Tăng bồi dưỡng phải hết mãi lộ
Không ai phủ nhận công việc vất vả của lực lượng CSGT. Những căn bệnh nghề nghiệp mà họ mắc phải lại ít ai nhìn thấy. Tiền bồi dưỡng của một ca trực chỉ đủ mua một chiếc bánh mỳ. Số tiền bồi dưỡng ít ỏi có phải là nguyên nhân nảy sinh tiêu cực mà dư luận đã phản ánh? Câu hỏi đặt ra, liệu tăng tiền bồi dưỡng có giảm được tình trạng mãi lộ ở lực lượng này?
Bệnh tật, ai hay?
Thượng tá Nguyễn Văn Tòng – Phó phòng CSGT, Công an Hà Nội – cho hay “Tôi chưa có thống kê về những bệnh nghề nghiệp mà các chiến sĩ CSGT mắc phải trong khi thực thi nhiệm vụ, nhưng có thể khẳng định sẽ rất nhiều. Bởi lẽ, với mức độ ô nhiễm không khí, khói bụi, xăng xe hiện nay thì không thể tránh khỏi. Do đó, chúng tôi rất đồng tình với đề xuất về bồi dưỡng xứng đáng cho lực lượng CSGT của Thủ tướng; vì lực lượng CSGT là lực lượng làm việc trong môi trường đặc thù”.
CSGT phân luồng tại ngã tư Lê Văn Lương – Láng (Hà Nội). Ảnh: H.N
Phải công nhận, lực lượng CSGT ở các đô thị lớn đã mắc phải căn bệnh nghề nghiệp, bởi thường xuyên dãi nắng, dầm mưa… Họ là những người đang phải làm việc trong môi trường ô nhiễm nghiêm trọng mà không được trang bị các thiết bị bảo hộ.
Video đang HOT
Môi trường không khí ở các đô thị lớn đang ô nhiễm đến mức báo động. Ví dụ: Nồng độ bụi tại nơi CSGT làm việc ở TPHCM vượt ngưỡng cho phép từ 5 đến 15%, nồng độ SO2 vượt từ 10 đến 30%; đặc biệt, các chất gây ung thư từ không khí như chì, benzene, NO2 vượt ngưỡng nhiều lần (theo kết quả nghiên cứu của TS Nguyễn Bá Toại – Trường ĐH Xây dựng Hà Nội).
Không khí ở Hà Nội luôn chìm trong bụi và khói xe bởi tốc độ tăng bình quân các phương tiện giao thông mỗi năm từ 15-20%, góp phần lớn vào việc phát thải độc hại. Theo nghiên cứu của ARIA Technologies – Cty chuyên cung cấp giải pháp phần mềm tính toán, mô phỏng ô nhiễm môi trường không khí và hỗ trợ dự báo khí tượng – thì nguồn gây ra ô nhiễm chính là giao thông.
Theo số liệu của Trung tâm Quan trắc môi trường, tại nhiều nút giao thông như Kim Liên – Giải Phóng, Phùng Hưng – Hà Đông, nồng độ bụi thường cao hơn mức cho phép, có lúc lên gấp 7 lần. Các khí ô nhiễm khác như CO, SO2 dưới tiêu chuẩn, nhưng đang có xu hướng tăng. Nguồn ô nhiễm từ hoạt động giao thông chiếm tới 70% tỉ lệ nguồn gây ô nhiễm ở Hà Nội.
Theo Viện Nghiên cứu KHKT – Bảo hộ lao động, CSGT thường mắc các bệnh như viêm khớp, tai-mũi-họng, viêm xoang, viêm tai… CSGT khi làm việc thường phải chịu đựng căng thẳng nên cũng mắc một số bệnh tim mạch, huyết áp. Tuy nhiên, CSGT lại không được dùng các thiết bị bảo hộ. Trong khi người dân không chịu nổi khói bụi, đeo khẩu trang khi tham gia giao thông, còn lực lượng CSGT lại không.
Bồi dưỡng là cần thiết
Từ ý tưởng của nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, từ tháng 4.2012, chính quyền TP.Đà Nẵng đã thực hiện thí điểm việc “bồi dưỡng” cho CSGT, từ nguồn thu xử phạt hành chính trong lĩnh vực trật tự ATGT. Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện chính sách “đặc biệt” này.
Theo đó, tùy theo vị trí, mỗi CSGT được nhận thêm số tiền ngoài lương cao nhất là 5 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất là 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, sau 8 tháng thực hiện, việc bồi dưỡng tạm dừng từ tháng 11. Lý do ngừng là “tính pháp lý của việc chi trả”.
Thượng tá Nguyễn Đến – Trưởng phòng CSGT Đà Nẵng – cho biết, việc dừng chi trả tiền “bồi dưỡng” cũng xuất phát từ đề xuất chung của chiến sĩ của phòng, anh em cảm thấy “không vui” khi dư luận đề cập và so sánh, rồi kiểm toán vào cũng hạch hỏi khá nhiều…
Tuy vậy, phải thấy rằng, xuất phát từ công việc đặc thù của CSGT, hằng ngày công tác trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết và thời gian, làm việc hít thở trong bầu không khí đậm đặc ô nhiễm trên đường… nên chủ trương “bồi dưỡng” của chính quyền TP là nguồn động viên tinh thần và vật chất lớn cho lực lượng, trợ sức rất nhiều cho cán bộ chiến sĩ luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao nhất.
Thượng tá Nguyễn Đến khẳng định, dù có được “đãi ngộ” hay không thì nhiệm vụ của đơn vị cũng phải thực thi tốt công vụ. Hiện cán bộ, chiến sĩ của CSGT Đà Nẵng hằng tháng – ngoài lương – chỉ nhận được tiền bồi dưỡng theo thông tư 89 của Bộ Tài chính (1,5 triệu đồng/người/tháng).
Vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề về việc cần phải có một chính sách đặc thù “chi bồi dưỡng xứng đáng” cho lực lượng CSGT-TT là nguồn động viên lớn cho lực lượng.
Việc chi bồi dưỡng xứng đáng cho lực lượng CSGT là hết sức cần thiết, bởi họ phải làm việc trong môi trường có tính đặc thù riêng. Không thể so sánh và đưa ra câu hỏi rằng, liệu khi chi bồi dưỡng có giảm được tiêu cực của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng? Hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Việc chống tiêu cực trong lực lượng là trách nhiệm của lãnh đạo ngành. Việc chi bồi dưỡng, nên được hiểu là “trợ giúp” cho nghề nghiệp đặc thù.
Theo Lao động
Đã "dưỡng" thì phải "liêm"
Cũng cần có cái nhìn thật khách quan, rất nhiều CSGT vật lộn với nắng mưa, bụi bặm quanh năm để giữ gìn trật tự giao thông, họ xứng đáng được nhận đồng lương thật cao, tiền bồi dưỡng cho các ca trực tuần tra cao hơn.
Tiền phạt của cảnh sát giao thông (CSGT) thu được năm 2013 hơn 2.000 tỉ đồng, cần có cơ chế bồi dưỡng cho CSGT làm việc trong ngày nghỉ, ngoài giờ. Đó là đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng tại cuộc họp của Chính phủ về việc cho ý kiến sử dụng tiền phạt của CSGT diễn ra mới đây.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang phân tích rằng, CSGT rất vất vả, nhưng tiền phạt thì phải nộp về Bộ Tài chính, còn "mỗi ca trực anh em cũng chỉ được mua thêm cái bánh mỳ". Bộ trưởng Quang cũng chia sẻ, việc bồi dưỡng cho cảnh sát tuần tra sẽ giảm bớt tiêu cực. Không chỉ chuyện cái bánh mỳ cho một ca tuần tra, lương thiếu úy, trung úy CSGT từ 5 - 6 triệu đồng. Theo phân tích của Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt - thì đồng lương này không đủ tiền xăng xe đi lại, vậy thì làm sao có thể nuôi nổi vợ con.
Các phân tích đều rất đúng. Cũng cần có cái nhìn thật khách quan, rất nhiều CSGT vật lộn với nắng mưa, bụi bặm quanh năm để giữ gìn trật tự giao thông, họ xứng đáng được nhận đồng lương thật cao, tiền bồi dưỡng cho các ca trực tuần tra cao hơn.
Tuy nhiên, dư luận vẫn băn khoăn rằng, ngân sách nhà nước bỏ ra để bồi dưỡng cho lực lượng này nhằm có giúp triệt tiêu hẳn nạn mãi lộ - từ đó tạo bước chuyển mạnh mẽ về công tác an toàn giao thông? Nói cách khác, nỗi lo của dư luận là "dưỡng" rồi có "liêm"?!
Có một thực tế là dù khó khăn vất vả là vậy, dù đồng lương khiêm tốn là vậy, nhưng không ít người vẫn thích (thậm chí chạy chọt) để được làm CSGT, để được đi tuần tra mỗi ngày trung bình vài chục cây số quốc lộ hay trên các tuyến đường phố. Cũng lại không hiếm CSGT không những không nghèo, mà còn có cuộc sống khá giả. Xin được hỏi, đồng tiền của họ từ đâu mà có? Không nói, chắc nhiều người cũng đã có câu trả lời.
Và từ câu hỏi này để hỏi câu tiếp theo, nếu tăng thêm tiền bồi dưỡng liệu có thể dưỡng liêm được không, có hạn chế tiêu cực được không? Có nâng cao chất lượng trật tự an toàn giao thông hay không? Nếu không, sẽ có những người nhận tiền bồi dưỡng không phải để đi tuần tra, mà đi làm cái việc lâu nay dân gian nói là "mãi lộ"!
Theo Lê Thanh Phong
Lao động
Nạn "mãi lộ" góp phần gia tăng tai nạn giao thông Hiện tượng tiêu cực, "mãi lộ" của lực lượng CSGT làm tăng chi phí là nguyên nhân chính để các nhà xe chở quá tải, nhồi nhét khách, chạy quá tốc độ. Đại tá Trần Sơn Hà (ngoài cùng bên trái) và ng Nguyễn Hoàng Hiệp (thứ 2 từ trái sang) Các trung tâm đào tạo và cấp bằng lái xe có nhiều...