt các nguồn vốn phi ngân hàng sẽ có tác động đáng kể giúp nền kinh tế giảm tổn thương nếu có các cú sốc từ bên ngoài”, ông Cung nhấn mạnh.
Cân nhắc quy mô phát hành trái phiếu chính phủ
Năm 2018, tăng trưởng tín dụng ước đạt khoảng 14%. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng dành cho xuất khẩu chỉ ở mức 4%, trong khi kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng 13,2% trong năm qua.
Liên quan đến việc điều tiết nguồn vốn tín dụng trong nền kinh tế, một trong các yếu tố được xem xét là nguồn cung trái phiếu chính phủ (TPCP). Số liệu thống kê cho biết, tính chung cả năm 2018, tổng giá trị phát hành TPCP đạt 165,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với năm 2017. Tổng giá trị phát hành năm 2018 vẫn thấp hơn so với kế hoạch, dù mức kế hoạch này đã được điều chỉnh giảm từ 200 nghìn tỷ đồng còn 175 nghìn tỷ đồng vào tháng 10/2018.
Theo Kho bạc Nhà nước, một trong các yếu tố làm giảm khối lượng huy động TPCP so với kế hoạch là do yêu cầu gắn khối lượng phát hành với nhu cầu giải ngân dự án đầu tư. Ở khía cạnh khác, theo đánh giá của CIEM, việc giữ quy mô phát hành TPCP ở mức vừa phải đã hỗ trợ việc điều hành tiền tệ trong bối cảnh giải ngân tín dụng không được nới, qua đó tránh được áp lực đối với thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ông Dương cho rằng, cần cân nhắc quy mô phát hành TPCP trong thời gian tới để hỗ trợ định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 14% trong năm 2019. “Nếu TPCP được phát hành ở quy mô lớn thì điều hành chính sách tiền tệ sẽ gặp khó. Do đó, cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác để giảm áp lực điều tiết vốn cho nền kinh tế từ hệ thống ngân hàng”, ông Dương nhấn mạnh.
Hoàng Oanh
Theo baodauthau.vn
Ngân hàng siết tín dụng, các nhà phát triển dự án phải làm mới mình
Thị trường bất động sản năm 2019 là một sân chơi thú vị cho các nhà phát triển dự án, với cơ hội thể hiện lợi thế cạnh tranh, bản sắc thương hiệu và tạo thêm nhiều giá trị mới cho người mua nhà.
Việc thắt chặt chính sách tín dụng đối với các ngân hàng là một động thái tốt để đảm bảo thị trường bất động sản không quá nóng và về lâu dài là một yếu tố tích cực cho người mua nhà.
Tâm lý trái chiều
EZ Land là nhà đầu tư bất động sản thuộc Quỹ đầu tư quốc tế KEY SICAV SIF tại Luxembourg. Với nguồn vốn mạnh từ châu Âu, công ty tập trung vào phân khúc tầm trung ở TP.HCM với dự án đầu tiên là HausNeo tại quận 9, vốn đầu tư 25 triệu USD.
Ông Đỗ Ngọc Olivier Dũng, Giám đốc điều hành EZ Land cực kỳ lạc quan về triển vọng thị trường trong vài năm tới, dù Việt Nam đang có chính sách siết chặt nguồn tín dụng vào lĩnh vực này.
"Được hỗ trợ vốn bởi một quỹ đầu tư của Luxembourg, chúng tôi có thể linh hoạt hơn trong việc phát triển các dự án, cho phép người mua có thể sở hữu nhà với phương thức thanh toán ưu đãi", ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, đó cũng là cách thức giúp các doanh nghiệp tạo ra giá trị thặng dư trong dài hạn, đồng thời hỗ trợ tích cực cho người mua nhà các khoản vay ưu đãi, giúp họ có thể sở hữu nhà một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, để có được nguồn tín dụng này, đòi hỏi các dự án phải kiểm soát được chất lượng và tiến độ thi công, bàn giao. Điều này cũng có nghĩa, các nhà phát triển dự án cần nỗ lực để tạo ra những sản phẩm mang tính cạnh tranh.
Theo ông Dũng, việc thắt chặt chính sách tín dụng đối với các ngân hàng là một động thái tốt để đảm bảo thị trường bất động sản không quá nóng và về lâu dài là một yếu tố tích cực cho người mua nhà. Tất nhiên, điều này sẽ gây áp lực lên các nhà phát triển không có nguồn vốn tốt và ảnh hưởng đến sự quan tâm của người mua và nhà đầu tư trong ngắn hạn.
"Ngân hàng siết vốn sẽ gây khó khăn cho phát triển dự án", ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch Tập đoàn Kosy tỏ ra không vui với chính sách thắt chặt tín dụng. Năm 2019, Kosy sẽ triển khai một số dự án lớn, dự tính vốn vay khoảng 2.500 tỷ đồng, trong đó 1.800 tỷ đồng từ ngân hàng, còn lại là nguồn khác, có thể tiếp cận qua thị trường chứng khoán, hợp tác đầu tư... Kosy dự kiến đầu năm 2019 sẽ chuyển niêm yết từ sàn UPCoM sang HOSE.
Ông Cường cho rằng, với thị trường bất động sản hiện nay thì chưa cần phải kiểm soát vốn chặt chẽ, vì Việt Nam cần phải đẩy mạnh đô thị hoá, giảm giá nhà, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân. Hơn nữa, thị trường đang có xu hướng trầm lắng, thanh khoản thấp ở nhiều phân khúc...
Nhiều doanh nghiệp khác cũng cho rằng, động thái thắt chặt tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước sẽ khiến hoạt động mua bán cũng như triển khai dự án mới gặp khó khăn, người mua không tiếp cận được khoản vay ngân hàng để mua và doanh nghiệp không có đủ nguồn vốn để triển khai dự án.
Đi vào nhu cầu thực
Ngân hàng Nhà nước muốn kiểm soát dòng tín dụng vào bất động sản theo hướng đi vào nhu cầu thực của người dân. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này phải tự tạo lợi thế cạnh tranh cho mình ở từng phân khúc cụ thể.
Với Dự án HausNeo của EZ Land, ngoài lợi thế vốn cho phép chủ đầu tư này đưa ra thị trường những căn hộ có giá vừa phải (khoảng 1,4 tỷ đồng/căn 2 phòng ngủ), với chính sách thanh toán linh hoạt, người mua chỉ cần trả 47% giá trị căn hộ cho đến ngày nhận nhà. Với căn hộ hai phòng ngủ, người mua đặt cọc 450 triệu đồng. Suốt quá trình xây dựng, mỗi tháng họ chi trả 1%, tương đương 15 triệu đồng, cứ như vậy, hoàn thành thanh toán 47% cho đến khi nhận nhà.
Ngoài ra, chủ đầu tư này còn trình diễn điểm mạnh về thiết kế kiến trúc của dự án, tối ưu hoá công năng, giảm thiểu chi tiết thừa, căn hộ tạo cảm giác rộng rãi, thoáng đãng hơn nhiều dự án khác, dù cùng một diện tích và còn bảo đảm cho người mua về chất lượng xây dựng, nội thất căn hộ.
EZ Land đặt mục tiêu lên top các nhà đầu tư phân khúc tầm trung. Công ty sẽ tung ra thị trường 1.500 - 2.500 căn hộ/năm và đặt mục tiêu trở thành đơn vị thu hút nhà đầu tư ngoại vào thị trường căn hộ Việt Nam. Sau HausNeo, EZ Land tiếp tục có thêm nhiều dự án. Tuy nhiên, để tìm được đất cho dự án 500 - 600 căn hộ để tối ưu giá xây dựng, đảm bảo quy mô dự án mà vẫn có mức giá tốt là điều không đơn giản.
Với trường hợp của Kosy, năm 2018, tập đoàn này đã tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng thành công. Song, ông Nguyễn Việt Cường cho rằng, quan trọng là cần chọn phân khúc thị trường phù hợp với chiến lược và thế mạnh của doanh nghiệp. Chẳng hạn, thay vì theo đuổi phân khúc cao cấp đang dư thừa nguồn cung và cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp nước ngoài, Kosy có thể tìm kiếm lợi nhuận ở phân khúc trung bình khá, đáp ứng nhu cầu ở thực và được Chính phủ khuyến khích, tạo nhiều ưu đãi. Ngoài ra, lựa chọn dự án đẹp, có vị trí thuận lợi, phù hợp, dễ thanh khoản, giảm thiểu tối đa hàng tồn kho và thu hồi vốn nhanh.
Quy mô thị trường bất động sản hiện nay vào khoảng 25 tỷ USD, trong khi tổng dư nợ đã lên đến gần 20 tỷ USD (tương đương hơn 450.000 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2017) chiếm 80% nguồn vốn chảy vào bất động sản. Trong khi ở các nước khác, tỷ lệ này vào khoảng 35%. Điều này cho thấy, cơ cấu vốn đầu tư vào thị trường bất động sản còn bất hợp lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Việc ban hành Thông tư số 06/2016/TT-NHNN ngày 27/05/2016, Thông tư số 19/2017/TT-NHNN ngày 28/12/2017, hay Công văn số 563/NHNN-TTGSNH quy định giới hạn tỷ lệ tín dụng đầu tư vào bất động sản, là một động thái thắt chặt của Ngân hàng Nhà nước đã tạo ra thách thức, nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp giảm dần sự phụ thuộc vào ngân hàng, tìm cách tự chủ nguồn vốn, góp phần đưa thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn.
Theo Dautubds.baodautu.vn
Thêm một nguồn tiền trở lại hệ thống ngân hàng Trong những phiên đầu tuần này, hệ thống ngân hàng bắt đầu ghi nhận sự trở lại của nguồn vốn từ lượng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đáo hạn. Cân đối vốn hệ thống đã thuận lợi hơn trước, khi thị trường ghi nhận đã có tuần Ngân hàng Nhà nước hút ròng 8.280 tỷ đồng, thay vì hoạt động bơm ròng...