Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak và nhiệm vụ giành lại lòng tin
Ông Rishi Sunak đã chính thức trở thành thủ tướng thứ 57 của nước Anh sau khi diện kiến Vua Charles III tại Cung điện Buckingham ngày 25/10.
Ở tuổi 42, ông Sunak là thủ tướng trẻ tuổi nhất trong nền chính trị hiện đại Anh, là thủ tướng da màu và cũng là thủ tướng gốc Ấn đầu tiên trong lịch sử nước Anh.
Ông Rishi Sunak đã chính thức trở thành thủ tướng thứ 57 của nước Anh sau khi diện kiến Vua Charles III tại Cung điện Buckingham. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Sinh ra và lớn lên tại Anh trong một gia đình gốc Ấn Độ nhập cư theo đạo Hindu, từ nhỏ, ông Sunak đã được đào tạo bài bản, theo học chuyên ngành kinh tế tại các trường hàng đầu của Anh và Mỹ, như trường Đại học Winchester College thuộc Đại học Lincoln, Oxford (Anh) và thạc sỹ MBA tại trường Đại học Stanford (Mỹ). Sau đó, ông làm việc cho một số công ty tư nhân và mãi đến năm 2015, ông mới bắt đầu theo đuổi sự nghiệp chính trị.
Sau cuộc tổng tuyển cử năm 2019, ông Sunak được Thủ tướng Boris Johnson bổ nhiệm làm bộ trưởng tài chính và ghi dấu ấn lớn trong việc dẫn dắt nền kinh tế Anh vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19. Có lẽ vì thế mà trong 5 vòng bỏ phiếu bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ hồi tháng 7 vừa qua nhằm tìm người thay thế Thủ tướng Boris Johnson, ông Sunak luôn dẫn đầu với khẩu hiệu tranh cử “chúng ta cần khôi phục lòng tin và tái thiết nền kinh tế”.
Tuy nhiên, trong cuộc đua tay đôi với ứng cử viên Liz Truss, dường như kế hoạch ưu tiên giải quyết lạm phát mà ông đưa ra chưa giành được lòng tin của các thành viên đảng Bảo thủ. Ông Sunak đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu quyết định của đảng Bảo thủ và bà Liz Truss trở thành thủ tướng mới. Việc bà Truss buộc phải từ chức chỉ sau vỏn vẹn 45 ngày cầm quyền đã mở đường để ông Sunak “tiếp quản” vai trò thủ tướng, với nhiệm vụ nặng nề là giành lại lòng tin không chỉ của các thành viên đảng Bảo thủ mà còn của người dân Anh.
Video đang HOT
Theo giới phân tích, nhận nhiệm sở trong tình hình rối ren hiện nay, tân Thủ tướng Sunak phải nhanh chóng tìm lời giải cho những bài toán khó gồm ổn định nội bộ, giải quyết khủng hoảng tài chính công, kiềm chế lạm phát đang leo thang, hóa đơn năng lượng tăng vọt và nguy cơ thiếu điện trong năm 2023, vấn đề thực thi Nghị định thư Bắc Ireland, xung đột Nga-Ukraine…
Về nội bộ, ông Ben Harris-Quinney, Chủ tịch Bow Group, tổ chức tư vấn của đảng Bảo thủ, cảnh báo hàng chục nghìn đảng viên cơ sở sẽ rời đảng do không được bỏ phiếu bầu lãnh đạo. Những thành viên ở lại sẽ ít có xu hướng vận động cho ứng cử viên địa phương tại cuộc bầu cử tiếp theo, khiến cho Công đảng có nhiều khả năng chiến thắng hơn trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Áp lực kêu gọi tổng tuyển cử trước thời hạn cũng đang ngày càng gia tăng. Các đảng đối lập như Công đảng, Dân chủ Tự do, Dân tộc Scotland đã tuyên bố cần tiến hành ngay cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn, do những yếu kém về kinh tế kéo dài mà đảng Bảo thủ đã gây ra cho nước Anh và ông Sunak không có được sự ủy thác thông qua bầu cử của cử tri cả nước.
Ngoài ra, việc kiện toàn nội các cũng sẽ là bước đi quan trọng đầy khó khăn để tân Thủ tướng Sunak đảm bảo được ổn định, thống nhất và cân bằng lợi ích giữa các phe nhóm trong đảng, tránh lặp lại tình trạng hình thành các nhóm nghị sĩ “nổi loạn”, cản trở việc hoạch định chính sách và gây chia rẽ trong đảng.
Về kinh tế, mặc dù thị trường đã có phản ứng tích cực ngay sau khi ông Sunak trở thành tân thủ tướng, nhưng Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Dave Ramsden cảnh cáo rằng nguy cơ vẫn tiềm ẩn và cần phải đảm bảo sự ổn định trong hoạch định chính sách. Theo chuyên gia kinh tế Thomas Pugh thuộc tập đoàn dịch vụ tài chính RSM, cam kết của ông Sunak về trách nhiệm tài khóa cho thấy Anh có thể sẽ phải đối mặt với một làn sóng “thắt lưng buộc bụng” mới.
Chi tiêu tài khóa thấp hơn có khả năng giữ lạm phát trong trung hạn, có nghĩa là BOE sẽ không cần phải tăng mạnh lãi suất. Thị trường tài chính sẽ theo dõi chặt chẽ các động thái của chính phủ mới trong thực thi kỷ luật tài khóa vì một sự chệch hướng sẽ tác động tiêu cực đến thị trường tài chính và khiến đồng bảng Anh tiếp tục mất giá trong khi lợi suất trái phiếu tăng.
Đối với Hệ thống Dịch vụ y tế quốc gia (NHS), theo thống kê mới nhất, số người chờ đợi để được điều trị tại bệnh viện ở Anh lần đầu tiên đã lên đến con số 7 triệu vào tháng 8. Giáo sư Stephen Powis, Giám đốc NHS, cho biết dịch vụ y tế công đang tiếp tục phải đối mặt với “một mùa Đông khó khăn phía trước” do thiếu hụt bác sỹ và nhân viên y tế.
Trong xử lý người nhập cư bất hợp pháp, tân Thủ tướng Sunak cho biết sẽ giới hạn số lượng người tị nạn mà Anh sẽ tiếp nhận mỗi năm và đẩy mạnh chương trình đưa người nhập cư bất hợp pháp sang Rwanda. Ông cam kết sẽ siết chặt vấn đề xin tị nạn ở Anh và chủ trương liên kết việc nhập cư bất hợp pháp với viện trợ cùng các hiệp định thương mại, gồm các điều khoản yêu cầu các quốc gia nhận lại những người di cư.
Nghị định thư Bắc Ireland sẽ là một trong những vấn đề cấp bách mà chính phủ của Thủ tướng Sunak cần ưu tiên giải quyết ngay, khi thời hạn để Anh và Liên minh châu Âu (EU) phải đạt được thỏa thuận đang đến gần (ngày 28/10), nhưng hiện cuộc đàm phán vẫn “giậm chân tại chỗ”. Nếu thời hạn này bị lỡ, đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) theo đường lối ủng hộ Liên hiệp Anh tại Bắc Ireland, có thể kích hoạt cuộc tổng tuyển cử tại Bắc Ireland và không loại trừ kịch bản đảng Sinn Fein, theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, ủng hộ độc lập trên đảo Ireland có thể giành chiến thắng.
Đối ngoại được coi là lĩnh vực nhiều thách thức đối với tân Thủ tướng Sunak. Theo chuyên gia John Kampfner, Viện Chatham House, sau những bất ổn kéo dài nhiều tháng qua, uy tín và vị thế của Anh đã bị tổn hại nghiêm trọng. Tân Thủ tướng Sunak cần nhanh chóng, nhưng cẩn trọng để trấn an các đồng minh rằng nước Anh đã tự tái lập nền chính trị ổn định.
Ông có thể sẽ phải tiếp tục chính sách linh hoạt của bà Truss, ưu tiên “phá băng” quan hệ giữa Anh-EU để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Những thách thức đầu tiên sẽ là tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Anh đối với Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (COP27), dự kiến diễn ra tại Ai Cập đầu tháng sau, trong bối cảnh Anh dự định mở rộng khai thác dầu khí tại Biển Bắc…
Có thể nói tân Thủ tướng Sunak đối mặt với những thách thức lớn, nhưng cũng sẽ là cơ hội để nhà lãnh đạo trẻ thể hiện năng lực. Giải quyết được các vấn đề này sẽ mang ý nghĩa sống còn, quyết định tương lai, không chỉ của ông Sunak mà còn của cả đảng Bảo thủ cầm quyền trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử sắp cận kề và các đảng chính trị đối lập đang liên tục gây sức ép để tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn.
Ngày ông Sunak được bầu là lãnh đạo đảng Bảo thủ và trở thành Thủ tướng Anh cũng là ngày Lễ hội Diwali (Lễ hội Ánh sáng), có ý nghĩa là một khởi đầu mới, một chiến thắng của cái tốt trước cái xấu. Đây là một ngày lễ quan trọng trong năm của các tín đồ Hindu trên thế giới. Dư luận Anh kỳ vọng ông Sunak sẽ mang lại một luồng sinh khí mới cho nền chính trị đất nước sau thời gian trượt dài trong các cuộc khủng hoảng.
Vua Charles III chính thức bổ nhiệm ông Rishi Sunak làm Thủ tướng Anh
Ngày 25/10, ông Rishi Sunak đã chính thức trở thành Thủ tướng Anh sau khi được Vua Charles III bổ nhiệm trong buổi lễ tại Điện Buckingham.
Ông Rishi Sunak phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô London. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại buổi lễ, Vua Charles III đã yêu cầu ông Sunak thành lập chính phủ mới, sau khi chấp nhận đơn từ chức của bà Liz Truss.
Theo kế hoạch, ông Sunak sẽ ngay lập tức bắt tay vào việc bổ nhiệm nội các mới và xúc tiến giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Trước đó một ngày, Chủ tịch Ủy ban 1922, ông Graham Brady tuyên bố cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ nước này. Ông Brady cho biết ông Sunak là ứng cử viên duy nhất đạt đủ số phiếu ủng hộ tranh cử lãnh đạo. Điều này đồng nghĩa với việc ông sẽ trở thành Thủ tướng thứ 57 của Anh.
Ông Sunak đã khẳng định ưu tiên hàng đầu của ông là đảm bảo ổn định kinh tế, tiếp đó là thực hiện các cam kết của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử năm 2019. Trong bài phát biểu trước các nghị sĩ đảng Bảo thủ, ông Sunak cũng loại trừ khả năng tổ chức tổng tuyển cử.
Bà Liz Truss chính thức từ chức Thủ tướng Anh, chúc người kế nhiệm điều hành đất nước thành công Chiều 25/10 (theo giờ Việt Nam), tại số 10 phố Downing, bà Liz Truss đã có bài phát biểu cuối cùng trên cương vị Thủ tướng Anh sau khi ông Rishi Sunak được bầu làm lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền. Thủ tướng Anh Liz Truss (trong ảnh) thông báo từ chức Chủ tịch đảng Bảo thủ sau 6 tuần tại vị....