Tận thấy cuộc sống của người dân ở lõi rừng Gia Lai
Tại tỉnh Gia Lai, hàng trăm hộ dân vẫn định cư, sinh sống trong lõi rừng. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như trẻ em thất học, phá rừng, khó quản lý an ninh…
Đời sống người dân ở lõi rừng xã Ia Hder gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn
Cách trụ sở xã Ia Hder ( huyện Krông Pa, Gia Lai) khoảng 19km có một ngôi làng tách biệt với cuộc sống bên ngoài, không điện, đường, trường, trạm. Con đường đất đến vùng này bụi ngày nắng, trơn trượt vào mùa mưa.
Những ngôi làng tự phát
Khoảng 2 giờ vượt đồi núi bằng xe máy chúng tôi mới tiếp cận được ngôi làng. Mười năm trước, vùng này chỉ có vài gia đình dân tộc thiểu số, đến nay đã có hơn 150 hộ từ nhiều nơi khác nhau của tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên đến sinh sống. Họ làm nhà tạm bợ bằng những ván gỗ, đào giếng, nuôi gia súc, trồng hoa màu.
Anh Nay Y Duôn (42 tuổi, buôn Jú, xã Krông Năng, huyện Krông Pa) cho hay: “Mình có 2 ha mì, năm nay thu được hơn 25 tấn tươi. Đường khó đi, thương lái không vào mua, mình phải thuê máy cày kéo ra bán. Năm nay lỗ nhiều lắm, đầu tư 20 triệu đồng nhưng thu chỉ được 10 triệu đồng thôi”.
Video đang HOT
Anh Duôn kể, năm 2009, công trình Thủy điện Sông Ba Hạ hoàn thành, đất nông nghiệp của gia đình bị ngập. Tuy đã được đền bù nhưng không còn đất sản xuất, vợ chồng cùng 6 đứa con đến vùng này định cư. Những đứa con của vợ chồng anh Duôn cũng theo đó mà lần lượt nghỉ học sớm. Dù chính quyền vận động di dời khỏi khu vực rừng lõi nhưng anh Duôn không thực hiện vì về làng cũ không có đất, đi làm thuê cũng không ổn định.
Ở sâu trong chân núi Cư Bung (xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai) cũng có 55 hộ dân định cư. Nơi đây cách trung tâm xã Ia Le khoảng 18km, đường đi vào rất khó khăn. Vùng này cũng đủ thứ “không” bởi tách biệt với khu dân cư. Hầu hết người trưởng thành chấp nhận cuộc sống thiếu thốn nơi đây. Anh Vi Văn Khải (30 tuổi, huyện Ea Hleo, Đắk Lắk) có 3 ha đất sản xuất, định cư từ năm 2013. Anh Khải cho biết: “Vợ tôi đang nuôi 2 con ở nhà, chỉ mình tôi đến vùng này cày cuốc, chứ để các cháu vào kiểu gì cũng bỏ học sớm. Ở đây có 40 em nhỏ độ tuổi đi học nhưng chỉ 20 em còn duy trì”.
Hộ nghèo di dân
Ông Y Nguyên Ênuôl – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Gia Lai (Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai) cho biết, dân di cư tự do hầu hết là hộ nghèo, ở các vùng sâu, thu nhập thấp. Những năm gần đây, các hộ dân di cư tự do có xu hướng đến vùng lõi rừng. Điều này khiến tình trạng thất học trở lên phổ biến, việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đảm bảo an ninh gặp nhiều khó khăn.
Để giảm thiểu ảnh hưởng, từ năm 2005 đến nay tỉnh luôn quan tâm bố trí, sắp xếp chỗ ở cho hàng nghìn hộ dân di cư tự do. Hiện còn 92 hộ trên địa bàn tỉnh cần sắp xếp, ổn định đời sống. Trong đó có 55 hộ dân ở chân núi Cư Bung tỉnh đã nắm tình hình, hiện đang cho chủ trương huyện Chư Pưh lập dự án sắp xếp, ổn định cuộc sống lâu dài trong năm 2020.
“Về thông tin khoảng 150 hộ dân sống trong lõi rừng xã Ia Hdreh, đây thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Hiện UBND huyện Krông Pa đã thành lập đoàn công tác thống kê, vận động các hộ dân đang lấn chiếm trả lại đất đai cho chính quyền và về lại nơi sinh sống cũ” – Ông Ênuôl nói.
Dân khốn khó vì sắn nhiễm bệnh, dưa hấu tụt giá
TP - Hơn 1,7 nghìn ha sắn (mì) ở Gia Lai đang bị nhiễm bệnh khảm lá; giá dưa hấu chỉ còn 500 đồng/kg khiến nông dân khốn khó.
Dưa hấu ở Gia Lai tụt giá thê thảm
Hàng nghìn ha sắn nhiễm bệnh
Bà Hoàng Thị Chanh (thôn Mê Linh, huyện Krông Pa, Gia Lai) có 4 ha sắn chuẩn bị cho thu hoạch, kể :"Vụ này tôi đầu tư 4 ha sắn hết 80 triệu đồng tiền phân, công rẫy cỏ và giống. Sắn lên được 3 tháng thì có dấu hiệu bị bệnh khảm lá. Vụ trước mỗi ha của tôi cho thu hoạch hơn 30 tấn tươi. Vụ này củ rất nhỏ, ước đạt mỗi ha chỉ thu 15 tấn tươi. Thương lái vào trả mỗi kg chỉ 1,6 nghìn đồng. Tôi chỉ mong trả đủ tiền đầu tư thôi".
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai) cho biết, toàn tỉnh Gia Lai có 9,2 nghìn ha sắn, trong đó hơn 1,7 nghìn ha bị nhiễm bệnh khảm lá. Huyện bị nhiều nhất là Krông Pa 1,1 nghìn ha, Ia Pa 400 ha, Phú Thiện hơn 168 ha... Cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá có nguy cơ giảm 80% năng suất.
Ông Tú khuyến cáo: Đối với diện tích sắn trồng trong niên vụ 2019 đang nhiễm bệnh, người dân cần thu hoạch sớm, không được để hom giống đã nhiễm bệnh trồng cho vụ sau. Sau khi thu hoạch cần tiêu hủy triệt để cả gốc, thân, lá trên đồng ruộng. Hạn chế trồng sắn trở lại trên các diện tích đã bị nhiễm bệnh, mà phải chuyển sang trồng các loại cây khác như ngô, đậu đũa, mía... để cắt đứt nguồn bệnh. Sau một vụ mới có thể trồng sắn trở lại.
Nếu trồng mới cần kiểm tra, theo dõi chặt chẽ bọ phấn phát sinh gây hại ngay từ khi cây sắn được 3 tháng tuổi, nếu thấy mật độ từ 5 đến 10 con/cây thì tiến hành xử lý bằng thuốc bảo vệ thực vật.
500 đồng/kg dưa hấu
Những ngày đầu tháng 2/2020 tại huyện Ia Pa (Gia Lai), tuy đã đến vụ thu hoạch nhưng trên các ruộng dưa lại đìu hiu, vắng vẻ. Trưa nắng chói nhưng các đống dưa do chủ ruộng thu gom không được che đậy. Những vụ trước vào thời điểm này xe tải nối đuôi nhau chở dưa hướng ra Bắc để xuất sang Trung Quốc. Giá mua tại chân ruộng đối với dưa loại tốt dao động từ 7 đến 9 nghìn đồng/kg, nay giá chỉ từ 500 đồng đến 1,3 nghìn đồng/kg.
Ông Lê Văn Lâu (55 tuổi, huyện Tây Sơn, Bình Định) cùng một số hộ dân khác thuê 18 ha đất ở xã Ia Broái, huyện Ia Pa để trồng dưa, dự tính chăm sóc tốt năng suất bình quân ước đạt 40 - 60 tấn/ha. Khi dưa sai quả, ai cũng mừng nghĩ sắp có vụ mùa bội thu, nào ngờ đến kỳ thu hoạch thì xảy ra dịch corona khiến hàng hóa ế ẩm. "Mỗi ha tôi đầu tư 160 triệu đồng mua giống, phân bón, công chăm sóc. Đó là chưa kể tiền thuê đất 3 tháng với giá 25 triệu đồng/ha. Bây giờ thì giá rẻ tôi cũng cắn răng mà bán chứ biết sao, để lâu dưa thối hết, vậy mà cũng chẳng có thương lái nào đến mua", ông Lâu nói.
Theo thống kê ban đầu, dưa hấu được trồng chủ yếu ở các huyện phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai với diện tích hơn 1 nghìn ha. Trong đó nhiều nhất là huyện Krông Pa với 608 ha, Ia Pa 416 ha, thị xã Ayun Pa có diện tích ít hơn. Chia sẻ với vất vả của nông dân trồng dưa, nhiều người đã mua hàng tấn dưa rồi chụp ảnh, đăng tải lên mạng xã hội, gọi điện bạn bè đến mua. Tuy nhiên kết quả cứu dưa chỉ như "muối bỏ biển".
TIỀN LÊ
Theo TPO
Trưởng thôn hiến tặng 2000 m2 đất, vận động dân di dời nhà mồ để xây trường Thấu hiểu khó khăn của học sinh, già Thiệu hiến hàng ngàn mét đất và vận động bà con di dời nhà mồ đang bao vây trường học. Không những thế, già luôn giúp đỡ nhiều học sinh khó khăn trên địa bàn. Ngôi nhà của già Thiệu (Ama Thiệu, tên thật là Rah Lan Dyel, 61 tuổi trú ở làng Plei Trang,...