Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh, sinh viên
Ngày 6-4, Bộ Y tế có Công văn số 2483/BYT-KCB gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha).
Ảnh minh họa
Các sản phẩm thuốc lá mới rất có hại cho sức khỏe của cả người hút và những người xung quanh, là nguyên nhân của nhiều trường hợp ngộ độc nicotin, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng để sản xuất các sản phẩm thuốc lá điện tử, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe.
Video đang HOT
Việc sử dụng thuốc lá điện tử gây tổn thương phổi cấp tính và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, như: Ung thư phổi, ung thư vòm họng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tăng nguy cơ gây huyết khối, bệnh tim mạch, đột quỵ. Trên thế giới, chưa có bằng chứng chứng minh thuốc lá điện tử giúp cai nghiện. WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là biện pháp giúp hỗ trợ cai nghiện thuốc lá.
Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ đang gia tăng nhanh chóng. Năm 2019, kết quả điều tra sức khỏe học sinh toàn cầu của WHO thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng lên 2,6% (năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 0,2%).
Đặc biệt, gần đây, theo phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào các trường học, ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh, sinh viên, đồng thời gây ra những hậu quả trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế – xã hội.
Trước tình hình trên, để ngăn ngừa và giảm thiểu các tổn thất về sức khỏe, kinh tế – xã hội do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra, bao gồm cả thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha trong cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương tiếp tục tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng thuốc lá điếu truyền thống và kịp thời phổ biến thông tin về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới cán bộ, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên và người dân trên địa bàn.
Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới sinh viên, học sinh các cấp; tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh, sinh viên.
Triển khai đề án sức khỏe học đường
Bộ GDĐT cho biết, đang khẩn trương xây dựng Đề án "Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030".
Ảnh minh họa
Theo Bộ GDĐT, thời gian vừa qua việc cải thiện sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Thực tế tại các nhà trường còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người học, như vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn nước sạch chưa bảo đảm; hoạt động giáo dục thể chất tuy đã được tích cực đổi mới, nhưng vẫn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, chưa phát huy được sở thích của người học...
Việc xây dựng Đề án nói trên nhằm huy động các nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thực hiện tốt công tác bảo đảm dinh dưỡng, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, nâng cao thể chất cho trẻ em, học sinh...
Theo đó, 3 nội dung quan trọng dự kiến được đưa vào đề án để triển khai trong giai đoạn tới gồm: Bảo đảm dinh dưỡng học đường và an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trường học, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em và học sinh; triển khai công trình nước sạch, nhà vệ sinh tại các trường học.
'Chất lạ' mà nam sinh bị bạn khống chế đổ vào miệng ở Cần Thơ là gì? Ngày 5/4, lãnh đạo Công an quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cho biết, đã có kết quả giám định "chất lạ" mà nam sinh lớp 10 Trường THPT An Khánh bị bạn đổ vào miệng phải nhập viện cấp cứu. Theo kết quả từ Phân viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) tại TP.HCM đây là dung dịch hút thuốc lá...