Tản mạn cùng ẩm thực Việt
Cách thưởng thức món ăn của người Việt có một đặc điểm được cho là… “khó tính”. Tức là ăn phải đúng kiểu mới chịu.
Cảm xúc với món ăn luôn là cảm xúc chân thật nhất. Đó là cảm giác đói khát, thèm muốn, hớn hở, phấn khích… Yêu có lúc còn dừng lại được chứ đói là không thể không ăn, nhỉ?
Tôi nhớ hoài hình ảnh một người chị họ ở Hà Nội vào TP.HCM, xuống máy bay Tân Sơn Nhất, việc đầu tiên là thuê taxi chở thẳng ra chợ Bến Thành để ăn… bún mắm. Thưởng thức no nê, chị mới khệ nệ xách va li, túi xách về khách sạn.
Tôi cũng nhớ hình ảnh đứa cháu trai hai tuổi, lần đầu tiên được ăn bún mắm trong đời đã ngọng nghịu hỏi mẹ: “Món này tên là gì mà ngon vậy mẹ?”.
Có rất nhiều câu chuyện, trong những giờ phút quan trọng, những lúc yếu lòng, người ta hay nhớ về những ký ức tuổi thơ, những bữa cơm mẹ nấu. Nhớ về món thịt rang cháy cạnh, cà tím om đậu mơ thơm mùi tía tô. Nhớ về món thịt kho trứng với miếng mỡ trong veo, rau muống xào tỏi xanh mướt, cá thu kho thơm vừa dẻo vừa dai dai, ngọt nước…
Rất nhiều người Việt xa xứ, ngày tết chắc hẳn sẽ rất nhớ cố hương, nhất là những món ăn ngày xa xưa mình đã từng được thưởng thức. Đó có thể là me dốt ngào đường trộn muối ớt, cà na dập ngâm đường. Đó có thể là phở Việt với miếng thịt bò cắt mỏng, nước trong thơm mùi hồi, quế. Có thể là khô bò Quốc Hương xé từng sợi, vị thật ngọt thơm. Có thể là ốc dừa xào bơ, sò huyết xào me, bánh canh giò heo. Là cả món phá lấu Tàu lề đường Pasteur thơm lừng mùi tương đen. Là gỏi khô bò Lê Văn Tám và nước mía ngọt “thịnh soạn” đãi sinh nhật của tuổi học trò, ngồi ăn đã đời mới phát hiện cô giáo phụ trách đội cũng đang ngồi “măm” ở góc bên kia.
Trong bộ phim Hàn Quốc Chocolate có một tình tiết nhắc tới câu chuyện người chồng Hàn Quốc – trong những ngày tháng cuối ở bệnh viện chữa bệnh nan y – đã đặt làm cho cô vợ Việt Nam của mình món “bún chả Hàng Mành”. Bún chả phải làm sao giống như món ăn đầu tiên của hai vợ chồng hồi còn ở Việt Nam ăn trong chợ đêm Bến Thành. Chẳng biết mùi vị có giống hay không nhưng tôi cũng thấy có bún tươi nhỏ sợi, rau thơm lá nhỏ xanh mướt, thịt nướng bắt mắt. Nhưng điều làm tôi ấn tượng nhất là hình ảnh cô vợ khi ăn cảm động đến nghẹn ngào, như đang nhận được món quà vô giá!
Video đang HOT
Món ăn Việt Nam thật sự xứng đáng có hạng trên bản đồ ẩm thực thế giới. Giáo sư Trần Văn Khê trong tự truyện của mình đã có phân tích sâu sắc đối với món ăn Việt. “Món ăn Việt Nam hội đủ kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, có âm có dương. Như món ốc luộc, thịt vịt hay thịt cá trê (hàn) thì chấm với nước mắm gừng (nhiệt). Nếu cảm nắng (bị mặt trời làm cho sốt) thì dương đã vào người, phải nấu cháo hành (âm). Món ăn Việt toàn diện, dân chủ và khoa học”.
Khi thưởng thức món ăn Việt, chẳng riêng gì vị giác, các giác quan khác cũng đều bị hấp dẫn. Thị giác sẽ bị hấp dẫn bởi màu sắc của món ăn, khứu giác sẽ bị hấp dẫn bởi mùi thơm của món ăn, thính giác thì nghe được tiếng giòn rụm của đồ ăn và những tiếng sảng khoái của người thưởng thức…
Người thích ăn ngon và được ăn ngon quả là hạnh phúc! Nhưng trong cách thưởng thức món ăn của người Việt thì có một đặc điểm được cho là … “khó tính”. Tức là ăn phải đúng kiểu mới chịu. Như miếng thịt bò phải được cắt đúng độ dày, khi ướp phải có rượu trắng, tiêu đen. Khi nướng miếng bò phải cháy cạnh viền ngoài nhưng thịt phải mềm, ngọt, bỏ vô miệng cắn nhẹ phải tứa ra nước và tan chảy trong miệng.
Như bún ốc ngon phải là bún ốc Hồ Tây. Ốc nhỏ, thơm, giòn tan, nước phải trong, thơm mùi dấm bỗng. Rau ăn kèm phải có lá nhỏ, mùi thơm đặc trưng. Cà chua đỏ tươi nhưng không nát. Bún sợi vừa nhỏ, gắp vào miệng mút phải lọt thẳng vào miệng, phải cảm được độ mát, thanh của bún.
Có một nghiên cứu khoa học cho thấy cảm giác ăn ngon quan trọng tới mức nó có thể thay thế cảm xúc thăng hoa, mang lại hạnh phúc cho con người! Chắc cũng giống cảm giác chinh phục một đỉnh cao nào đó nhỉ.
Đối với người Việt, dù “khó tính” thế nào đi nữa thì vẫn có một bí quyết của một bữa ăn ngon. Đó là ăn trong một tâm trạng thư thái, vui vẻ và với những người mình yêu thương.
Tôi cũng nhớ hoài câu chúc của chị tôi khi gởi thiệp chúc mừng sinh nhật cho con gái cưng: “Chúc con gái mọi điều tốt đẹp. Tuổi mới sẽ được đến nhiều chỗ mới, ăn nhiều món ngon mới. Hãy nhớ nhìn kỹ từng ô cửa nhà hàng, soi kỹ từng góc nhỏ bởi hoàng tử cũng thích ăn ngon lắm đó, con gái!”.
Thế mới thấy trong những gia đình hiện đại, hạnh phúc thay nếu người mẹ nào cũng sắp xếp được những bữa ăn gia đình, có những đứa con hào hứng với món ăn mẹ nấu. Câu hỏi thường trực mà các bà nội trợ thấy rất mê đó là: “Hôm nay mình ăn gì vậy mẹ?”. Thương hết biết!
Thỏa nỗi nhớ với bún ốc chuối đậu Hương Xưa
Mỗi sáng ăn một tô bún, phở hoặc mì cho ấm bụng trước khi bắt đầu một ngày mới, dường như đã trở thành một thói quen không thể thiếu trong mỗi người Việt.
Người Nam ưa món cơm tấm, hủ tiếu; người Bắc chuộng phở hay gói xôi, còn tôi thì vẫn không thể nguôi nỗi nhớ một tô bún ốc mà ngày nhỏ ở Hà Nội vẫn thường ăn.
Những ký ức về món ăn nóng hổi ấy luôn khiến tôi nhớ quay quắt mùi vị chua chua, đậm đà, thanh thảo đó... để rồi dứt khoát dù xa đến mấy cũng phải "đi một quãng đồng" tới Hương Xưa (Cảnh Viên 3, Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM) thưởng thức cho bằng được tô bún ốc chuối đậu cho ngày mới.
Bún ốc chuối đậu thơm ngon khó cưỡng
Thơm nức, ấm lòng tô bún tuổi thơ
Bún ốc chuối đậu là món ăn làm khá công phu và cầu kỳ nhưng đến lúc ăn thì ai cũng tấm tắc vì sự tinh tế và thơm ngon. Tô bún ốc bốc khói nghi ngút, màu vàng của nghệ cùng hương thơm đậm đà, vị nước dùng chua chua, thanh ngọt, lạ miệng khiến bạn không thễ cưỡng lại sự hấp dẫn của món ăn.
Cái khó và cũng là điểm hấp dẫn nhất của bún ốc chuối đậu chính là vị chua đậm đà của nước dùng. Không như vị chua của bún cá, lẩu, hay canh chua, vị chua của bún ốc được tạo ra từ gia vị lên men mà người Việt ai cũng nghe tới, đó là mẻ. Mẻ để làm món bún ốc tại nhà hàng Hương Xưa được nuôi theo bí quyết rất riêng.
Chị Hương, người đã giới thiệu món ăn này với thực khách Hương Xưa chia sẻ: "Bí quyết để có được món bún ốc chuối đậu vừa truyền thống lại vừa phù hợp với thực khách miền Nam và phương Tây không quá khó nhưng cần sự tỉ mỉ trong từng chi tiết. Vị chua của món bún ốc nhất định không thể thiếu được mẻ.".
Quy trình của món này vô cùng kỹ càng. Ốc sau khi được làm sạch, chỉ lấy phần đầu, ướp với nước cốt nghệ tươi, một chút gia vị rồi xào với lửa to, thật nhanh để đảm bảo ốc luôn giòn mà không được dai. Chuối chọn trái không được quá non, xanh mà cũng không được chuyển sang giai đoạn gần chín (chuối ương). Tiếp đến, đầu bếp sẽ xào tương tự với quy trình sơ chế ốc.
Bún ốc chuối đậu "cũng lắm công phu"
"Có rất nhiều chi tiết cần lưu ý để đảm bảo một tô bún ốc chuẩn vị truyền thống như: sự hài hoà của màu vàng nghệ tươi, độ phồng giòn của đậu phụ, tía tô được rắc lên cuối cùng sau khi chan nước dùng làm nổi bật vị thơm, gia vị không thể thiếu là chén sa-tế "homemade" của quán... Vậy nên, khi nấu ăn phải thực sự đặt cả trái tim trong từng chi tiết", chị Hương cho biết.
Một tô bún ốc chuối đậu thực khách ăn không ngơi đũa sẽ gồm có bún rối trắng sợi nhỏ, ốc xào với chuối, đậu, phủ lên trên cùng hành lá, tía tô. Không thể thiếu được khi ăn kèm với tô bún này là đĩa rau thái rối gồm có xà lách, húng láng, kinh giới, tía tô, rau răm.
"Khi nấu ăn phải quan tâm từng chút tới vị giác và cảm xúc của khách hàng. Một thực khách ăn xong mà nước lèo vẫn còn nghi ngút khói thì đó là thành công của người đầu bếp", chị Hương nói thêm.
"Tôi rất muốn ăn một tô bún ốc nhưng thời gian làm món này quá lâu mà nguyên vật liệu lại phức tạp nên khi biết tới món này tại Hương Xưa, tôi cùng gia đình đã thường xuyên ghé ăn. Món ăn gợi nhớ hương vị mà bà và mẹ đã nấu cho ăn ngày bé. Nhớ thời học cấp hai hì hụi đạp xe lên Phố Cổ ăn cho đỡ thèm. Cả một tuổi thơ ùa về và cảm thấy lòng ấm áp hơn", chị Thảo sống tại Cảnh Viên 3, Phú Mỹ Hưng tâm sự.
Bún ốc chuối đậu chiếm được cảm tình của đông đảo thực khách vốn dĩ chuộng món Hà Nội. Mặc dù bình dị nhưng món ăn này thậm chí đã chinh phục những thực khách khó tính đến từ Pháp, Đài Loan, Hàn Quốc...
5 món Bắc chinh phục thực khách nhờ hương vị mắm tôm Cũng như nước mắm, mắm tôm là gia vị không thể thiếu trong ẩm thực Việt nói chung và Bắc Bộ nói riêng. Các món ngon kích thích vị giác gồm bún đậu, chả cá Lã Vọng, giả cầy... Với hương vị quyến rũ của mắm tôm, bún đậu là món Việt được lòng thực khách trong nước và quốc tế. Mắm tôm...