Tăng gần 27% trong vòng nửa tháng, một lãnh đạo thép Nam Kim đăng ký bán hết cổ phiếu NKG
Một thành viên HĐQT CTCP Thép Nam Kim (mã NKG) đăng ký bán toàn bộ số cổ phần đăng nắm giữ tại Thép Nam Kim là 775.090 đơn vị, tương ứng với tỷ lệ 0,43% sở hữu tại công ty này.
Lợi nhuận tăng mạnh mẽ của Thép Nam Kim được dẫn dắt bởi sự phục hồi sản lượng bán cũng như tăng trưởng biên lợi nhuận gộp nhờ giá thép cuộn cán nóng (HRC) phục hồi.Ảnh minh họa: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE), thành viên HĐQT CTCP Thép Nam Kim (mã NKG), ông Võ Thời đăng ký bán toàn bộ số cổ phiếu nắm giữ tại doanh nghiệp này.
Theo đó, ông Thời đăng ký bán toàn bộ số cổ phần đăng nắm giữ tại Thép Nam Kim là 775.090 đơn vị, tương ứng với tỷ lệ 0,43% sở hữu tại công ty này.
Phương thức thực hiện giao dịch là thoả thuận hoặc khớp lệnh với thời gian dự kiến giao dịch từ 26/11 đến 25/12/2020.
Trên thị trường chứng khoán, Thép Nam Kim có mức tăng mạnh mẽ trong khoảng 2 tuần trở lại đây. Kết phiên giao dịch ngày 20/11, NKG có giá 11.750 đồng/cổ phiếu, tăng tới gần 27% so với mức giá kết phiên giao dịch ngày 9/11.
Về kết quả kinh doanh, theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020, thép Nam Kim có doanh thu thuần đạt 3.376 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận gộp của công ty đạt 242 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế gấp 13,3 lần cùng kỳ đạt gần 83 tỷ đồng.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt – VCSC, diễn biến lợi nhuận tăng mạnh mẽ của Thép Nam Kim được dẫn dắt bởi sự phục hồi sản lượng bán cũng như tăng trưởng biên lợi nhuận gộp nhờ giá thép cuộn cán nóng (HRC) phục hồi.
Video đang HOT
“Chúng tôi cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quý III/2020 của doanh nghiệp chủ yếu đến từ sự cải thiện mảng kinh doanh cốt lõi và không có lãi bất thường từ thoái vốn tài sản”, nhóm phân tích từ VCSC đánh giá.
Sau 9 tháng năm 2020, Thép Nam Kim đạt 8.141 tỷ đồng doanh thu, giảm 9,3% so với cùng kỳ. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế vẫn tăng gấp 3,5 lần cùng kỳ, lên mức 141,4 tỷ đồng, hoàn thành 70% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra./.
Cổ đông nước ngoài nào đứng sau các 'ông lớn' ngành xây dựng?
Nhiều doanh nghiệp đầu ngành xây dựng tại Việt Nam đều có cổ đông lớn là các quỹ đầu tư hoặc doanh nghiệp nước ngoài từ Coteccons, Xây dựng Hòa Bình cho tới Fecon...
Mâu thuẫn nội bộ diễn ra tại Công ty CP Xây dựng Coteccons (CTD) giữa các cổ đông lớn nước ngoài và ban lãnh đạo doanh nghiệp đang trở thành tâm điểm khi đây là doanh nghiệp nhiều năm liền giữ vị thế số 1 trên thị trường xây dựng.
Giống nhiều lĩnh vực khác, ngành xây dựng Việt Nam cũng thu hút lượng lớn nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài rót vào doanh nghiệp nội.
Hiện nay, nhiều nhà thầu xây dựng lớn đều có sự hiện diện của cổ đông lớn nước ngoài.
Cổ đông ngoại từ hợp tác đến đối đầu tại Coteccons
Tại Coteccons, doanh nghiệp này đặt tỷ lệ sở hữu (room) tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài có thể nắm giữ là 49%. Đến nay, room nước ngoài còn lại chỉ là 2,62%, tương đương 46,38% vốn tại nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam đang nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài.
Cơ cấu cổ đông của công ty xây dựng này cũng có sự hiện diện của 2 nhà đầu tư ngoại lớn gồm Kustocem Pte. Ltd nắm 17,55% và The8th Pte. Ltd nắm 10,42% vốn.
Bên cạnh đó, còn một số cổ đông ngoại nắm dưới 5% vốn Coteccons như The Ton Poh Fund; VOF Investment Limited; Amersham Industries Limited; Norges Bank...
Mâu thuẫn tại Coteccons hiện nay bắt nguồn từ hai nhóm cổ đông lớn nước ngoài và ban lãnh đạo hiện tại của doanh nghiệp. Ảnh: CTD.
Đáng chú ý, chính những cổ đông ngoại lớn nói trên từng rót vốn đầu tư vào doanh nghiệp nhưng đến nay lại là nhóm có mâu thuẫn trực tiếp với ban lãnh đạo của Coteccons. Đây cũng là nguồn cơn khiến tình hình nội bộ doanh nghiệp này căng thẳng trong hơn 1 năm qua.
Theo đăng ký thông tin, cả cổ đông lớn Kusto và The8th đều có nguồn gốc từ Singapore. Trong đó, Kusto đầu tư chủ yếu trong lĩnh vực khoáng sản, bất động sản và xây dựng tại các nước Đông Âu và Việt Nam. Cổ đông này lần đầu rót vốn vào Coteccons năm 2012 với khoản đầu tư 500 tỷ đồng.
Trong khi đó, The8th được thành lập giữa tháng 6/2019 và đến tháng 8 cùng năm cũng trở thành cổ đông lớn nắm 10,42% cổ phần nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam.
Việc cổ đông lớn The8th công khai ủng hộ Kusto và yêu cầu bãi nhiệm ông Nguyễn Bá Dương (Chủ tịch HĐQT) và ông Nguyễn Sỹ Công (Tổng giám đốc) của Coteccons cũng khiến ban lãnh đạo hiện tại của doanh nghiệp này đặt nghi vấn về mối liên hệ giữa 2 cổ đông ngoại nói trên.
Nhà đầu tư ngoại đứng sau các "ông lớn" xây dựng
Không riêng Coteccons, nhà thầu xây dựng có quy mô lớn thứ 2 tại Việt Nam hiện nay là Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) cũng có sự hiện diện của các cổ đông lớn nước ngoài.
Cùng để room nước ngoài tối đa 49%, hiện room ngoại còn lại tại Hòa Bình là 32,05%, tương đương 16,95% vốn đang thuộc sở hữu của nước ngoài.
Trong đó, nhà thầu này hiện có 2 cổ đông ngoại lớn là Hyundai Elevator Co.,Ltd nắm 10,83% và Korea Investment Management Co.,Ltd nắm 5,11% (đến cuối 2019).
Trong đó, Hyundai Elevator là nhà sản xuất thang cuốn, thang máy lớn nhất Hàn Quốc với 44% thị phần. Công ty này lần đầu rót vốn vào Hòa Bình từ tháng 4/2019 với khoản đầu tư 575 tỷ đồng để đổi lấy tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện nay.
Với Korea Investment Management (KIM), đây là công ty quản lý quỹ đầu tư của Hàn Quốc với nhiều quỹ thành viên như KIM Vietnam Growth Equity Fund; KITMC Vietnam Growth Fund; KITMC Worldwide Vietnam RSP Balanced Fund... quy mô hàng trăm triệu USD.
Ngoài Hòa Bình, quỹ đầu tư này còn rót vốn vào hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam như Tập đoàn Đất Xanh, Chứng khoán Bản Việt, Thép Nam Kim...
Tại Công ty CP Fecon (FCN), 2 cổ đông lớn nhất tại nhà thầu xây dựng này cũng là nhà đầu tư nước ngoài gồm Raito Kogyo Co.,Ltd (Nhật Bản) nắm 18,57% vốn và PYN Elite Fund (Phần Lan) nắm 17,3%.
Trong đó, tập đoàn xây dựng của Nhật Bản đầu tư vào nhà thầu phía Việt Nam từ tháng 6/2019 khi chuyển đổi lô trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng sang cổ phần sở hữu.
Còn PYN Elite Fund là quỹ đầu tư nổi tiếng tại thị trường Việt Nam nhiều năm với tổng danh mục hơn 440 triệu USD tính đến cuối tháng 5 vừa qua.
Ngoài Fecon, quỹ này còn đang nắm 15,38% vốn tại Công ty CP Tập đoàn C.E.O, nhà đầu tư bất động sản và thầu xây dựng nổi tiếng thị trường phía Bắc. PYN Elite Fund cũng đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu tại VEAM; TPBank, HDBank, Vietinbank...
Số ít nhà thầu xây dựng đã niêm yết nhưng không có sự hiện diện của các cổ đông nước ngoài lớn là Tổng CTCP XNK và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex. Trong đó, cổ đông ngoại hiện chỉ nắm chưa tới 0,5% vốn tại đây.
Với Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC), là một trong 10 nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam nhưng cơ cấu cổ đông tại đây hiện chỉ có khoảng 0,1% do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ. Đa số vốn doanh nghiệp đều do ban lãnh đạo và người thân sở hữu.
VCSC dự báo lãi ròng năm 2020 của PHR đạt 1.000 tỷ đồng Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng Khu công nghiệp VSIP III sẽ là yếu tố dẫn dắt lợi nhuận chính của Cao su Phước Hoà (PHR) trong ngắn và dài hạn. VCSC dự phóng doanh thu 2020 của PHR sẽ đạt 1.400 nghìn tỷ đồng, giảm 16% so năm trước và lãi ròng đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 126% được dẫn dắt...