Tặng máy tính cho 43 học sinh gặp khó khăn ở Hà Nội
Ngày 24/9, với mong muốn giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn được học trực tuyến, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã trao tặng máy tính cho 43 em.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu tại chương trình.
Số máy tính này do các tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ cho chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội phát động.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương ghi nhận và trân trọng cảm ơn những tình cảm, sự quan tâm ủng hộ từ phía các tổ chức, doanh nghiệp. Những nghĩa cử này chắc chắn sẽ lan tỏa và góp phần tô đẹp thêm truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc ta.
Theo bà Nguyễn Lan Hương, năm 2021, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, với tinh thần “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, Thầy và trò ở Thủ đô đã chuyển sang dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn thành phố còn hơn 10.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không được trang bị máy tính để học trực tuyến.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” của thành phố để mọi em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đều được trang bị máy tính để học trực tuyến.
Video đang HOT
Trao tặng máy tính cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Phấn khởi trước món quà quý, em Nguyễn Thu Uyên, học sinh lớp 12D6 Trường THPT Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Chiếc máy tính là món quà rất thiết thực và là nguồn động lực để em quyết tâm học tập, vượt qua nghịch cảnh, sống có ý nghĩa, trách nhiệm với gia đình và xã hội.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã chuyển giao 85,978 tỷ đồng tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của 30 quận, huyện, thị xã và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố để kịp thời hỗ trợ những người lao động tự do bị mất việc nhưng không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ theo chính sách của Chính phủ, thành phố, cũng như các sinh viên đang thuê trọ, người ngước ngoài đang học tập, làm việc tại Hà Nội gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch. Mức hỗ trợ là 500.000 đồng/1 trường hợp.
Những tấm lòng sẻ chia với người dân xóm trọ Phúc Xá giữa đại dịch COVID-19
Sáng 28/8, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội, Tổ chức Samaritan's Purse International Relief phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Ba Đình tổ chức chương trình "Gian hàng 0 đồng" trao 250 phần quà, mỗi phần quà trị giá khoảng 700.000 đồng cho các hộ gia đình vô gia cư tại bãi giữa sông Hồng và những lao động mất việc làm gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội Trần Thị Phương (phải) trao quà hỗ trợ cho người dân phường Phúc Xá.
Đây là những lao động từ các tỉnh lân cận hàng ngày làm thuê tại chợ đầu mối Long Biên. Họ làm đủ nghề, từ cửu vạn, đẩy xe hàng, gánh hàng thuê đến đồng nát, nhặt ve chai, bán hoa quả... Dịch COVID-19 ập đến đã khiến cuộc sống của họ trở nên cực kỳ khó khăn.
Hà Nội liên tiếp thực hiện giãn cách xã hội, chợ Long Biên đóng cửa, hàng trăm người lao động nghèo xóm trọ trên địa bàn phường Phúc Xá (quận Ba Đình) không có việc làm, chỉ biết quanh quẩn trong khu nhà trọ. Lúc này, họ chỉ còn biết trông chờ vào sự cứu trợ từ chính quyền địa phương và các mạnh thường quân.
Từ Hưng Yên lên Hà Nội kiếm việc làm, vợ chồng bà Đoàn Thị Sự thuê trọ tại số nhà 35/127, phường Phúc Xá. Chồng bà bị bệnh về cột sống nên vận động rất khó khăn, không làm được việc nặng. Vì thế, bà là lao động chính trong nhà, hàng ngày đi gánh thuê ở chợ Long Biên. Số tiền kiếm được hàng tháng, vừa lo tiền thuốc cho chồng, vừa gửi về quê phụ giúp 2 đứa con.
Nhận phần quà hỗ trợ từ "Gian hàng 0 đồng", bà Sự rơm rớm nước mắt nói: "Chợ Long Biên đóng cửa nên tôi cũng không có việc làm. Thu nhập không có, về quê cũng không được nên cuộc sống rất khó khăn. Nếu không có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền thì vợ chồng tôi không biết phải xoay sở như thế nào".
Vừa cẩn thận xếp gọn phần quà gồm gạo, mì tôm, lạc, sữa... vào chiếc tủ gỗ ở góc căn phòng trọ nhỏ, bà Nguyễn Thị Diểm (13/127/7, phường Phúc Xá) vừa kể, bà quê ở Hưng Yên, lên Hà Nội kiếm sống ở chợ Long Biên. Hàng ngày, bà nhận làm đủ việc, ai bảo gì làm nấy, từ gánh hoa quả đến đẩy xe hàng, miễn sao có tiền để vừa gửi về quê vừa duy trì cuộc sống tạm bợ của mình.
"Tôi và vài chị em nữa thuê chung 1 phòng trọ giá khoảng 1 triệu đồng/tháng. Mất việc làm, chúng tôi không còn thu nhập, cũng không về quê được. May là đợt dịch này, chủ nhà trọ miễn toàn bộ tiền trọ cho chúng tôi. Chính quyền cũng hỗ trợ lương thực nên chúng tôi không bị đứt bữa. Dân xóm trọ chúng tôi cũng thương nhau lắm, có lương thực hỗ trợ là lại san sẻ, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn này", bà Diểm chia sẻ.
Bà Trần Thị Tố Tâm, Bí thư Đảng ủy phường Phúc Xá cho biết, do giãn cách xã hội, rất nhiều người lao động khó khăn, tạm trú trên địa bàn phường bị mất việc làm, nhất là những lao động trọ ở khu vực gầm cầu Long Biên. Chợ đầu mối Long Biên đóng cửa để phòng dịch nên họ không có thu nhập, cũng không về quê được, phải lo từng bữa ăn, cuộc sống rất chật vật.
Người dân xếp hàng đảm bảo giãn cách nhận quà tại "Gian hàng 0 đồng".
Để hỗ trợ người lao động, chính quyền địa phương đã vận động, kêu gọi các nhà tài trợ trong và ngoài địa bàn phường Phúc Xá cùng chung tay hỗ trợ. Từ ngày 25 đến 27/8, UBND phường Phúc Xá đã phối hợp cùng các nhà hảo tâm tổ chức "Gian hàng 0 đồng", hỗ trợ 1.400 suất quà là các nhu yếu phẩm cho người lao động gặp khó khăn trên địa bàn phường, trong đó có người lao động khó khăn mất việc và bị mắc kẹt đang ở trọ gầm cầu Long Biên.
Với tinh thần chia sẻ, không để ai bị bỏ lại phía sau, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội đã vận động Tổ chức Samaritan's Purse International Relief chuẩn bị 250 phần quà với tổng trị giá hơn 160 triệu đồng hỗ trợ cho những người dân nghèo gặp khó khăn trên địa bàn phường Phúc Xá.
Trao tận tay người dân những phần quà hỗ trợ, bà Trần Thị Phương, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch khiến nhiều người gặp khó khăn, đặc biệt là những lao động tự do bị mất việc làm. Cùng với cả hệ thống chính trị và các đoàn thể của thành phố, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội mong muốn những phần quà hỗ trợ này sẽ làm vơi bớt phần nào những khó khăn cho những lao động bị mất việc đang sinh sống trong các khu nhà trọ của phường Phúc Xá.
"Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội đang tiếp tục phối hợp với các Chi hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội rà soát các đối tượng là người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội, các hội viên thuộc các Chi hội gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 để có kế hoạch hỗ trợ. Trước mắt, có khoảng 270 người nước ngoài và 19 hội viên người Việt Nam đang cần được hỗ trợ", bà Trần Thị Phương chia sẻ.
Thời gian qua, các hoạt động hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 liên tục được tổ chức trên khắp các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội. Những tấm lòng, sự sẻ chia dù ít, dù nhiều đã phần nào giúp người dân duy trì cuộc sống, yên tâm thực hiện các quy định phòng, chống dịch của Trung ương và thành phố Hà Nội.
Diễn biến dịch 24/5: Bắc Giang vượt 1000 ca, chùm ca bệnh ở Hà Nội phức tạp Trong 24h qua, Việt Nam có thêm 187 ca Covid-19 gồm 3 ca nhập cảnh và 184 ca trong nước. Như vậy, tính từ 27/4 đến nay, nước ta đã có đến 2.349 ca lây nhiễm trong cộng đồng, xuất hiện ở 30 tỉnh thành. Sau 28 ngày, tổng số ca nhiễm của đợt dịch thứ 4 đến nay cao gấp 2,85 lần...