Tăng trưởng GDP: Việt Nam trông đợi gì?
Lần đầu tiên nông nghiệp tăng trưởng âm, còn công nghiệp tiếp tục phụ thuộc vào FDI, sản xuất, xuất khẩu dù nhiều nhưng phần Việt Nam nhận được ngày càng ít.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển chia sẻ với Đất Việt một số đánh giá về bức tranh kinh tế Việt Nam qua số liệu tăng trưởng GDP.
Sản xuất nhiều, nhận được bao nhiêu?
Thống kê về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2016 của Tổng cục Thống kê cho thấy, sau 10 năm kể từ năm 2005, lần đầu tiên ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 0,78%, còn khu vực công nghiệp tăng trưởng 6,82%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ do ngành khai khoáng suy giảm.
Đánh giá về bức tranh kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2016, TS Lưu Bích Hồ cho rằng, sự tăng trưởng của nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm là quá thấp bởi trước đây nếu có suy giảm lắm cũng chỉ dừng ở con số 1-2%. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi hạn hán, xâm nhập mặn nặng nề ở ĐBSCL khiến Việt Nam ước tính thất thu khoảng 1 triệu tấn lúa, xuất khẩu nông sản không được như kỳ vọng.
Trong khi đó, đối với công nghiệp, TS Hồ tỏ ra băn khoăn với con số thống kê. Ông cho rằng, thực chất ngành công nghiệp chỉ nhích lên một chút nhưng không đáng kể bởi khu vực FDI vẫn chiếm ưu thế; ngành khai khoáng suy giảm; ngành chế biến, chế tạo tăng tưởng không đáng kể; dệt may cũng gặp khó khăn về thị trường…
Lần đầu tiên sau 10 năm, nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng âm. Ảnh: Dân Việt
Lý giải thêm, TS Lưu Bích Hồ dẫn nghiên cứu tốc độ tăng trưởng của công nghiệp trong giai đoạn 2000-2013 của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh chỉ ra rằng, giá trị gia tăng của nhóm ngành công nghiệp mà nền kinh tế nhận được ngày càng nhỏ đi khá nhiều so với giai đoạn trước. Nó cũng cho thấy tình hình sản xuất công nghiệp của Việt Nam ngày càng mang tính gia công, lắp ráp một cách toàn diện.
“Điều này vẫn đúng với cơ cấu nền kinh tế Việt Nam hiện nay, bởi dù nghiên cứu dừng đến năm 2013 nhưng nó vẫn không thay đổi bản chất của vấn đề.
Sự tăng trưởng của công nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhờ đóng góp của khu vực FDI. Tính đến cuối năm 2015, xuất khẩu của khu vực FDI đã chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, ngay cả giá trị sản xuất của khu vực FDI cũng chiếm gần 70%, trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam chỉ đóng góp được 30% dù cũng phải ghi nhận rằng doanh nghiệp trong nước đã rất cố gắng.
Video đang HOT
Thế nhưng rõ ràng, tốc độ tăng của giá trị giá tăng trong tổng GDP ngày càng giảm đi, trong khi tốc độ tăng của giá trị sản xuất lại tăng lên, đặc biệt nếu so giữa khu vực FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước. Lợi nhuận FDI chuyển về nước họ là quá nhiều, nên nếu tính về GDP thì Việt Nam tăng, nhưng tính theo GNI thì Việt Nam không tăng được bao nhiêu và khoảng cách giữa GDP – GNI ngày càng giãn ra.
Ngoài ra, có thể thấy công nghiệp Việt Nam ngày càng gia công, lắp ráp toàn diện bởi chưa có gì mới trong công nghiệp chế biến, chế tạo. Nếu có chăng thì những thứ Việt Nam có thể tự lực được cũng không đáng kể, chỉ là một ít linh kiện, phụ tùng, Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu, mà chủ yếu lại nhập từ Trung Quốc”, TS Lưu Bích Hồ phân tích.
Trước ý kiến cho rằng, bởi tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, nhất là trong xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào FDI dẫn đến sự ưu ái, nuông chiều khối FDI, bỏ rơi doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển chỉ ra rằng, sự ưu ái của Việt Nam đối với khối doanh nghiệp FDI đã có từ trước chứ không phải đợi đến bây giờ.
“Ngay từ đầu Việt Nam đã trải thảm đỏ với đủ thứ ưu đãi cho FDI. Thế nhưng, đến lúc này, yêu cầu đặt ra là phải giảm bớt ưu đãi, phải bình đẳng hơn, phải theo tuân thủ Luật Doanh nghiệp. Chỉ trường hợp nào đặc biệt, theo những dự án cụ thể, thuộc những ngành nghề cụ thể, cần phải ưu tiên thì mới cho phép ưu tiên. Gần đây, Việt Nam đã có sự chấn chỉnh nhưng cũng mới chỉ trên văn bản chứ chưa chấn chỉnh được trong thực tế.
Đã đến lúc Việt Nam phải xoay chuyển lại định hướng cho FDI, chúng ta vẫn cần sự đóng góp của khối doanh nghiệp này nhưng dứt khoát phải chọn lọc: chọn lọc công nghệ cao, chọn lọc môi trường tử tế, chọn lọc sự kết nối với doanh nghiệp trong nước. FDI phải đóng góp thiết thực cho sự phát triển bền vững của Việt Nam, rồi dần dần doanh nghiệp Việt Nam sẽ vươn lên, thay thế họ.
Các nước chỉ dùng FDI vài chục năm là cùng và khi doanh nghiệp trong nước trưởng thành lên, họ không dùng FDI nữa, nếu là công ty xuyên quốc gia thì khi vào hoạt động sẽ được biến thành công ty của quốc gia đó, không thể cứ phụ thuộc một chiều.
Việt Nam đã có định hướng rõ ràng nhưng thực hiện chưa được. Vấn đề không phải chỉ ở TƯ, các bộ ngành, mà quan trọng nhất chính là ở các địa phương, nơi được giao cấp phép cho FDI”, TS Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.
Việt Nam mong đợi
Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm kém sắc chính là lời cảnh báo cho Việt Nam rằng 6 tháng cuối năm còn khó khăn. Mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7% rất khó thực hiện mà có thể chỉ đạt mức 6%, TS Lưu Bích Hồ dự báo.
“Trên thế giới, các nền kinh tế khác trừ Mỹ đều hạ tăng trưởng so với đầu năm. IMF và WB cũng hạ 0,1 – 0,2% so với đầu năm. Gánh nặng tài chính, ngân sách của những năm trước để lại cho năm 2016 khiến kinh tế Việt Nam không thể kích cầu thêm được nữa. Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, bây giờ đã tới hạn về sự kích cầu, do đó phải tìm cách tháo gỡ cho phần cung, tức là cho doanh nghiệp.
Từ nay đến cuối năm, Việt Nam mong đợi trước hết ở nông nghiệp, nếu làm ăn tốt hơn, đó vẫn là ngành cho Việt Nam dựa vào. Phải hỗ trợ bằng được cho nông nghiệp, nhất là tháo gỡ khó khăn cho nông dân. Công nghiệp không hy vọng nhiều nhưng đối với dịch vụ, có những ngành vẫn có thể làm ăn được như vận tải, du lịch, thương mại… Bên cạnh nỗ lực cải cách hành chính, Chính phủ cần quyết tâm tạo dựng môi trường cạnh tranh thực sự hữu hiệu, thu hẹp khu vực doanh nghiệp Nhà nước”.
Vị chuyên gia đặc biệt lưu ý, nông nghiệp Việt Nam phải giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhiều năm nay, nông nghiệp Việt Nam phụ thuộc thị trường Trung Quốc ở cả hai phía: nguồn cung và xuất khẩu. Ở nguồn cung, đó là giống má, phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc nông nghiệp… Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu nông sản rất lớn của Việt Nam. Chỉ có vươn lên Việt Nam mới giảm được sự phụ thuộc vào Trung Quốc, và TPP chính là cơ hội cho Việt Nam, nó sẽ mở ra thị trường lớn, đem lại nhiều lợi ích dù đòi hỏi cạnh tranh gay gắt hơn.
Đối với công nghiệp, theo TS Hồ, phải giảm bớt dần tỷ trọng của khu vực FDI bằng cách doanh nghiệp Việt phải vươn lên. Đó là lý do Chính phủ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng chương trình khởi nghiệp.
“Đường hướng đó là đúng và để thực hiện được cần có thời gian, nhưng quan trọng nhất là có thực hiện đến nơi đến chốn không”, ông nói.
Theo_Báo Đất Việt
Nỗi lo khi Việt Nam đứng đầu danh sách thu hút FDI
Việt Nam đứng đầu danh sách 14 quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, bỏ xa các nước trong khu vực là Malaysia và Thái Lan.
Việt Nam vượt xa Malaysia và Thái Lan
Theo Văn phòng thống kê FDI Intelligence, thuộc tờ báo tài chính hàng đầu thế giới - Financial Times (Mỹ), lần thứ hai liên tiếp, Việt Nam đứng đầu danh sách 14 quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiếp theo là Hungary và Romania. Các đối thủ của Việt Nam tại Đông Nam Á cũng nằm trong danh sách này là Malaysia và Thái Lan với vị trí thấp hơn.
Ảnh minh họa
Cụ thể, FDI Intelligence chấm Việt Nam đạt 6,45 điểm, vị trí tiếp theo là Hungary với 4,32 điểm và Romania với 3,48 điểm. Malaysia, Thái Lan - đối thủ trực tiếp của Việt Nam ở Đông Nam Á ở vị trí thấp hơn, đạt lần lượt các số điểm 2,86 điểm và 2,43 điểm.
Y tế là một lĩnh vực cho thấy sức hút của Việt Nam. Theo các tổ chức thẩm định quốc tế, ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam sẽ còn tăng 75% trong thời gian từ nay đến năm 2020.
Ngoài ra, thị trường lao động Việt Nam cũng tạo nhiều thuận lợi về sức cạnh tranh, với rất nhiều người có bằng cấp được đào tạo phù hợp với các công ty đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Theo bản báo cáo mới nhất của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển, các nhà đầu tư ngày càng quan tâm nhiều đến khu vực "châu Á đang phát triển". Bằng chứng là trên tổng số 765 tỉ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2015 vào các nước đang phát triển, số vốn đầu tư vào các nước "châu Á đang phát triển" là 541 tỉ USD và tập trung chủ yếu vào ba thị trường tiềm năng Việt Nam, Myanmar và Ấn Độ.
Cảnh báo hiểm họa môi trường đằng sau việc thu hút FDI
Dù đang đứng đầu các nước thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI tuy nhiên nhiều cảnh báo hiểm họa môi trường đã được đưa ra đối với Việt Nam.
Phát biểu tại buổi tọa đàm "Thương mại tự do: dịch chuyển đầu tư và các vấn đề môi trường ở Việt Nam" do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức hôm 27/5 tại Hà Nội, tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam do muốn có lợi nhuận tối đa. Do đó nếu ta làm nghiêm túc thì buộc họ sẽ phải bảo vệ môi trường. Song, thật đáng tiếc là ta đã quá lỏng lẻo trong khâu giám sát môi trường.
"Ta chưa giàu nhưng đã ô nhiễm môi trường. Việt Nam chưa thành nước công nghiệp hóa nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường đã rất nghiêm trọng. Mà ô nhiễm môi trường tăng sẽ kéo theo người bệnh tăng, tỷ lệ nghỉ ốm tăng... chi phí giải quyết các vấn đề xã hội lớn", ông Doanh nói.
"Hiện mỗi năm Việt Nam bị ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tương đương với 2,5% GDP. Còn con số này của Trung Quốc là 6,5%. Nếu với đà ô nhiễm môi trường như hiện nay, ta sắp đuổi kịp Trung Quốc," ông Doanh nhấn mạnh.
Thậm chí các tư lệnh ngành Tài nguyên môi trường hay Kế hoạch - đầu tư cũng có những quan điểm cứng rắn về việc thu hút đầu tư và tác động đến môi trường.
Hôm 16/7, tại Hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch và đầu tư tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, bài học kinh nghiệm từ sự cố môi trường của Tập đoàn Formosa gây ô nhiễm môi trường biển các tỉnh Bắc Miền Trung, các ngành, địa phương cần kiên quyết từ chối những dự án công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng xấu đến môi trường.
"Thu hút đầu phải có chọn lọc, kiên quyết từ chối những dự án và công nghệ lạc hậu có ảnh hưởng xấu đến môi trường. Không đánh đổi bất cứ điều gì để lấy dự án đầu tư có những thiệt hại, tác động tiêu cực đến môi trường. Kiên quyết xử lý các dự án đầu tư không tuân thủ và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kể cả việc quyết định ngừng hoạt động hoặc cao hơn hơn có thể là chấm dứt hoạt động của dự án", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Quan điểm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng từng được ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN-MT khẳng định trước đó.
"Về đầu tư, tôi cho rằng, đã đến lúc Chính phủ cần xác lập quan điểm: Đầu tư theo hướng bền vững. Nghĩa là, phải xác lập một hệ thống các tiêu chí ưu tiên cho các dự án đầu tư, trong đó đặc biệt ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Chúng ta cần phải kiên quyết nói "không" với những dự án đầu tư sản xuất không sạch, lãng phí tài nguyên, có tiềm năng gây thảm họa môi trường", ông Hà nhấn mạnh.
Theo_Báo Đất Việt
Số liệu tăng trưởng GDP có vấn đề? Nhìn vào số liệu giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của hai nhóm ngành nông nghiệp và công nghiệp, có thể thấy tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất đều sụt giảm trong giai đoạn từ năm 2000-2013(*). Sản xuất công nghiệp của Việt Nam ngày càng mang tính gia công, lắp ráp một cách...