Tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam: ‘Giấc mơ thành hiện thực’
Ông Ted Osius thành thạo nhiều ngoại ngữ và dành phần lớn thời gian làm việc tại châu Á trong sự nghiệp ngoại giao. Ông từng nói rằng việc trở thành đại sứ tại Việt Nam giống như một giấc mơ thành hiện thực.
Ông Ted Osius và bạn đời Clayton Bond cùng con trai. Ảnh: saisobserver
Ngày 24/6, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ gửi đề cử chức vụ đại sứ Mỹ tại Việt Nam của ông Ted Osius lên toàn thể Thượng viện để xét duyệt. Trước đó, ông đã có bài phát biểu ấn tượng tại phiên điều trần của ủy ban, chia sẻ những kinh nghiệm làm việc, kỷ niệm tại Việt Nam cũng như những đánh giá và định hướng hoạt động nếu trở thành tân đại sứ Mỹ.
“Với tôi, đây là giấc mơ thành hiện thực”, ông Osius nói trước ủy ban. Năm 1996, ông trở thành một trong những nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên làm việc ở Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc. Một năm sau đó, ông giúp mở Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh. “Tôi thích thú khi có cơ hội giúp Mỹ kết bạn tại mảnh đất từng chỉ khiến người Mỹ nhớ về một cuộc chiến tranh”, ông nói.
Osius đã hỗ trợ ông Pete Peterson, đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau khi bình thường hóa, khi ông đặt nền tảng cho mối quan hệ mới giữa hai nước. Ông cũng từng đại diện phó Tổng thống Al Gore, tham gia đội chuẩn bị hiệp định thương mại song phương với Việt Nam, và tháp tùng Tổng thống Bill Clinton trong chuyến thăm lịch sử năm 2000.
Ông Osius từng đi khắp Việt Nam, có lần đạp xe hơn 1.930 km từ Hà Nội tới thành phố Hồ Chí Minh.
“Tại khu phi quân sự cũ, tôi đứng trên một cây cầu, nhìn chăm chăm vào những cái hố trông như những cái ao nằm rải rác. Một người phụ nữ lớn tuổi nói bằng tiếng Việt rằng đó không phải là ao, mà là những nơi bom trút xuống. Trong đó có cả ngôi làng của bà. Khi tôi nói với bà rằng tôi đại diện cho chính phủ và nhân dân Mỹ, bà đáp lại bằng một câu khiến tiếng Việt trở thành thứ ngôn ngữ rất đỗi ấm áp: ‘Hôm nay, chúng ta là anh chị em’”, ông Osius kể trong bản điều trần.
“Từ những khởi đầu đó, tôi chứng kiến quan hệ của chúng ta (Mỹ) với Việt Nam phát triển thành quan hệ đối tác quan trọng, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và những lợi ích chiến lược chung. Như Ngoại trưởng Kerry năm ngoái nói ở Hà Nội, “một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập, tôn trọng pháp quyền và nhân quyền sẽ là một đối tác rất quan trọng của Mỹ trước những thách thức khu vực và toàn cầu”, ứng viên đại sứ đánh giá.
Ông Osius cũng cho rằng khi còn ở Thượng viện, ông John Kerry, cùng Thượng nghị sĩ John McCain, đã làm việc để đảm bảo rằng người Mỹ không chỉ nhìn Việt Nam như một cuộc chiến nữa, mà là một quốc gia và dân tộc nước Mỹ có thể hợp tác một cách hòa bình. “Họ nhìn ra ngoài những hố bom và thấy hy vọng trong tương lai”, ông Osius cho hay.
“Nếu được chấp thuận, tôi sẽ tăng cường mối quan hệ đang kết gắn kết hai dân tộc của chúng ta”, ông Osius nói, đề cập đến những điểm nhấn trong quan hệ song phương như trao đổi giáo dục, thương mại. Ông cũng dự định tiếp nối những nỗ lực của người tiền nhiệm nhằm làm sâu rộng hơn nữa cam kết của Mỹ.
Ảnh: USAID
Video đang HOT
Tân đại sứ có bằng đại học ngành xã hội học tại Harvard College năm 1994 và thạc sĩ về kinh tế quốc tế và chính sách đối ngoại Mỹ tại trường Cao học về Nghiên cứu Quốc tế (SAIS) thuộc ại học Johns Hopkins năm 1989.
Trong 25 năm làm ngoại giao, ông Osius dành phần lớn thời gian làm việc ở châu Á, như các các nước Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Philippines. Ông có thể nói tiếng Việt, Pháp, Italy, một chút ít tiếng Arab, Hindi, Thái, Nhật và Indonesia. Công việc gần đây nhất của ông là làm giáo sư trường National War College. Ông cũng là một nghiên cứu viên kỳ cựu ở Viện nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế (CSIS).
Theo Age, ông Osius là đại sứ Mỹ công khai đồng tính đầu tiên tại châu Á. Ông kết hôn với bạn đời Clayton Bond tại Vancouver, Canada. Họ có một con trai. Ông cũng nói thêm rằng ông không gặp khó khăn gì với cả chính phủ lẫn người dân trên đường phố ở các nước ông tới làm việc.
Trọng Giáp
Theo VNE
Giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương của Trung Quốc không có Mỹ?
Trong Giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương của mình, Trung Quốc mơ sẽ đóng vai trò đầu tàu trong khu vực và Mỹ không hề có vai trò gì.
Tờ Diplomat nhận định Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là người thích "mơ mộng". Bên cạnh Giấc mơ Trung Hoa vốn đã quá nổi tiếng của mình, trong phát biểu tại Hội nghị APEC cuối tuần qua, ông Tập lại nhắc đến một giấc mơ mới: Giấc mơ châu Á- thái Bình Dương.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mô tả về Giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương tại Hội nghị Cấp cao APEC. Ảnh Tân Hoa xã
Phiên bản mở rộng của Giấc mơ Trung Hoa?
Giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương của ông Tập thể hiện rõ ý định của Trung Quốc về một cộng đồng châu Á thống nhất mà ở đó Trung Quốc đóng vai trò trung tâm, trong khi không hề nhắc đến sự hiện diện của Mỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Tập nhắc đến Giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương, trước đó, tại Hội nghị Hợp tác và Xây dựng Lòng tin tại châu Á (CICA) được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 5 năm nay, Giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương cũng đã được ông Tập đề cập đến.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, ông Tập mới chỉ bóng gió về ý tưởng về việc tạo ra một "châu Á vì người dân châu Á"- một tư tưởng cốt lõi trong Giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương của ông Tập khi ông kêu gọi phải hành động "trên tinh thần của cộng đồng châu Á- Thái Bình Dương".
Tại Hội nghị CICA, ông Tập nêu rõ rằng ý tưởng của ông là người châu Á sẽ tự giải quyết các vấn đề của mình thay vì có sự can dự từ bên ngoài (mà nhiều người hiểu là từ Mỹ).
Tương tự như vậy, tại Hội nghị APEC, ông Tập cũng nhấn mạnh ý tưởng "chia sẻ các vấn đề chung" của các nước châu Á và coi đó là nền tảng của giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương của ông.
Một điều đáng chú ý là Giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương của ông Tập tập trung nhiều vào khía cạnh kinh tế. Theo đó, ông Tập muốn thúc đẩy mục tiêu phát triển một nền kinh tế năng động hơn kèm theo nhiều thỏa thuận về thương mại tự do cũng như các khả năng hợp tác đầu tư trong tương lai.
Con Đường Tơ lụa- nền tảng của Giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương
Chính vì thế, giới phân tích nhận định, việc Trung Quốc thúc đẩy thành lập Khu vực Thương mại Tự do châu Á- Thái Bình Dương (FTAAP) chính là một mảnh ghép quan trọng trong việc Trung Quốc mở rộng Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa trên biển.
Vào cuối tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố Trung Quốc sẽ đóng góp 40 tỷ USD thành lập Quỹ Con đường Tơ lụa để xây dựng cơ sở hạ tầng cho dự án Con đường Tơ lụa trên biển và trên đất liền của Trung Quốc.
Bản đồ Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa. Ảnh AP
Khi mô tả dự án này, ông Tập Cận Bình nêu rõ, việc gây quỹ chính là rào cản quan trọng trong việc thống nhất và phát triển của toàn châu Á và Trung Quốc kỳ vọng Quỹ Con đường Tơ lụa có thể "phá vỡ mọi rào cản trong các hoạt động kết nối tại châu Á".
Các chuyên gia nhận định, việc thành lập Quỹ Con đường Tơ lụa cùng với dự án Ngân hàng Đầu tư Phát triển Cơ sở Hạ tầng châu Á, đang giúp Trung Quốc chiếm được ưu thế trong việc gắn kết các nền kinh tế trong khu vực và mạng lưới kinh tế toàn cầu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc hưởng lợi rất nhiều từ việc này.
Bên cạnh đó, trong khi mô tả về tương lai phát triển của châu Á, ông Tập nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong khu vực.
Trên thực tế, Trung Quốc đang là nền kinh tế hàng đầu trong khu vực và là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và ASEAN.
Như vậy với những sáng kiến mới của mình, Trung Quốc muốn biến vị thế hàng đầu về kinh tế của mình thành một lợi thế chiến lược để có thể hiện thực hóa Giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương của mình.
Chính vì vậy, tại Hội nghị APEC, ông Tập đã rất tự tin khẳng định rằng, rất nhiều nước đang muốn "cùng hội cùng thuyền với một Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ".
Tuy nhiên, ông Tập không hề nêu rõ những nước nói trên là những nước nào và thông điệp này của ông Tập sẽ khiến Mỹ, nước luôn nghi ngờ tham vọng thực sự của Trung Quốc trong khu vực, "đứng ngồi không yên".
Mỹ nằm ở đâu trong Giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương?
Các chuyên gia nhận định, Mỹ có lý do để lo ngại về Giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương bởi điều này sẽ tăng cường vai trò hàng đầu của Trung Quốc trong khu vực và sẽ làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Mỹ tại đây.
Một điều hiển nhiên là Mỹ không có chỗ trong sáng kiến Con đường Tơ lụa của Trung Quốc dù Trung Quốc luôn nói rằng sáng kiến này sẽ mở rộng ra toàn cầu chứ không chỉ là ở châu Á.
Hơn thế nữa, việc Trung Quốc theo đuổi mục tiêu xây dựng một "châu Á vì người châu Á" được coi là một "gáo nước lạnh" dội vào những lợi ích của Mỹ và các đồng minh trong khu vực.
Liệu Tổng thống Obama (phải) có chịu nhường lại vị thế dẫn đầu cho ông Tập Cận Bình? Ảnh AP
Các nhà phân tích Trung Quốc luôn khẳng định rằng Trung Quốc không muốn mình là "con ngáo ộp" trong khu vực, nhưng trên thực tế với những gì Trung Quốc đang làm, có thể thấy rõ rằng Trung Quốc đang muốn "cảnh báo" Mỹ không nên can thiệp vào các vấn đề trong khu vực.
Trung Quốc đã nói rõ rằn các dự án mới của mình, đặc biệt là các dự án kinh tế được mở rộng cho mọi quốc gia muốn tham gia. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là họ sẽ phải tuân thủ mọi luật lệ do Trung Quốc đề ra cũng như chấp nhận vai trò dẫn đầu của Trung Quốc đặc biệt khi nó liên quan đến lợi ích của Trung Quốc, bao gồm cả các tranh chấp trên Biển Đông.
Có thể Mỹ vẫn có chỗ trong Giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương của Trung Quốc nhưng như thế có nghĩa là Mỹ sẽ phải thay đổi toàn bộ cách thức tư duy và hành động trong khu vực.
Đây là điều mà không chỉ Mỹ mà nhiều nước khác trong khu vực như Ấn Độ cũng không chấp thuận. Đối với Washington, việc nhường lại vị thế dẫn đầu cho Trung Quốc là điều "gần như không thể./.
Theo Trần Khánh/VOV.VN
Tập Cận Bình nêu lên 'giấc mơ châu Á-Thái Bình Dương' Ông Tập Cận Bình hôm nay tại Bắc Kinh phát biểu về tầm nhìn của Trung Quốc cho một "giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương", gợi đến "giấc mơ Trung Quốc" mà ông thường nêu ra. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay phát biểu trong lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh các Tổng giám đốc APEC (CEO APEC)....