Tận dụng ‘khoảng thời gian vàng’ để hàng hóa thâm nhập thị trường EU
Liên minh châu Âu (EU) là đối tác hết sức quan trọng của Việt Nam về tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật.
Đây là một thị trường rộng lớn với trên 450 triệu dân và tổng GDP trên 16.000 tỷ USD. Với sức mua lớn và bền vững, đây là đối tác hết sức quan trọng của Việt Nam. Đó cũng là lý do mà Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh EU, Nguyễn Văn Thảo, tập trung thúc đẩy ngoại giao kinh tế nhằm tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và EU trên tất cả các lĩnh vực.
Dây chuyền sản xuất sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Woodsland Tuyên Quang. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho rằng về mặt thương mại, xuất nhập khẩu, Việt Nam có thuận lợi hết sức cơ bản khi là một trong 4 nước ở châu Á có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU và cùng với Singapore là hai quốc gia duy nhất trong khối ASEAN, tính đến thời điểm hiện tại, ký kết FTA với EU và được hưởng ưu đãi về thuế quan. Đây chính là lợi thế vượt trội của Việt Nam khi xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh là nông, lâm thủy, hải sản, vào thị trường EU và có lợi thế cạnh tranh so với những nước đối tác như Thái Lan, Malaysia hoặc Indonesia.
Tuy nhiên, những lợi thế này không phải là “vĩnh cửu”. Đại sứ nhấn mạnh: “Chúng ta phải tranh thủ thời gian, cần triển khai những biện pháp hết sức quyết liệt thì hàng hóa của chúng ta sẽ tận dụng được lợi thế của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) để thâm nhập và có chỗ đứng bền vững trên thị trường EU. Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp nắm được cơ hội này và có những chương trình hành động hết sức quyết liệt, hiệu quả và Đại sứ quán luôn sẵn sàng cùng phối hợp để chúng ta tận dụng được khoảng thời gian vàng này”.
Theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, EU không chỉ là thị trường tiêu thụ mà còn là đối tác quan trọng về những lĩnh vực kinh tế mới, đó là kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế biển. Theo định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam, đây là những lĩnh vực mà chúng ta cần hướng tới và EU là đối tác tốt để chúng ta thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác này.
Video đang HOT
Về kinh tế số, EU đã thiết lập liên minh đối tác số với một số nước trong khu vực và đây là thế mạnh của EU. Đại sứ Nguyễn Văn Thảo mong muốn Chính phủ sớm xác định những lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số với EU, trong đó có cả lĩnh vực về đổi mới sáng tạo.
Khởi nghiệp và kinh tế tuần hoàn cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam đã có cam kết rất mạnh. Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho rằng biến đổi khí hậu và kinh tế tuần hoàn là giải pháp để vừa đảm bảo môi trường, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế. Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhận định: “EU là đối tác có nhiều kinh nghiệm và hết sức ưu tiên, quan tâm đến thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Tuy là lĩnh vực tương đối mới nhưng tôi tin rằng nếu như Việt Nam có quyết tâm, có một cách tiếp cận đúng thì hợp tác giữa Việt Nam và EU sẽ đem lại những lợi ích thiết thực cho cả hai bên”.
Với hơn 3.260 km bờ biển, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Đây cũng là ngành kinh tế mũi nhọn của châu Âu. Hơn nữa, chiến lược kinh tế biển của Việt Nam có những trụ cột tương đồng với trụ cột phát triển kinh tế biển của EU.
Tuy nhiên, hợp tác giữa hai bên về kinh tế biển chưa nhiều. Một rào cản đối với kinh tế biển của Việt Nam hiện nay là vấn đề về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo (IUU). Đại sứ Nguyễn Văn Thảo bày tỏ tin tưởng với những động thái quyết liệt của Chính phủ, các địa phương và đặc biệt là của bà con ngư dân, chúng ta có thể rút được thẻ vàng IUU, mở ra một lĩnh vực hợp tác rộng lớn hơn, trong đó có cả vấn đề về môi trường biển, hợp tác nuôi trồng, phát triển thủy hải sản.
EU cũng là đối tác đi đầu trong vấn đề biến đổi khí hậu. Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho biết ngay sau khi Việt Nam có một cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về khí hậu (COP26) ở Glasgow (Scotland, Anh), EU và Anh, đại diện chung cho Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), đã tiến hành đàm phán với Việt Nam để thiết lập quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng. Theo Đại sứ, vấn đề chuyển đổi năng lượng nhằm đảm bảo đáp ứng được yêu cầu phát triển về năng lượng nhưng nó cũng phải đảm bảo việc bảo vệ môi trường. Hơn nữa, hiệp định phải đảm bảo tính công bằng chứ không mang tính ép buộc. Chính vì vậy, chúng ta sẽ đàm phán, trao đổi với EU và các đối tác để giúp quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra một cách phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam, với nhu cầu phát triển của đất nước và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Một thế mạnh khác của Việt Nam cần phải thúc đẩy, theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, là lĩnh vực văn hóa và du lịch. Lượng du khách châu Âu đến Việt Nam rất tiềm năng nên cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá không chỉ về phong cảnh mà còn phải chú trọng đến văn hóa truyền thống lâu đời, giàu bản sắc dân tộc. Đông khách du lịch châu Âu đến Việt Nam sẽ tạo ra sự hiểu biết giữa con người với con người, hiểu biết về văn hóa, tôn trọng văn hóa truyền thống. Đây chính là nền tảng cho sự hợp tác lâu dài và bền vững giữa Việt Nam và châu Âu trong thời gian tới.
EU là đối tác tiềm năng nhưng để hàng hóa Việt Nam vào được thị trường rộng lớn này thì cần phải đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu. Điều quan trọng là chúng ta phải tận dụng được những lợi thế cạnh tranh của hàng hóa mà hiệp định EVFTA mang lại. Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp làm ăn với châu Âu phải xây dựng một chiến lược cụ thể, dài hạn trong 5 năm, 10 năm, thậm chí là 20 năm và trong chiến lược đó, chúng ta xác định rõ những mặt hàng thế mạnh nào ta có thể thâm nhập được thị trường EU, những lĩnh vực nào chúng ta cần hợp tác với họ. Như vậy, chúng ta sẽ phải tìm hiểu cách tiếp cận như thế nào cho phù hợp rồi phải có những nỗ lực tìm kiếm đối tác đúng với mục tiêu và sau đó là cần có những cách tiếp cận, những chương trình gặp gỡ, tiếp xúc, vận động để tạo dựng quan hệ hợp tác lâu bền”. Đại sứ khẳng định Đại sứ quán với nhiệm vụ là cơ quan đại diện của Nhà nước, cũng là “cánh tay nối dài” của địa phương và doanh nghiệp.
Năm 2023, Việt Nam và nhiều nước châu Âu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho rằng đây là dấu mốc rất tốt để chúng ta tận dụng, lồng ghép tất cả những hoạt động kết hợp giữa ngoại giao, chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa. Đặc biệt, với kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 cùng với bức tranh kinh tế mà chúng ta đạt được trong 9 tháng vừa qua là sức thuyết phục rất lớn đối với các đối tác, trong đó có EU.
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo bày tỏ tin tưởng: “Trong bối cảnh thế giới đang phải vật lộn với nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực mà nhiều khu vực, trong đó có EU, đang phải đối mặt thì đây chính là lúc chúng ta cần có cách tiếp cận hợp lý và sẽ đạt được những kết quả rất đáng khích lệ”.
Việt Nam và Malaysia ký bản ghi nhớ hợp tác về kinh doanh gỗ
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, ngành công nghiệp đồ gỗ Malaysia và Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác (MoC) để phát triển hơn nữa ngành công nghiệp gỗ ở cả hai nước.
Dây chuyền sản xuất sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Woodsland Tuyên Quang. Ảnh (tư liệu): Vũ Sinh/TTXVN
MoC sẽ không chỉ tăng cường hợp tác kinh tế giữa Malaysia và Việt Nam mà còn tạo cơ hội cho các nhà sản xuất của cả hai nước tăng cường xuất khẩu và nhập khẩu.
Giám đốc điều hành Hội đồng Gỗ Malaysia (MTC) Muhtar Suhaili cho biết Malaysia cam kết phát triển bền vững hơn nữa ngành công nghiệp gỗ. Đồng thời, Malaysia có thể được hưởng lợi từ đầu tư trực tiếp nước ngoài cao hơn của Việt Nam vào sản xuất đồ nội thất và tiếp cận thị trường Liên minh châu Âu (EU) thông qua các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam. Theo ông Muhtar, nhân lực có tay nghề cao và sự sẵn có của lao động địa phương sẽ là lợi thế đối với Việt Nam, cũng như thuận lợi giáp biên giới với Trung Quốc sẽ tạo ra sự tiếp cận dễ dàng hơn đối với các bộ phận đồ nội thất và gỗ tấm.
MoC cũng phù hợp với thỏa thuận cấp cao ASEAN năm 2000 khi Sáng kiến Hội nhập ASEAN được đưa ra nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao khả năng cạnh tranh của ASEAN với tư cách là một khu vực. MoC cũng sẽ bảo vệ lợi ích của cả hai quốc gia trước các quy định có thể ảnh hưởng đến lợi ích của ngành công nghiệp gỗ của Malaysia và Việt Nam.
Xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Malaysia sang Việt Nam năm 2021 đạt 38,44 triệu USD (169,9 triệu RM) trong khi Malaysia nhập khẩu các sản phẩm làm từ gỗ trị giá 148,25 triệu USD từ Việt Nam.
MoC được ký kết giữa Hiệp hội Xuất khẩu Gỗ Malaysia (TEAM), Hội đồng Đồ gỗ Malaysia (MFC), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (ViForest), Hiệp hội Chế biến Gỗ Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Chế biến Gỗ Đồng Nai (DOWA) và Hiệp hội Gỗ thủ công mỹ nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Buổi lễ ký kết còn có sự tham dự của Chủ tịch TEAM Chua Song Fong, Chủ tịch MFC Khoo Yeow Chong, Chủ tịch ViForest Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch BIFA Nguyễn Liêm, Chủ tịch DOWA Lê Xuân Quân và Chủ tịch DOWA kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Chánh Phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch TEAM Chua Song Fong cho biết: "Ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam đã phát triển rất tốt trong thập kỷ qua và chúng tôi muốn tận dụng điều này và khám phá các cơ hội kinh doanh". Trong khi đó, Chủ tịch MFC Khoo Yeow Chong nói: "Chúng tôi muốn tăng thị phần tại Việt Nam và BTC có thể tăng cường dòng vốn đầu tư cho Malaysia", đồng thời cho rằng việc cung cấp các bộ phận đồ nội thất cho Việt Nam là rất tiềm năng.
5 sản phẩm hàng đầu mà Malaysia xuất khẩu sang Việt Nam năm 2021 gồm ván dăm (9,35 triệu USD), đồ gỗ (7,77 triệu USD), ván sợi (5,99 triệu USD), gỗ xẻ (5,46 triệu USD), đồ mộc và mộc (3,39 triệu USD).
Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đối phó lạm phát, đôn đáo tìm đơn hàng Lạm phát kéo dài tại các quốc gia châu Âu, Mỹ và lan rộng ra châu Á đã gây ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng một số ngành, sản phẩm; trong đó có tiêu dùng sản phẩm gỗ và đồ gỗ nội thất. Chi tiêu tăng nhanh, trong khi sản phẩm đồ gỗ không phải là sản phẩm thiết yếu, người lao...