“Tăng trưởng kinh tế giảm sút, năng suất thấp hơn và màu xanh ít đi”
Đây là một trong những lo ngại của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại Hội thảo “Lồng ghép các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh vào Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cấp tỉnh” được tổ chức sáng nay (31/10).
Theo ông Cung, trong bối cảnh Việt Nam đang gặp phải vấn đề về biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đặc biệt là ô nhiễm môi trường do phát triển kinh tế xã hội ở nhiều tỉnh thành song khái niệm tăng trưởng xanh vẫn còn được hiểu mơ hồ trong nhận thức và không mấy ai quan tâm trong hành động.
“Chúng ta đã có cả Chiến lược tăng trưởng xanh, Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, có kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm nhưng những kế hoạch chiến lược này được thực hiện riêng lẻ, tách biệt với tăng trưởng xanh. Điều này khiến tăng trưởng kém hiệu quả, thiếu nguồn lực tăng trưởng dài hạn, dẫn đến tăng trưởng giảm sút”, mở đầu Hội thảo, Viện trưởng Cung nói rõ thực trạng.
Tăng trưởng xanh, nền kinh tế cacbon thấp đã và đang được nhiều nước áp dụng
Hiện, khái niệm tăng trưởng xanh được hiểu và định nghĩa nhiều cách khác nhau, nhưng tựu chung các nước phát triển đã và đang áp dụng với bản chất là: tăng trưởng gắn với bảo vệ môi trường; tăng trưởng kinh tế (công, nông ngư nghiệp) gắn với hài hòa, bảo vệ lợi ích con người, môi trường và xã hội. Tăng trưởng xanh còn là hiệu quả của tăng trưởng khi khai thác các nguồn lực tự nhiên có sẵn một cách hiệu quả, lâu dài mà không tác động xấu đến môi trường…
Thời gian qua, nhiều quốc gia phát triển đưa khái niệm, cách thức tăng trưởng xanh vào tiêu chí đánh giá tốc độ và chất lượng tăng trưởng quốc gia. Hiệu quả tăng trưởng xanh đã thấy rõ ở các nước phát triển khi tỷ lệ tăng trưởng tỷ lệ nghịch với khí thải, chất thải (tăng trưởng cao, khí thải, phát thải và ô nhiễm môi trường thấp).
TS Cung nhấn mạnh: Tại Việt Nam, chiến lược tăng trưởng xanh được Chính phủ ban hành từ năm 2012, năm nào cũng có Diễn đàn, hội nghị tổng kết nhưng đến nay 2/3 số địa phương chưa xây dựng kế hoạch, thực hiện chiến lược này. Ở những tỉnh đã xây dựng kế hoạch hành động thì cũng không bố trí được nguồn kinh phí thực hiện. Lý do khách quan là Chiến lược xanh được ban hành năm 2012 ra đời khi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2011-2015 đã được phê duyệt. Nhưng lý do chủ quan đó là, chính quyền địa phương cũng không có sức ép thực hiện, không thấy đây là việc cần phải ưu tiên thực hiện.
Video đang HOT
“Với chính quyền địa phương, đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế vẫn là áp lực, vẫn là thành tích. Còn ‘xanh’ hay ‘không xanh’ chưa không phải là chỉ tiêu đánh giá”, TS Cung nói.
Để khắc phục, Viện trưởng Cung nhấn mạnh: “Hơn lúc nào hết, các địa phương cần lồng ghép mục tiêu tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển cấp địa phương, làm địa phương trước rồi áp dụng cho cả nước. Tăng xanh phải là chủ đạo chứ không phải đi bên lề trong tư duy phát triển. Nếu chúng ta không thực hiện, sẽ không còn đà tăng trưởng, nền kinh tế sẽ rơi vào nguy cơ càng dốc nguồn lực tăng trưởng thì càng thụt lùi. Tăng trưởng kinh tế giảm sút, năng suất thấp, màu xanh ít đi”.
Về vấn đề tăng trưởng xanh trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, ông Đào Đức Huấn, Viện nghiên cứu Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho hay: Vấn đề hiện nay là đâu là động lực để thúc đẩy địa phương làm và lồng ghép thế nào để hiệu quả? Lồng ghép kế hoạch bằng cách đưa vào các chỉ tiêu hay không hay chỉ là lồng ghép kế hoạch ở cấp ngành? Điều này rất quan trọng để tạo sức ép đổi mới hành động.
Ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện CIEM cho rằng: Vấn đề tăng trưởng xanh là cấp thiết trong mục tiêu phát triển nhưng nguồn lực được bố trí ở địa phương không nhiều, lại ra đời sau khi kế hoạch phân bổ vốn giai đoạn 2011 – 2016. Trong kế hoạch 5 năm 2016-2020, nhiều địa phương không quan tâm đến tăng trưởng xanh, một thước đo của nhiều nước phát triển về hiệu quả sử dụng nguồn lực cho tăng trưởng.
Dẫn chứng trong ngành nông nghiệp, ông Hiếu phân tích: “Tăng trưởng xanh còn là khái niệm giảm phát thải khí nhà kính, sản xuất xanh và lối sống xanh. Trong nông nghiệp, trước 2000, chúng ta sử dụng phân đạm nhiều, cấy dày, sau đó năm 2003 phương thức canh tác cải tiến được áp dụng, cấy thưa, quản lý nước theo cách tưới tiêu hiện đại, đưa lại nhiều kết quả, năng suất tăng, giảm sâu bệnh”.
“Năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát động phong trào và nhân rộng mô hình “3 giảm 3 tăng” vừa giải quyết vấn đề thiếu nước, nâng cao chất lượng sử dụng giống vừa đem lại kết quả kinh tế cho người dân, khiến lợi nhuận tăng được 15-35%. Đây là minh chứng về hiệu quả tăng trưởng xanh đã và sẽ làm cho gia tốc tăng trưởng cao hơn, bền hơn so với hiện nay”, ông Hiếu nói.
Nguyễn Tuyền
Theo Dantri
Nợ doanh nghiệp kéo GDP Trung Quốc xuống mức 5%?
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ xuống mức 5% trong năm 2020 do nợ doanh nghiệp ngày một tăng và dư thừa công suất trong ngành than, thép.
Đây là dự báo ảm đạm vừa được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong báo cáo ngày 12/8 đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
IMF nêu rõ tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay sẽ chậm lại ở mức 6,6% do nhu cầu bên ngoài yếu kém và hoạt động đầu tư tư nhân giảm sút. Trong trung hạn, tăng trưởng GDP dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống 6,2% vào năm 2017 và ở mức 6% trong các năm 2018 và 2019, trước khi trượt xuống mức 5% năm 2020. Triển vọng trong trung hạn đã bị "phủ mờ" bởi tình trạng phân bổ sai nguồn lực, nợ doanh nghiệp ngày một tăng và ở mức cao, công suất dư thừa và lĩnh vực tài chính trì trệ.
Đến năm 2020, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể xuống mức 5%
Báo cáo nhấn mạnh đến tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề nợ doanh nghiệp của Trung Quốc như là một phần nỗ lực để đảm bảo tăng trưởng bền vững tại nền kinh tế đông dân nhất thế giới này.
IMF khuyến cáo rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc nên có biện pháp cứng rắn kiềm chế ngân sách đối với các doanh nghiệp nhà nước, phân loại và tái cơ cấu hoặc giải thể doanh nghiệp quá nợ, thừa nhận các khoản lỗ và chia sẻ với các bên có liên quan, kể cả chính phủ nếu cần thiết.
Hồi tháng 6 vừa qua, IMF ghi nhận nợ doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất cao trong nền kinh tế Trung Quốc, tương đương 145% GDP. Tình hình đặc biệt đáng lo ngại khi các DNNN chiếm đến 55% tổng số nợ nhưng chỉ chiếm 22% trong hoạt động kinh tế.
Từng trao đổi với PV, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) chỉ ra một trong những nguyên nhân quan trọng khác kìm giữ sự phát triển của doanh nghiệp Trung Quốc, đó chính là tình trạng "con ông cháu cha".
Theo đó, Chính phủ Trung Quốc trước nay có quan điểm: để giữ vững sự thống nhất về chính trị, ổn định về kinh tế, xã hội thì nhiều cán bộ trung cao cấp của nước này tìm cách đưa con cháu mình vào các chức vụ trong chính quyền, nắm giữ cương vị quan trọng trong DNNN.
"Nếu họ đưa được những người có tài, được đào tạo bài bản, đạo đức trong sáng, có tâm, biết cống hiến vì người dân thì quá tốt. Nhưng đáng tiếc, phần nhiều con em những người ấy lại thuộc loại "phá gia chi tử", ăn chơi nhiều hơn học hành, làm việc, vì mình nhiều hơn vì người khác. Chính những đối tượng này trở thành lực lượng gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp, gây thiệt hại về tài sản, vốn liếng cho doanh nghiệp, trở thành gánh nặng, vật cản đối với người muốn cống hiến, có tài thực sự.
Vì thế, những người có năng lực không muốn cống hiến hết mình, thậm chí dẫu họ có muốn thì cũng bị những thành phần "con ông cháu cha" kém tài, thiếu hiểu biết, có chức vụ cao hơn ngáng đường, cản trở, đánh bật ra khỏi bộ máy, khiến cho cả doanh nghiệp không có cơ hội phát triển", ông Thịnh chỉ rõ.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) chỉ ra một quy luật kinh tế, đó là: quốc gia nào duy trì nhiều DNNN thì nền kinh tế đó không hiệu quả.
Ở thể chế kinh tế như kiểu Trung Quốc, DNNN đóng vai nhà nước nhiều hơn là làm kinh doanh, họ được hưởng đặc quyền đặc lợi, được chia chác. Chính cái vai mà các doanh nghiệp này đóng làm lợi ích cho nhóm những người quản lý trong DNNN hoặc có liên quan đến quản lý DNNN.
Các nước như Trung Quốc, Việt Nam... không thoát khỏi quy luật đó. DNNN thua lỗ là đương nhiên vì những doanh nghiệp đó được nhà nước bảo lãnh cho vay nợ, thậm chí có không bảo lãnh thì cuối cùng vẫn phải đứng ra trả nợ, mà trường hợp của Vinashin là ví dụ điển hình.
DNNN sẵn sàng đi vay vì người quản lý DNNN là những người làm công ăn lương chứ không phải là những người chủ thực sự, trong nhiệm kỳ mấy năm, họ vẽ ra rất nhiều tương lai, triển vọng rực rỡ để được vay nợ, đầu tư, làm dự án, còn dự án đó sau 10-15 năm mới thể hiện mặt trái, trong khi những người quản lý đã hạ cánh an toàn. Tóm lại, tình trạng ở các DNNN nói chung là "cha chung không ai khóc".
Theo_Báo Đất Việt
Nửa cuối năm, xử lý nợ xấu vẫn là trọng tâm Tỷ lệ nợ xấu ngành ngân hàng đã được đưa xuống dưới 3%, việc thu hồi nợ xấu khả quan hơn so với kế hoạch đặt ra ban đầu, nhưng việc xử lý nợ xấu tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cùng với việc đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát...