Tăng trưởng doanh thu chậm dần, MWG ‘thúc’ tốc độ mở mới cửa hàng lên mức kỷ lục
Trong bối cảnh tăng trưởng doanh thu chậm dần (giảm từ mức 77% của năm 2016 xuống 49% trong năm 2017, xuống 30% năm 2018 và tiếp tục giảm về 17% trong 9 tháng năm 2019), MWG đã “thúc” tốc độ mở mới cửa hàng lên mức kỷ lục trong quý III/2019, trung bình 2,8 cửa hàng mới mỗi ngày.
Tăng trưởng doanh thu chậm dần, MWG ‘thúc’ tốc độ mở mới cửa hàng lên mức kỷ lục
9 tháng năm 2019, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 76.763 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều con số 30% của năm 2018, 49% của năm 2017 và 77% của năm 2016.
Trong bối cảnh đó, quý vừa qua, MWG đã mở rộng “thần tốc” 257 cửa hàng, nghĩa là trung bình mỗi ngày mở 2,8 cửa hàng mới. Phía MWG cho biết, đây là quý có tốc độ mở rộng cửa hàng nhanh nhất trong lịch sử công ty.
Điều này ngay lập tức giúp doanh thu quý III/2019 của MWG tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt doanh thu quý I, dù quý III là quý thấp điểm trong năm.
Việc tăng tốc độ mở mới lên mức kỷ lục đã khiến tỷ trọng chi phí bán hàng trên doanh thu thuần của MWG gia tăng.
“Các cửa hàng mới cần được chuẩn bị nguồn lực đầy đủ trước khi khai trương nhưng không kinh doanh đủ tháng nên tỷ lệ chi phí vận hành trên doanh thu của các cửa hàng này trong tháng khai trương cao hơn các cửa hàng đã hoạt động ổn định”, phía MWG lý giải.
Mặc dù tỷ trọng chi phí bán hàng tăng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế quý III/2019 của MWG vẫn tăng trưởng 32% nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện 0,8 điểm%, lên mức 18,4%.
Tính đến cuối tháng 9, MWG có 2.706 cửa hàng, tăng 85 cửa hàng so với cuối tháng 8. Trong đó, chuỗi Điện máy Xanh có thêm 21 cửa hàng mới do cả mở mới và chuyển đổi. Như vậy, Điện máy Xanh đã vượt mục tiêu 900 cửa hàng đặt ra cho cả năm 2019.
Ngoài ra, MWG đã hoàn tất thay đổi trưng bày cho thêm 125 cửa hàng Điện máy Xanh mini trong quý III/2019, mục tiêu trong 3 tháng cuối năm công ty là sẽ nâng cấp gần 150 cửa hàng Điện máy Xanh mini layout cũ còn lại.
Trong khi đó, chuỗi Bách hóa Xanh phát triển thêm 63 điểm bán, nâng tổng số cửa hàng lên 788. Chuỗi “Điện Thoại Siêu Rẻ” có 11 cửa hàng thử nghiệm tại TP. HCM.
Riêng đối với mặt hàng máy tính xách tay (laptop), MWG đã nâng số lượng cửa hàng Thế giới di động và Điện máy Xanh có khu vực kinh doanh laptop từ 350 lên gần 500 cửa hàng với danh mục sản phẩm trưng bày tăng từ khoảng 20 mẫu lên gấp đôi.
Video đang HOT
“Trung bình, mỗi ngày trong tháng 9 có khoảng 1.000 laptop được bán ra tại các trung tâm và cửa hàng của chuỗi Thế giới di động và Điện máy Xanh. Dự kiến, ngành hàng laptop sẽ mang về cho công ty từ 2.700 đến 3.000 tỷ đồng doanh thu năm nay, tăng trưởng 25%-30% so với năm 2018″, thông tin từ MWG cho biết.
Ở mảng đồng hồ, tính đến hết ngày 30/9/2019, MWG có 134 cửa hàng kinh doanh đồng hồ (so với 85 cửa hàng cuối tháng 8). Tổng số sản phẩm công ty bán ra trong tháng 9 khoảng 50 nghìn chiếc (bao gồm đồng hồ thời trang và đồng hồ thông minh). Luỹ kế sau 7 tháng, đã có hơn 150 nghìn sản phẩm đồng hồ các loại được bán ra tại cửa hàng Thế giới di động và Điện máy Xanh.
Dự kiến, ngành hàng đồng hồ sẽ đóng góp từ 500 đến 600 tỷ đồng doanh thu cho MWG cả năm 2019.
Với chuỗi cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ, sau 2 tháng thử nghiệm, doanh thu trung bình 1 cửa hàng đạt hơn 500 triệu đồng/tháng, trong khi chi phí vận hành được tiết kiệm tối đa (cửa hàng có diện tích 15-20m2 và chỉ có 1 nhân viên làm việc từ A đến Z).
“Với kết quả kinh doanh ban đầu khá hiệu quả, MWG sẽ tiếp tục thử nghiệm mô hình này tại thị trường tỉnh trong thời gian tới”, ban lãnh đạo MWG khẳng định.
Thông tin thêm về chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh – động lực tăng trưởng rất quan trọng của MWG trong tương lai, phía doanh nghiệp cho biết trong số 788 cửa hàng Bách hóa Xanh tại thời điểm 30/9/2019 có 380 cửa hàng tại 17 tỉnh khu vực Nam & Nam Trung Bộ ngoài TP. HCM (chiếm 48% tổng số cửa hàng Bách hóa Xanh).
Chuỗi đã mở rộng mạng lưới cửa hàng thêm 2 tỉnh mới là Sóc Trăng và Kiên Giang.
Theo loại cửa hàng, Bách hóa Xanh có 137 cửa hàng lớn 300m2, chiếm khoảng 17% số cửa hàng toàn chuỗi.
MWG kỳ vọng thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì tiến độ mở rộng nhanh chóng với nhiều mặt bằng được ký kết tại các tỉnh mới như Ninh Thuận, Khánh Hoà và Phú Yên.
Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng Bách hóa Xanh trong tháng 9 đạt mức 1,3 tỷ đồng/tháng (tính cho các cửa hàng khai trương trước ngày 1/9/2019).
Thanh Long
Theo vietnamfinance.vn
Thế Giới Di Động được và mất gì khi tăng nhanh số lượng cửa hàng?
Tăng mạnh số cửa hàng điện máy và bách hóa giúp doanh thu và lợi nhuận của Thế Giới Di Động cải thiện nhưng nó cũng có tác động ngược lại tới các chỉ số tài chính.
MWG đang trở thành một trong những cổ phiếu có đà tăng giá mạnh nhất 3 tháng gần đây. Tính đến ngày 14/8, giá giao dịch của cổ phiếu này đã ở mức 119.200 đồng, tăng trên 40% trong 3 tháng gần nhất và từ đầu năm. Nếu so với đà tăng của chỉ số VN-Index, đà tăng của MWG đã cao gấp 4 lần thị trường chung.
Mới đây, hàng loạt công ty chứng khoán cũng đã nâng giá mục tiêu với cổ phiếu công ty này.
Hưởng lợi từ việc tăng số lượng cửa hàng
Theo đó, báo cáo cập nhật về Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động -TGDĐ của Công ty Chứng khoán VnDirect vừa qua đã nâng giá mục tiêu cổ phiếu này lên 140.700 đồng/cổ phiếu, cao hơn 18% so với giá hiện tại.
Các chuyên gia tại đây cho rằng công ty này đang tăng trưởng mạnh nhờ việc mở rộng nhanh chóng hệ thống cửa hàng điện máy và bách hóa của mình.
Sau 6 tháng từ đầu năm, TGDĐ ghi nhận 51.621 tỷ đồngdoanh thu thuần hợp nhất và 2.121 tỷ đồng lãi ròng, tăng lần lượt 16% và 38% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng bán lẻ điện tử vẫn đóng góp lớn nhất với 88% tổng doanh thu.
Theo VnDirect, kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm qua của TGDĐ nhờ cải thiện hiệu quả kinh doanh của chuỗi Điện Máy Xanh và sự phát triển nhanh chóng của chuỗi Bách Hóa Xanh.
Cụ thể, sau 6 tháng, chuỗi Điện Máy Xanh đã ghi nhận 30.364 tỷ đồng doanh thu, tăng 21,7% so với cùng kỳ và chiếm 58,8% tổng doanh thu của toàn hệ thống. Trong đó, doanh thu tăng thêm chủ yếu đến từ 67 cửa hàng mở mới từ nửa cuối năm 2018 và nâng cấp cửa hàng Điện Máy Xanh mini.
Ngược lại, chuỗi Thegioididong.com tiếp tục thu hẹp quy mô do chuyển đổi sang cửa hàng điện máy giảm từ 1.058 cửa hàng vào cuối năm 2018 xuống 1.011 đến cuối tháng 6 vừa qua, và ghi nhận giảm 4,2% doanh thu.
Ngoài ra, doanh thu tăng trong kỳ vừa qua cũng đến từ việc TGDĐ triển khai mô hình shop-in-shop với sản phẩm đồng hồ tại 34 cửa hàng ở cả hai chuỗi điện thoại và điện máy.
Bán đồng hồ giúp doanh thu tại các cửa hàng này tăng trung bình 10%, nhờ biên lãi gộp nhóm hàng này cao (xấp xỉ 40%) và không phát sinh thêm chi phí hoạt động ngoại trừ chi phí đầu tư ban đầu.
Việc Bách Hóa Xanh mở rộng cửa hàng bên ngoài khu vực TP.HCM với độ mở mới 216 cửa hàng cũng giúp doanh thu chuỗi này tăng 160%.
Theo ước tính của VnDirect, các cửa hàng bách hóa quy mô lớn với doanh thu trung bình 2,3 tỷ đồng/tháng chiếm 34% tổng doanh thu của Bách hóa Xanh trong nửa đầu năm. Qua đó, nâng doanh thu trung bình mỗi cửa hàng lên 1,5 tỷ đồng/tháng, tăng 70%.
Những thông tin tích cực này đã làm dịu đi các lo ngại của nhà đầu tư vào đầu năm về cổ phiếu MWG, tác động lớn tới đà tăng giá gần đây của cổ phiếu này. Theo đó, MWG đang có diễn biến tăng tương tự khi Điện máy Xanh tăng tốc trong năm 2016.
Mặt trái của việc mở rộng
Bằng việc mở mới 100 cửa hàng điện máy đến cuối năm nay, VnDirect dự báo doanh thu của chuỗi này có thể tăng 29,5%, với doanh thu trung bình mỗi cửa hàng tăng 13%.
Đặc biệt, TGDĐ đang kỳ vọng phục hồi lại mảng điện thoại di động với mô hình mới Dienthoaisieure.com, cửa hàng cung cấp những mẫu điện thoại với mức giá thấp dưới 8 triệu đồng.
Công ty cũng sẽ cắt giảm chi phí hoạt động bằng cách lựa chọn vị trí giá rẻ, diện tích nhỏ và bỏ qua một số dịch vụ như bãi đậu xe và Internet. Tuy nhiên, do mới chỉ là thí nghiệm quy mô nhỏ, hiệu quả của chuỗi này chưa được tính đến trong việc định giá cổ phiếu năm nay.
Trong khi đó, chuỗi Bách Hóa Xanh cũng có thể đạt điểm hòa vốn toàn chuỗi vào quý IV với biên lãi gộp đạt khoảng 20%. Chuỗi này dự kiến mở mới 700 cửa hàng tới cuối năm nay với doanh thu mỗi cửa hàng cũng sẽ tăng lên 1,6 tỷ đồng/tháng.
Mở mới nhiều cửa hàng cùng lúc khiến Thế Giới Di Động phải gia tăng nợ vay để vận hành. Ảnh: Getty.
Trong một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng nâng dự báo lãi ròng các năm 2019, 2020, 2021 của TGDĐ thêm lần lượt 5%, 12%, 15%. Nguyên nhân chính là việc tăng giả định số lượng cửa hàng điện máy và bách hóa tăng từ nay đến năm 2023.
Tuy nhiên, việc tăng nhanh số lượng cửa hàng cũng khiến TGDĐ phải đẩy mạnh việc vay nợ, đặc biệt là vay ngắn hạn để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.
Báo cáo tài chính quý II cho thấy tổng nợ phải trả đến cuối tháng 6 của công ty này đã tăng gần 3.200 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu ở vay ngắn hạn.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng thể hiện việc Thế Giới Di Động đã phải huy động tới 22.842 tỷ đồng tiền vay trong kỳ 6 tháng qua, nhiều hơn 5.600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Phần lớn số thu từ đi vay này là vay ngắn hạn để xoay vòng vốn, với khoản tiền trả nợ gốc trong kỳ cũng tăng gần 3.700 tỷ đồng, đạt 19.678 tỷ đồng.
Việc mở thêm nhiều cửa hàng khiến TGDĐ phải đầu tư nhiều hơn vào giá trị tài sản cố định và hàng tồn kho tại mỗi cửa hàng, cùng với việc gia tăng vốn vay để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Trong trường hợp kinh doanh đúng kế hoạch, việc mở rộng chuỗi cửa hàng sẽ giúp kết quả kinh doanh của TGDĐ tăng nhanh. Ngược lại, nếu kinh doanh không đạt kỳ vọng, hệ quả từ chi phí đầu tư mở mới, nợ vay sẽ là gánh nặng với công ty.
Quang Thắng
Theo news.zing.vn
Thế giới Di động và những tỷ phú mới nổi CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm với việc hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu cả năm. Điểm đáng chú ý là tăng trưởng lợi nhuận sau thuế vượt khá xa mục tiêu ban đầu và số lượng cửa hàng cũng đã chạm mốc kế hoạch cả năm. Thấy gì...