Tăng trưởng kinh tế Ấn Độ giảm tốc mạnh
Theo số liệu chính thức, tăng trưởng GDP của Ấn Độ đạt 7,1% trong quý 3/2018 – giảm tốc mạnh từ mức tăng 8,2% của quý trước, CNN cho biết.
Nhiều áp lực lớn đối với kinh tế Ấn Độ đã được giải tỏa vài tuần trở lại đây – Ảnh: Getty Images.
Mức tăng trưởng này thấp hơn mọi dự báo của các nhà phân tích, theo khảo sát của Bloomberg. Dù vậy, tăng trưởng của Ấn Độ vẫn vượt qua Trung Quốc (6,5% trong cùng kỳ) và tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Tăng trưởng kinh tế Ấn Độ đang được theo dõi chặt chẽ trước thềm cuộc tổng bầu cử vào năm tới. Thủ tướng Narendra Modi đắc cử vào năm 2014 sau chiến dịch cam kết thúc đẩy kinh tế Ấn Độ và tạo ra hàng triệu việc làm.
Shilan Shah, nhà kinh tế tại Capital Economics, nhận định mức tăng trưởng thấp trong quý 3 sẽ khó tiếp tục lặp lại trong các quý tới. “Kinh tế Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng trong những tháng tới, nhờ chính sách tài khóa được nới lỏng trước thềm cuộc tổng bầu cử năm sau”, Shah nhận định.
Video đang HOT
Pranjul Bhandari, chuyên gia kinh tế tại HSBC, dự báo tăng trưởng GDP của nước này sẽ duy trì trên 7% trong vài quý tới – mức có thể được duy trì mà không gây ra “bất ổn về kinh tế vĩ mô”.
Nhiều áp lực lớn đối với kinh tế Ấn Độ đã được giải tỏa vài tuần trở lại đây. Giá dầu giảm 35% từ đầu tháng 10 đã giúp ích không nhỏ cho Ấn Độ – một trong những nhà xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới. Đồng nội tệ Rupee của nước này cũng tăng hơn 5% so với đồng USD trong tháng qua sau nhiều đợt chạm đáy từ đầu năm nay.
Nhà kinh tế Shah cho rằng Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức hiện tại sau cuộc họp vào thứ 4 tuần này. Ngân hàng này đã giữ lãi suất ở mức 6,5% từ tháng 10 sau 2 đợt tăng từ đầu năm nay.
Tuy nhiên, cũng giống nhiều nền kinh tế châu Á, tăng trưởng của Ấn Độ bị ảnh hưởng trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy giảm và căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. Dù mức tăng trưởng trên 7% vẫn giúp nước này duy trì vị trí “ngôi sao”, nhưng triển vọng kém khả quan hơn có thể dẫn tới những bất ổn trong chính sách tiền tệ và tài khóa.
Các mục tiêu về ngân sách có thể chịu áp lực lớn khi tăng trưởng giảm khiến chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đẩy mạnh chi tiêu trước cuộc bầu cử năm sau. Điều này có thể sẽ gây ra căng thẳng với Ngân hàng Dữ trữ Ấn Độ khi chính phủ đang thúc giục thống đốc Urjit Patel cùng đội ngũ của mình nới lỏng hơn nữa các biện pháp thắt chặt tín dụng.
Ngọc Trang
Theo Trí Thưc Trẻ
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc gặp khó vì xung đột thương mại với Mỹ
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng ở mức trì trệ nhất trong gần một thập niên, dấu hiệu cho thấy áp lực kinh tế từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã có hiệu lực.
Giới chuyên gia cho rằng đã đến lúc Trung Quốc cần dựa vào nội lực phát triển từ người tiêu dùng trong nước
REUTERS
Mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ đạt 6,5% trong quý 3 năm 2018 so với cùng kỳ năm trước, tức mức thấp nhất trong 9 năm qua, theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia (NBS)
Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, GDP của Trung Quốc liên tục giảm, từ 6,8% trong quý 1, xuống 6,7% vào quý 2 và đến quý 3 chỉ còn 6,5%.
Tuy nhiên, phát ngôn viên NBS Mao Shengyong vẫn tỏ ra lạc quan khi nói rằng "Dù đối mặt với môi trường cực kỳ phức tạp ở nước ngoài và nhiệm vụ đầy khó khăn trong nỗ lực tiến hành cải cách và phát triển trong nước", tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nhìn chung vẫn ổn định.
Cuộc xung đột thương mại với Mỹ ập đến trong thời điểm kinh tế Trung Quốc đối mặt với khó khăn vì nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh trong việc xử lý núi nợ công khổng lồ, siết chặt tín dụng và chỉ số đầu tư vào cơ sở hạ tầng sụt giảm.
AFP dẫn lời giới phân tích dự đoán rằng tốc độ tăng trưởng chậm chạp có thể đánh dấu sự kết thúc của cái gọi là sự thận trọng trong nỗ lực điều tiết tài khóa của Bắc Kinh.
Nội các Trung Quốc đã tỏ dấu hiệu sẽ tăng cường các biện pháp ủng hộ và thúc đẩy tốc độ thông qua các dự án cơ sở hạ tầng trong những tháng tới.
Thụy Miên
Theo thanhnien.vn
WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2018 sẽ đạt 6,8% Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương ngày 4/10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 lên 6,8% (so với 6,5% trong dự báo hồi tháng 4/2018). WB nhận định, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tốt nhờ kinh tế toàn cầu...